Phát triển kinh tế biển (KTB) là giải pháp cơ bản, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng gắn phát triển KTB với bảo đảm quốc phòng và an ninh (QPAN), bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thời gian qua, chúng ta đã chủ động xây dựng và từng bước hoàn thiện thế trận QPAN trên biển.
Các lực lượng vũ trang bảo vệ biển, đảo được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tổ chức, biên chế, trang bị, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTB.
Tiềm lực và thế trận QPAN trên biển, đảo từng bước được tăng cường theo hướng kết hợp kinh tế với QPAN; QPAN với kinh tế, đã và đang thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các địa phương và các ngành phát triển KTB, nhất là trong bảo vệ cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân, ngăn ngừa tranh chấp ngư trường, bảo đảm an ninh, tìm kiếm cứu nạn trên biển; đã hình thành thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, với sự gắn kết liên hoàn cả 3 tuyến: Biển - đảo - bờ. Các địa phương ven biển đẩy mạnh xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu vực phòng thủ; triển khai thực hiện kế hoạch bố trí lại dân cư, đưa dân ra một số huyện đảo để vừa phát triển kinh tế, vừa nâng cao khả năng phòng thủ tại chỗ. Việc tăng cường các hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, nhất là trên các vùng biển xa, góp phần thiết thực nâng cao sức mạnh QPAN trên biển, đảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình QPAN trên biển, đảo vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập so với yêu cầu. Nhận thức về biển, đảo của một bộ phận nhân dân, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của biển, đảo, mới chỉ thấy lợi ích về kinh tế, chưa gắn phát triển kinh tế với tăng cường QPAN bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Trong quá trình phát triển KTB, vẫn còn một số vấn đề chưa thực sự gắn chặt với lợi ích QPAN của đất nước. Công tác quản lý còn thiên về coi trọng lợi ích kinh tế, xem nhẹ yếu tố an sinh xã hội; môi trường biển chưa được quan tâm đầu tư, xử lý kịp thời. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển chưa thật bảo đảm tính liên hoàn, vững chắc, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế với QPAN, còn mang nặng dấu ấn riêng của từng ngành. Việc bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện chưa thật phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, nhất là trên các vùng biển, đảo xa. Công tác phối hợp giữa các lực lượng quân đội với lực lượng kinh tế của các bộ, ngành, địa phương tuy có tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý, bảo vệ biển, đảo.
Trong thời gian tới, tình hình an ninh trên vùng biển nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Các hoạt động tranh chấp chủ quyền trên biển tiếp tục diễn ra gay gắt. Tình trạng một số tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta đánh bắt trộm hải sản, buôn bán trái phép; nạn cướp biển có chiều hướng gia tăng; nguy cơ ô nhiễm môi trường và tai nạn trên biển tăng cao...
Để thực hiện tốt chủ trương phát triển KTB gắn với bảo đảm QPAN, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân, toàn quân về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KTB. Yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền là phải làm cho mọi cấp, mọi ngành và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là ở những địa phương ven biển nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng chiến lược của biển, đảo trong sự phát triển của đất nước, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ phát triển KTB, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp, hướng sự quan tâm về biển, đảo vào thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là trong đầu tư nghiên cứu, xây dựng và phát triển các ngành KTB, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với QPAN, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và các chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp phát triển KTB với tăng cường QPAN, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo. Thực hiện kết hợp phát triển KTB với tăng cường QPAN từ trong quy hoạch, chương trình, dự án phát triển các lĩnh vực; tận dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực, vốn, thiết bị để đưa vào sản xuất. Chú trọng đầu tư cho khoa học nghiên cứu biển, đào tạo cán bộ một cách toàn diện để khoa học-công nghệ đi trước một bước, làm cơ sở cho chiến lược phát triển KTB trước mắt và lâu dài. Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành KTB trọng điểm, tăng cường năng lực đánh bắt hải sản xa bờ, đẩy mạnh các hoạt động dân sự trên vùng biển chủ quyền, có biện pháp hạn chế các hoạt động xâm phạm lãnh hải, khai thác tài nguyên trái phép. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên đem lại cho bờ biển nước ta để phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, thu hút đầu tư; qua đó, vừa quảng bá hình ảnh đất nước, vừa tăng thu nhập cho nền kinh tế, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế động lực để tạo sự phát triển bền vững.
Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá có tính lưỡng dụng tại các vùng ven biển, hải đảo; nhất là hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh xá; chú trọng kết nối giữa đất liền với đảo. Từng bước hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới ven biển, khu du lịch và tuyến du lịch; trong đó chú trọng phát triển các đảo lớn thành trung tâm kinh tế, văn hóa… của mỗi khu vực. Kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế với xây dựng thế trận chính trị, “thế trận lòng dân” ở các khu vực ven biển. Để thực hiện thành công việc kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế với xây dựng “thế trận lòng dân”, trước hết phải dựa vào nhân dân, dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; đi từ xây dựng cơ sở chính trị của quần chúng trên vùng biển, đảo đến xây dựng con người, xây dựng “thế trận lòng dân”, trong đó, xây dựng cơ sở chính trị là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Phải thường xuyên coi trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng lực lượng chính trị tại chỗ của từng địa phương ven biển và trên các vùng biển, đảo mà nòng cốt là các tổ chức chính trị của quần chúng ở các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, các lực lượng kinh tế biển, đảo; lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên vùng biển, đảo đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời phải tăng cường củng cố các tổ chức cơ sở đảng, từ chi bộ trở lên trên các địa bàn ven biển và trên vùng biển, đảo. Chú trọng xây dựng về chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bám sát vào tình hình thực tiễn để đề ra những chủ trương biện pháp lãnh đạo sát đúng với điều kiện thực tiễn.
Đại tá Vũ Văn Khanh
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Đức Lâm (st)