Là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn xác định tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, nhằm xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam “vừa hồng, vừa chuyên”, có tri thức, lý tưởng, khát vọng, trách nhiệm, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, đề án của Đảng và Nhà nước về công tác thanh niên, những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên trong từng giai đoạn và hằng năm1; được các cấp bộ đoàn tích cực triển khai với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.


tang cuong giao duc thanh nien
Đồng chí Lê Quốc Phong tặng quà thanh niên tình nguyện tại xã Ea Ral,
huyện Ea H'leo (Ảnh: baodaklak.vn)

Việc giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn được triển khai với nhiều hình thức sáng tạo, như: Học tập trực tuyến, thi trắc nghiệm, thi tự luận trên internet, v.v.. Trong đó, Hội thi “Ánh sáng soi đường”, qua hai lần tổ chức với nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã thu hút trên 650.000 sinh viên thuộc gần 700 học viện, trường đại học, cao đẳng trong cả nước và hơn 200 sinh viên Việt Nam đang học tập ở ngoài nước tham gia. Điều ấy khẳng định đó là một trong những mô hình hiệu quả trong học tập, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hình thức giáo dục thông qua phong trào hành động cách mạng được xác định là trọng tâm; được triển khai đồng bộ, sát với nhu cầu của thanh niên và tình hình thực tiễn tại cơ sở. Qua đó, thanh niên nâng cao ý thức vì cộng đồng, được trải nghiệm, trưởng thành, cống hiến, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị nói riêng.

Từ nội dung của phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và các phong trào, cuộc vận động khác do Đoàn, Hội phát động, các cấp bộ đoàn đã cụ thể hóa trong thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng. Theo đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; Hội Sinh viên Việt Nam triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” ... xung kích vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, với hơn 455.000 công trình, phần việc thanh niên, của hơn 2.200 dự án trong các lĩnh vực, mang lại giá trị kinh tế - xã hội cao. Nổi bật là, trong giai đoạn 2013 - 2018, phong trào “Thanh niên tình nguyện” thu hút hơn 5.259.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; chương trình “Tiếp sức mùa thi” thu hút hơn 272.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện; 04 chiến dịch (Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh) thu hút hơn 03 triệu lượt thanh niên tình nguyện tham gia; chiến dịch “Tình nguyện mùa đông” và “Xuân tình nguyện” được mở rộng với hơn 02 triệu lượt đoàn viên, thanh niên hưởng ứng v.v.. Thông qua đó, đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên xung kích, đi đầu trong những việc khó, việc mới, không quản ngại gian khổ, hy sinh, ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần quan trọng vào thành tựu đổi mới đất nước, kế tục trung thành và xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn một bộ phận đoàn viên, thanh niên giảm sút ý chí, niềm tin, có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, ngại khó khăn, gian khổ, sống ích kỷ, thực dụng, nặng về hưởng thụ, thậm chí sa vào tệ nạn xã hội, không quan tâm đến lợi ích tập thể, cộng đồng. Thế hệ trẻ tiếp tục là đối tượng, mục tiêu mà các thế lực thù địch tập trung lôi kéo, kích động, chia rẽ. Một số ít thanh niên có nhận thức chưa đúng nên có hành động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Cùng với đó, mặt trái của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là trên mạng xã hội, internet đã tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của thanh niên và công tác giáo dục thanh niên, v.v..

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải đổi mới và tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, góp phần xây dựng thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, góp phần vào đầu tư cho tương lai của đất nước. Đồng thời, là nhiệm vụ của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị; trong đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, các cấp bộ đoàn cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp chính sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng, Nhà nước và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Tổ chức đoàn các cấp cần tăng cường phổ biến, giáo dục, quán triệt, làm cho mọi cán bộ, đoàn viên nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu, yêu cầu, nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Đồng thời, làm tốt việc tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”; Quyết định 1501-QĐ/TTg, ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, giai đoạn 2015 - 2020”,... gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị phát huy trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Tổ chức đoàn cần nâng cao hiệu quả tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đại biểu Quốc hội định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên; tham dự các hoạt động của thanh niên. Qua đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thế hệ trẻ, tạo niềm tin, động viên, cổ vũ, xây dựng ý thức trách nhiệm cho thanh niên đối với các vấn đề chính trị, xã hội. Đồng thời, kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái và tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong thanh niên.

Hai là, tiếp tục xây dựng, đổi mới nội dung giáo dục, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng địa phương, đơn vị và đối tượng. Để đạt mục tiêu đề ra, tổ chức đoàn cần rà soát, tinh giản những nội dung trùng lặp, không cần thiết, lựa chọn các nội dung có giá trị và phù hợp; trong đó, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao ý thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho thanh niên. Coi trọng giáo dục giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: Lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc; tinh thần cần cù, dũng cảm, say mê lao động; hiếu học, lạc quan, đoàn kết, gắn kết cộng đồng, trọng nghĩa tình; lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, ý thức tự trọng, tự chủ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc. Các cấp bộ đoàn thường xuyên thu thập ý kiến đoàn viên, thanh niên, định kỳ khảo sát đối với những vấn đề về kinh tế, chính trị - xã hội mà thanh niên quan tâm; từ đó, xây dựng nội dung, chương trình giáo dục phù hợp. Cùng với đó, cần kịp thời cung cấp thông tin chính thống về tình hình trong nước và thế giới cho thanh niên; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu, thông tin sai trái; tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước sự chống phá của các thế lực thù địch.

Ba là, tăng cường đổi mới, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Các tổ chức đoàn cần tiến hành đồng bộ nhiều phương pháp, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội; chú trọng hình thức thông qua các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ để nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền. Qua đó, vừa làm công tác giáo dục, vừa phát huy vai trò của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; đồng thời, tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức. Các tổ chức đoàn tiếp tục triển khai có hiệu quả ba phong trào hành động, là: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và ba chương trình đồng hành với thanh niên, là: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa - tinh thần”. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong đoàn viên, thanh niên gắn với dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, bằng nhiều hình thức phong phú, như: Diễn đàn, tọa đàm, dạ hội thanh niên, triển lãm,... để bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên cho thanh niên.

Các tỉnh đoàn, thành đoàn, đoàn trực thuộc, đoàn thanh niên các trường đại học, học viện, thành lập và phát triển các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm “lý luận trẻ”; tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” và “xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới”, nhằm tạo ra xu hướng chia sẻ thông tin tích cực, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh niên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tham gia các hoạt động, được trải nghiệm thực tiễn, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.

Bốn là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Các cấp bộ đoàn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ đoàn, kịp thời nắm bắt tình hình dư luận. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch, đề án, kết luận của trên, bảo đảm phù hợp với tình hình và khả năng thực tế của từng địa phương, đơn vị và loại hình tổ chức đoàn. Vận dụng linh hoạt các hình thức, phương thức mới, áp dụng khoa học - công nghệ trong xây dựng và triển khai các phong trào hành động cách mạng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đoàn, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, thực sự là hình mẫu, niềm tin, lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên học tập, noi theo. Do vậy, từng cán bộ đoàn phải chủ động đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sát với chức tránh, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục thanh niên các cấp.

Những nội dung trên chỉ đạt hiệu quả cao khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp bộ đoàn nói riêng và của mỗi đoàn viên, thanh niên nói chung. Có như vậy, mới góp phần xây dựng lớp thanh niên Việt Nam “vừa hồng, vừa chuyên”, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Lê Quốc Phong,
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn,
Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)

1. Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong đoàn viên, thanh niên; 04 đề án, nghị quyết, kết luận về giáo dục lý tưởng cách mạng trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi giai đoạn 2012 - 2017 và giai đoạn 2018 - 2022.

Bài viết khác: