Học tiếng Nga, giao lưu tiếng Nga, tìm hiểu văn hóa Việt-Nga, tham quan di tích lịch sử gắn với tình hữu nghị truyền thống lâu đời của hai nước chính là những kỷ niệm đẹp sau Festival văn hóa “Đa sắc màu Việt - Nga” vừa được tổ chức cuối tuần qua.

Cơn mưa rừng bất chợt đến giữa Khu di tích K9 (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) không làm giảm được sức nóng của ngày hội Festival văn hóa “Đa sắc màu Việt - Nga”. Tiếng hát, tiếng reo hò, cổ vũ vẫn không ngừng vang lên, mặc gió mưa ràn rạt. Với nhiều bạn trẻ, đây là trải nghiệm thú vị, giao lưu văn hóa giữa khung cảnh núi rừng, giữa một địa danh lịch sử có nhiều sự kiện ý nghĩa. Bạn gái người Nga có cái tên Việt rất dễ thương là Mai, học sinh lớp 11, Trường PTTH thuộc Đại sứ quán Nga (trường Nga) tâm sự: "Việt Nam có nhiều sự gần gũi với nước Nga, điều đó làm em vơi bớt nỗi nhớ quê hương mình".

Tính cách người Việt có nhiều nét khá tương đồng với người Nga. Ngoài những đức tính cần cù, chăm chỉ, thông minh, hiếu khách… theo Mai, nét giống nhất là “ngoài lạnh, trong nóng”. Mai nói: "Thật vậy, mới đầu có vẻ rất khó bắt chuyện với một bạn nào đó, nhưng sau khi đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu rồi họ dễ dàng bộc lộ tính cách và càng chơi lâu lại càng trở nên thân thiết". Nhiều bạn Việt Nam trong lớp từng kể rằng họ còn tưởng mình là người Nga cho đến khi theo cha mẹ về nước. Mai cho biết thêm, giữa những lần “thay trường đổi lớp” đó, khủng hoảng tâm lý là khó tránh khỏi nếu không có sự sẻ chia, vỗ về của thầy cô và những người bạn mới.


giua vong tay 1
Thi nấu ăn tại Festival


giua vong tay 2
Thi tài năng văn nghệ

Festival văn hóa này có 800 bạn là học sinh, sinh viên của 16 trường từ bậc THCS đến bậc đại học. Dù lứa tuổi khác nhau nhưng tất cả đều cho thấy sự cởi mở, chân thành, bởi các em có niềm đam mê chung là tiếng Nga, văn hóa Nga. Chính vì niềm đam mê đó mà học sinh trường Nga luôn trở thành trung tâm của mọi sự kiện. Lúc cơn mưa rừng đổ xuống to nhất, chính là lúc những cô bé người Nga lên biểu diễn một vũ điệu dân gian. Dưới sân khấu, nhiều người đã rời chỗ ngồi tìm nơi trú mưa, vì ngỡ rằng tiết mục sẽ bị gián đoạn. Nhưng không, mặc cho mưa nặng hạt, các cô bé vẫn say sưa trong vũ điệu. Không ai bảo ai, tất cả đều quay lại cùng hò reo, cổ vũ cho tiết mục. Cơn mưa rừng qua đi, trên gương mặt ai nấy đều bóng loáng nước mưa, nụ cười rạng rỡ.

Nhiều người thuộc lứa tuổi trung niên như chúng tôi được dự “ké” Festival này không khỏi trầm trồ thán phục biểu hiện của tuổi trẻ. Họ tự tin và hiểu biết, họ dám thể hiện bản thân và không ngừng sẻ chia, cổ vũ người khác thể hiện. Ông Vadim Bublikov, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Nga nói: “Tương lai và tình hữu nghị của hai nước chúng ta đều dựa vào lứa trẻ này đây, tôi mừng vui lắm”. Thật vậy, muốn học hỏi, muốn hiểu biết, muốn chia sẻ là một nét đẹp của tuổi trẻ. Nhìn vào họ, chúng ta tin lắm ở tương lai.

Đây là lần thứ tư Festival văn hóa “Đa sắc màu Việt - Nga” được tổ chức. Những năm trước, sự kiện này thường xuyên có sự góp mặt của hai đội thuộc các nhà trường, học viện quân đội là Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Phòng không - Không quân. Tại sao vậy? Vì đây là hai trong số ít trường đại học còn đào tạo tiếng Nga như môn ngoại ngữ thứ nhất. Với nhiều sinh viên trong quân đội, việc sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài là việc khó, sử dụng tiếng Nga còn khó hơn. Vậy nên trước mỗi kỳ “tuyển quân” đi dự Festival này, sinh viên hai trường rất háo hức mong chờ và thi đua quyết liệt. Không phải ngẫu nhiên mà Học viện Kỹ thuật Quân sự lần này có đến hai đội tham dự Festival. Tiết mục của các bạn thật là… miễn chê. Không chỉ có học sinh người Nga mà còn cả những nhà ngoại giao Nga cũng phải trầm trồ khen ngợi.

Học viên Đặng Ngọc Anh đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự, sau tiết mục biểu diễn đã cho biết, hầu hết mọi thành viên trong đội đều học năm thứ nhất và thứ hai. Tuy vậy, khả năng sử dụng tiếng Nga của họ đều rất tốt. Khi xây dựng chương trình, các thành viên đã tổ chức nhóm, tìm hiểu, xây dựng kịch bản và tập dượt nhiều lần. Có thể nói, phong trào thi đua học tập, tìm hiểu văn hóa Nga đã được nâng lên tầm cao mới. Ngọc Anh nói: “Điều đó rất có lợi cho việc học tiếng Nga của học viên. Tiếng Nga không còn khô cứng trong những trang sách, mà thật sự trở nên quyến rũ như những lời ca, điệu múa”. Đến từ thành phố biển Vũng Tàu, học viên Lưu Đức Thịnh của Học viện Phòng không - Không quân có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa Nga hơn các bạn". Đức Thịnh nói: “Được tham dự sự kiện này, em cảm thấy mình mê tiếng Nga, văn hóa Nga hơn”.

TS. Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin tại Hà Nội, Trưởng ban tổ chức Festival nói: “Chúng tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của các anh bộ đội. Có thể nói một phần thành công của sự kiện là từ phía các đơn vị quân đội nhiệt tình tham gia, hỗ trợ”. Năm 2019 này, Festival được tổ chức tại Khu Di tích K9, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp đỡ tận tình. Đây là di tích lịch sử rất ý nghĩa với sự kiện, vì chính tại nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô G. S. Titov. Các học sinh, sinh viên dự Festival cũng có dịp tham quan một địa danh nổi tiếng, tri ân, tưởng nhớ Bác Hồ.

Nguyên Phong
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: