Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết ở những người giữ chức vụ, có trọng trách, cũng là người có quyền lực do được dân ủy quyền để thực thi quyền lực, xét đến cùng biểu hiện ở sự gương mẫu về mọi mặt, nêu gương, làm gương cho mọi người noi theo. Đó là xét trên phương diện từng người, ở mỗi cá nhân - những chủ thể mang nhân cách.

Đối với Đảng, từng tổ chức cơ sở Đảng cho đến toàn Đảng, đó là chủ thể tổ chức gắn liền với hoạt động giữa muôn vàn mối quan hệ trong đời sống xã hội, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng thì như Bác Hồ nói, gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, được lòng dân nhất. Đảng là đạo đức, là văn minh nên Đảng phải tiêu biểu cho sự gương mẫu, từ gương mẫu của đảng viên đến gương mẫu của toàn Đảng. Như vậy, gương mẫu mang sức mạnh của đạo đức, có nền tảng vững chắc từ đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trong sự gương mẫu của toàn Đảng, gương mẫu của từng cá nhân các nhà lãnh đạo cấp cao có vai trò, tác dụng đặc biệt to lớn, bởi nó tạo dựng niềm tin, quy tụ sự đoàn kết, thống nhất, thúc đẩy mọi người hướng thiện và tự hoàn thiện mình theo gương sáng mẫu mực của các nhà lãnh đạo mà toàn Đảng, toàn dân đặt vào họ niềm tin tưởng và hy vọng.

Gương mẫu là sức mạnh đạo đức để tạo ra uy tín và ảnh hưởng. Đó là đảm bảo đạo đức của quyền lực và quyền uy. Nhờ có đạo đức mà quyền lực không bị lợi dụng, lạm dụng vào những mục đích bất minh, bất chính do chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, vị kỷ, tham vọng và dục vọng vây bủa như một lẽ thường tình ở đời. Giữ trọn vẹn đạo đức trong sáng, công tâm, liêm khiết, chính trực thì việc thực thi quyền lực sẽ tránh được khuyết điểm, sai lầm, sẽ không rơi vào tha hóa, thậm chí tội lỗi.

Người cầm quyền có đạo đức và thực sự là tấm gương đạo đức thì quyền uy hay uy quyền của họ trở nên chính đáng, đích thực, có tác dụng tích cực vì nó công tâm, trong sáng, có sức thuyết phục và cảm hóa lòng người. Họ biểu hiện ra trong nhìn nhận, đánh giá của mọi người là người có tấm lòng nhân hậu, khoan dung, nhân ái, vị tha, được kính trọng, nể phục. Trong đời sống hằng ngày, con người sống và hành động có đạo đức được gọi là người tử tế, lương thiện, chính tâm. Nhà lãnh đạo, trong chức trách, bổn phận của con người chính trị, mà nhân cách của họ phải ở tầm văn hóa chính trị, càng phải nổi bật, tiêu biểu cho đạo đức, phẩm giá tử tế, lương thiện và chính tâm đó.

Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh nêu lên một triết lý, “chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ đến việc lớn”. Đạo đức là giá trị cốt lõi của văn hóa, nên trong nhân cách làm người và ở đời, Người luôn nhấn mạnh, đức là gốc, tài là quan trọng, có đức phải có tài, có tài phải có đức và đức luôn là gốc.

Người nêu rõ 4 chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính với yêu cầu rất cao: Phải đủ cả 4 đức mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người (tác giả nhấn mạnh). Người lãnh đạo càng không thể thiếu, không thể yếu một đức nào. Lẽ dĩ nhiên, Đảng cũng như con người, không phải thần thánh gì, ở đời “nhân vô thập toàn”, cho nên để xứng đáng với dân, để được dân tin cậy và noi theo, đã làm lãnh đạo thì phải gương mẫu, phải rèn luyện suốt đời, nêu gương tự soi, tự răn và tự sửa một cách thật thà (chữ dùng của Hồ Chí Minh) những gì mà bản thân mình còn khiếm khuyết để tự hoàn thiện. Thật thà thì chính tâm và có dũng khí, có nghị lực vượt lên chính mình. Trong cuộc đời, tự vượt lên chính mình là khó khăn, nhọc nhằn nhất. Chiến thắng chính bản thân mình, vượt qua tính tham, lòng tham, thói kiêu căng tự mãn, hám danh lợi chức quyền, thích tâng bốc ngợi ca, thậm chí “tự đánh bóng cá nhân”, “tự quảng cáo cho mình” - những biểu hiện trong muôn vàn biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân… xưa nay, vẫn đòi hỏi con người phải có động cơ, mục đích sống cao thượng, nghị lực bền bỉ và bản lĩnh vững vàng. Người lãnh đạo mang danh hiệu cộng sản thời đại Hồ Chí Minh càng phải như vậy. Bác Hồ đúc kết thành những phương châm cho chúng ta tu dưỡng, thực hành. Đó là “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “phụng công thủ pháp”, “tinh thành đoàn kết”, “nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người”…

Trước khi viết “Sửa đổi lối làm việc”, với bút danh “Tân Sinh”, vào tháng 3-1947, Người đã viết tác phẩm quan trọng “Đời sống mới”. Người nói với chúng ta về cách ứng xử, hàm súc, cô đọng, sâu sắc như kinh Phật răn dạy người đời từ bỏ tham - sân - si vậy.

Người viết rằng, “mình hơn người thì chớ kiêu căng, người hơn mình chớ có nịnh hót, thấy của người chớ có tham lam, đối của mình chớ có bủn xỉn”1. Đó là tự ứng xử theo khuôn mẫu đạo đức.

Có những lời dạy của Người mà càng suy ngẫm ta càng thấy sâu sắc. Người nói, ai có đạo đức thì dễ tiếp thu chân lý hơn. Vậy là, đạo đức như bệ đỡ cho con người nhận thức được sáng suốt và hành động được đúng đắn hơn. Ghi vào sổ vàng Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc cách đây đã gần 70 năm, Người viết, học để làm việc, học để làm cách mạng, làm cán bộ và để làm người. Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ giai cấp, Tổ quốc, dân tộc, nhân dân và nhân loại. Muốn đạt mục đích đó, trước hết, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Người còn chỉ dẫn, cái gì tốt, cái gì có lợi cho dân, cái đó là chân lý. Phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất. Suốt đời làm đầy tớ trung thành, làm công bộc tận tụy của dân - đó là lựa chọn một lẽ sống cao thượng nhất.

Người đòi hỏi chúng ta suốt đời phải gần dân, học dân, hỏi dân để hiểu dân, tin dân, trọng dân, để thương dân và vì dân.

Trong 6 điều dạy cán bộ, chiến sỹ công an, để xứng đáng là “công an nhân dân, vì nước quên thân vì dân phục vụ”, Người đặc biệt nhấn mạnh “đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”2.

Rõ ràng, đạo đức cách mạng làm cho đảng cách mạng, người cách mạng đủ sức vượt qua chủ nghĩa cá nhân để trở nên đảng cách mạng chân chính, người cách mạng chân chính, được dân tin, dân phục, dân yêu.

Khi viết “Sửa đổi lối làm việc” vào năm 1947, với bút danh X.Y.Z, Người nêu lên 12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính, trong đó nổi bật ở điều đầu tiên, nói về bản chất Đảng và động cơ vào Đảng của mỗi người. Đảng là một tổ chức cách mạng, phấn đấu hy sinh vì lợi quyền của giai cấp, phục vụ Tổ quốc, dân tộc, nhân dân và nhân loại. Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Người nhấn mạnh, phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng, căn cứ vào ý kiến, thái độ của dân mà kiểm tra xem đường lối, chính sách của Đảng đúng hay sai. Đảng dựa vào dân để chấn chỉnh tổ chức bộ máy, nhất là dựa vào dân để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Cả mười hai điều ấy chỉ vẻn vẹn có 456 từ mà toát lên một hệ thống quan điểm, phương thức, phương pháp lãnh đạo của một Đảng cầm quyền. Có thể xem đây là chủ thuyết xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền với cống hiến nổi bật của Hồ Chí Minh về lý luận Đảng cầm quyền3. Đó là một cống hiến vô giá của Người vào kho tàng kinh điển Mác - Lênin trên tư cách nhà tư tưởng mác xít sáng tạo và mang tinh thần cách tân, đổi mới.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng lãnh đạo, cầm quyền vì dân, Nhà nước do Đảng lãnh đạo phải thực sự là Nhà nước dân chủ - pháp quyền của dân, do dân và vì dân, làm chức năng quản lý để nhân dân làm chủ.

Theo đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng lãnh đạo sao cho đúng quy luật, thuận lòng dân và hợp thời đại, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng lãnh đạo bằng trí tuệ khoa học, bằng đạo đức, bằng văn hóa, lãnh đạo một cách dân chủ, tựu trung lại, đó là lãnh đạo bằng sự gương mẫu mà Người nhận xét rằng, đó là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp lòng dân, được lòng dân nhất. Bởi dân hiểu về Đảng, đặt trọn niềm tin vào Đảng từ những cảm nhận trực tiếp hằng ngày của họ về thái độ, hành vi, hoạt động, lời nói - việc làm của đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo. Không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản, tự xưng là cộng sản mà dân tin đâu. Dân chỉ tin và theo Đảng từ sự gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy phấn đấu hy sinh của các đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo.

Bởi đề cao lãnh đạo bằng gương mẫu nên Người công phu giáo dục rèn luyện đảng viên từ lý luận đến thực hành, nâng cao trình độ, có tầm nhìn xa trông rộng, lại có bản lĩnh dám hy sinh và dám chịu trách nhiệm, sáng tạo và đổi mới, chăm lo “giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Di chúc). Ra sức trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành dân chủ, “thật thà nhúng tay vào việc” khi làm dân vận, hết lòng tin vào vai trò, sức mạnh của dân và cũng hết lòng thương yêu cán bộ, chiến sỹ, đồng chí, đồng bào. Nghiêm khắc với mọi khuyết điểm sai lầm, nêu cao tự phê bình và phê bình, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Còn có ai mẫu mực, nhất quán giữa nói và làm như Hồ Chí Minh. Còn có ai tiên phong gương mẫu, phấn đấu hy sinh như Hồ Chí Minh, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước. Ở đỉnh cao quyền lực mà Người không bao giờ có biểu hiện của chủ nghĩa lãnh tụ, chủ nghĩa quyền uy. Người cầm quyền mà lại không ra lệnh nhưng quyền uy của Người là tuyệt đối. Người là linh hồn đại đoàn kết dân tộc, linh hồn của trí tuệ, đạo đức trong Đảng trong dân. Vậy nên, quyền lực, quyền uy không phải là ở chỗ ra lệnh mà từ sức thuyết phục của trí tuệ, sức cảm hóa của đạo đức, sức lan tỏa của sự nêu gương, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, đã nói thì phải làm, nhiều khi tự việc làm toát lên tư tưởng. “Triết học vô ngôn”, “thông điệp không lời” của Hồ Chí Minh là phong cách đặc sắc của Người, là hiện tượng độc đáo của văn hóa Hồ Chí Minh.

Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền nên Người là hiện thân của hành động nêu gương. Có biết bao chuyện kể về Người, cảm động, sống động và trở thành huyền thoại.

- Người nêu gương tự học suốt đời, tích lũy một khối lượng to lớn tri thức, kinh nghiệm, vốn sống để tự mình nâng cao hiểu biết, không để lạc hậu so với đà biến chuyển mau lẹ của thực tiễn, nắm lấy chân giá trị của chủ nghĩa, học thuyết Mác - Lênin ở tinh thần và phương pháp của nó, để độc lập suy nghĩ, để hành động sáng tạo đầy bản lĩnh trước những thử thách bước ngoặt. Các nhà lãnh đạo, các thế hệ học trò của Người cần học Người từ phẩm chất trí tuệ đó.

- Người nêu gương thực hành, tự mình làm trước để cổ vũ, khích lệ, thúc đẩy mọi người làm theo. Đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên ngôn dựng nước Việt Nam mới, khai sinh chế độ dân chủ cộng hòa, ngày 02-9-1945, thì ngay sau đó, ngày 03-9-1945 Người chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời. Đó là phiên họp lịch sử, độc nhất vô nhị trong lịch sử nền hành pháp nước ta. Người đề nghị các vị bộ trưởng trong Chính phủ do Người đứng đầu hãy cùng nhau nhịn ăn, cứ 10 ngày nhịn một bữa, mỗi bữa một lon gạo, lấy gạo giúp dân nghèo qua cơn đói khổ và Người xung phong làm trước tiên. Người còn nhắc, nếu đến ngày quy định nhịn ăn mà Người có việc phải tiếp khách thì Người sẽ nhịn bù vào hôm sau. Có Chính phủ nào trên thế giới như vậy? Có Chủ tịch Chính phủ nào như Hồ Chí Minh? Thế giới ngưỡng mộ kính trọng Người, nhân dân đã khóc trước tấm lòng từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của Người là vì vậy.

- Người cũng nêu gương về một đời gắn bó với dân. Đến với dân, nghe dân, làm mọi việc vì dân đã trở thành lẽ tự nhiên, như nhiên trong phẩm cách của Người. Chỉ trong 10 năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu, Người vẫn có 700 lần đến với dân, ở cơ sở, nhất là với bà con nông dân ở nông thôn. Trước khi mất, Người vẫn có thư cho bà con quê nhà, căn dặn lãnh đạo tỉnh, huyện, xã không được để dân đói, không được để các cháu bỏ học và nhất là không để xảy ra mất đoàn kết từ cơ quan lãnh đạo của tỉnh ủy đến các chi bộ ở thôn làng. Cũng ba tháng trước khi mất, ngày 01-6-1969, Người có thư cho thầy và trò Trường Tiểu học Vĩnh Niệm, Hải Phòng, căn dặn phải ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng nước nhà.

- Người là một mẫu mực của lòng bao dung, nhân ái, trọng dụng nhân tài, hiền tài. Dùng người tài đức, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng. Lấy việc dân, việc nước làm trọng, nhờ dân giúp Chính phủ tìm kiếm nhân tài ra giúp nước. Dân chủ và nhân văn biết bao. Người cũng nêu cao tinh thần trọng dân, trọng pháp, ngay sau lễ độc lập đã có thư gửi toàn thể quốc dân đồng bào thông báo lịch tiếp dân. Người muốn được nghe thật nhiều những điều dân nguyện. Người lại có thư gửi toàn thể quốc dân đồng bào thông báo, để tỏ lòng biết ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, Người sẽ nhận tất cả các con liệt sĩ là con mình. Người không chỉ nói mà làm ngay, làm suốt đời, chí tình chí nghĩa, gửi toàn bộ lương của Chủ tịch nước sang cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Cứu tế xã hội, bác sĩ Vũ Đình Tụng, để góp một phần quà cho các cháu.

Giữa ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Người đau đớn được tin con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng đã bỏ mình vì Tổ quốc. Người viết thư chia buồn, lời lẽ cảm động tự đáy lòng: “Ngài biết rằng, tôi không có vợ, có con, không có gia đình riêng. Nhưng cả dân tộc Việt Nam là gia đình lớn của tôi. Nam nữ thanh niên nước ta là con cháu của tôi vậy. Ngài mất đi người con cũng như tôi đứt từng khúc ruột. Mong ngài nén đau thương để tiếp tục làm tròn nhiệm vụ cao cả của Chính phủ và cũng để cho linh hồn cháu được thanh thản dưới suối vàng”.

… Cho đến cuối đời, “một đời thanh bạch chẳng vàng son”, giữa bộn bề công việc muôn vàn khó khăn, thử thách, vượt lên đau đớn của bệnh tật và nỗi cô đơn, Người dành tất cả muôn vàn tình thương yêu cho mọi người, căn dặn Đảng và Chính phủ những việc lớn, nhỏ cần làm, cần lo liệu, trù tính cho tương lai, dặn cả những điều mà Người gọi là việc riêng, “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình lãng phí thì giờ tiền bạc của nhân dân”…

Hồ Chí Minh - đó là tên gọi của Người từ khi Người viết “Lịch sử nước ta” giữa núi rừng Pác Bó đầu nguồn, năm 1942 cho đến khi Người viết Di chúc. Đó là biểu tượng cao quý của đức hy sinh và lòng dũng cảm, của trí tuệ, đạo đức, tình thương kết tinh trong tiếng gọi tên Người - Hồ Chí Minh, mà vị Đại sư Ônishi, trụ trì “Thanh Thủy tự”, một ngôi chùa nổi tiếng ở cố đô Nhật Bản khi nghe tin Người mất, đã nhòa lệ khóc thương, viết bài “Điếu thi” để tỏ lòng tôn kính Người. Vị Đại sư đó kể cho ta nghe, nếu phiên âm theo tiếng Nhật, thì Hồ Chí Minh là “BỒ TÁT - TRI - DÂN”4.

Còn với Đảng và dân ta, Người sống mãi với non sông, đất nước, với dân tộc, với Đảng, với nhân dân trong tiếng gọi trìu mến “BÁC HỒ”. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đang nỗ lực đi đầu, tiên phong gương mẫu học tập và làm theo Bác để thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân noi theo gương sáng ấy./.

(còn nữa)
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần
Khánh An (st)

-------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập, CTQG, H.2011, Tập 5, tr.117.

(2) Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr.498-499.

(3) Xem: Hoàng Chí Bảo -Tô Huy Rứa (chủ biên), Nghiên cứu chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. CTQG. H.2017.

(4) Võ Văn Sung, Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. CTQG. H.2010, tr.70.

Bài viết khác: