Ngày 29/11/2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có một số điểm mới, đáng chú ý sau đây:

1 - Không phân biệt văn bằng khi tuyển dụng công chức, viên chức

Điều 4 của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và Điều 4 của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức đã được Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi theo hướng:

Cơ quan sử dụng, tuyển dụng công chức, viên chức được xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức; tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng không được trái với quy định của pháp luật; không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.

thi cong chuc
Ảnh minh họa: Internet

2 - Thay đổi quy định về điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức

Theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, một số đối tượng thi tuyển công chức, viên chức không còn được hưởng nhiều điểm ưu tiên như trước đây. Cụ thể:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì được cộng 30 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển như trước đây.

- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Chỉ còn được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển như trước đây.

- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: Chỉ còn được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm thi tại vòng 2, thay vì 10 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển như trước đây.

3 - Thay đổi cách thức thi tuyển, xét tuyển công chức

* Khác với trước đây, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức sẽ diễn ra trong 02 vòng.

- Thi tuyển công chức, viên chức:

+ Vòng 1: Thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính về Kiến thức chung (60 câu hỏi), Ngoại ngữ (30 câu hỏi), Tin học (30 câu hỏi). Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy. Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.

+ Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Hình thức thi: Đối với công chức, hình thức thi là phỏng vấn hoặc thi viết; đối với viên chức, hình thức thi là phỏng vấn hoặc thực hành hoặc thi viết. Trường hợp tổ chức thi vòng 2 bằng hình thức thi phỏng vấn thì không thực hiện việc phúc khảo kết quả thi vòng 2.

- Xét tuyển công chức, viên chức:

+ Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm đã đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2 theo quy định.

+ Vòng 2: Đối với công chức: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn của người dự tuyển. Đối với viên chức: Phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.

Nghị định quy định rõ điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100; thời gian phỏng vấn 30 phút; thời gian thực hành do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định. Không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả phỏng vấn hoặc thực hành.

* Bổ sung thêm đối tượng miễn thi công chức môn ngoại ngữ, tin học ở vòng 1, cụ thể:

- Ngoại ngữ: Người dự tuyển vào công chức, dự tuyển làm viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận.

- Tin học: Các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc toán - tin trở lên.

* Bỏ một số điều kiện công nhận người trúng tuyển:

- Đối với thi tuyển: Bỏ điều kiện có đủ các bài thi của các môn thi.

- Đối với xét tuyển: Bỏ điều kiện có điểm học tập, điểm tốt nghiệp đạt từ 50 điểm trở lên.

4 - Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, viên chức

* Đối với công chức:

Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt sau: a) Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; b) Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; c) Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Nay, theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, quy định này được sửa đổi là “tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức đối với các trường hợp sau:

a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:

Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;

Người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

b) Trường hợp đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển đến làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm người đại diện phần vốn nhà nước giữ chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”

* Đối với viên chức:

Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định: Xét tuyển đặc cách đối với đối với các trường hợp sau: a) Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; b) Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, trừ các trường hợp mà vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển dụng yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; c) Những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

Nay, Nghị định mới sửa đổi, không dùng từ “xét tuyển đặc cách” mà sửa thành “các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức” và quy định: “Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Điều 4 Nghị định này và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:

a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:

Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;

Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;

Cán bộ, công chức cấp xã;

Người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

b) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống.

c) Trường hợp đã là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”

5 - Thêm điều kiện với người được miễn tập sự

Trước đây, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định không thực hiện chế độ tập sự với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự.

Nay, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định ngoài điều kiện nêu trên, người được miễn tập sự còn phải được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự quy định.

6 - Được ký 2 lần hợp đồng có thời hạn với viên chức

Khác với Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định khá chi tiết về hợp đồng làm việc của viên chức.

Theo đó, viên chức được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập phải ký hợp đồng làm việc lần đầu từ đủ 12 tháng - 36 tháng.

Sau khi hết thời hạn này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét quyết định ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.

Nếu ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn thì sau khi hết hạn hợp đồng, người đứng đầu đơn vị phải xem xét ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng.

Như vậy, hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức chỉ được ký tối đa 02 lần.

7 - Thay đổi về điều kiện thi nâng ngạch công chức

Theo quy định cũ, công chức được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục gần nhất; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền; b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn; c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đăng ký dự thi.

Nghị định mới sửa đổi các tiêu chuẩn, điều kiện như sau:

a) Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền.

b) Công chức dự thi nâng ngạch phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.

8 - Bổ sung quy định về các trường hợp không thực hiện chế độ thôi việc

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP bổ sung quy định: “Không thực hiện chế độ thôi việc đối với các trường hợp sau:

a) Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị;

b) Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật.”

9 - Mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập

* Đối với công chức:

1. Quản lý về số lượng, tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng đối với công chức thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp; quyết định nâng bậc lương thường xuyên và phụ cấp thâm niên vượt khung đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; căn cứ ý kiến của Bộ Nội vụ về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, quyết định bổ nhiệm, xếp lương, nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; bổ nhiệm ngạch, xếp lương, nâng bậc lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đối với công chức ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở xuống.

2. Tổ chức việc tuyển dụng và phân công, phân cấp tuyển dụng, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng công chức thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm; quản lý vị trí việc làm và biên chế công chức theo phân công, phân cấp và theo quy định của Đảng và của pháp luật.

4. Quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng chế độ, chính sách đối với công chức thuộc ngành, lĩnh vực đặc thù trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

6. Ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

7. Tổ chức thi nâng ngạch công chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên cao cấp được giao quản lý và tổ chức thi nâng ngạch đối với công chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

8. Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ khác đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý.

9. Thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với công chức hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định.

1. Thực hiện thống kê và báo cáo thống kê công chức theo quy định.

11. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của pháp luật đối với công chức thuộc phạm vi quản lý.

12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phân cấp và theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

* Đối với viên chức:

1. Quản lý về số lượng, tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp; quyết định nâng bậc lương thường xuyên và phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức; căn cứ ý kiến của Bộ Nội vụ về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, quyết định bổ nhiệm, xếp lương, nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức tương đương chuyên viên cao cấp; quyết định bổ nhiệm, xếp lương, nâng bậc lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức tương đương chuyên viên chính trở xuống.

2. Quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc theo phân công, phân cấp và theo quy định của Đảng và của pháp luật.

3. Tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên chính đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ quản lý về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

4. Tổ chức hoặc phân cấp, ủy quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tương đương cán sự, chuyên viên đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

5. Thống kê và báo cáo thống kê viên chức theo quy định.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý.

8. Cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập kiểm tra việc thi hành các quy định của pháp luật đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý.

10 - Quy định cụ thể công việc được thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp

Trước đây, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP quy định loại công việc thứ 6 được thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp chỉ quy định chung là “công việc khác”. Nhưng đến Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, quy định rõ hơn là: “Công việc thừa hành, phục vụ khác có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống”.

11 - Bổ sung đối tượng không thực hiện ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định mới bổ sung thêm đối tượng không thực hiện việc ký hợp đồng lao động: “Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên”.

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: