Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ Đại hội VI đến nay, không có nhiệm kỳ nào Đảng không đề cập đến tình trạng suy thoái về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong 4 nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được nhấn mạnh trong công tác xây dựng đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.
Xây dựng Đảng về đạo đức là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu thành lập, có giá trị hiện thực trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác đã nêu 23 điểm về tư cách người cách mạng để giáo dục những chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi. Bác đã đề cập vấn đề tư cách đạo đức, xác định cụ thể những chuẩn mực của người cách mạng trong mối quan hệ với mình, với người và với việc.
Sau khi giành được chính quyền, trong điều kiện Đảng cầm quyền, Bác dự cảm thấy vấn đề lạm dụng quyền lực là một nguy cơ của một Đảng cầm quyền nên chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Người đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của cán bộ Nhà nước thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính”. Liên tiếp trong chưa đầy 4 tháng Bác đã có tới 10 bài viết và nói về đạo đức cán bộ, nhắc nhở các cấp ủy đảng, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, xác định vị thế của những công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không phải là những “quan cách mạng”. Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nêu đầy đủ những vấn đề lý luận và thực tiễn với 12 điều về “tư cách của Đảng chân chính cách mạng”. Sau đó, Người còn viết khá nhiều bài về đạo đức, như “Chủ nghĩa cá nhân” (năm 1948); “Cần, kiệm, liêm, chính” (năm 1949); “Thường thức chính trị” (năm 1953), “Đạo đức công dân” (năm 1955); “Đạo đức cách mạng” (năm 1958). Đặc biệt, năm 1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong Di chúc Người để lại, vấn đề đạo đức cách mạng được nhắc đến như một điểm nhấn trong công tác xây dựng đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bác coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người khẳng định: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.
Đạo đức cách mạng là thuộc tính bản chất của Đảng, là điều kiện để Đảng và mỗi đảng viên của Đảng thực hiện, phát huy vai trò lãnh đạo của mình đối với quần chúng nhân dân. Trong hơn 88 năm qua, mặc dù trải qua nhiều giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ, ác liệt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn có nhiều tấm gương đảng viên tiêu biểu, nhiều việc làm mang đậm bản chất nhân đạo, nhân văn của Đảng. Không ít cán bộ, đảng viên vẫn giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Những hạn chế, khuyết điểm trên đây làm cho Đảng ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh, làm tổn thương và suy giảm lòng tin nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình hiện nay là một điểm cốt lõi trong xây dựng Đảng, một nhiệm vụ sống còn đối với Đảng ta, cần có những giải pháp sau:
1. Cần nhận thức sâu sắc, nhận dạng cụ thể những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), phân tích rõ nguyên nhân của từng biểu hiện để có biện pháp khắc phục. Khi mỗi đảng viên và toàn Đảng thực hành đạo đức trong sáng, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp. Khi xây dựng Đảng về đạo đức được chú trọng, nền tảng sức mạnh của Đảng được tăng cường để chiến thắng những mối đe dọa từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Khi cơ thể của Đảng trong sạch, vững mạnh thì mọi “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” dù tinh vi đến mấy cũng không phát huy được tác dụng, sức mạnh của Đảng sẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
2. Xây dựng và giáo dục các chuẩn mực đạo đức của Đảng và cán bộ, đảng viên: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;gắn bó mật thiết với nhân dân, đây là sức mạnh cội nguồn của Đảng…
3. Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với đảng viên rất quan trọng và phụ thuộc vào vấn đề này. Vì vậy, không ở lĩnh vực nào vấn đề nêu gương lại được đặt ra một cách nghiêm túc như trong lĩnh vực đạo đức. Quy định số 08-QĐ/TW “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, được thực hiện nghiêm túc sẽ có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Đây không chỉ thể hiện sự gương mẫu của những người đảm nhiệm trọng trách của Đảng, của Nhà nước mà còn tạo nên uy tín và sức mạnh lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
4. Xây đi đôi với chống. Trong cuộc sống, cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai, đạo đức và vô đạo đức đan xen nhau, đối chọi nhau, thông qua những hành vi của những con người khác nhau và ở ngay trong từng con người. Cần khơi dậy sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm loại bỏ thấp hèn để vươn tới cao đẹp, loại bỏ ác để vươn tới thiện. Cùng với bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cần phải chống cái xấu, cái sai, vô đạo đức, nghiêm trị những vi phạm, bất kỳ đó là ai. Phải tu dưỡng và rèn luyện đạo đức suốt đời.
5. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong điều kiện Đảng cầm quyền. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phát huy dân chủ một cách đúng hướng và thật sự rộng rãi là điều tối cần thiết, nếu không nói là nhân tố quyết định thành công. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đất nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn. Để lãnh đạo đất nước trong điều kiện mới, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu, nâng cao tầm trí tuệ nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách, nguy cơ. Muốn thế, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Trần Công Huyền
Theo xaydungdang.org.vn
Phương Thúy (st)