Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, là người gương mẫu đi đầu, thể hiện vai trò tiên phong của người lãnh đạo ở cấp cao nhất, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng phải đáp ứng đầy đủ 8 nội dung yêu cầu của việc nêu gương và 8 nội dung yêu cầu phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, như đã nêu rõ trong quy định mà Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Khóa XII thông qua.

Toàn bộ những nội dung yêu cầu đó thể hiện nổi bật và nhất quán về trách nhiệm chính trị, về đạo đức cách mạng, trong sạch, liêm khiết, liêm chính, chẳng những không rơi vào chủ nghĩa cá nhân mà còn kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tẩy sạch quan liêu, tham nhũng, tự mình trong sạch, tập thể bộ tham mưu chiến đấu trong sạch, để làm cho toàn Đảng trong sạch. Yêu cầu có tính lý tưởng này phải trở thành hiện thực, nhất định phải thành hiện thực. Từng đảng viên tốt thì chi bộ tốt. Các chi bộ đều tốt thì Đảng nhất định vững mạnh.

Nhớ lại nhiệm kỳ Khóa VII, từ năm 1991, trong các Hội nghị Trung ương bàn và ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, từ hồi đó, Đảng ta đã nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, đã đánh giá một cách nghiêm khắc rằng, trên thực tế, Đảng đông mà không mạnh. Tình huống có vấn đề này có nguyên nhân từ những yếu kém đạo đức và những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là trong thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ - một nguyên tắc cốt tử đối với Đảng chiến đấu, Đảng hành động. Đại hội XII, khi kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI, “về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng”, Đảng ta đã nói rõ, việc thực hiện nghị quyết không đạt yêu cầu đã đề ra, trên thực tế, Đảng chưa thực sự trong sạch, vững mạnh.

Hiện trạng này có nguyên nhân từ tổ chức đến con người, trước hết và trên hết ở lãnh đạo cấp cao, ở từng cán bộ cấp cao. Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII khi nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã và đang tồn tại trong Đảng và trong xã hội, phải kiên quyết phòng chống và đẩy lùi để làm trong sạch Đảng thì càng thấy rõ mức độ nghiêm trọng, tác hại nặng nề và tính chất phổ biến của vấn đề suy thoái. Trách nhiệm thuộc về từng đảng viên và toàn thể đội ngũ, không ai có quyền nhận mình là vô can, song trước hết và trên hết vẫn là trách nhiệm của lãnh đạo, của lãnh đạo cấp cao nhất.

Bởi vậy, để giải quyết căn bản, triệt để tình trạng suy thoái nêu trên, làm tổn thương đến uy tín, thanh danh của Đảng, làm suy giảm niềm tin của dân với Đảng, đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh của Đảng, hơn lúc nào hết, trách nhiệm nêu gương của từng thành viên trong tập thể lãnh đạo cấp cao, gần 200 đồng chí phải nhanh chóng chuyển từ trách nhiệm ý thức sang trách nhiệm hành động, từ quy định trách nhiệm phải trở thành pháp luật (bản quy định phải được coi là một thể chế pháp luật trong Đảng, điều lệ Đảng càng phải ý thức rõ là bộ luật tối cao trong Đảng) và chế tài bắt buộc để thi hành và xử lý, trong đó có cả vấn đề tự xử lý. Tình hình đã chín muồi cho việc thực hiện văn hóa từ chức mà trước đây ít đề cập tới như một đòi hỏi của trách nhiệm, nghĩa vụ, của lương tâm, danh dự và lòng tự trọng. Chỉnh đốn bao hàm sự sàng lọc để phát triển được lành mạnh và bền vững. Đảng chỉnh đốn tổ chức làm cho tổ chức thực sự trong sạch, vững mạnh, bộ máy có hiệu lực, hiệu quả và đảng viên, trước hết là đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo phải tự giác tự chỉnh đốn chính mình về đạo đức, về nhân cách, nêu cao trách nhiệm tự phê phán, “tự chỉ trích”1, tự soi, tự sửa, tự xem xét, đánh giá về mình để tự chỉnh đốn, sàng lọc chính mình.

Đọc vào từng trang sửa chữa, bổ sung trong Di chúc của Hồ Chí Minh, ta hiểu thấu nỗi lo toan, dằn vặt của Người khi Người nhấn mạnh, “trước hết nói về Đảng”, “đầu tiên là công việc với con người”, khi Người xác định 4 lần chữ “thật” trong tư cách Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là, Người căn dặn Đảng “phải tập trung chỉnh đốn lại Đảng”, khi cách mạng ở thời kỳ chuyển tiếp bước ngoặt, khi tình hình mới, nhiệm vụ mới và yêu cầu mới đặt ra.

Những điều trình bày trên đây, suy đến cùng lại là vấn đề gương mẫu, là thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của những người lãnh đạo, đặc biệt là gương mẫu, nêu gương về đạo đức, lối sống.

Nếu cán bộ quyết định phong trào, như ta thường nói, cán bộ nào thì phong trào ấy, thì đạo đức, nhân cách của người lãnh đạo, của tập thể lãnh đạo cấp cao sẽ tác động, ảnh hưởng và quy định chất lượng, sức chiến đấu, sinh khí của cả tập thể, của đội ngũ của Đảng, từ đó chi phối trực tiếp tới môi trường xã hội, đời sống xã hội, tâm trạng người dân và chiều hướng phát triển của đất nước. Chỉ có hai khả năng xảy ra: Tốt đẹp, tích cực, đi lên hoặc ngược lại, trì trệ, suy thoái, đi xuống, thậm chí thất bại, đổ vỡ cả một sự nghiệp. Từ xa xưa, nghiệm sinh của dân gian cho phép rút ra một kết luận mang tính nhân quả và răn đe, cảnh báo rằng:

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn.

“Nhà dột từ nóc dột xuống”.

Ngày nay, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết của những người nắm giữ chức quyền không mới mà lại rất mới, không cao xa vời vợi gì mà rất cụ thể, thiết thực từ con người đến ứng xử, hành xử mà lại vô cùng hệ trọng và bức xúc. Hồ Chí Minh nói rõ điều giản dị ấy, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người cũng vì trung thực với dân, trung thành với dân mà nghiêm khắc đòi hỏi, cùng mắc lỗi như nhau thì đảng viên phải trừng phạt gấp ba lần so với người ngoài Đảng. Cán bộ chỉ huy và đảng viên thường (không giữ chức vụ) cùng mắc lỗi như nhau thì cán bộ, chỉ huy phải xử nặng gấp ba lần. Như thế là công bằng, thực thi phải nghiêm, phải minh bạch, công khai. Đã vướng về đạo đức, trong việc làm, hành vi và lối sống thì tất không thể giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, pháp chế được. Nể nang, cả nể hoặc do nhu nhược, trách nhiệm yếu hoặc cũng do tư lợi mà ra. Cội nguồn cũng nằm ở chủ nghĩa cá nhân mà Hồ Chí Minh coi là “bệnh mẹ” đẻ ra trăm nghìn “bệnh con” rất nguy hiểm. Chủ nghĩa cá nhân không dứt ra được, cũng chỉ bởi vòng kiềm tỏa của danh và lợi.

Cho nên, từ trải nghiệm cuộc sống, quan sát, chiêm nghiệm và tổng kết, từ công tác cách mạng đến sinh hoạt đời thường, hiểu rõ lòng người, nhân tình thế thái, Hồ Chí Minh đúc rút thành bài học về cán bộ.

“Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể2, là tài sản của quốc gia. Cán bộ tốt và giỏi thì cách mạng thuận lợi, phát triển và thành công. Như thế chúng ta có lãi. Ngược lại, cán bộ yếu kém, xấu xa, hư hỏng, cách mạng sẽ khó khăn, thất bại. Như thế chúng ta lỗ vốn”.

Giáo dục - đào tạo cán bộ bởi vậy là công việc gốc của Đảng. Người lãnh đạo, giữ trọng trách lớn trước dân, trước Đảng phải hết sức công tâm, mẫu mực đã đành, mà còn phải rất tỉnh táo, sáng suốt trong việc chọn người, dùng người, không được thiên tư thiên vị, không có tư thù tư oán. Phải dùng người tài đức, không dùng theo lối cánh hẩu, chớ để “một lũ vu vơ” (ý nói bọn cơ hội) vây xung quanh mình, tâng bốc xiểm nịnh, xuyên tạc sự thật, để rồi xa lánh, chán ghét những người thẳng thắn, cương trực.

Đó là lời căn dặn của Người trong việc dùng người. Người còn tỏ rõ bản lĩnh và sự cao thượng, bao dung trong việc dùng người, xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, từ lợi ích chung của phong trào, của nhân dân, khi Người nhấn mạnh rằng ngay cả với những người không hợp với tâm lý, tính cách của mình, mình không ưa nhưng họ thực sự là người tốt, người giỏi, vì dân, vì nước thì vẫn phải dùng và tin dùng. Biết dùng người giỏi hơn mình là bản lĩnh của người lãnh đạo, tỏ rõ trách nhiệm và tầm nhìn.

Phải là người có động cơ, mục đích trong sáng, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp chung, không một chút gợn riêng tư thì mới có được phẩm chất ấy trong việc dùng người, trong công tác lãnh đạo. Xét đến cùng, việc thực hiện gương mẫu và suốt đời nêu gương đòi hỏi người lãnh đạo phải có dũng khí, bản lĩnh biết đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết, biết hy sinh lợi ích cá nhân của riêng mình và sẵn sàng hy sinh khi sự nghiệp chung đòi hỏi.

Hồ Chí Minh là minh chứng mẫu mực điển hình nhất cho phẩm chất nhân cách và bản lĩnh chính trị ấy, bởi Người tuyệt đối không màng danh lợi, suốt đời ở ngoài vòng danh lợi.

Đây là câu trả lời, là đáp số, là lời giải cho bài toán cuộc đời về trách nhiệm nêu gương, thực hành sự gương mẫu ứng dụng vào Đảng ta lúc này, vào trách nhiệm nêu gương của những người lãnh đạo cấp cao.

Không có gì tốt hơn, thiết thực hơn khi mỗi chúng ta hãy hằng ngày học tập và làm theo tấm gương sống của Bác Hồ, trước hết bằng việc tự phê bình và phê bình, như “rửa mặt hằng ngày” mà Bác đã từng làm, từng nêu gương.

Người ví như có vết nhọ trên trán, phải soi gương cho thấy và tự gột rửa đi. Vết nhọ trên trán không đáng sợ, sợ nhất là vết nhọ trong tư tưởng, tình cảm, trong đạo đức nhân cách của mình. Phải giúp nhau sửa bằng được. Cứ che giấu, không nói ra, không tự sửa, không chân thành giúp đồng chí mình sửa thì không phải là thương nhau mà là hại nhau, để khuyết điểm trầm trọng như người mắc bệnh nặng, không chữa được nữa thì sẽ chết. Thật là thấm thía về đạo đức và trách nhiệm. Tự phê có thật nghiêm thì phê bình người khác mới thật đúng, bởi có thành thật với mình mới có thể thành thật với người.

Tuyệt đối không màng danh lợi, cả đời đứng ngoài vòng danh lợi nên Hồ Chí Minh mới vượt lên được chủ nghĩa cá nhân, là mẫu mực chống chủ nghĩa cá nhân, chống “giặc ở trong lòng”.

Khi được Quốc hội khóa đầu tiên (1946) bầu Người làm Chủ tịch nước với số phiếu tuyệt đối, Người ý thức rõ trong bức thư cảm ơn Quốc hội, cảm ơn đồng bào. Người nói rõ, được Quốc hội tín nhiệm, được đồng bào tin cậy trao cho nhiệm vụ thì tôi sẽ một lòng một dạ phục vụ quốc dân đồng bào, như một người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận, quyết làm tròn bổn phận và trách nhiệm. Tôi tuyệt đối không màng danh lợi, sẽ kiên quyết đứng ngoài vòng danh lợi, đặt việc chung lên trên hết, trước hết.

Người nhấn mạnh, lời nói phải đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm, cả đời Người như vậy. “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết” đã thôi thúc Người và Người là người truyền cảm hứng vĩ đại cho mỗi chúng ta. Bao nhiêu lần có thư cho đồng bào cả nước, Người đã nói tự đáy lòng, “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Người căn dặn cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thanh niên, đã làm cách mạng thì phải làm cách mạng cho đến nơi, đã coi phục vụ nhân dân là lẽ sống thì phải suốt đời tâm niệm và thực hiện 4 chữ cần, kiệm liêm, chính, phải phấn đấu hy sinh, không tham tiền tài, không ham danh vị, bổng lộc, chức quyền. Người cách mạng chỉ có một điều ham: Ham học, ham làm, ham tiến bộ để làm được nhiều việc tốt cho dân, cho nước. Với thanh niên, Người còn căn dặn, tuổi trẻ phải có ý chí, hoài bão, khát vọng vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc, dân tộc và nhân dân. Tuổi trẻ phải ham làm việc lớn, ích quốc lợi dân chứ đừng ham làm quan to. Thanh niên không bao giờ đòi hỏi Tổ quốc đã đem lại cho mình những gì mà phải luôn luôn tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc. Lời dạy ấy của Người đã đi vào bài ca truyền thống của Đoàn. Ghi nhớ lời dạy của Người, biết bao cán bộ, chiến sĩ, thanh niên đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho, “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, biết quên mình, hy sinh lợi ích riêng tư để toàn tâm toàn ý vì dân, vì nước.

Học suốt đời, phấn đấu suốt đời để xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, của dân. Người luôn nhắc nhở chúng ta phải biết thương dân và vì dân. Mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng ta tiêu dùng hằng ngày đều do mồ hôi, nước mắt của dân làm ra. Lãng phí là không thương dân, tham ô, tham nhũng là có tội với dân, với nước. Người còn nói, Chính phủ thu thuế từ đồng tiền do dân đóng góp để nuôi cán bộ và lo mọi công việc phục vụ nhân dân. Vậy là dân trả lương cho chúng ta. Lười biếng, vô trách nhiệm trong công việc là không xứng đáng với công lao của dân, là lừa gạt dân chúng. Đó là trách nhiệm, là đạo đức và cũng là lương tâm danh dự.

Người đã nói và đã làm, đã tự mình thực hiện. Cả đời Người chỉ ấp ủ và nỗ lực thực hiện khát vọng được thấy Tổ quốc độc lập, nước nhà thống nhất, đồng bào được sung sướng tự do, ai ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Người đã lấy tên là Ái Quốc. Người lại còn mang tên Ái Dân. Suốt đời Người chỉ sống và làm việc theo triết lý nhân sinh, yêu nước, thương dân, tuyệt đối không màng chuyện riêng tư.

Chỉ riêng những bức thư Người gửi cho dân đã đủ nói lên tâm huyết, trách nhiệm và tình thương yêu của Người: “Mỗi người có một nỗi khổ riêng. Mỗi gia đình có một nỗi đau riêng. Cộng tất cả nỗi khổ đau đó lại là nỗi khổ đau của bản thân tôi”.

Người giãi bày tận đáy lòng mình, “tình thương yêu của tôi với đồng bào trong nước và đồng bào các dân tộc trong nhân loại khổ đau sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi”.

Vào năm tháng cuối đời, khi trả lời phỏng vấn của một nữ nhà báo cộng sản Cuba hỏi Người về điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời là gì, Người đặt tay lên ngực, nơi có trái tim đang đập, nói một câu thôi, “tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho nhân dân tôi, dân tộc tôi và cả nhân loại”.

Người sống với đời sống của dân, đau nỗi đau của dân, vui với từng niềm vui nhỏ bé của dân, với từng nụ cười, ánh mắt ngây thơ của đàn trẻ nhỏ mà Người luôn thương nhớ. Người thể hiện niềm tin, ý chí mãnh liệt của nhân dân và toàn dân tộc. Phút ra đi, Người vẫn chỉ một lòng hướng tới dân, gửi lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí.

Cuộc đời Người không gia đình riêng, không nhà cửa, không tài sản, không có gì cho riêng mình, bởi Người đã thực hiện dấn thân, hy sinh, dâng hiến đến mức hóa thân vào dân, vào nước. Khi Người mất, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Người, trao gửi lại Trung ương bản Di chúc 1.000 từ mà Người dặn, đó là bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí. Cùng với tài liệu quý giá ấy là túi tiền tiết kiệm từ lương tháng của vị Chủ tịch nước. Một đời vì nước, vì dân, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, lúc ra đi chỉ còn lại mấy đồng bạc. Bởi Người đã quan tâm tới tất cả mọi người, luôn có thư và quà chúc thọ các cụ già, chăm sóc các bà mẹ và trẻ em, thương yêu rất mực bộ đội, chiến sĩ công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và chăm sóc các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đúng như Tố Hữu viết:

“Sữa để em thơ, lụa tặng già”

“Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.

Không màng danh lợi nên trên ngực áo của Người không có lấy một tấm huân chương. Quyết ở ngoài vòng danh lợi để một đời dâng hiến cho dân, cho nước, cho thế giới nhân loại nên trong trái tim bao la của Người có tất cả tình thương mà Người dành cho mọi người.

Tấm gương ấy, từ cuộc đời và nhân cách cao thượng của Người đang tỏa sáng và thôi thúc chúng ta, trước hết từ những nhà lãnh đạo cấp cao nêu gương sống vì dân chứ không vì mình./.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần
Khánh An (st)

1. Tên một tác phẩm lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

2. Đoàn thể nói ở đây là Đảng, trong hoàn cảnh Đảng đã rút lui vào bí mật, từ tháng 11-1945 đến năm 1951, sau Đại hội II, Đảng mới ra công khai.

Bài viết khác: