Thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội ta, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách làm cho Quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ quân - dân, làm lu mờ, phai nhạt, đi đến phủ nhận chuẩn mực giá trị “Trung với Đảng, hiếu với dân” của Quân đội. Vì vậy, nghiên cứu, tiến hành đồng bộ các giải pháp để phát huy phẩm chất cao đẹp đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” mãi tỏa sáng.
Hơn 74 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn vững vàng trong đấu tranh cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên phẩm chất, truyền thống vẻ vang: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”1. Trong đó, “Trung với Đảng, hiếu với dân” là giá trị, chuẩn mực đạo đức bao trùm, phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Quân đội với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; là yếu tố căn bản, cốt lõi, hợp thành bản chất cách mạng, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc của Quân đội ta.
“Trung với Đảng” không chỉ được hiểu là lòng trung thành vô hạn của Quân đội đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, mà còn bao hàm cả sự tuyệt đối trung thành với dân tộc, Tổ quốc và nhân dân; nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác; luôn anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Điều đó khẳng định phẩm chất “Trung với Đảng” của Quân đội ta khác biệt về bản chất so với phạm trù “trung quân” - trung với vua trong xã hội phong kiến; lại càng xa lạ với luận điểm thù địch cho rằng: “Quân đội đứng ngoài chính trị”, “quân đội phi giai cấp”, “quân đội chỉ là công cụ bạo lực của nhà nước, không cần sự lãnh đạo của Đảng”, v.v.
“Hiếu với dân” là phẩm chất xuất phát từ mối quan hệ “máu thịt” giữa Quân đội với nhân dân. Phẩm chất đó phản ánh thực tiễn xây dựng, chiến đấu, công tác, trưởng thành của Quân đội, được quy định bởi sự nhất quán trong mục tiêu, lý tưởng “vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ” của Quân đội ta, ngoài ra Quân đội ta không có mục đích tự thân nào khác. “Hiếu với dân” không chỉ được thể hiện ở những kỳ tích trong chiến tranh, mà còn được thể hiện ở tình cảm thương yêu dân, kính trọng dân, hành động giúp đỡ dân, bảo vệ dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo,… đã tạo được sự yêu mến, tin tưởng của nhân dân trong thời bình.
Hiện nay, các thế lực thù địch gia tăng sự chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội ngày càng quyết liệt, với thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt. Trong bối cảnh đó, để giữ vững và phát huy phẩm chất “Trung với Đảng, hiếu với dân” của Quân đội ta, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định, bởi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội là nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, được thể hiện sinh động trong thực tiễn tổ chức, lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội hơn 74 năm qua. Trong tình hình mới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ Quân đội trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp gắn với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Duy trì thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đề cao tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội cũng tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, trung thành vô hạn với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân.
Hai là, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Quân đội. Thấm nhuần lời Bác “Phải nâng cao giác ngộ chính trị... Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”2, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp cần quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới công tác giáo dục chính trị; phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; xác định chủ trương, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Nội dung giáo dục phải toàn diện, song cần tập trung tuyên truyền, giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội và đơn vị; điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định, chức trách, nhiệm vụ được giao. Bằng nhiều hình thức, phương pháp thiết thực, cần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v. Cùng với đó, cần kiên quyết đấu tranh với những nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khắc phục tình trạng chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác, hoài nghi, dao động, tư tưởng cơ hội, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Qua đó, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Đồng thời, xây dựng thế giới quan khoa học, phương pháp luận đúng đắn, nâng cao giác ngộ chính trị, nhiệt tình cách mạng, năng lực nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, thực hiện “quân với dân một ý chí”. Đây là giải pháp có tầm quan trọng chiến lược; vấn đề thuộc bản chất, chức năng, truyền thống và là nhiệm vụ chính trị cơ bản, lâu dài, cấp thiết hiện nay của Quân đội ta. Vì vậy, các đơn vị cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ trong tiến hành công tác dân vận. Trong thực hiện, cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua Quyết thắng của Quân đội, phong trào thi đua yêu nước của địa phương và các phong trào, cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đền ơn đáp nghĩa”, các chương trình về “Xóa đói giảm nghèo”, v.v. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của mình. Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, biên giới, biển, đảo. Mọi cán bộ, chiến sỹ phải quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”3. Đồng thời, chủ động phát hiện và kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, góp phần làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thêm ngời sáng trong lòng nhân dân.
Trước sự chống phá hết sức thâm hiểm của các thế lực thù địch cùng những diễn biến khó dự báo hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng đồng bộ các giải pháp phát huy phẩm chất “Trung với Đảng, hiếu với dân” sẽ góp phần quan trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đảm bảo cho Quân đội luôn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, TS. Phan Sỹ Thanh, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Phương Thúy (st)
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 435.
2, 3 - Sđd, Tập 7, tr. 37, 76.Phương Thúy (st)