Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

lao dong nu
Lao động nữ - Ảnh minh họa (Nguồn internet)

1. Cách áp dụng lương hưu mới đối với lao động nữ từ 01/01/2018


Theo quy định tại Khoản 2 Ðiều 56 và Khoản 2 Ðiều 74 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 thì từ ngày 01/01/2018, số năm đóng BHXH để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nam là 31 năm vào năm 2018, 32 năm vào năm 2019, 33 năm vào năm 2020, 34 năm vào năm 2021, 35 năm từ năm 2022 trở đi. Ðối với lao động nữ là 30 năm từ năm 2018 trở đi. Việc quy định điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014 có một số ưu điểm là bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng; bảo đảm tốt hơn khả năng bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất khi quy định thay đổi ngay công thức tính lương hưu của nữ từ năm 2018 thay vì đổi dần dần trong vòng 5 năm; tỷ lệ hưởng lương hưu tính thêm cho mỗi năm đóng BHXH sau năm thứ 20 của nam và sau năm thứ 15 của nữ là giống nhau (2%) là công bằng hơn so với Luật BHXH năm 2006 (nam là 2%, nữ là 3%). Tuy nhiên, quy định này gây "thiệt thòi" cho lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018.

Quy định mới này đã làm nảy sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 01/01/2018. Cụ thể là, quy định công thức tính lương hưu của nam được thay đổi dần trong vòng 5 năm, còn của nữ thay đổi ngay trong năm 2018 cho nên dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (giảm từ 1 đến 10%); hay sự chênh lệch giữa lao động nữ và lao động nam (chỉ giảm từ 1 đến 2%).

Ðiều 57 của Luật BHXH năm 2014 cũng quy định, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Như vậy, pháp luật hiện hành giao Chính phủ quy định việc điều chỉnh dựa trên mức tăng của "chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế", không phân biệt đối tượng và mức điều chỉnh. Do vậy, mặc dù "thiệt thòi" cho lao động nữ, nhưng thực tế lại đang thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện việc điều chỉnh.

Ví dụ: Nếu lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu của năm 2018 theo Luật BHXH là 65%; tỷ lệ hưởng lương hưu của người có cùng 25 năm đóng BHXH nhưng nghỉ hưu ở năm 2017 là 75%. Như vậy là giảm 10% trong một năm (năm 2018 so năm 2017). Nếu kéo giãn lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 thì mỗi năm, lao động nữ sẽ chỉ bị giảm 2% (bằng một phần năm của 10%) so với năm trước. Như vậy, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và năm 2022 giảm 10%.

Ðể giải quyết vấn đề này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ năm Quốc hội Khóa XIV với nội dung, giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu và nguồn kinh phí thực hiện do quỹ BHXH bảo đảm.

2. Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu giai đoạn 2018 - 2021


Trên cơ sở mức lương hưu theo luật định, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 và có đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng thêm một khoản tiền được tính theo thời gian đóng BHXH, thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu...
Đây là nội dung của Nghị định số 153/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 07/11/2018, quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ra đời nhằm mục đích hỗ trợ nhóm đối tượng lao động nữ lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006.

Trên cơ sở đó, Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, cụ thể theo bảng sau:

Thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội

Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu:

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

20 năm

7,27%

5,45%

3,64%

1,82%

20 năm 01 tháng - 20 năm 06 tháng

7,86%

5,89%

3,93%

1,96%

20 năm 07 tháng - 21 năm

8,42%

6,32%

4,21%

2,11%

21 năm 01 tháng - 21 năm 06 tháng

8,97%

6,72%

4,48%

2,24%

21 năm 07 tháng - 22 năm

9,49%

7,12%

4,75%

2,37%

22 năm 01 tháng - 22 năm 06 tháng

10,00%

7,50%

5,00%

2,50%

22 năm 7 tháng - 23 năm

10,49%

7,87%

5,25%

2,62%

23 năm 01 tháng - 23 năm 06 tháng

10,97%

8,23%

5,48%

2,74%

23 năm 07 tháng - 24 năm

11,43%

8,57%

5,71%

2,86%

24 năm 01 tháng - 24 năm 06 tháng

11,88%

8,91%

5,94%

2,97%

24 năm 07 tháng - 25 năm

12,31%

9,23%

6,15%

3,08%

25 năm 01 tháng - 25 năm 06 tháng

10,91%

8,18%

5,45%

2,73%

25 năm 07 tháng - 26 năm

9,55%

7,16%

4,78%

2,39%

26 năm 01 tháng - 26 năm 06 tháng

8,24%

6,18%

4,12%

2,06%

26 năm 07 tháng - 27 năm

6,96%

5,22%

3,48%

1,74%

27 năm 01 tháng - 27 năm 06 tháng

5,71%

4,29%

2,86%

1,43%

27 năm 07 tháng - 28 năm

4,51%

3,38%

2,25%

1,13%

28 năm 01 tháng - 28 năm 06 tháng

3,33%

2,50%

1,67%

0,83%

28 năm 07 tháng - 29 năm

2,19%

1,64%

1,10%

0,55%

29 năm 01 tháng - 29 năm 06 tháng

1,08%

0,81%

0,54%

0,27%

Nghị định này cũng nêu rõ, Nhà nước sẽ căn cứ vào mức lương hưu sau điều chỉnh dựa theo bảng trên để tính toán ở những lần điều chỉnh lương hưu sau này cho người lao động, theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.

Đồng thời, người lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng và bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2018 thì thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định theo hai bước: Một là sẽ tính theo quy định như trên trước, sau đó, người lao động nữ sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Nghị định số 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 07/11/2018 Quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng là kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi của nhóm lao động nữ bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi cách tính lương hưu; đồng thời, thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới./.

Phong Sơn (Tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: