Kêu gọi “Việt Nam không cần chống diễn biến hòa bình nữa”(!) đang là chiêu bài mới của các thế lực chống cộng, nhưng cũng mê hoặc được không ít người. Chúng ta cần nhận diện rõ chiêu bài này, để không mắc mưu.
Thủ đoạn mới, mục đích cũ
Từ chỗ phủ nhận sự hiện diện của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, coi đó là “con ngáo ộp” mà Đảng Cộng sản Việt Nam “hù dọa” nhân dân; gần đây, những người thiếu thiện chí với sự lãnh đạo của Đảng lại khẳng định: “Việt Nam không cần chống diễn biến hòa bình nữa”(!). Thế là từ phủ nhận, nay lại thừa nhận, nhưng để dễ bề lừa gạt dư luận và làm cho mọi người mất cảnh giác, họ nói rằng: “Chiến lược này đã kết thúc sứ mệnh, do các “cựu thù” đã thành đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược của Việt Nam”(!).
Luận điểm này được tuyên truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông phương Tây, nhất là sau các sự kiện: Việt Nam và Mỹ tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (tháng 7-2013) trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma lần lượt đến Hoa Kỳ và Việt Nam trong các chuyến thăm chính thức (tháng 7-2015 và tháng 5-2016). Thêm nữa, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…” cũng được người ta che giấu mối liên hệ giữa “diễn biến hòa bình” với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để xuyên tạc rằng: “Hiện nay, Đảng không còn yêu cầu chống diễn biến hòa bình nữa, mà tập trung vào chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên”(!).
Có thể khẳng định ngay rằng, sự thay đổi thái độ nói trên chỉ là thủ đoạn mới, nhằm thực thi chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong bối cảnh mới ở Việt Nam có hiệu quả hơn. Thủ đoạn đó rất tinh vi và vô cùng nguy hiểm, bởi nó sẽ tạo nên sự mơ hồ, mất cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là những người không biết tường tận về bản chất, thủ đoạn của chiến lược này. Trên cơ sở đó, họ có thể đạt được mục đích cuối cùng là thủ tiêu chủ nghĩa xã hội, như chính cựu Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn tuyên bố trong cuốn sách “1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”. Vì thế, trong khi “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”1, chúng ta phải thường xuyên đề cao cảnh giác, kiên trì thực hiện phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, kiên quyết làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
Cuộc chiến chống “diễn biến hòa bình” vẫn còn tiếp tục, bởi các lý do: Trước hết, do mục đích cuối cùng và xuyên suốt mà chiến lược “Diễn biến hòa bình” đặt ra là xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội vẫn còn ở phía trước. Nhìn lại quá trình hình thành và hoàn chỉnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” có thể thấy: Từ khi chỉ là ý tưởng (cuối những năm 40 của thế kỷ XX), đến khi trở thành chiến lược hoàn chỉnh (cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX), “Diễn biến hòa bình” bao giờ cũng là bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, nhằm mục đích xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên mọi phương diện; dù cho đó chỉ là một hệ tư tưởng, một xu thế phát triển, một phong trào hiện thực, hay là một hình thái kinh tế - xã hội, một hệ thống giá trị đã tồn tại, v.v. Do vậy, một khi chủ nghĩa xã hội còn, dưới hình thức nào, thì chiến lược “Diễn biến hòa bình” chưa vãn hồi sứ mệnh như người ta lòe bịp. Theo đó, cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục diễn ra, như một tất yếu. Và đương nhiên Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Thứ hai, đây là cuộc chiến khó phân biệt chiến tuyến, nhưng diễn ra một cách dai dẳng, rất quyết liệt, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Diễn biến hòa bình” là sự kế tục thứ chính trị của các thế lực chống cộng, nhưng bằng thủ đoạn phi vũ trang; phản ánh tính chất phức tạp, lâu dài của cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản phản động. Sử dụng những cuộc tiến công “ngầm”, “mềm” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông qua các chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”… kiểu Mỹ, “diễn biến hòa bình” hướng mục tiêu vào xây dựng các nhân tố đối lập với Đảng Cộng sản và các giá trị của chủ nghĩa xã hội ngay trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó mà thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ các nước này. Phương châm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” là kết hợp phá từ trong nội bộ với hỗ trợ từ bên ngoài; kết hợp tạo sự chuyển hóa từ bên trong và bên trên với bạo loạn, lật đổ khi có thời cơ, để xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì thế, các thủ đoạn của “diễn biến hòa bình” rất tinh vi, khó thấy, khó phân tuyến, diễn ra dai dẳng, qua nhiều thế hệ. Chính cựu Tổng thống Mỹ R. Ních -xơn, trong cuốn sách của mình, đã khẳng định: “Về lâu dài, chúng ta có thể khuyến khích “diễn biến hòa bình” trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa, song nhiệm vụ đó không thể hoàn thành trong mấy chục năm mà phải làm trong nhiều thế hệ”. Để triển khai tư tưởng chiến lược đó ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động nuôi hy vọng dùng “cộng sản con lật cộng sản cha”. Vì thế, đây là cuộc chiến không hồi kết, một khi Việt Nam vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, Việt Nam vẫn đang là một trọng điểm chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Là quốc gia đang tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với vị trí địa chiến lược ở Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam luôn được các thế lực thù địch coi là một trọng điểm chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”. H. Kít-xinh-giơ, nguyên Ngoại trưởng, Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ, từng nói: “Những người cộng sản Việt Nam đã thắng trong chiến tranh, nhưng họ sẽ thua trong hòa bình. Trước đây, cộng sản dùng súng để đuổi người Mỹ ra khỏi Sài Gòn, ngày nay người Mỹ sẽ dùng đô-la để đuổi cộng sản ra khỏi Sài Gòn”2. Ngay trong Tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (11-7-1995), Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn cũng không giấu ý đồ chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam, khi nói: “Tôi tin rằng việc bình thường hóa và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam, như đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây”. Còn phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhân chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma không quên “gợi ý” Việt Nam thực hiện các vấn đề về nhân quyền, như: “Tự do ngôn luận”, “tự do lập hội”, “tự do biểu tình”,... theo chuẩn mực Mỹ - những thứ mà các thế lực thù địch vẫn dùng trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá Việt Nam.
Cũng phải thấy rằng, sự phát triển các quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với nhiều nước (không phân biệt chế độ chính trị) và nhiều tổ chức quốc tế đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, với tính chất hai mặt của chính quyền một số nước phương Tây, nên trong thực tế vẫn tồn tại những âm mưu, hoạt động lợi dụng sự phát triển các quan hệ hợp tác để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống Việt Nam.
Nổi bật là sự hỗ trợ (với mức độ, hình thức khác nhau) của chính quyền một số nước đối với những cá nhân, tổ chức thù địch với Việt Nam3, để gia tăng các hoạt động chống phá. Họ vẫn lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do tôn giáo”,… theo chuẩn mực Mỹ để vu khống Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; lấy đó làm động lực hỗ trợ về mặt chính trị, tinh thần cho các thế lực chống phá ở trong nước. Bất chấp sự phát triển các quan hệ hợp tác ở tầm “đối tác toàn diện” hay “đối tác chiến lược”, số người cực đoan tại Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU); các cơ quan, tổ chức, như: Bộ Ngoại giao, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, Nghị viện Châu Âu, Tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRW),… vẫn tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành các nghị quyết xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tung ra các báo cáo nhân quyền toàn cầu, gần đây nhất là tháng 4-2016, trong đó tiếp tục xuyên tạc tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Một số nghị sĩ trong Hạ viện Mỹ, như: A. Lâu-en-tan, L. San-chét, F. Vôn-phơ, T. X-mít, E. Roi-se,… vẫn thường xuyên đưa ra ý kiến, hay tạo điều kiện để người khác vu khống, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam; hoặc thúc đẩy thông qua các Dự luật nhân quyền cho Việt Nam; vận động để Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại “Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC)”. Ngày 08-12-2016, tại Hội thảo nhân Ngày Quốc tế nhân quyền, do Ủy ban nhân quyền Tom Lantos (thuộc Hạ viện Mỹ) tổ chức, nghị sĩ A. Lâu-en-tan đã xuyên tạc mục đích Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; xem đó là sự “gia tăng đàn áp tôn giáo”, “siết chặt quyền tự do tôn giáo của hàng triệu người dân”, rồi lặp lại luận điệu “nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm, v.v.”(!). Tổ chức RSF có trụ sở chính ở Pháp, hằng năm cũng tự cho mình quyền phán xét tình hình tự do báo chí ở các nước. Trong bản Phúc trình năm 2016 (công bố ngày 20-4-2016), RSF tiếp tục xuyên tạc tình hình ở Việt Nam, khi cho rằng: “các blogger và nhà báo công dân, những nguồn thông tin độc lập tại Việt Nam, là đối tượng của một chủ trương đàn áp rất khắc nghiệt”(!). Đầu năm nay, Freedom House có trụ sở tại Mỹ cũng tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia không có tự do”(!) trong bản Báo cáo xếp hạng tự do toàn cầu năm 2017.
Được sự hậu thuẫn, móc nối của các thế lực thù địch ở nước ngoài, một số phần tử phản động, cơ hội, thoái hóa, biến chất ở trong nước cũng không ngừng các hoạt động chống phá. Chúng ra sức phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chứng minh “sự du nhập chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam là sai lầm”; tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin; cố tình cho rằng “con đường Bác Hồ chọn không phải là chủ nghĩa xã hội”(!). Để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chúng phủ nhận những thành tựu của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013, kêu gọi thực hiện “chế độ đa đảng”. Chúng đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc lịch sử, nhằm đổi trắng thay đen, gây lẫn lộn giữa người có công và kẻ có tội, giữa người cách mạng và kẻ phản cách mạng. Lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, như: Chủ quyền trên Biển Đông, sự cố môi trường 04 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa gây ra, những vấn đề liên quan đến sinh hoạt tôn giáo, dân tộc, dân chủ ở một vài địa phương, chúng kích động nhân dân biểu tình, gây rối, phá hoại đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phá hoại sự ổn định chính trị của đất nước, tạo dựng các “nguyên cớ” để khi có thời cơ thì tiến hành bạo loạn, cướp chính quyền. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chúng ra sức hô hào “phi chính trị” hóa quân đội và công an; đòi các lực lượng này chỉ bảo vệ đất nước và nhân dân, chứ không bảo vệ Đảng (!).
Tất cả thực tiễn đó cho thấy: Các thế lực thù địch không từ bỏ thực hiện “diễn biến hòa bình” với nước ta; và cuộc chiến, theo đó, vẫn tiếp diễn.
Giải pháp giành chiến thắng
Chống “diễn biến hòa bình” là cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong bối cảnh mới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu của “diễn biến hòa bình” là rất thâm độc, nhưng có đạt được hay không lại phụ thuộc vào chính chúng ta. V.I. Lê-nin từng căn dặn: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”4. Vì thế, để giành thắng lợi trong cuộc chiến này, chúng ta cần xây dựng nội bộ mình thật sự vững mạnh. Theo đó, phải phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và phương hướng cơ bản mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đề ra. Trong khi phấn đấu thực hiện tốt 06 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII xác định, cần coi trọng tiến hành một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bản chất, mục đích, các thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình”; về mối quan hệ chặt chẽ giữa “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để mọi người chủ động rèn luyện, nâng cao cảnh giác, không mơ hồ, mắc mưu những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là giải pháp có tính quyết định để vô hiệu hóa sự tác động của “diễn biến hòa bình”; bởi mục tiêu hướng tới của chiến lược này là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, qua đó hòng dùng chính bàn tay chúng ta để xóa bỏ chế độ chính trị của chúng ta.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa chủ động ngăn chặn, phòng ngừa từ xa, với chủ động tiến công từ trong “trứng nước”, từ nơi xuất phát các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; không để chúng nhen nhóm gây dựng “ngọn cờ”, hình thành các tổ chức đối lập. Để thực hiện được, phải dựa vào “tai, mắt” của nhân dân. Muốn vậy, cấp ủy và chính quyền các cấp phải hết sức chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời giải tỏa những bức xúc của dân trong quan hệ với chính quyền. Trên cơ sở đó để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, vô hiệu hóa mọi mưu đồ, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Tiến hành đồng bộ các giải pháp xây dựng và bảo vệ đất nước, kết hợp “xây” và “chống” trên mọi lĩnh vực; lấy xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh là cốt lõi, phải là liệu pháp căn bản để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống “diễn biến hòa bình”./.
________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 153.
2 - Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương - Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch, H. 2005, tr. 60-61.
3 - Tiêu biểu như: Ở trong nước có Khối 8406; ở Mỹ có Đảng Việt Tân, Quỹ Người Thượng (MFI), Ủy ban Cứu trợ Thuyền nhân (BPSOS), Liên minh dân chủ Việt Nam, Nhà Tự do (Freedom House),…; ở Ba Lan có Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam; ở Pháp có Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF); Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA) gồm các thành viên: BPSOS (tại Hoa Kỳ), Hiệp hội Nhân quyền quốc tế (tại Đức), Liên hội người Việt Ca-na-da (tại Ca-na-da), v.v.
4 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 42, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 311.
NGUYỄN NGỌC HỒI
Nguồn http://tapchiqptd.vn
Trần Thanh Huyền (st)