Ba năm qua (2016 - 2018), trong bối cảnh tình hình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao; các thế lực thù địch tiến công toàn diện vào Đảng, vào chế độ ta. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định đường lối đổi mới, lãnh đạo Nhà nước và xã hội đạt được những thành tựu nổi bật, vai trò lãnh đạo - cầm quyền của Đảng được giữ vững.

Báo Quân đội nhân dân tổ chức vệt bài “Nhìn lại thành tựu qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng”, bước đầu phân tích một số thành tựu cơ bản, tìm ra nguyên nhân, bài học của thành công, góp phần củng cố niềm tin vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Bài 1: Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” được xếp thứ nhất trong 5 vấn đề hợp thành chủ đề Đại hội XII của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đã trở thành vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ và của dân tộc.

Bài toán niềm tin

Đại hội XII của Đảng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã đưa vào nghị quyết nhận định: “Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút”.

Thừa nhận thực trạng CB, ĐV và nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng, chế độ là việc rất khó khăn nhưng rất dũng cảm của Đảng. Đây là một thực tế mà trước đó ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng không dễ nói ra. Việc thừa nhận đó là thành quả của nhiệm kỳ Đại hội XI, một nhiệm kỳ mà công tác xây dựng Đảng được coi trọng, được đẩy mạnh nhưng kết quả thì chưa như mong muốn. Nhiệm kỳ Đại hội XI đã chứng kiến giọt nước mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 10-2012). Đây là hội nghị đặc biệt quan trọng vì sự trong sạch, vững mạnh (TSVM) của Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 21 ngày, chia làm 4 đợt (trong 3 tháng) để kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành nghiêm túc trong cả nhiệm kỳ và thu được những kết quả bước đầu nhưng chưa đạt mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI đề ra. Đại hội XII đã chỉ ra những điểm chưa đạt, bao gồm: Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến; một số CB, ĐV chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong công việc được giao. Trên một số vấn đề, qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm... Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận CB, ĐV chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn.

Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp nhưng Đảng đứng trước những khó khăn, thử thách to lớn, mà khó khăn nhất là vấn đề niềm tin. Làm thế nào để củng cố, khôi phục niềm tin của CB, ĐV và nhân dân vào Đảng trở thành mục tiêu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt nhiệm kỳ XII.

Đảng trong sạch hơn

Nghị quyết nhiều, chỉ thị nhiều mà không đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả thì không thể nào củng cố được niềm tin của nhân dân. Từ những ngày đầu đổi mới, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, nhưng tình hình chuyển biến chậm. Trong nhiệm kỳ XI, Đảng ta đã có một quyết sách quan trọng là chuyển Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ trực thuộc Chính phủ về trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo. Việc này đã khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong PCTN và là tiền đề cho những thành công của công tác PCTN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, các cơ quan chức năng đã vào cuộc hết sức tích cực, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, quản lý đất đai, công sản… Nhiều vụ việc, vụ án lớn, kể cả những vụ tồn tại từ nhiều năm trước, đã được điều tra làm rõ, xử lý công minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. “Chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) đến nay, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có 1 Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù; nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự”.

Kết quả cụ thể, rõ ràng của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng đã từng bước lấy lại niềm tin trong nhân dân vào Đảng. Đồng thời, Đảng cũng xử lý được những “khối u” nhức nhối, trong đó đưa ra khỏi Đảng nhiều CB, ĐV sa vào tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, điều mà nhân dân còn băn khoăn, trăn trở là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII đã đề cập đến quyết tâm chống nạn “tham nhũng vặt” chính là một giải pháp quan trọng để công cuộc PCTN thực sự trở thành phong trào tự giác từ Trung ương đến cơ sở. "Chống" là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng "xây" mới là cơ bản, lâu dài. Chống tham nhũng phải gắn chặt với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không còn những "khoảng trống," "kẽ hở," để cán bộ, công chức, viên chức không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng.

Bên cạnh PCTN thì việc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ‘tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng là giải pháp góp phần làm trong sạch Đảng ta. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Một cuộc khảo sát của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tháng 12-2018 cho thấy: 75% CB, ĐV và nhân dân đánh giá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả đáng phấn khởi, có nhiều dấu ấn tích cực. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các nội dung được khảo sát, phản ánh đúng nỗ lực không ngừng của Đảng trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa”. Nhiều đảng bộ địa phương đã cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã chỉ ra thành những biểu hiện cụ thể hơn cho dễ phân loại, dễ đánh giá, dễ xử lý. Hàng chục nghìn đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên trong nửa đầu nhiệm kỳ XII khẳng định kỷ luật của Đảng là tự giác, nghiêm minh, đồng thời đào thải khỏi đội ngũ những thành phần thoái hóa, biến chất, không còn xứng đáng với tiêu chuẩn đảng viên.

Đảng vững mạnh hơn

Sự vững mạnh của Đảng cầm quyền không chỉ là sức mạnh của bản thân Đảng (về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức) mà là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Nghị quyết Đại hội XII, Đảng xác định: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”.

Thực tiễn hoạt động lãnh đạo - cầm quyền nửa nhiệm kỳ vừa qua đã làm sáng rõ nhiều vấn đề. Trước hết, khẳng định 4 trụ cột lãnh đạo của Đảng cầm quyền, đó là: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Bốn trụ cột này được cụ thể hóa thành các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được tích cực triển khai vào thực tế cuộc sống.

Trong 3 năm qua, Đảng đã quan tâm lãnh đạo cả 4 trụ cột một cách đồng bộ, toàn diện và tạo được những chuyển biến quan trọng, rõ nét trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một bài viết nhân dịp đầu năm 2019 đã đánh giá: “Tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Chúng ta có thể khẳng định, đạt được kết quả toàn diện này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…”.

Dấu ấn đậm nét trong xây dựng hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo thời gian qua chính là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm. Vấn đề tinh giản biên chế được đề cập qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thực hiện hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII cùng với các nghị quyết, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến thực sự. Hầu hết các địa phương, bộ, ngành đều thí điểm tổ chức một số mô hình tổ chức, bộ máy; giảm đầu mối bên trong, giảm cơ quan trung gian; đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp lại thôn bản, tổ dân phố; thực hiện văn phòng cấp ủy phục vụ chung; kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo; giảm cấp phó... Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tổng hợp chưa đầy đủ (chưa bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), cả nước đã giảm hơn 132.000 người làm việc trong hệ thống chính trị.

Ba năm qua cũng là quãng thời gian Đảng kiên trì đưa việc xây dựng về đạo đức trở thành một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Đưa xây dựng Đảng về đạo đức lên ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là một nét mới nhằm bảo đảm cho việc cầm quyền bền vững. Trong các giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức, việc nêu gương của CB, ĐV đã được đề cập từ lâu, nhưng Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, lần đầu tiên Đảng đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Bản quy định này đã nêu rõ 8 điều các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện; 8 điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Vừa mới ra đời, Quy định 08 đã được CB, ĐV và nhân dân hồ hởi đón nhận, xem như cuốn “cẩm nang” để nhân dân giám sát, góp ý, xây dựng Đảng.

Những thành tựu trong xây dựng Đảng trong sạch vững mánh nửa nhiệm kỳ vừa qua là yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII: “Trong năm 2018 và nửa đầu nhiệm kỳ Khoá XII, sự nghiệp phát triển đất nước đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, năm sau tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, bởi vì trước mắt chúng ta vẫn đang có rất nhiều khó khăn, thách thức, vẫn còn nhiều việc lớn, việc khó phải làm và phải làm tốt hơn nữa mới có thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”.

Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: