Đặc sắc trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đối với người lãnh đạo nói phải đi đôi với làm, nghĩa là mắt thấy, tai nghe, miệng nói và phải hành động thực tế. Vì vậy, dù bận trăm ngàn công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quý báu của mình về với quần chúng nhân dân địa phương. Đó là những chuyến đi thực tế thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào tháng 3/1962. Ảnh: Internet
Sinh thời, với nhiệm vụ bộn bề, vừa là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, nhưng Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới các tầng lớp nhân dân: Nông dân, công nhân, phụ nữ, các lực lượng vũ trang nhân dân, trí thức, thiếu niên, nhi đồng. Người đã khẳng định: Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì dù chính sách của ta có hay mấy cũng không thực hiện được. Vì vậy, không có cách nào khác là phải tăng gia sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, đặc biệt là người dân làm nông nghiệp: “Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân, cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè...) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay...)”1. Chính vì lẽ đó, với tư tưởng của Người là lãnh đạo thì lời nói đi đôi với hành động, mắt thấy, tai nghe, miệng nói và phải hành động nên việc đi thực tế, hướng dẫn, giúp đỡ và động viên bà con địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp, đắp đập, đê điều... đều là nhiệm vụ thiết thực, được đặt lên hàng đầu.
Căn cứ vào những nguồn tư liệu mới nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thực tế địa phương và cơ sở từ ngày 15/10/1954 (sau khi Người về Thủ đô Hà Nội) đến ngày 12-8-1969, tổng cộng 923 lần. Cụ thể vào các năm: Năm 1954: 4 lần; năm 1955: 40 lần; năm 1956: 67 lần; năm 1957: 120 lần: năm 1958: 134 lần; năm 1959: 106; năm 1960: 96 lần; năm 1961: 73 lần; năm 1962: 72 lần; năm 1963: 67 lần; năm 1964: 57 lần; năm 1965: 29 lần; năm 1966: 30 lần; năm 1967: 10 lần; năm 1968: 9 lần; năm 1969: 9 lần (Đặc san Thông tin tư liệu, số XVI, tháng 9-2014 của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Phạm Thị Nga). |
Có thể nói, trong sự trọn vẹn của con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sự trọn vẹn về tình cảm, sự quý trọng, tin tưởng, nhất mực thương yêu nông dân - những người suốt đời chân lấm, tay bùn, làm ra của cải nuôi sống xã hội và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Cho đến bản Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người cũng đã dành những dòng xiết bao trìu mến, ân cần, quan tâm sâu sát đến người nông dân Việt Nam: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn thành thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”2.
Đến với bà con nông dân
Trong những chuyến thực tế đến với nông dân, Bác đến với những con người chân lấm, tay bùn, Bác tát nước, đạp guồng chống hạn, thăm hệ thống đê điều, hỏi chuyện nông dân ngay trên cánh đồng đang gặt. Bác thăm những chuồng trại gia súc, gia cầm, thăm bếp ăn, giếng nước, nhà trẻ, mẫu giáo ở nông thôn để xem con em nông dân có được trông coi cẩn thận, có đủ chế độ dinh dưỡng hằng ngày hay không.
Ngày 07/8/1955, trên đường đi công tác về, Người qua thăm bà con nông dân Kiều Mai khi đang sôi nổi thi đua đào vét mương lấy nước sông Nhuệ, Bác căn dặn bà con phải chủ động lấy nước cấy cày, không chờ trời mưa. Bác kể chuyện những nơi chống hạn tốt cho mọi người, rồi Bác nói tiếp, đồng ruộng của ta màu mỡ nhưng còn nhiều nơi chưa cấy được hai vụ vì ta làm thủy lợi chưa giỏi... Khi Bác đến thăm xã Mễ Trì (Hà Nội) năm 1958, Người động viên bà con đã có công chống hạn, “Bây giờ để giọt mồ hôi, Sau này gạo trắng đầy nồi cơm thơm”. Cùng năm, Người nói chuyện với đồng bào tỉnh Hưng Yên: Tục ngữ có câu “Nhân định thắng thiên”. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công, kết quả to lớn quân và dân ta đoàn kết nhất trí mà thu được. Chống hạn cũng thế. Đồng bào tỉnh Hưng Yên vốn đã có truyền thống anh dũng trong kháng chiến và chống hạn trước đây, nay phải cố gắng truyền thống tốt đẹp đó... Năm 1958, dự Hội nghị “Bàn về sản xuất nông nghiệp”, Bác nói chuyện với nông dân hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành (tỉnh Thái Nguyên) và đồng bào tỉnh Thái Bình, Bác dặn dò bà con nông dân xã Hiệp An, Hải Dương tám điều cần thiết như cách làm, chọn nước, phân, cày, cấy, chọn giống... và chăn nuôi gà, vịt, lợn, cá... Tấm lòng của Bác mênh mông và sâu sát vô cùng. Điều đặc biệt là hiểu người nông dân cũng như Người đang sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi vậy3.
