Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay, đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả bước đầu, có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa hiểm họa này. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Ủy ban kiểm tra các cấp với công tác phòng, chống tham nhũng

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng. 

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, UBKT Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 31 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng và ban hành 39 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm cơ sở cho UBKT các cấp thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra đối với 69 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, trong đó có kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công; việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI; sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án...; kiểm tra người đứng đầu cơ quan, tổ chức đảng các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, đã góp phần giải quyết các vụ, việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, khuyết điểm; xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; thu hồi tiền, tài sản, đất đai cho Nhà nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những chính sách, pháp luật không còn phù hợp hoặc còn thiếu...

Thực tế hiện nay cho thấy, phát hiện và thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng mà có đang là vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm và được đánh giá là một trong những khâu yếu nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Khi xử lý các vụ, việc tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm không chỉ đến hình phạt đối với người tham nhũng mà còn quan tâm đến việc phát hiện và thu hồi tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt hoặc bị thất thoát. Thu hồi tiền và tài sản tham nhũng không những khắc phục được hậu quả nguy hiểm của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho đất nước mà còn có ý nghĩa cảnh báo, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Nếu tiền, tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng chưa triệt để và chưa thực sự hiệu quả.

Thực tế cho thấy, số lượng tiền và tài sản bị chiếm dụng, thất thoát trong các vụ, việc, vụ án tham nhũng là rất lớn và một điều nhức nhối là hầu hết vi phạm, tội phạm trong các vụ tham nhũng lớn gần đây lại là đảng viên, là cán bộ chủ chốt các đơn vị. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, các đối tượng tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức, có sự tính toán tinh vi để che giấu tội, như hợp thức hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, cất giấu, tẩu tán tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm dụng... nên khi bị phát hiện không còn khả năng bồi hoàn tài sản, khắc phục hậu quả.

Theo kết quả thống kê, năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10% tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng gây ra, năm 2014 tỷ lệ đó đạt hơn 22%, năm 2015 là 55,8%. Kết quả trên cho thấy, thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng chưa triệt để, gây nhiều bức xúc nhất trong xã hội hiện nay.

Trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ tham nhũng được phát hiện và bị truy tố được dư luận đặc biệt quan tâm, như: các vụ tham nhũng ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; các vụ án làm thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngìn tỷ đồng như vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm ở Vinashin; vụ án Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đồng phạm ở Vinalines; vụ án tham nhũng của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại Ngân hàng Công thương Việt Nam; vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và nhiều vụ việc khác đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, của tập thể và cá nhân... Tuy nhiên, việc phát hiện, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi được là rất nhỏ so với tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra 55.250 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu về tham nhũng, cố ý làm trái và kiểm tra 263 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đã thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm về tham nhũng và cố ý làm trái; giải quyết tố cáo đối với 1.303 đảng viên về tham nhũng và cố ý làm trái và 6 tổ chức đảng có vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm.

Về kiểm tra tài chính đảng, thu chi ngân sách và sản xuất, kinh doanh, đã kiểm tra 7.825 tổ chức đảng, trong đó nội dung vi phạm gồm thất thoát do tham ô, tham nhũng, lãng phí là 1.113 tỷ đồng, để ngoài sổ sách kế toán 1.493 tỷ đồng, chi sai chế độ 970,145 tỷ đồng và xuất toán thu hồi trên 87 tỷ đồng và các vi phạm khác là 316,903 tỷ đồng. Đề nghị xuất toán trên 87,312 tỷ đồng, hạch toán lại 991,607 tỷ đồng và giao đơn vị xử lý 205,552 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện xuất toán và thu hồi là 4,355 tỷ đồng. Qua kiểm tra có 267 đảng viên vi phạm về tài chính, trong đó phải thi hành kỷ luật 40 và đã thi hành kỷ luật 11.

Điển hình gần đây, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011 - 2016 và một số cá nhân, UBKT Trung ương kết luận: Cơ quan Thường trực này đã vi phạm về việc buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để Văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán cơ quan vi phạm các quy định về quản lý tài chính, để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ số tiền hơn một trăm tỷ đồng.

Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tập đoàn và một số công ty trực thuộc không bảo toàn được vốn chủ sở hữu; hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng, trong đó nhiều công ty thua lỗ liên tục 2 năm trở lên. Vi phạm trong quản lý các khoản nợ phải thu, phải trả và việc trích lập quỹ; trong việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý và sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư. Đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, mặc dù đã được các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo Dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc Tập đoàn vẫn trình cấp có thẩm quyền quyết định triển khai, dẫn đến nhà máy liên tục thua lỗ với số tiền trên 2.500 tỷ đồng. Nhiều dự án Tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng. Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc Tập đoàn thiếu kiểm tra, giám sát để Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình thay đổi thiết bị xuất xứ từ các nước EU, G7 sang thiết bị của Trung Quốc không đúng với hợp đồng; có nhiều vi phạm trong ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán với nhà thầu, chậm quyết toán hoàn thành dự án; một số dự án sai phạm từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán và thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, làm tăng tổng mức đầu tư; có dự án phải tạm dừng thanh toán cho nhà thầu do không có kinh phí.

Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm mà vẫn được Tập đoàn điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp điều động, bổ nhiệm chức vụ cao hơn; để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị khai trừ ra khỏi Đảng và bị xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn; chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.

Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17-8-2009, có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn. Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy: Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động tại BIDV.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG (Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra số 355/KL-TTCP, ngày 14-3-2018). Qua kiểm tra cho thấy, Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án trên.

Và nhiều vụ, việc tham nhũng khác được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát khi được UBKT Trung ương và UBKT các cấp kết luận đã khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân bức xúc. Những kết quả mà UBKT Trung ương và UBKT các cấp đạt được trong thời gian qua đã xây dựng được niềm tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân đối với UBKT các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Kết quả kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng cho thấy nội dung vi phạm về tài chính của tổ chức, đảng viên chủ yếu thuộc các lĩnh vực, như vi phạm về quy định quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ bản, đền bù giải phóng mặt bằng, mua sắm tài sản công, chi chế độ đi công tác, hội nghị, tiếp khách... chiếm 60,8% tổng số tiền phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý ngân sách đảng trong sản xuất, kinh doanh; thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí, chế độ đi công tác, hội nghị, tiếp khách, thăm viếng, điện thoại... chiếm 17,1% tổng số tiền phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tiền quỹ của đơn vị hoặc tiền đóng góp của tập thể, cá nhân, chiếm 4,9% tổng số tiền vi phạm phải thu hồi. Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng các nguồn tiền khác, chiếm 17,1% tổng số tiền vi phạm phải thu hồi.

Những năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2017, UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3.601 tổ chức đảng và 10.379 đảng viên, trong đó có 5.495 cấp ủy viên các cấp, chiếm 52,9% (tăng 25% số tổ chức, 9% đảng viên so với năm 2016), trong đó:

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra 12 tổ chức và 16 đảng viên(1), trong đó có 3 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng nhiệm kỳ XI, XII. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 đảng viên(2); đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng bằng hình thức cảnh cáo(3) và 10 đảng viên từ cảnh cáo đến cách chức(4); đề nghị tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng. Các cuộc kiểm tra được chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, có hiệu quả, xử lý nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên ghi nhận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. 

Đáng chú ý là, tại Thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Sau khi kết luận rõ các vi phạm, khuyết điểm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; cách chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đối với đồng chí Bí thư Thành ủy; đã kiến nghị thanh tra, điều tra những vi phạm về quản lý đất đai trên địa bàn. 

Qua kiểm tra đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật bằng các hình thức từ cảnh cáo đến khai trừ đối với 4 đồng chí nguyên là lãnh đạo Tập đoàn; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015. Qua kiểm tra Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Nam và Hà Tĩnh, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ... và các cán bộ, đảng viên có liên quan, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nghiêm minh, đồng thời chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 3.589 tổ chức đảng và 10.363 đảng viên về việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, quy định về những điều đảng viên không được làm, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung kiểm tra những lĩnh vực nổi cộm, dễ phát sinh vi phạm mà dư luận quan tâm, như tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, đầu tư xây dựng, quản lý kinh tế, tài chính, đất đai, khoáng sản... Qua kiểm tra, có 2.398 tổ chức đảng (66,8%), 8.453 đảng viên (81,6%) có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 173 tổ chức (chiếm 7,2% số tổ chức vi phạm), 3.761 đảng viên (chiếm 44,5% số đảng viên vi phạm). Một số đảng bộ kiểm tra được nhiều, như Nghệ An (500 tổ chức, 797 đảng viên), Thành phố Hồ Chí Minh (488 tổ chức, 744 đảng viên), Ninh Bình (357 tổ chức, 600 đảng viên). Ủy ban kiểm tra một số tỉnh thực hiện nhiều, như Hà Nội (25 tổ chức, 57 đảng viên), Thanh Hóa (12 tổ chức, 57 đảng viên).

Nhìn tổng thể, UBKT các cấp được giao thực hiện nhiệm vụ giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng từ khâu phát hiện, thẩm tra, xác minh đến xem xét, kết luận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp ủy có thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng. Do đó, để cụ thể hóa chức năng của UBKT trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, giúp tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”, cần phải có quy định riêng của Đảng về vấn đề này, bảo đảm sự đồng bộ với các văn bản của Đảng trên các lĩnh vực. Quy định số 01-QĐ/TƯ, ngày 10-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng, chống tham nhũng tăng thêm một số thẩm quyền và trách nhiệm cho UBKT:

Thứ nhất, quá trình kiểm tra, được niêm phong tài liệu liên quan đến vi phạm. 

Thứ hai, trường hợp cần thiết, yêu cầu đảng viên đến cơ quan UBKT giải trình làm rõ các vấn đề liên quan.

Thứ ba, được yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản. 

Thứ tư, có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có biểu hiện bỏ trốn.

Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp có nhiều chuyển biến mới, đã tích cực, chủ động và kịp thời hơn, bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện thuận lợi để UBKT Trung ương và UBKT các cấp tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Qua kiểm tra, đã đánh giá đúng ưu điểm, chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm và xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những bất cập, chồng chéo, sơ hở trong các quy định, cơ chế, chính sách,...

Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhiệm vụ do cấp ủy giao; đồng thời, tích cực, chủ động triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định. Toàn ngành hoàn thành khối lượng lớn các cuộc kiểm tra, giám sát, các chỉ số đều tăng cao; trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm, thực hiện được tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị tổng kết năm 2016 “làm việc gì ra việc đó, đến đâu xử lý đến đó, xử lý không có “vùng cấm”; “công tác kiểm tra phải chủ động đi trước”, thể hiện quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với tinh thần quyết tâm, không ngại va chạm, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, UBKT các cấp đã kiểm tra, kết luận, làm rõ nhiều vụ, việc, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước. 

Tiếp tục đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ

Hầu hết các cuộc kiểm tra đã xác định đúng và trúng nội dung, đối tượng, việc xử lý và đề nghị xử lý vi phạm thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giám sát chuyên đề được chú trọng, việc giải quyết tố cáo, khiếu nại kịp thời. Việc thi hành kỷ luật cơ bản bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, dân chủ, khách quan. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được thực hiện với tinh thần “trị bệnh cứu người”, trách nhiệm, tính đảng cao, làm rõ bản chất sự việc để kết luận, khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm minh vi phạm. 

Ủy ban kiểm tra các cấp đã phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn với các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Nhiều vụ, việc, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã chủ động đi trước trong cả khâu phát hiện, thẩm tra, xác minh và xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của UBKT các cấp còn những hạn chế, bất cập, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Một số UBKT tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát còn dàn trải, chưa tập trung vào những nội dung trọng tâm, lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh sai phạm, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm; chưa tập trung vào cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Việc tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu là kiểm tra chấp hành nên khó phát hiện hành vi tham nhũng, biện pháp xử lý chủ yếu là rút kinh nghiệm, phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh những khuyết điểm, vi phạm, chưa xử lý kỷ luật hoặc xử lý kỷ luật được rất ít tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. 

Một số UBKT các cấp chưa chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên về tham nhũng, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực đặc thù, như y tế, quốc phòng, an ninh, tư pháp, nghiên cứu khoa học. Một số nơi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm và tiến hành kiểm tra, nhưng chủ yếu là kiểm tra các nội dung đã rõ, đơn giản, ít liên quan trực tiếp đến cán bộ chủ chốt ở các cấp; hầu hết chưa kiểm tra được cấp ủy viên cùng cấp. Việc giải quyết tố cáo về tham nhũng gặp nhiều trở ngại, nhất là khó làm rõ được chứng lý vi phạm để kết luận được chuẩn xác...

Mặt khác, việc tố cáo không chỉ có nội dung tham nhũng, lãng phí, mà còn nhiều nội dung khác, nên quá trình giải quyết tốn nhiều thời gian, công sức. Chỉ kiểm tra được tài chính của cấp ủy cấp dưới, ít kiểm tra được tài chính của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp, nơi đã kiểm tra cũng khó chỉ ra được dấu hiệu sai phạm về tham nhũng, chưa tập trung kiểm tra quản lý chi tiêu ngân sách thường xuyên, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu của Đảng; việc thực hiện kết luận của cấp có thẩm quyền về thu hồi tài sản vi phạm chưa triệt để, kéo dài. Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa thực sự quyết liệt, chưa “vào cuộc” với vai trò của một tổ chức tiền phong trong tự đấu tranh, tự phê bình và phê bình; tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều địa phương, đơn vị.

Nguyên nhân là do UBKT các cấp chưa chủ động, chậm phát hiện các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của UBKT còn ít; việc thu hồi, xử lý tiền vi phạm qua kiểm tra còn lúng túng. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, sơ hở, thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; khó khăn trong việc thu thập chứng cứ do người vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn, thường có hiểu biết chuyên môn sâu, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi vi phạm. Vi phạm về tham nhũng được che đậy tinh vi, khó phát hiện, trong khi việc giải quyết tố cáo, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng bằng phương pháp công tác kiểm tra của Đảng khó phát hiện vi phạm để kết luận, xử lý; việc phối hợp với các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giải quyết tố cáo còn hạn chế.

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, UBKT các cấp cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động triển khai các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng.

Phát huy vai trò tham mưu, giúp cấp ủy của UBKT trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định về phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy, tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tăng cường cán bộ cho UBKT các cấp để có đủ điều kiện, khả năng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Ủy ban kiểm tra các cấp cần làm tốt công tác tham mưu, giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước; nghiên cứu đổi mới cách thức kiểm tra, giám sát của cấp ủy để nâng cao khả năng phát hiện các hành vi tham nhũng. Tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh phát hiện và kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, ngân hàng, thuế, hải quan, tư pháp, cấp phép đầu tư, bảo hiểm xã hội. 

2- Nâng cao hiệu quả về phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng. 

Coi trọng việc phát hiện tài sản tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong những năm tới, cần có các biện pháp để nâng cao hơn nữa việc phát hiện tài sản tham ô, tham nhũng thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Cần tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Thành lập đoàn công tác liên ngành bao gồm cán bộ các cơ quan kiểm tra đảng, thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát để phối hợp xử lý vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cần công khai hóa kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kết quả xử lý các vụ, việc tham nhũng. Tăng cường tiếp nhận, phát hiện tài sản tham nhũng qua đơn tố cáo của công dân. Xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện tài sản do tham nhũng mà có. Tạo điều kiện để cơ quan báo chí và phóng viên thực hiện tốt chức trách nghề nghiệp của mình trong việc tham gia đưa tin về các vụ, việc tham nhũng và xây dựng quy chế trả lời của cơ quan, tổ chức đối với báo chí.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng. Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, cần chú trọng hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thu hồi tài sản tham nhũng; coi tiêu chí thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo quan trọng của việc đánh giá hiệu quả công tác này.

