Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao rất sớm. Vào những năm 1950, Triều Tiên và Việt Nam có quan hệ thân thiết do có nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước vào thời điểm này đều bị chia cắt, cùng chung kẻ thù và nhận được sự ủng hộ từ các nước như Trung Quốc và Liên Xô. Triều Tiên là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam, vào năm 1950, chỉ sau Trung Quốc và Liên Xô.
Sau năm 1954, quan hệ chính trị giữa hai nước trở nên mật thiết hơn, với các chuyến thăm viếng cấp cao lẫn nhau. Các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đã tạo nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị giữa hai nước.
1. Ngày 08/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Bình Nhưỡng, mở đầu chuyến thăm hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên từ ngày 08 - 12/7/1957. Người dân Triều Tiên đứng dọc hai bên đường chào đón khi chiếc xe mui trần chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua.
Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Triều Tiên
tháng 7/1957 Ảnh: newzing.vn
Sau lễ đón chính thức, Bác và Đoàn đại biểu cùng đi dự mít tinh trọng thể của hơn 10 vạn nhân dân Thủ đô Bình Nhưỡng chào mừng các vị khách Việt Nam, tổ chức tại Quảng trường Kim Nhật Thành.
Phát biểu tại cuộc mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chào các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, gửi lời chào nhân dân Thủ đô Bình Nhưỡng và nhân dân Triều Tiên. Sau khi ca ngợi tinh thần anh dũng của nhân dân Triều Tiên trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Người nói: Thắng lợi của nhân dân Triều Tiên đã cổ vũ nhân dân Việt Nam rất nhiều trong cuộc đấu tranh chống đế quốc; nhân dân hai nước Việt Nam và Triều Tiên sẽ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ để thống nhất Tổ quốc.
Ngày đầu tiên thăm Triều Tiên, Đoàn đã tới đặt vòng hoa trước Đài giải phóng trên đồi Mẫu Đơn; tới đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ Hồng quân Liên Xô đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng nhân dân Triều Tiên khỏi sự thống trị của phát xít Nhật. Phát biểu đáp từ tại buổi chiêu đãi của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Người chúc mừng những thành tích của nhân dân Triều Tiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước đời đời bền vững1.
Trong chuyến thăm hữu nghị này, Đoàn cũng đã đến thăm nhiều nơi như: Phòng triển lãm công nghiệp, nông nghiệp Triều Tiên, Viện Bảo tàng Chiến tranh giải phóng Tổ quốc Triều Tiên ở Thủ đô Bình Nhưỡng... Trước khi rời Bảo tàng, Người ghi trong sổ cảm tưởng: “Đến thăm Viện Bảo tàng Chiến tranh giải phóng Tổ quốc, chúng tôi càng thấy rõ và cảm phục tinh thần anh dũng vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết thắng quân thù của quân và dân Triều Tiên. Một dân tộc như thế nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Bác thăm Trường trung học số 28 ở Bình Nhưỡng. Người nói chuyện với các học sinh về đời sống của thiếu nhi Việt Nam, những thành tích của thiếu nhi Việt Nam trong kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Kim Nhật Thành và các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Triều Tiên xem đoàn văn công Triều Tiên biểu diễn chào mừng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam tại Nhà hát Phong Mẫu Đơn2.
Trong khi cùng Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm Nhà máy dệt Bình Nhưỡng, Người thăm các xưởng và nhà trẻ của nhà máy và tặng anh chị em công nhân nhà máy một số hàng thủ công nghiệp Việt Nam. Nói chuyện với công nhân nhà máy, Người đề nghị công nhân Nhà máy dệt Bình Nhưỡng viết bản hợp đồng thi đua với công nhân các nhà máy dệt Việt Nam để Người chuyển về Việt Nam. Lời đề nghị của Người đã được công nhân Nhà máy dệt Bình Nhưỡng nhiệt liệt hoan nghênh.
Phát biểu tại buổi chiêu đãi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Triều Tiên, Người bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu quan trọng của nhân dân Triều Tiên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tin tưởng rằng: “Dù chúng ta còn có nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng của bản thân chúng ta, với sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới, dưới ngọn cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi”3.
2. Cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập Triều Tiên đồng thời là ông nội của Chủ tịch hiện nay Kim Jong-un, từng hai lần đến Việt Nam: Thăm chính thức tháng 11-12/1958 và thăm không chính thức tháng 11/1964. Ông giữ chức Thủ tướng Triều Tiên năm 1948 - 1972 và Chủ tịch nước năm 1972 -1994.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp lại ông Kim Nhật Thành tại Hà Nội năm 1958. Ảnh: newzing.vn
Theo ông Dương Chính Thức, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên (nhiệm kỳ 1992 - 1996) cho biết: "Lúc đấy mình chưa có sân bay Nội Bài đâu, mà ông Kim bay đến sân bay Gia Lâm. Người dân ra đón đông lắm, đứng rải khắp hai bên đường từ Gia Lâm về trung tâm Hà Nội"4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông tại Phủ Chủ tịch và sau đó cùng ông đến khu nghỉ Hồ Tây, đến Nhà máy dệt Nam Định, một trong những cơ sở sản xuất công nghiệp đi đầu ở miền Bắc thời kỳ đó. Ông Kim Nhật Thành còn đến thăm Trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Sáu năm sau, vào tháng 10/1964, lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành thực hiện chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2. Trong chuyến thăm này, ngoài hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Kim Nhật Thành thăm huyện Từ Liêm, nơi có Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị, ông còn tham quan Vịnh Hạ Long và một đơn vị hải quân nhân dân Việt Nam. Trong dịp này, rạp xiếc nhân dân Trung ương cũng đã biểu diễn chào mừng đoàn lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim nghỉ tại khu nghỉ Quảng Bá ở ven hồ Tây, Hà Nội.
Đại sứ Triều Tiên tại Hà Nội, Ma Chol Su nói: Các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đã tạo nền tảng vững chắc mối tình hữu nghị giữa hai nước.
“Tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác anh em giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước chúng ta đã được gắn kết trong cuộc đấu tranh chung... và không ngừng được củng cố phát triển từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác”5.
Có thể khẳng định, chuyến thăm chính thức Triều Tiên tháng 7-1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 11 đầu tháng 12-1958 của Thủ tướng Kim Nhật Thành đã đặt dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước.
Trên tinh thần mối quan hệ tốt đẹp do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành tạo dựng, quan hệ hai nước sau những chuyến thăm đó phát triển nhanh chóng. Trong những năm 1958, 1964, Triều Tiên đã giúp đỡ Việt Nam nhiều trong chiến tranh, chúng ta cũng học hỏi họ về nông nghiệp. Triều Tiên cũng thể hiện sự ủng hộ với cuộc kháng chiến của nhân dân ta, chẳng hạn như trong một nhà máy dệt ở Triều Tiên có phân xưởng được đặt tên là phân xưởng Nguyễn Văn Trỗi.
Mối quan hệ Việt - Triều còn được củng cố trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi Triều Tiên cử gần 100 phi công trẻ và sĩ quan sang học tập, huấn luyện cùng các phi công chiến đấu Việt Nam và còn trực tiếp tham chiến. Ngoài ra, Triều Tiên cũng giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên những năm 1960 và 1970 và viện trợ xi măng, thép, vải, thuốc men, phân bón.
Ngược lại, Việt Nam đã nhiều lần hỗ trợ gạo cho Triều Tiên. Khi nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Triều Tiên những năm 1994 - 1998, Việt Nam viện trợ 100 tấn gạo năm 1995 và 13.000 tấn gạo năm 1997. Giai đoạn 2000 - 2012, Việt Nam hỗ trợ Triều Tiên 22.700 tấn gạo, 5 tấn cao su nguyên liệu và 50.000 USD.
Trong gần 70 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay, kế thừa nền tảng do hai vị lãnh đạo tiền bối xây dựng, lãnh đạo hai nước ở các cấp tiếp tục duy trì các cuộc thăm lẫn nhau. Đặc biệt là chuyến thăm Triều Tiên của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh và cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh và Tổng Bí thư Kim Châng In tháng 10-2007, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được củng cố và có bước phát triển mới.
Qua nhiều năm, hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương, như Hiệp định hợp tác khoa học - kỹ thuật (tháng 10-1958), Hiệp định thương mại và hàng hải (tháng 12-1962), Hiệp định tương hỗ y tế (tháng 12-1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (tháng 01-1977), Hiệp định vận tải biển (tháng 5-2002); Hiệp định thương mại (tháng 5-2002); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 5-2002); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 5-2002)... Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên năm 2015 đạt 11,6 triệu USD. Năm 2017, Việt Nam xuất siêu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD, chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo.
Trên cơ sở những thành tựu hợp tác trong những năm qua và tiềm năng hợp tác trong thời gian tới, với sự quan tâm và nỗ lực chung của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với thời đại mới, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới./.
Minh Đức (tổng hợp)
1. Báo Nhân Dân, số 1218, ngày 09-7-1957; số 1219, ngày 10-7-1957.
2. Báo Nhân Dân, số 1220, ngày 11-7-1957.
3. Báo Nhân Dân, số 1220, ngày 11-7-1957; số 1221, ngày 12-7-1957.
4, 5. news.zing.vn/2-chuyen-tham-vn-cua-lanh-tu-kim-nhat-thanh-qua-loi-ke-cua-cuu-dai-su-post911491.html