“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sẽ chẳng bao giờ quên, trong giờ khắc lịch sử 9 giờ 47 phút, ngày 02-9-1969, cả dân tộc Việt Nam, bầu bạn của Việt Nam trên khắp hành tinh đã nhận tin “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại.

Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết. Đồng bào và chiến sĩ cả nước thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta”.

Hoc lai di chuc

Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta đã 50 năm. Thời gian cứ trôi đi, nhưng trong suốt 50 năm qua và mãi mãi có một điều vẫn ở luôn vạch xuất phát, đó là lòng mỗi người không bao giờ  nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ anh hùng của dân tộc, người thầy vĩ đại của nhân dân ta, người lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc, người Bác kính yêu của chúng ta, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Bởi vậy, 50 năm và mãi mãi về sau, tuy Bác xa chúng ta, nhưng Bác lại rất gần chúng ta để đưa đường cho chúng ta đi bằng ngọn đèn tỏa sáng là Di chúc của Người - một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Buổi sáng thứ 2 ngày 10-5-1965, khắp nơi trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi, tại ngôi Nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch, đúng 9 giờ - giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây để viết về ngày ra đi của mình và viết những điều dặn lại cháu con.

Bác Hồ hiểu rõ hơn ai hết tình hình sức khỏe của Người và sự nghiệp cách mạng lâu dài, gian khổ mà dân tộc ta cần phải vượt qua. Người đã biết rất rõ rằng không thể sống đến ngày sự nghiệp của cuộc kháng chiến để thống nhất Tổ quốc, bởi thế Người dặn lại cho Đảng, cho dân, cho cháu con định hướng chiến lược mà phấn đấu:

Di chúc mà Bác gửi lại cho nước, cho dân, cho Đảng là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã trọn một đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.

Di chúc đã khẳng định thắng lợi tất yếu của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ngay từ khi nó đang diễn ra quyết liệt, đồng thời cũng vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi.

Di chúc là sự chăm lo của Người đối với sứ mệnh của Đảng: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.

Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”; trong Đảng phải đoàn kết nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đặc biệt Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng, vì “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Di chúc đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Điều đầu tiên là “công việc đối với con người”; trước hết là với cán bộ, chiến sỹ, dân quân du kích… những người đã hy sinh một phần xương máu của họ… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Đối với “đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng, với Chính phủ, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi việc khó khăn gian khổ” trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ, “nay kháng chiến đã hoàn toàn thắng lợi”, Bác đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hể hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Di chúc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đối với việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, Người đề nghị Đảng, Chính phủ cần lựa chọn những người ưu tú trong số những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong, cử họ đi học để đào tạo thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Di chúc “mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động: Góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Về việc riêng, trọn đời Người đã hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp của dân tộc và nhân loại, nên dù phải từ biệt thế giới này, Người không có điều gì phải hối hận chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Người đề nghị, sau khi Người qua đời chớ nên tổ chức đình đám, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân, thi hài Người đề nghị “đốt đi” để tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”.

Trên những giá trị đó: Di chúc mang giá trị nhân văn cao cả, mong mọi người, căn dặn mọi người, mà đặc biệt là đảng viên, cán bộ, những người có chức trọng quyền cao của Đảng cầm quyền cần phải xây dựng, rèn luyện mình tư chất ở đời và Làm người.

Ở đời thì phải thân dân, gần dân, lo cái lo của dân, đau cái đau của dân. Làm người thì phải chính tâm, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Cần phải giữ trọn đạo nghĩa của truyền thống dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” - có cơ đồ, sự nghiệp mà mình đang được thừa hưởng là nhờ sự đắp móng, xây nền, sự giành giật bằng mồ hôi, công sức, nước mắt và xương máu của tổ tiên, của những bậc tiền nhiệm: cán bộ, đồng bào, chiến sỹ…

Di chúc đã phản ánh tâm hồn cao đẹp, đạo đức trong sáng - “muôn vàn tình thân yêu” của lãnh tụ đối với Tổ quốc, với nhân dân, với phong trào cách mạng thế giới, với bạn bè khắp năm châu, đặc biệt với thanh niên và nhi đồng.

Di chúc mãi mãi là những lời dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta, mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc của con người.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mỗi người Việt Nam ta càng tưởng nhớ Người với lòng biết ơn, niềm tự hào và tình thương yêu vô hạn. Trong những ngày này, những ngày của năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mỗi người Việt Nam học lại bản Di chúc của Người gửi lại từ mùa Thu 50 năm trước.

Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau, để thấm nhuần hơn nữa tư tưởng và tình cảm của Người, để thấy được ta theo Di chúc của Bác, ta đã lớn thêm lên, chững chạc, đĩnh đạc, đàng hoàng bước vào thế kỷ XXI với sự nghiệp vĩ đại Bác trao “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, lại thêm một dịp để mỗi người chúng ta báo cáo với Bác những công việc mà mình đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện theo những lời dặn dò, nhắn nhủ và mong đợi của Bác.

Và đây cũng là một cơ hội tốt để mỗi người chúng ta thật thà tự phê bình và phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm chỉnh, thấy rõ những sai lầm để sửa chữa, thấy rõ những ưu điểm để phát huy thêm. Từ đó, tất cả mọi người đem lòng đoàn kết với tình thương yêu đồng chí, đồng loại và giúp nhau tiến bộ, “vứt bỏ cái ba lô chủ nghĩa cá nhân”, để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ vẫn từng mong và ngày nay Đảng ta đã, đang trăn trở phấn đấu thực hiện.

Đây cũng là dịp để mỗi người Việt Nam ta biến những tư tưởng, tình cảm cao đẹp của mình thành những việc làm thiết thực. Kính yêu Bác, tưởng nhớ Bác, trung thành với Bác là tiếp tục trau dồi đạo đức cách mạng, làm việc thiết thực cho nước, cho dân, nguyện mãi mãi làm theo Di chúc của Bác và lời hứa với Bác kính yêu.

TS. Trần Viết Hoàn, 
Nguyên Giám đốc Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch
Theo Báo Công an nhân dân điện tử
Xuân Đức (st)

Bài viết khác: