Không phải ngẫu nhiên mà Quân đội nhân dân Việt Nam được xã hội thừa nhận là một trong những môi trường tốt nhất để thanh niên rèn luyện, trưởng thành. Môi trường ấy được hình thành từ những giá trị bản chất truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hun đúc qua hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đồng thời ngày nay tiếp tục không ngừng hoàn thiện.
“Như một trường học lớn” - lời khen của Bác Hồ
Tháng 12-2000, đến dự và phát biểu tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu: “... Coi quân đội “như một trường học lớn”, đó là từ của Bác Hồ. Quân đội là trường học để bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa; giáo dục cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng lúc ở trong quân đội thì luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người quân nhân, khi phục viên, chuyển ngành thì tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ mới, tích cực xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Phẩm chất tốt đẹp ấy không tự nhiên mà có mà nó bắt nguồn từ chính mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta, một đội quân cách mạng ra đời từ nhân dân, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản chất tốt đẹp ấy được đúc kết trong lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Chính vì thế, không chỉ những năm kháng chiến mà cả trong thời bình, trở thành người chiến sĩ luôn là một trong những ước mơ, hoài bão của biết bao thế hệ thanh niên. Để đủ cân nặng vào quân ngũ, không ít người đã từng uống thêm nước, bỏ thêm gạch, đá vào túi quần. “Lúc còn thơ ngắm nhìn anh bộ đội. Thấy ngôi sao sáng ngời con thích lắm mẹ ơi”, “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ. Lá trên cành như anh trong đoàn quân”… - khát vọng trở thành anh bộ đội cũng từng đi vào bao ca khúc của tuổi trẻ.
Người lính mang trên mình bộ quân phục không đơn giản là thay đổi bộ trang phục dân sự sang quân sự mà là sự thay đổi về chất, mang trên mình mục tiêu, lý tưởng, trách nhiệm sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong và những kiến thức kỹ năng cần thiết; cũng là mang trên mình phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” từ anh Vệ quốc quân, người chiến sĩ Điện Biên đến anh Giải phóng quân và bao lớp cha anh khác…
Ảnh minh họa/qdnd.vn
Nơi rèn luyện toàn diện
Cụ thể hóa nội hàm của vấn đề “quân đội như một trường học lớn”, trong hội thảo kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, khi đó là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nay là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) đã phân tích: Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định là trường học lớn của tuổi trẻ: Rèn chính trị, rèn kỷ luật, rèn thể chất, rèn kỹ năng, rèn bản lĩnh...
Là trường học bồi dưỡng chính trị, thanh niên quân đội được rèn luyện phẩm chất chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có ý thức chính trị sâu sắc, hiểu thấu đáo trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có nhận thức chính trị sâu sắc, có đủ bản lĩnh để kịp thời phát hiện và “miễn dịch” trước các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”.
Là trường học rèn kỷ luật, mọi thanh niên khi nhập ngũ đều được rèn luyện trong một môi trường kỷ luật nghiêm minh, có tính kỷ luật cao; mọi vi phạm đều bị xem xét làm rõ, xử lý nghiêm minh, có lý, có tình.
Là trường học rèn thể lực, thể chất, thanh niên quân đội nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ, tăng cường khả năng chịu đựng trước sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như yêu cầu cao của nhiệm vụ.
Là trường học rèn luyện, trải nghiệm kỹ năng sống, ngoài việc thanh niên luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ, thanh niên quân đội còn được rèn luyện tinh thần đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng; tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ mọi người, chung tay vì cộng đồng xã hội. Qua các hoạt động thực tiễn, tuổi trẻ quân đội được trải nghiệm rất nhiều điều ý nghĩa, hiểu được giá trị của cuộc sống, tu dưỡng sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
“Môi trường hoạt động của quân đội hiện nay là cơ hội để thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành nhanh và vững chắc với 6 phẩm chất cơ bản: Cường tráng về sức khỏe; chững chạc về phong cách; trưởng thành về nhận thức; nghiêm chỉnh về kỷ luật; thành thạo về nghiệp vụ; giao tiếp ứng xử có văn hóa”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội) nhận xét: “Quân đội là môi trường rèn luyện rất tốt. Những quân nhân xuất ngũ trở về rõ ràng có độ trưởng thành, chín chắn. Họ được rèn luyện, tích lũy thêm nhiều thứ mà có thể trong cuộc sống bình thường không có được. Bởi vậy nên có thực tế là các đơn vị, xí nghiệp rất thích tuyển dụng những người đã từng là quân nhân. Dưới góc độ là đơn vị đào tạo kỹ năng, tôi thấy quân đội là môi trường giáo dục rất tốt, dù thời gian rèn luyện 1,5 năm chưa phải là nhiều”.
Cách đây hơn một năm, Báo điện tử Vnexpress từng mở chuyên đề bàn về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Báo đã ghi nhận ý kiến của rất nhiều bạn đọc, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân… khẳng định môi trường quân đội rất tốt. Bạn đọc nêu dẫn chứng, những khóa học trong quân ngũ cho trẻ em đang được phụ huynh ủng hộ chứng tỏ đây là môi trường nên để các em rèn luyện. Nhiều bạn đọc còn so sánh, khi đi làm ở nước ngoài, nhìn hồ sơ của các bạn Hàn Quốc thì thấy thường ghi "tham gia quân đội", coi đây là một niềm tự hào, một tiêu chí “tăng điểm” cho các nhà tuyển dụng.
Chỉ riêng trong 3 năm 2012-2015, các đơn vị trong và ngoài quân đội đã phối hợp tổ chức 276 lớp “Học kỳ trong Quân đội”, thu hút 24.179 học viên tham gia là các cháu từ 9-17 tuổi. Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết, qua các lớp học, các em có sự tiến bộ, trưởng thành, bỏ được các thói quen xấu. Nhiều bậc phụ huynh rất cảm động, bày tỏ sự vui mừng với sự chuyển biến tích cực của con em mình.
Khẳng định từ thực tế
Thực tế những năm qua, các địa phương trong cả nước luôn bảo đảm 100% chỉ tiêu được giao. Được rèn luyện trong môi trường quân đội còn trở thành nguyện vọng và lựa chọn của nhiều thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và cả cán bộ, công chức.
Tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhập ngũ ngày càng cao. Năm 2015, Hà Nội đạt gần 50%, TP Hồ Chí Minh: 39%, Hải Phòng: 20,2%, Đà Nẵng: 26%, Cần Thơ: 22,2%; các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đạt gần 10%. Năm 2016, tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhập ngũ trong toàn quân đạt 12,1% (tăng gần 1% so với năm 2015), riêng Hà Nội đạt 54%. Ngày càng nhiều thanh niên nhập ngũ là công chức, con cán bộ và công chức.
Từ năm 2016, quân đội còn ưu tiên tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm để nâng cao chất lượng và giảm đào tạo trong quân đội; chú trọng tạo nguồn cán bộ cơ sở, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị quân đội quan tâm dạy nghề và tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, triển khai Đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề trong quân đội giai đoạn 2013-2020” và Đề án “Dạy nghề cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự và giới thiệu việc làm sau khi xuất ngũ giai đoạn 2013-2020”.
Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo để tạo nguồn cán bộ như Thanh Hóa tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên từ chiến sĩ người dân tộc thiểu số quê ở các huyện vùng cao biên giới để xóa bản "trắng" đảng viên. Đến nay, 100% cán bộ quân sự tại 637 xã, phường, thị trấn ở Thanh Hóa đều đã trải qua quân ngũ, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của địa phương. Ðảng ủy Quân khu 5 có chủ trương đề ra chỉ tiêu có từ 1% đảng viên trở lên trong số thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự và gắn xây dựng nguồn cán bộ từ bộ đội xuất ngũ. Ở Quân khu 5 có nhiều địa phương làm tốt việc này như ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chủ động lựa chọn từ 1 đến 2 thanh niên ưu tú có trình độ từ trung cấp trở lên đang làm việc ở xã hoặc sinh viên mới ra trường để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng và khuyến khích họ nhập ngũ để tạo nguồn cán bộ. Từ năm 2011 đến nay, xã có 6 đảng viên nhập ngũ đều được địa phương bố trí công việc ổn định. Tỉnh Khánh Hòa giao các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tiếp nhận trở lại những quân nhân nhập ngũ là công chức, viên chức của đơn vị mình.
Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị luôn có nhiều công chức, cử nhân nhập ngũ, trong đó có nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ ở lại phục vụ quân đội lâu dài hoặc khi về địa phương đã phát triển lên cán bộ chủ tịch UBND phường, phó bí thư Đảng ủy phường, trưởng công an xã, phường…
Không phải ngẫu nhiên mà trong các nội dung tuyển dụng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp hiện nay thường có thêm dòng thông tin “ưu tiên bộ đội xuất ngũ”. Đây không chỉ là thông tin thể hiện sự quan tâm, chính sách mà còn thể hiện sự tin cậy những người được rèn luyện qua môi trường quân đội. Ông Nguyễn Một, Tổng giám đốc truyền thông của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải cho biết, mỗi năm công ty tuyển dụng hàng nghìn công nhân làm việc trong các nhà máy và thực tế cho thấy, những người đã qua quân ngũ luôn nằm trong số làm việc tốt nhất và được ưu tiên tuyển dụng.
Tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn, đánh giá rất cao sự cần thiết rèn luyện quân sự. Từ năm 2014, tất cả những người mới tuyển dụng vào Viettel đều phải trải qua khóa huấn luyện quân sự một tháng. Khóa huấn luyện này không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn rèn luyện ý chí, bản lĩnh của người lính. “Năm 2014, Viettel đã tổ chức huấn luyện cho gần 2.500 nhân viên tại Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Lữ đoàn 144/Bộ Tổng tham mưu, đạt kết quả rất tốt. Các đồng chí sau khi huấn luyện đã trở nên chững chạc hơn, kỷ luật hơn, trưởng thành hơn, yêu quân đội hơn, yêu Viettel hơn. Sau khi kết thúc thành công 3 khóa huấn luyện, Viettel đã đưa huấn luyện quân sự thành hoạt động thường xuyên đối với tất cả các đơn vị. Chúng tôi coi đây là một giai đoạn quan trọng để phát triển tập đoàn”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Thực tế trên một lần nữa khẳng định, quân đội thực sự là trường học lớn, là môi trường tạo ra rất nhiều cơ hội rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành của tuổi trẻ. Được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ luôn là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ người Việt Nam như nhà thơ Vũ Cao đã viết: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Sẽ mãi là sao sáng dẫn đường”.
Nhóm PV Báo QĐND
Tâm Trang (st)