Đồng thời, tăng cường phối hợp công tác kiểm tra của Đảng với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan khác để tăng cường việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có quy chế phối hợp với Ban Cán sự đảng các cơ quan tư pháp ở Trung ương, tuy nhiên sự phối hợp mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin. Trong xây dựng Quy chế phối hợp, UBKT có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc của các tài sản đó. Tiến tới sẽ thực hiện việc xác định nếu nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ được thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Để tăng cường việc phát hiện và thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng mà có cần nghiên cứu thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp và vận dụng phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong phòng, chống tham nhũng trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với vấn đề phát hiện và thu hồi tài sản do tham nhũng và tăng cường sự kiểm tra của UBKT các cấp đối với đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng.

Cấp ủy và UBKT các cấp, đặc biệt là Bộ Chính trị ban hành các quy định để điều chỉnh hoạt động của đảng viên, hiện nay, quan trọng nhất là Quy định về xử lý tiền và tài sản vi phạm thu được qua công tác kiểm tra của Đảng. Đồng thời, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TƯ, ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng theo hướng tăng cường độc lập xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tránh sự can thiệp quá sâu hay sự “buông lỏng” của cấp ủy vào hoạt động xét xử.

3- Về mô hình và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra.

Thời gian tới, cần nghiên cứu mô hình cơ quan chống tham nhũng chuyên trách tại UBKT Trung ương. Về tổ chức bộ máy, cần thành lập Cục Giám sát trực thuộc UBKT Trung ương để tham mưu giúp UBKT Trung ương Giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Nghiên cứu mô hình sáp nhập cơ quan thanh tra với UBKT. Thành lập Viện Khoa học Kiểm tra của Đảng. Thành lập Trung tâm hoặc Học viện Kiểm tra để đào tạo cán bộ kiểm tra chuyên sâu, chuyên nghiệp. Tiến tới Đại hội Đảng bầu UBKT các cấp. Xây dựng hệ thống tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Ủy ban Kiểm tra các cấp có vị thế độc lập trong kiểm tra và xử lý đối với những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng.

Xây dựng và hoàn thiện bộ máy của Đảng và các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện tài sản tham nhũng. Công tác kiểm tra của Đảng và của UBKT các cấp chủ yếu dựa trên tính tự giác, tự phê bình và phê bình là chính. Điều đó chỉ phù hợp với những vi phạm thông thường của đảng viên nhưng lại không phù hợp với hành vi tham nhũng trong xã hội hiện nay. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu và đề xuất nhằm nâng cao vị thế, tăng thẩm quyền, nhất là áp dụng một số biện pháp đặc thù trong thẩm tra, xác minh của UBKT các cấp nhằm tăng tính hiệu quả trong xử lý, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

4- Xử lý nghiêm minh những trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, đảng viên có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào, không có “vùng cấm”, “vùng trống”, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Những đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, uy tín giảm sút, dù cơ quan chức năng chưa kết luận, cấp ủy vẫn phải xem xét, cân nhắc bố trí công việc khác cho phù hợp. Trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Qua giám sát, phát hiện có dấu hiệu vi phạm tham nhũng thì tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý kịp thời, nghiêm minh về kỷ luật đảng; nếu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan pháp luật điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật, kiên quyết không để lại xử lý nội bộ. Làm rõ đến đâu xử lý đến đó, bất kể người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra; đã kết luận có hành vi phạm tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Xây dựng chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tôn vinh những tấm gương liêm chính, trách nhiệm, dũng cảm trong đấu tranh chống tham nhũng.

TS. Tô Quang Thu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Nguyễn Thị Hương (st)

(1) 1 Ban Chỉ đạo, 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, 1 Ban Cán sự Đảng bộ, 4 Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, 4 Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn, ngân hàng và đơn vị quân đội.

(2) Khiển trách 1, cảnh cáo 8, cách chức 6, khai trừ 3 đảng viên.

(3) Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Bài viết khác: