Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) có tác động to lớn đến sự phát triển trong mọi lĩnh vực, trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra cú huých trực tiếp đến phát triển kinh tế. Nhưng điều đó cần có sự tác động và vai trò của Nhà nước trong phát triển nền kinh tế theo xu thế kinh tế tri thức.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với phát triển kinh tế tri thức
Nhìn từ góc độ lịch sử có thể thấy, kinh tế tri thức là sự tiếp nối hợp lôgíc của sự phát triển kinh tế thị trường, hay nói đầy đủ hơn là hệ quả tất yếu từ sự tác động cộng hưởng của quá trình phát triển kinh tế thị trường, khoa học - công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập… Kinh tế tri thức mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho kinh tế thế giới, với vai trò ngày càng lớn của sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trong tăng trưởng kinh tế và trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Kinh tế tri thức lấy công nghệ cao làm lực lượng sản xuất chính, lấy trí lực làm nền tảng phát triển.
Có thể nói, phát triển kinh tế tri thức cần yếu tố cơ bản là tri thức và công nghệ, do vậy, cuộc CMCN 4.0 chính là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế tri thức. Cuộc CMCN 4.0 không chỉ là về máy móc mang tính tự động, hệ thống công nghệ thông minh được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà còn có phạm vi mở rộng mối liên hệ giữa các lĩnh vực về vật lý, số hóa và sinh học. Đây chính là điểm gắn kết giữa CMCN 4.0 với phát triển kinh tế tri thức. Đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 còn phổ biến rộng lớn dựa trên cuộc cách mạng số, bởi internet ngày càng phổ biến, đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, internet kết nối vạn vật (IoT) và các hệ thống kết nối internet (IoS). Do đó, cuộc CMCN 4.0 có khả năng lan tỏa và kết nối siêu nhanh trên diện rộng hơn so với những cuộc cách mạng trước đó khi sự gắn kết các cá nhân được thực hiện thông qua hệ thống mạng xã hội trên internet. Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; tập trung đến những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,...
Sự phát triển cuộc CMCN 4.0 và phát triển kinh tế tri thức tác động trực tiếp đến phát triển của các nước. Hiện nay, ở các nước công nghiệp phát triển đang diễn ra sự chuyển dịch mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế, theo đó, các ngành dựa vào tri thức và ứng dụng công nghệ cao đang phát triển nhanh. Sự chuyển dịch này thích ứng với quá trình chuyển biến nền kinh tế từ giai đoạn kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, từ cách mạng công nghiệp lần thứ ba sang CMCN 4.0.
Vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay
Tăng cường quản lý bằng pháp luật, bằng cơ chế, chính sách, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường CMCN 4.0 với phát triển kinh tế tri thức
Thực tế cho thấy, thể chế có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến giai đoạn 2030 - 2035, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học - công nghệ được tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt, có tính cạnh tranh cao và gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới, được quản lý và giám sát hiệu quả.
Quá trình tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường gắn liền với việc hạn chế tối đa độc quyền kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Xác định rõ những ngành, nghề mà tính độc quyền còn cao để có chính sách và giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia kinh doanh. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết mà Nhà nước đặc biệt quan tâm và bảo đảm xác lập trên thực tế. Trong bối cảnh mới, nếu môi trường không cạnh tranh thì không thể thu hút mạnh được các nguồn lực đầu tư, không thể thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của đất nước, không bắt kịp với cuộc CMCN 4.0 và xây dựng được nền kinh tế tri thức.
Cải cách thủ tục hành chính cần đóng vai trò là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Chính phủ, là khâu đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Người đứng đầu chính quyền các cấp cần nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng này, đề cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt chương trình hành động với các mục tiêu, chỉ tiêu cải cách thủ tục hành chính cụ thể. Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau để xử lý nhanh các vướng mắc nảy sinh, những chồng chéo trong thủ tục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy nhanh kết nối cơ chế một cửa quốc gia.
Thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các chủ thể trong nền kinh tế nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao vào quá trình sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội để bắt kịp với cuộc CMCN 4.0
Khoa học - công nghệ là yếu tố then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất. Hoạt động khoa học - công nghệ là nhu cầu sống còn của nền kinh tế đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là đòi hỏi cấp bách của cạnh tranh thị trường; yếu tố gắn với “sinh mệnh” của doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tích cực sử dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, tham gia hoạt động khoa học - công nghệ, tiếp cận thông tin và các nguồn lực khác của khoa học - công nghệ quốc gia.
Với trình độ phát triển hiện nay của nền khoa học - công nghệ Việt Nam và yêu cầu thiết yếu về phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2030, việc tăng cường ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, công nghệ cao phải thật sự là quốc sách hàng đầu. Đây là một trong những nội dung quan trọng cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học - công nghệ; về phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học - công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển một nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế.
Đầu tư cho nhân lực khoa học - công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng của thị trường khoa học - công nghệ. Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến trên thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bắt kịp nhanh với cuộc CMCN 4.0. Thực hiện chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ, địa phương và Nhà nước tạo điều kiện để những công trình nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc CMCN 4.0 và phát triển kinh tế tri thức
Nhà nước ban hành những cơ chế, chính sách bảo đảm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp, tập trung vào các vấn đề sau: Một là, tăng lượng sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật, kỹ sư lên ít nhất tương đương với các nước như Malaysia và Thái Lan; hai là, chuyển giao dần (80% - 90%) các vị trí quản lý cấp cao ở các doanh nghiệp sản xuất FDI cho người Việt Nam đảm nhiệm trên mọi lĩnh vực, bao gồm quản trị, quản lý sản xuất, bán hàng và thu mua; ba là, xây dựng hệ thống quốc gia về thợ bậc cao trong sản xuất với các cơ sở đào tạo, chế độ cử đi học ở nước ngoài, các tiêu chí kiểm tra, hệ thống bằng cấp phù hợp để hằng năm có thể đào tạo được số lượng kỹ sư có kỹ năng cao trong lĩnh vực điện tử và cơ khí. Các kỹ sư này phải tham gia sản xuất trực tiếp tại các doanh nghiệp và chịu trách nhiệm đào tạo tiếp tục các thế hệ kế cận.
Nâng cao uy tín của các ngành sản xuất, kỹ thuật tương xứng với vị thế của các ngành khác trong xã hội. Ngoài ra, các chính sách, chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề phải được xây dựng cẩn trọng; tiếp thu đầy đủ kinh nghiệm trong nước và nước ngoài; hợp tác chặt chẽ ba bên giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các tổ chức tài trợ quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như một công cụ quan trọng bậc nhất trong cuộc CMCN 4.0 và phát triển kinh tế tri thức
Xu thế phát triển của hội nhập quốc tế với cuộc CMCN 4.0 và kinh tế tri thức sẽ tạo áp lực buộc Việt Nam phải đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trên cơ sở hạ tầng hiện đại. Để đẩy mạnh ngành công nghệ thông tin và viễn thông, cần thực hiện đổi mới, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về việc phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông; xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông quốc gia đồng bộ, hiện đại. Có kiến trúc tổng thể hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm kết nối liên thông nhằm tránh phát triển thiếu định hướng, đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao, sự kết nối thiếu tính liên thông, không có tính kế thừa. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất.
Thực hiện tái cấu trúc ngành, nghề, doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và viễn thông để phát huy tốt nhất lợi thế đang có. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đẩy mạnh công tác phát triển thị trường./.
TS. Nguyễn Thị Thúy
Học viện Chính trị Công an nhân dân
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Tâm Trang (st)