Trong 11 năm sống và làm việc tại Nhà Sàn (1958 - 1969), trên cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, có tầm tư tưởng mang dấu ấn thời đại, bao quát trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào các nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam. Trong số các tác phẩm nổi bật Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại Nhà sàn có tác phẩm “Đạo đức cách mạng” ký bút danh Trần Lực, đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958. Đây là tác phẩm có giá trị nhiều mặt cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.
Theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ 1954, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng còn ở miền Nam - cuộc đấu tranh giải phóng vẫn tiếp tục. Hơn bao giờ hết, sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong những năm miền Bắc khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, tâm trạng thời bình, biểu hiện suy thoái đạo đức và cá nhân chủ nghĩa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không dừng lại ở hiện tượng đơn lẻ, mà trở thành căn bệnh, thành nguy cơ của một Đảng cầm quyền. Nhận thức rõ những khó khăn phức tạp của chặng đường trước mắt, tháng 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Tác phẩm tập trung phân tích ba vấn đề: Vai trò của đạo đức cách mạng và kẻ thù của đạo đức cách mạng; Nội dung cơ bản và những chuẩn mực của đạo đức cách mạng; Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân. Tuy cuốn sách mỏng, chưa đầy 20 trang, nhưng nội dung phong phú, cách viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức mới - đạo đức cách mạng.
1. Vai trò của đạo đức cách mạng và kẻ thù của đạo đức cách mạng
Mở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến lịch sử loài người phải “dựa vào lực lượng của số đông người, tức là của tập thể, của xã hội”(1) để sống còn. Nếu riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không tồn tại và sản xuất được. Bước sang thời đại cách mạng, “mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hoà mình trong tập thể, trong xã hội”(2). Chính vì lẽ đó nên “chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể”(3), tất yếu “chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt”(4). Người nhắc lại về lịch sử vàý nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng và để cải tạo xã hội cũ xấu xa thành xã hội mới tốt đẹp, vai trò lãnh đạo thuộc về giai cấp công nhân “giai cấp tiền tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất”(5) và “Đảng vô sản là bộ tham mưu của giai cấp công nhân” là điều “không ai chối cãi được”(6). Trên những cơ sở ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là “một sự nghiệp rất vẻ vang”(7) nhưng cũng là “một nhiệm vụ rất nặng nề”(8), là “một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”(9) đòi hỏi “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”(10) và “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ”(11).
Trái ngược với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân còn lại trong mình, dù là ít thôi, sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngǎn trở đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về tác hại của chủ nghĩa cá nhân, đó là một thứ rất “gian giảo, xảo quyệt, khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”(12). Muốn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc rèn luyện đạo đức cách mạng không chỉ bó hẹp theo cách hiểu đơn giản là học tập tại nhà trường mà chính thực tiễn hoạt động cách mạng sôi nổi là trường học rất tốt để rèn luyện đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ những biểu hiện rất cao quý của đạo đức cách mạng: Gặp khó khǎn, gian khổ, thất bại “không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình”(13), thậm chí khi cần sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người. Có đạo đức cách mạng, không chỉ ở trong thử thách, gian khó mà gặp thuận lợi và thành công vẫn “giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(14); lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Có đạo đức cách mạng, người cán bộ, đảng viên trở nên đẹp đẽ, tiêu biểu là các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Vǎn Cừ, Hoàng Vǎn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác. Tất cả những đồng chí đó đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh và nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư.
2. Nội dung cơ bản và những chuẩn mực của đạo đức cách mạng
Nói về những chuẩn mực đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tóm tắt điều chủ chốt nhất là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”(15). Trên nền tảng chuẩn mực đó, Người nêu những phẩm chất của đạo đức cách mạng là cần “ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng”, “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”(16), gương mẫu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác. Người khẳng định niềm tin chắc chắn, sâu sắc tiền đồ của giai cấp công nhân rất rộng rãi và vẻ vang: Giai cấp công nhân tuy chưa đông lắm, nhưng sẽ càng ngày càng phát triển, sức công nhân ngày thêm mạnh, vừa cải tạo thế giới vừa cải tạo bản thân mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “người cách mạng phải thấy thật rõ điều đó và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân”(17), để hết lòng, hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng trước mắt và lâu dài của đất nước là đấu tranh đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện thống nhất nước nhà; làm cho cả nước không còn ai bị bóc lột, xây dựng xã hội mới trong điều kiện công nghiệp, nông nghiệp còn lạc hậu thì công nhân phải cố gắng “ra sức thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ,… phải chống lãng phí, tham ô”(18), nông thôn “cần phải đẩy mạnh phong trào tổ đổi công và hợp tác xã cho rộng khắp và chắc chắn, để thực sự tǎng gia sản xuất” và “cán bộ phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính”, “hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng”(19). Trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ cách mạng, bên cạnh số đông đảng viên, đoàn viên và cán bộ giữ vững được đạo đức cách mạng thì cũng có một bộ phận không làm đúng. Những người này lầm tưởng rằng miền Bắc không còn thực dân và phong kiến nữa, thì tức là cách mạng thành công rồi, họ “yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi”, “muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng”, “tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút”(20). Đó là những người đã “quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”(21).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, trên đường đi muôn dặm để tiến lên phía trước, chúng ta có 3 loại kẻ địch: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu ngấm ngầm ngǎn trở cách mạng tiến bộ và chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Loại kẻ địch thứ ba này chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia. Vì vậy, Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”(22).
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953: “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Cán bộ là gốc của mọi công việc trong đó đạo đức là gốc của người cách mạng, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến phẩm chất đạo đức và sự nêu gương của những người cách mạng. Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khǎn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách, nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngǎn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân, vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng.
Tuy nhiên, vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, nên còn hiện tượng đảng viên “kể công” với Đảng, có ít nhiều thành tích thì muốn Đảng "cảm ơn”, “đòi ưu đãi”, “đòi danh dự và địa vị”, “đòi hưởng thụ”(23). Để đấu tranh chống lại tình trạng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đề cao vai trò của vũ khí sắc bén “phê bình và tự phê bình”. Khi có sai lầm thì “kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to”, “thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ”(24). Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chữ “thật thà”, “thành khẩn” vì vẫn còn một bộ phận bị chủ nghĩa cá nhân “ám ảnh”, “trói buộc” nên chưa thực sự nghiêm chỉnh trong công tác tự phê bình và phê bình, “kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại”, “phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình”; “sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín”, “tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng”, “mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”(25). Để nâng cao đạo đức cách mạng, chống lại chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cán bộ đảng viên “phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình” và “hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”(26), làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết và động viên quần chúng hǎng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng.
3. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân
Trong phần cuối của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân” mà ngược lại “chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng”(27). Khi lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện được thoả mãn và nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể.
Để nhìn rõ các mâu thuẫn, giải quyết đúng các vấn đề trong khi công việc cách mạng phức tạp, khó khǎn, phải cố gắng học tập lý luận và tinh thần Mác - Lênin. Nhắc lại sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, Người kêu gọi phải tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và khẳng định lại quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, nêu cao đạo đức cách mạng để bảo đảm cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân.
Kết luận tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những lời rất cô đọng: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(28) và khẳng định niềm tự hào của những người cách mạng tập hợp dưới cờ Đảng để phấn đấu vì nhân dân: “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựngchủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”(29).
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương trọn đời phấn đấu trau dồi đạo đức cách mạng
Như lời Giáo sư Cốc Nguyên Dương, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã nhận xét: “Suốt đời, Người luôn luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp “cần, kiệm, liêm, chính” và “chí công vô tư”, dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ và nhân dân”(30). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy những điều rất hay, rất đúng về đạo đức cách mạng và chính Người là tấm gương tiêu biểu cho một nền đạo đức mới mang đầy tính nhân văn sâu sắc. Trọn đời Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu trau dồi đạo đức cách mạng, từ buổi ban đầu là người thanh niên yêu nước rồi trở thành người cộng sản đầu tiên của dân tộc đến khi sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, trở thành Chủ tịch nước cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, lúc tuổi đã già sức đã yếu. Ở Người, luôn bền bỉ, kiên nhẫn những thói quen cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trọn đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Với Người, chỉ có phẩm chất đạo đức cách mạng là đẹp nhất và chỉ có ở trong lòng dân là cao quý nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng dù là Chủ tịch nước cũng không có đặc quyền, đặc lợi nên trong công việc cũng như đời sống thường nhật mọi điều Người đều chú ý sao cho bình đẳng như tất cả. Đầu năm 1946, cả nước tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội - nơi Bác Hồ ra ứng cử có 118 Chủ tịch Ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã đã công bố một Bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí cử Bác vào Quốc hội. Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.
Sau ngày hòa bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư trụ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng tháo bỏ dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật, sợ phố đông, xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại: Các chú không được làm thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên cho mình (31). Khi có đồng chí đề nghị chuyển Văn phòng Trung ương đến vị trí khác rộng hơn, đẹp hơn, Bác bảo: Văn phòng Trung ương như thế đẹp rồi. Im lặng một lúc, Bác quay sang hỏi mọi người: Thế các chú có biết Văn phòng Trung ương xây dựng chỗ nào thì tốt nhất không? Thấy mọi người nhìn nhau, Bác chỉ tay vào ngực mình và nói: “Xây ở trong này, trong lòng nhân dân là tốt nhất”(32).
Bác không bao giờ cho mình đứng cao hơn quần chúng hay đứng xa cách quần chúng mà Người hòa mình một cách chân thành nhất với nguyện vọng là người công bộc trọn đời của nhân dân. Ngày 08/5/1959, đến thăm huyện Yên Châu (Sơn La), Bác dặn cán bộ: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu, cưỡi cổ nhân dân. Tức là, cán bộ phải chăm sóc đời sống của nhân dân, phải giúp nhân dân tổ chức được đời sống, hợp tác xã, dân quân. Cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức đó thật vững mới thôi”(33). Bác không bao giờ muốn đề cao Bác mà muốn mọi người tập trung vào quần chúng, vào nhân dân anh hùng. Ngày 20/10/1964, Bác cùng Tổng thống nước cộng hòa Mali, Môđibô Câyta và phu nhân đến thăm Bảo tàng cách mạng Việt Nam. Nghe đồng chí hướng dẫn kể về sự kiện năm 1941 Bác về nước, Bác nói: “Sao chú nói về Bác nhiều thế. Sao không nói nhiều về Đảng ta vĩ đại, nhân dân ta anh hùng”(34).
Bác cũng không muốn người khác phải vất vả phục vụ mình. Bước sang năm 1967, đã già yếu nhiều nhưng ngày 3 bữa, Bác vẫn tự mình từ Nhà sàn đi bộ sang nhà ăn. Có lần sau những trận mưa to, đường đi còn ngập nước nhưng đến giờ ăn, dù đang còn mưa Bác vẫn xắn quần quá đầu gối, cầm ô cùng đồng chí bảo vệ lội nước đi sang nhà ăn cách khoảng 200 mét. Nhìn ống chân Bác gầy, nổi gân xanh, anh em thương Bác trào nước mắt nhưng không sao thuyết phục được Bác cho phép dọn cơm lên Nhà sàn. Bác nói: Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người vất vả vì Bác. Làm Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn luôn không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Vì vậy, ở vị trí càng cao, càng nổi tiếng, tinh hoa, phẩm chất, đạo đức của Bác càng sáng, càng trong.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, kiệt xuất, đã để lại một di sản đồ sộ về đạo đức cách mạng và cho đến nay, những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên thực hiện đạo đức cách mạng, xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và đội ngũ đảng viên xứng đáng là công bộc của dân trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” vẫn còn nguyên giá trị./.
Ths. Cao Thị Hải Yến
Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Đức Lâm (st)
Chú thích:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14,15,16,17,18,19,20,21,22,23,24,25,26,27,28,29. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2002, T.9, Tr.282-294
30. Cốc Nguyên Dương: Tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Unesco và Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Nxb.KHXH, H.1990, tr.121
31. Bác Hồ với chiến sĩ, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội-2001, T.1
32, 33, 34. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Mỗi câu chuyện nhỏ, Một bài học lớn, NXB Thông tin và Truyền thông, trang 65, trang 68, trang 106