Thứ sáu, 29/03/2024

Năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước nhưng chưa về lại được Sài Gòn, Bác nói: “Bác đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn”. Đó là điều băn khoăn, day dứt của Bác cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời. Thương đồng bào và chiến sỹ miền Nam “đi trước về sau”, “cố gắng giải phóng nhanh để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam”, đó là niềm mong ước, nỗi khát khao và cũng là điều trăn trở cho tới lúc Người đi xa.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tháng 9/1954, trong thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta"1. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bác càng nung nấu một ý muốn cháy bỏng là phải vào bằng được Nam Bộ với đồng bào, đồng chí miền Nam đang chiến đấu. Nhưng những năm sau này, khi sức khỏe của Bác có phần giảm sút đi nhiều, lo lắng ý định không thể thực hiện được, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đề nghị được vào miền Nam để gặp gỡ đồng bào, động viên chiến sỹ. Ngày 10/3/1968, trong “Bức thư gửi đồng chí Lê Duẩn” Bác đã đề nghị ý định của mình, để thuyết phục các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bác đã chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng từ hình thức đi cho tới thời gian, lịch trình cụ thể.

Ngay đầu bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu chuyện “hồi Noel năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn”2, nhưng nay Bác muốn đổi chữ sau thành chữ trước. Ý định đã có từ lâu, cũng nhiều lần Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác vào thăm đồng bào, nhưng các đồng chí phụ trách luôn tìm cách trì hoãn và báo cáo lý do đường đi khó khăn vất vả, lo lắng sức khỏe của Người không bảo đảm cho chuyến đi xa, những lúc như vậy Bác luôn khẳng định: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho Bác đi bộ, các chú đi được thì Bác đi được”. Cho tới những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bác vẫn luôn âm thầm, bền bỉ rèn luyện sức khỏe, tích cực đi bộ, có khi tập leo núi để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt này. Trong vườn hoa Phủ Chủ tịch, từ Nhà sàn của Bác đến đình Hội Đồng có con đường nhỏ đã trở thành con đường mòn Bác đi bộ hàng ngày sau khi đi chữa bệnh về, và Người đặt tên là đường Trường Sơn. Khi Người qua đời mọi người mới hiểu Bác dùng con đường này tập luyện hàng ngày để có thể vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, đồng chí.

Nhớ lại năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hành trình về thăm Liên Khu IV - chặng đường vào Nam xa nhất kể từ khi Người trở về quê hương. Lúc đó, hiểu được tâm nguyện và trái tim Bác luôn hướng về miền Nam nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, lại lo lắng an toàn cho Người nên các đồng chí phụ trách không thể để Bác vượt qua vĩ tuyến 17 đang chia cách hai miền Nam - Bắc mà chỉ có thể dùng máy phóng thanh để Bác nói chuyện với đồng bào bên kia giới tuyến. Nhưng khi đó, Bác có nói: “Bộ Chính trị để Bác vào Quảng Bình. Thế là được rồi. Còn muốn qua máy phóng thanh nói chuyện với đồng bào cũng như với tất cả bà con miền Nam thì tại Hà Nội đây Bác cũng nói được”3. Nói vậy, nhưng các đồng chí cũng hiểu một lần nữa Bác lại chấp nhận cất giữ hình ảnh một phần đất nước đang chịu nhiều hy sinh gian khổ vào lòng.

Cho tới những năm tháng sau này, chưa lúc nào Bác quên nguyện vọng vào thăm quân và dân miền Nam. Đầu năm 1968, khi tình hình chiến sự đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Bộ Chính trị và đặt ra một số câu hỏi: “Bộ Chính trị đánh giá cuộc thắng lợi đầu Xuân của miền Nam như thế nào? Chính sách trước mắt ở miền Nam thế nào? Kế hoạch tương lai gần đây của ta ở miền Nam như thế nào?”.4 Tuy đã nhận được báo cáo nhưng dường như vẫn không thể làm Bác yên lòng, bởi vậy, Bác đã lên kế hoạch cụ thể gửi các đồng chí thông qua để kịp khi “đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”. Trong bức thư lần này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự thu xếp mọi việc chu đáo, cách đi được tính toán kỹ lưỡng, “Bác sẽ làm công trên một chiếc tàu thủy. Lúc đến anh em chỉ phụ trách đón khi tàu cập bến Miên”, thời gian “ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ một tháng”. Hiểu được tâm tư của các đồng chí trong Bộ Chính trị lo lắng cho sức khỏe của mình, Bác cũng thuyết phục “thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe của Bác tiến bộ mau hơn”. Những dự tính cho chuyến hành trình của Người gợi nhớ lại hình ảnh gần năm mươi năm về trước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba, đã làm công việc phụ bếp trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) rời bến cảng Nhà Rồng đi Mácxây (Pháp) để thực hiện hoài bão lớn lao tìm con đường giải phóng cho dân tộc mình. Nhưng thời điểm thay đổi, trách nhiệm đã khác, vẫn là con người ấy nhưng trên vai giờ đây thêm nhiều trọng trách với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân. Chính những điều đó khiến Người không thể tự mình quyết định cho chuyến hành trình mà mình luôn mong chờ.

