LBBT: Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII của Đảng họp tại Hà Nội đã thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết, kết luận và quy định quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt có ý nghĩa khi tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương với sự nhất trí cao đã quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng. Để hưởng ứng và nhanh chóng đưa quy định thiết thực, nhiều ý nghĩa này vào cuộc sống, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần của GS, TS. Hoàng Chí Bảo về chủ đề này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam,
tháng 9 - 1960. (Ảnh tư liệu).
Bác Hồ nói, Đảng ta là con nòi của giai cấp công nhân, là đội tiên phong và đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc và nhân dân. Uy tín to lớn và ảnh hưởng xã hội rộng rãi của Đảng được đánh giá bởi niềm tin của nhân dân đối với Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện...
Trải qua 88 năm hoạt động và trưởng thành, làm nên truyền thống cách mạng vẻ vang, trong đó có 73 năm Đảng liên tục ở vị trí cầm quyền, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, với đội ngũ gần 5 triệu đảng viên các thế hệ kế tiếp nhau, Đảng ta thực sự xứng đáng là một đảng cách mạng chân chính.
Bác Hồ nói, Đảng ta là con nòi của giai cấp công nhân, là đội tiên phong và đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc và nhân dân. Uy tín to lớn và ảnh hưởng xã hội rộng rãi của Đảng được đánh giá bởi niềm tin của nhân dân đối với Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện. Nhân dân tự hào gọi Đảng là Đảng của mình. Giá trị tinh thần cao quý đó, Đảng phải quyết tâm gìn giữ và phát huy để mãi mãi xứng đáng với niềm tin cậy và tình cảm yêu mến của nhân dân dành cho Đảng, để phấn đấu, hy sinh, làm tất cả những gì có thể làm được cho hạnh phúc của nhân dân.
Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vừa được Hội nghị Trung ương 8 thông qua là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn và kịp thời, rất được lòng dân, đáp ứng đòi hỏi của tình hình đất nước, lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.
Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên lần này đã nhấn mạnh vào đối tượng mà cũng là chủ thể trực tiếp, quan trọng nhất, quyết định nhất với hy vọng tạo ra chuyển biến có tính đột phá đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là tập thể Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu với gần 200 con người. Trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “… Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí (người viết nhấn mạnh) thật sự tự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”1.
Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã nêu rõ ràng, cụ thể 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện, 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống2. Những nội dung yêu cầu đó trong hình thức các điều khoản quy định rõ ràng mang tính chính trị - pháp lý đồng thời có ý nghĩa như những chế tài bắt buộc phải thực hiện, phải thi hành. Đây thực sự là một bước tiến lớn không chỉ ở nhận thức mà còn là hành động nhằm đề cao kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Càng giữ chức vụ cao, càng đảm đương trọng trách lớn càng phải đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ tiên phong, gương mẫu đi đầu. Những nội dung quy định tuy ngắn gọn, cụ thể nhưng rất toàn diện từ yêu cầu về năng lực trí tuệ, trình độ khoa học đến bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phong cách công tác và văn hóa ứng xử, đến lối sống sinh hoạt hằng ngày. Người lãnh đạo ở cấp cao phải thực sự là tấm gương trong sáng mẫu mực cho mọi người noi theo, học tập và làm theo.
Trong lịch sử Đảng quang vinh, từ khi mới ra đời, trải qua biết bao khó khăn, thử thách, Đảng ta có biết bao tấm gương cao quý, từ các bậc tiền bối đến các thế hệ đảng viên sau này đã phấn đấu, hy sinh trọn đời vì dân, vì nước, vì Đảng và cách mạng. Những tấm gương cao quý đó đã làm nên truyền thống và giá trị của Đảng, được toàn dân, toàn Đảng ngưỡng mộ, biết ơn và nguyện phấn đấu noi theo. Kết tinh những giá trị điển hình, ưu tú đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người - một mẫu mực về nhân cách cộng sản, về lòng trung thành và đức hy sinh cho lý tưởng, suốt đời dấn thân và dâng hiến cho hạnh phúc của nhân dân, cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Cho đến phút cuối cùng, trước khi vĩnh biệt chúng ta, Người chỉ có một niềm nuối tiếc, “là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Tâm nguyện cuối cùng của Người là “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như Người viết trong “bức thư để lại” cho đồng bào, đồng chí mà chúng ta gọi là Di chúc - một trong những Quốc bảo đồng thời là pháp bảo của muôn đời.
Ngay sau Đại hội XII, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị đề ngày 15-5-2016. Hãy đừng bao giờ quên, ngày ấy là ngày Người viết xong bản thảo đầu tiên Di chúc thiêng liêng 1.000 từ vào tháng 5-1965, lúc Người đã 75 tuổi và cuộc chiến đấu của quân dân hai miền Nam, Bắc đang ở thời điểm cam go nhất, cách đây đã hơn nửa thế kỷ.
Bản văn Di chúc 1.000 từ là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mà mỗi chúng ta nguyện suốt đời học tập và làm theo.
Giờ đây, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã không dừng lại là một cuộc vận động như trước nữa mà thực sự trở thành một nhu cầu văn hóa, một sự thôi thúc nội tâm, hòa quyện giữa lý trí và tình cảm, là ước nguyện và khát vọng của mỗi người chúng ta sống đúng, sống tốt và sống đẹp theo hệ giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ mà Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động và cảm động nhất cho những giá trị vĩnh hằng đó. Với quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên lần này, hơn ai hết, các đồng chí trong tập thể lãnh đạo cấp cao của Đảng sẽ tiên phong gương mẫu đi đầu trong việc học tập và làm theo Bác, sẽ thực hành tốt nhất lời căn dặn của Bác: “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”; “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; “không làm điều gì trái ý dân”. Muốn vậy, phải suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ra sức nâng cao đạo đức cách mạng và quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tẩy sạch (chữ dùng của Bác) quan liêu và tham nhũng. Tấm gương thực hành tốt nhất những lời Bác dạy của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chắc chắn sẽ đem lại xung lực tinh thần mạnh mẽ cho toàn Đảng, toàn dân ta vào lúc này, để xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” như mong muốn của Người.
Các đồng chí lãnh đạo cấp cao đi tiên phong và gương mẫu thực hành trách nhiệm nêu gương sẽ có tác dụng thúc đẩy việc thực hành đó trong toàn thể đội ngũ 5 triệu đảng viên của Đảng, sẽ cổ vũ, khích lệ toàn dân, 95 triệu đồng bào trong nước và ở nước ngoài đang đồng tâm, đồng sức, đồng lòng tin yêu Đảng của mình, đang đồng hành trong sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Được như vậy, Đảng vì Dân và Dân tin Đảng, toàn Đảng, toàn dân là một khối vững chắc, keo sơn, bền chặt, là sức mạnh không gì lay chuyển nổi, nuôi dưỡng tiềm năng, sản sinh tiềm lực và tạo ra thực lực Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững để hiện đại hóa đất nước tới thành công.
Từ khi Đảng ta chính thức cầm quyền cho đến nay, hiếm có bản quy định nào của Trung ương lại thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt, đầy phấn khích và tin tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân, của cán bộ, đảng viên như bản quy định trách nhiệm nêu gương lần này.
Lãnh đạo cấp cao nhất mà gương mẫu đi đầu thực hành trách nhiệm nêu gương thì sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội lớn như cấp số nhân, làm cho “cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân và cái dở, cái xấu sẽ mất dần đi” như Bác hằng tin, hằng mong.
Dân quan tâm, Đảng quan tâm như vậy, bởi đây là lần đầu tiên, Đảng yêu cầu, Đảng đòi hỏi, Đảng thúc giục cả tập thể và từng cá nhân mỗi người trong Ban lãnh đạo cao nhất phải thực sự nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân noi theo.
Đó là trách nhiệm cao cả, là lương tâm, danh dự và đạo đức trong sáng, là nhân cách và văn hóa mẫu mực của người lãnh đạo được thể hiện thành hành động và lối sống, được chứng minh trong mỗi việc làm, được Đảng và dân đánh giá, thừa nhận. Điều hệ trọng này được đặt ra vô cùng bức xúc bởi nó liên quan tới vận Đảng, vận nước ở thời kỳ phát triển bước ngoặt, khi Đại hội XIII đang đến gần, khi sự chuyển tiếp các thế hệ sẽ diễn ra theo quy luật của sinh tồn và phát triển.
Một cách thiết thực nhất và chắc chắn có tác dụng nhất là ở chỗ, từng nhà lãnh đạo cấp chiến lược tự biểu hiện mình qua học tập và làm theo Bác, là hạt nhân, là nòng cốt làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, bằng lời nói đi đôi với việc làm, bằng hành động và lối sống chứng thực mình là một tấm gương trong con mắt đánh giá công bằng, khách quan của nhân dân và xã hội.
Sinh thời, Bác từng nhấn mạnh “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với từng đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng vào lúc này, trước hết là mục đích, động cơ, là lý tưởng và lẽ sống, “một đời vì nước, vì dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân”, là tự ý thức về trọng trách của mình đối với sự nghiệp cách mạng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, sao cho toàn Đảng, toàn dân vững bước theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Đó là trách nhiệm nêu gương về lòng trung thành, về đức tin khoa học, về tình cảm cách mạng và bản lĩnh chính trị.
Theo gương Người, “giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng tham muốn về vật chất”. Đó là trí tuệ gắn liền với đạo đức, là trung thực và dũng khí kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đó là thứ giặc ở trong lòng, giặc nội xâm, nó nguy hiểm hơn giặc ở bên ngoài, giặc ngoại xâm vì “nó ẩn nấp tinh vi dưới nhiều vỏ bọc, nó phá từ trong phá ra”. Nhạy bén và mẫn cảm vô cùng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, chống chủ nghĩa cá nhân là chống suốt đời, tự chống lại những thói hư tật xấu tầm thường, những sự hư hỏng của chính mình. Cuộc chiến thầm lặng này sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng.
Người lãnh đạo ở cấp cao mà trong sáng, liêm chính thì sẽ dẹp được những khuất tất, mờ ám, bất minh, bất chính, bất nghĩa vẫn còn không ít ở trong Đảng và trong xã hội, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Đảng là một cơ thể sống. Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng cấu tạo nên từ những đảng viên, những con người đời thường chứ không phải thần thánh gì. Bác đã nói như vậy. Người còn nhấn mạnh, Trung ương là bộ não, là cơ quan thần kinh của Đảng. Cấp ủy là lực phát động. Cán bộ, đảng viên từ các chi bộ là cầu nối giữa Đảng với quần chúng. Người nghiêm khắc đòi hỏi, phải ra sức phê bình và sửa chữa bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa (nói nhiều làm ít, lời nói - việc làm không đi đôi với nhau). Đó là những chứng bệnh rất nguy hiểm, có hại cho Đảng, cho cách mạng. Hơn 70 năm về trước, Người đã cảnh báo như vậy khi Người viết “Sửa đổi lối làm việc”, năm 1947 - tác phẩm đầu tiên thể hiện tư tưởng đổi mới trong điều kiện Đảng đã cầm quyền.
Người còn căn dặn chúng ta, phải tự phê bình và phê bình thường xuyên như rửa mặt hằng ngày. Nhiều khuyết điểm nhỏ cộng lại thành ra khuyết điểm to rất có hại. Nhiều ưu điểm nhỏ cộng lại thành ưu điểm lớn, rất có lợi.
Khuyết điểm nhiều thì ưu điểm ít, Đảng sẽ yếu dần đi. Ưu điểm nhiều thì khuyết điểm sẽ ít đi, Đảng sẽ mạnh lên và dân sẽ tin Đảng. Người bằng trải nghiệm thực tế cả cuộc đời đã rút ra chân lý: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Có trách nhiệm, có dũng khí, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sai lầm thì chắc chắn sẽ sửa được. Còn nếu không có sự thành thật, không có lòng can đảm, dũng khí, che giấu khuyết điểm, sai lầm thì sẽ là một Đảng hỏng. Cảnh báo nghiêm khắc này của Người còn nguyên giá trị và tính thời sự.
Quyết tâm của Trung ương lần này, yêu cầu rất cao mà Trung ương đòi hỏi ở mỗi nhà lãnh đạo cấp chiến lược chính là thể hiện sự nghiêm túc thực thi lời Bác mà sâu xa là trách nhiệm cao nhất trước cuộc sống của dân, trước số phận, triển vọng của cả dân tộc.
Động lực mãnh liệt và nền tảng vững chắc để các nhà lãnh đạo cấp cao tiên phong gương mẫu đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân noi theo chính là tình thương yêu vô hạn đối với Tổ quốc và nhân dân, là đức hy sinh quên mình để chăm lo cho cuộc sống của dân, là noi theo Bác Hồ, thấu hiểu lòng dân, thấu cảm cuộc sống của dân, đau nỗi đau của dân, vui với niềm vui của dân trong đời sống thường nhật, nhận trách nhiệm cao nhất về mình khi dân còn đói rét, cực khổ, tật bệnh, lạc hậu, chịu những bất công, thiệt thòi, hoạn nạn, không chỉ do thiên tai, dịch bệnh, địch họa mà còn do lãnh đạo, quản lý yếu kém bất cập, do quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng hoành hành. Khi còn sống, Bác Hồ ăn không ngon, ngủ không yên về điều đó, cũng như nỗi đau vì Tổ quốc chưa thống nhất, miền Nam chưa giải phóng, cho nên Người kiên quyết từ chối mọi huân chương, phần thưởng, sự tôn vinh dành cho Người.
Đó là đức khiêm nhường cao quý bắt nguồn từ trách nhiệm vĩ đại của một nhân cách cao thượng.
Trước lúc đi xa, trên giường bệnh, Bác khóc và nói rằng Người không thể bỏ dân mà đi được. Nén chặt nỗi đau quặn thắt tim mình, Người chỉ hỏi: Hôm nay, đồng bào miền Nam đã thắng đến đâu? Đê vỡ có nhiều không, có kịp sơ tán dân đi không? Sắp khai giảng rồi, chuẩn bị trường lớp, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?… Vậy nên, hãy học Bác trong trách nhiệm nêu gương như vậy./.
(còn nữa)
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần
Khánh An (st)
-----------------------------
- Quân đội nhân dân, 07-10-2018.
- Quân đội nhân dân, 03-10-2018.