Động viên sản xuất công nghiệp tiên tiến
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sớm nhận thấy vai trò to lớn của giai cấp công nhân, đó chính là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất. Người dành thời gian đi thăm các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp, các nhà máy diêm, nhà máy may, nhà máy dệt, nhà máy điện, các công trường xây dựng, làm cầu đường.
Ngày 19/01/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ giáo viên trường Công đoàn, Người nhấn mạnh: “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”4.
Ngày 15/4/1964, Bác về thăm công trường xây dựng hồ chứa nước Suối Hai ở Ba Vì - Sơn Tây. Người nói chuyện với anh em công nhân và đồng chí trưởng ban kiến thiết công trường. Sau khi hỏi thăm mọi người, Bác hỏi đang xây các nhà gì thế đồng chí, Trưởng ban thưa với Bác, nhà cạnh đập kia là nhà nghỉ mát của Tỉnh ủy, còn các nhà khác là nhà của một số bộ cũng đang chuẩn bị xây cất nhà nghỉ mát. Nghe xong nét mặt Bác hơi thay đổi, Bác bảo: “Không được. Chú về báo với tỉnh, tại sao không xây nhà nghỉ mát cho công nhân trước, mà lại lo xây nhà nghỉ mát cho lãnh đạo”5.
Động viên chị em phấn đấu vươn lên
Với phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”. Và không những đánh giá đúng vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội, trong quá trình đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, Người luôn động viên chị em phấn đấu vươn lên, khẳng định vị thế và những đóng góp của mình cho xã hội6. Tháng 3-1963, Bác về thăm thành phố Cảng. Một số đại biểu phụ nữ được thành phố báo đến đón Bác. Khi gặp, Bác hỏi tình hình phụ nữ Hải Phòng. Đại biểu Thành hội phụ nữ báo cáo với Bác, sau khi nghe xong, Bác gật đầu hài lòng, rồi nói: Bác được biết tại các nhà máy hiện nay ở Hải Phòng có rất nhiều cháu gái biết điều khiển máy tiện, máy khoan... ở các nông trường cũng có nhiều phụ nữ, thanh niên biết lái máy xúc, xe vận tải...; rồi Bác bảo, phụ nữ Hải Phòng nên cố gắng hơn nữa. Bác quay lại hỏi Hoa - một nữ chiến sĩ thi đua Bệnh viện Việt Tiệp: “Cháu làm việc ngành nào”, Hoa thưa: Cháu làm việc ở ngành Y tế. Sau đó Bác hỏi tiếp, “Cháu là lương y, lương y thì phải làm sao?”, nghe Hoa trả lời xong, Bác tiếp lời: “Hiện nay, ngoài công việc y tế ra, cháu có góp phần vào dạy bổ túc văn hóa không?”. Hoa đáp: “Dạ thưa Bác, cháu vừa học thêm về văn hóa chuyên môn, vừa giúp đỡ các chị em khác học”. Bác gật đầu hài lòng, nói thêm: “Cô nào muốn học thêm văn hóa để xem sách nâng cao trình độ chính trị và kỹ thuật là tốt. Bác rất khuyến khích học văn hóa. Nhưng nếu học văn hóa chỉ để thi lấy bằng cấp thì không đúng”7.
Xác định rõ tư cách người Công an cách mệnh
Với lực lượng vũ trang nhân dân, ngay từ những năm đầu mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ tư cách người Công an cách mệnh là:
“Đối với mình phải cần, kiệm, liêm chính.
Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.
Sáu điều Bác Hồ dạy phản ánh một cách đầy đủ nhất bản chất vì nước quên thân, vì dân phục vụ của Công an nhân dân Việt Nam8.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Một lần Bác đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội, Bác nói về đạo đức: Thời xưa bọn phong kiến cũng nói: “Cần, kiệm, liêm, chính” nhưng mục đích bắt dân theo mà làm đầy tớ cho chúng. Đó là thứ đạo đức cũ phong kiến, nó ví như người đi đầu xuống đất, chân chổng ngược lên trời. Còn ta đề ra “Cần, kiệm, liêm, chính” là để cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước, cho nhân dân noi theo. Mục đích là phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Đó là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Nó như người đi vững hai chân trên mặt đất, đầu ngẩng lên trời. Bác dạy về đạo đức không hoa mỹ, không khó hiểu mà rất cụ thể, so sánh dễ hiểu, để ai nghe cũng có thể soi mình làm theo9.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”10.
Ngày 23/02/1956, nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ công tác giáo dục là một bộ phận trong cuộc đấu tranh cách mạng và phân tích mối quan hệ giữa phát triển giáo dục với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế. Người nói: “... Có một vài vị lo ngại rằng chủ nghĩa Mác - Lênin bó buộc tư tưởng, bó buộc giáo dục. Lo ngại như vậy không đúng. Chủ nghĩa Mác - Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Bất kỳ việc to, việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư, tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ai đi nhầm đường thì chúng ta giúp họ đi vào con đường chính. Như thế không phải là bó buộc”11.
Vì tương lai của đất nước
Bên cạnh những đối tượng nông dân, công nhân và các lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Người coi giáo dục là động lực phát triển để đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu và việc đào tạo, bồi dưỡng một thế hệ cán bộ từ ngày còn thơ bé là rất quan trọng. Vì vậy, trong những bức thư, bài nói chuyện của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng, Bác luôn giáo dục các cháu về lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và trách nhiệm lớn lao của các cháu đối với việc học tập để xây dựng đất nước trong tương lai.
“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”12.
Trong bản Di chúc Bác để lại trước ngày đi xa, Người không quên gửi những lời yêu thương nhất cho các cháu: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên, nhi đồng”.
***
Những chuyến đi thực tế ở các địa phương, cơ sở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm, thương yêu, động viên, khích lệ rất cụ thể và gần gũi, để lại mọi đời sau những bài học lớn về sự gần dân, thân dân, vì dân. Vì thế, tất cả những ai vinh dự được nghe những lời chỉ dạy của Bác đều thấm thía sức cảm hóa đầy ân tình ở con người Hồ Chủ tịch, Bác nâng ta lớn dậy cùng Người và trong tình thương bao la đó, mỗi người dân Việt Nam như được truyền thêm sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là các cán bộ đảng viên nắm giữ cương vị lãnh đạo. Vì thế, những chuyến đi thực tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bài học sống động. Học theo Bác, tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là bài học vô cùng quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta./.
Phạm Nga
- Khu Di tích Phủ Chủ tịch
Theo Tapchicongsan.org.vn
Xuân Đức (st)
1. Đặc san Thông tin tư liệu, số XVI, tháng 9-2014 của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc
2, 3. Bác Hồ với nông dân, Nxb. Văn hóa thông tin, 2011, tr. 3,13
4, 5. Bác Hồ với công nhân, Nxb. Văn hóa thông tin, 2011, tr. 27,143
6, 7. Bác Hồ với phụ nữ, Nxb. Văn hóa thông tin, 2011, tr. 3, 109
8. Biên niên sự kiện Bác Hồ với Công an nhân dân, tr. 3
9. Những kỷ niệm cảm động về Bác Hồ, Nxb. Văn hóa thông tin, 2008, tr. 137
10. Hồ Chí Minh: Tuyển tập, t. 2, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr. 93
11. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t. 6, tr. 253
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Thư gửi học sinh ngày khai trường, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 32