Cho tới những năm cuối đời, tuy sức khỏe đã yếu mệt, Bác vẫn đề nghị: Hãy tổ chức cho Bác đi vào miền Nam. Nhưng các đồng chí phụ trách có thưa với Bác: Theo tiến triển của cuộc chiến thì có thể không bao lâu nữa sẽ thắng lợi hoàn toàn. Và lúc bấy giờ Bác sẽ đi thăm đồng bào miền Nam. Sau khi nghe xong Bác chỉ nói: Chính bây giờ Bác cần và tha thiết cần đi miền Nam để cùng đồng bào miền Nam chiến đấu, chứ còn đến ngày thắng lợi, lúc đó mới vào thì còn nói làm gì!

Nói về những tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam đó là sự quan tâm, chăm sóc, là tình yêu thương được hình thành và bồi đắp qua năm tháng. Từ những ngày đầu tiên bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã mang theo trong mình hình ảnh một nửa đất nước còn đang bị thực dân cai trị, nơi đồng bào vẫn đang ngày đêm chịu đựng sự tàn ác của kẻ thù. Cho tới ngày Bác trở về, cho tới những năm tháng sau kháng chiến chống Pháp, miền Bắc đã được tự do, nhưng Tổ quốc vẫn chịu nỗi đau chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở làm sao để giải phóng miền Nam. Mà để thực hiện điều đó, trước tiên cán bộ, nhân dân miền Nam phải nắm bắt kịp thời những chỉ đạo từ Trung ương. Bởi vậy, khi chuẩn bị Quốc dân đại hội họp tại Tân trào (7/1945), Bác đã đề nghị bằng mọi cách phải mời đại biểu Nam Bộ và Nam Trung Bộ tới tham gia. Theo lời kể của đồng chí Hà Huy Giáp, khi các đại biểu Nam Bộ và Nam Trung Bộ vừa đến nơi, Bác đã hỏi tình hình sau cuộc khởi nghĩa Nam Bộ, lo lắng đồng bào bị thực dân Pháp khủng bố dã man, các cơ sở cách mạng không kịp khôi phục. Phải tới khi được sự khẳng định miền Nam chắc chắn sẽ theo kịp tiến trình cả nước Người mới yên lòng.

Quan tâm đồng bào, chiến sỹ miền Nam bao nhiêu, Bác càng tin tưởng và hy vọng vào miền Nam bấy nhiêu, Người luôn khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sỹ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập nước nhà”5. Chính sự quan tâm đó đã trở thành động lực để quân và dân miền Nam chiến đấu kiên cường và giành nhiều thắng lợi to lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn tập trung sức lực, trí tuệ để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng miền Nam, theo dõi sát sao tình hình chiến sự đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các chiến trường. Trong đó việc chi viện cho tiền tuyến cũng đặc biệt được quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Bằng tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai miền Nam Bắc được gắn kết bền chặt. Ở miền Bắc, nghe theo lời kêu gọi của Bác “miền Nam là máu thịt của Việt Nam”, biết bao thanh niên bằng ý chí quyết tâm, niềm tin về sự thống nhất đất nước đã xẻ dọc Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Các phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt"; "thanh niên ba sẵn sàng"; "phụ nữ ba đảm đang"; nông thôn thi đua "chắc tay súng, vững tay cày", bảo đảm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" được đồng bào ta ở khắp các cơ quan, trường học, nông thôn, thành thị, miền ngược, miền xuôi hưởng ứng mạnh mẽ. Công trường, nhà máy làm việc ba ca, người ở lại làm thay người ra trận. Những đoàn xe hối hả ngày đêm, nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Cùng lúc ấy, ở miền Nam cũng đáp lại bằng những chiến thắng vang dội, những cá nhân anh hùng dũng sỹ như mở ra niềm hy vọng cho ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam xum họp một nhà. Từ tiếng súng Nam Bộ đến tiếng súng miền Nam Trung Bộ, những ngày kháng chiến đầu tiên đó, miền Nam đã nhận được những tình cảm đặc biệt từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân miền Bắc.

Với nhận định thống nhất đất nước là nhu cầu tất yếu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”. Và trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do ấy, đồng bào và chiến sỹ miền Nam là những người phải chịu nhiều đau khổ, hy sinh mất mát. Để động viên tinh thần chiến sỹ và nhân dân, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới miền Nam hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… Trong những bức thư ấy luôn là những lời động viên, thăm hỏi đầy tha thiết để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sỹ. Đặc biệt, năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba) Bác đã tâm sự: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam. Mặc dù vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi như tôi yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”6.

Vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, chưa thể bố trí Bác vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam, nên khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra miền Bắc, các đồng chí Văn phòng Trung ương đều sắp xếp để Bác gặp gỡ. Chính tại Khu Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong 15 năm cuối của cuộc đời (1954 - 1969), đã lưu giữ rất nhiều hình ảnh miền đất phương Nam của Tổ quốc. Từ những hình ảnh quen thuộc như cây vú sữa, cây dừa miền Nam đến những buổi Bác gặp gỡ anh hùng, dũng sỹ miền Nam. Họ là cán bộ cao cấp của Trung ương Cục, của phong trào cách mạng miền Nam, là những người nữ thanh niên hoạt động nội tuyến vừa thoát khỏi hàng loạt nhà tù, trại giam của địch để tiếp tục ra hậu phương dù trên mình vẫn đầy thương tích, hay là những thiếu niên tuổi 14, 15 nhưng đã lập chiến công được phong tặng dũng sỹ. Đối với Bác, đó là những con người đặc biệt, những người con của miền Nam anh hùng.

Ngày 20/10/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu. Các đồng chí tới gặp Bác, mang theo nỗi lòng, tình cảm của những người dân đang sống trong sự o ép của kẻ thù Mỹ - Diệm vẫn luôn hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ kính yêu, luôn chờ mong ngày ranh giới chia cắt hai miền được xóa bỏ, Bắc - Nam sum họp một nhà và mong chờ ngày được đón Bác vào thăm. Sau khi đoàn gửi tặng người những món quà ý nghĩa của chính những người con miền Nam, Bác đã đặt tay lên ngực và nói: “Bác chẳng có gì tặng lại miền Nam cả, chỉ có cái này. Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”.

Suốt mấy chục năm, không một phút nào là Bác không nghĩ đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Vào năm 1963, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa II, đúng vào dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 73 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu đã nhất trí đề nghị trao tặng Người Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Biết tin, Bác rất xúc động nhưng đã đề nghị cho phép Bác chưa nhận phần thưởng cao quý này. Bởi đồng bào miền Nam còn đang sống khổ cực dưới chế độ dã man của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đang nỗ lực chiến đấu anh dũng để xứng đáng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, và chính đồng bào miền Nam mới là những người xứng đáng nhận huân chương cao quý này. Với những lẽ đó, Bác đề nghị: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng". Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lênin - Huân chương cao quý của nhà nước Xô - Viết, nhưng Bác cũng hẹn ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Nhưng tới ngày vui của cả dân tộc ấy lại không có Bác. Và tới ngày đi xa, trên ngực Người vẫn không một tấm huân chương.

Đến khi từ biệt thế giới này, Bác cũng mang theo trong mình hơi ấm của miền Nam. Trước khi đi xa, Người đã để lại bản Di chúc với những dòng thiết tha, thương nhớ hướng về miền Nam và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà… Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sỹ”. Trong cuốn sổ tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ghi lại diễn biến những ngày cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: "Từ 24/8/1969 trở đi, Bác mệt nặng… Ngày 26/8/1969: Hàng ngày, Bác vẫn hỏi: Hôm nay miền Nam đánh thắng ở đâu?".

Hiểu được nỗi lòng của những người dân đang chiến đấu trên tuyến đầu chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhân dân miền Nam danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… Chính từ sự quan tâm động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, đầy hy sinh ấy đã trở thành động lực để nhân dân miền Nam kiên cường chiến đấu làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.

Nguyễn Vân Anh
Theo
http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Hoàng Quân (st)

------------

Chú thích:

Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t9, tr60
Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t15, tr437
Bác Hồ về thăm quê, NXB Thuận Hóa, tr11
Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t15, tr431
Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t4, tr29
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia,t10, tr376

Bài viết khác: