Người xưa vẫn thường nói: “Một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể cường tráng” và để có một cơ thể cường tráng, khỏe mạnh thì nhất thiết phải rèn luyện thân thể.
Trên thế giới, nhiều lãnh tụ cách mạng và nhiều nhà tư tưởng lớn trước đây rất coi trọng việc rèn luyện thân thể, họ cho rằng: “Con người phát triển toàn diện là con người được phát triển về trí lực, thể lực, đạo đức, thẩm mĩ và kỹ năng lao động”. C.Mác tập thể dục đều đặn, thích đi bộ, bơi lội và tắm biển. Ph.Ăng ghen rất tích cực tập chạy, nhảy, múa gươm, đấu kiếm, leo núi và phi ngựa. Ăng ghen luyện tập phi ngựa không biết mệt mỏi với lòng dũng cảm phi thường, tài phi ngựa của ông có thể sánh ngang với những kỵ binh thiện chiến nhất đương thời. V.I. Lênin rèn luyện thân thể khá toàn diện. Người tập thể dục trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc bị tù. Lênin thích trượt tuyết, đi săn, bách bộ, dạo chơi bằng xe đạp, đánh cờ và leo núi và leo núi rất giỏi. Trong số các danh nhân văn hóa thế giới được Liên hợp quốc suy tôn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về rèn luyện thân thể. Tấm gương của Người luôn được nhân dân ta và thế hệ trẻ noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Người nhận định: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công".
Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời, dù trong điều kiện thời gian, hoàn cảnh nào, Người cũng luôn chú ý đến việc rèn luyện sức khỏe để hoạt động cách mạng lâu dài.
Ngay từ khi đang hoạt động cách mạng ở các nước phương Tây, vào mùa Đông lạnh giá, Người vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun.
Năm 1941, khi Người từ Trung Quốc về nước và lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng. Lúc ở hang Pắc Pó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, bất cứ ở đâu Bác đều duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt, học tập điều độ. Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm... Các vị lão thành cách mạng còn kể lại, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết tài liệu.
Lúc ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có nhiều hôm trời rất giá rét. Nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Ngay sau khi đất nước giành độc lập, mặc dù bận trăm công ngàn việc quốc kế dân sinh, Bác Hồ vẫn giữ nền nếp dậy sớm tập thể dục. Bác thường xuyên cùng cán bộ, chiến sỹ rèn luyện thể lực bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, leo núi, đánh bóng chuyền… Theo lời các đồng chí cận vệ của Bác kể lại, suốt bốn mùa dù trời mưa hay trời rét, sáng nào cũng vậy, Bác thức dậy từ lúc 5 giờ, tập thể dục xong, đi đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi đi làm việc. Có những hôm Bác đi công tác về rất khuya, sáng ra, các đồng chí giúp việc giữ yên tĩnh để Bác ngủ, nhưng đến 5 giờ Bác đã dậy cùng tập với mọi người như thường lệ.
Nhận rõ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của thể dục thể thao nên trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 30/01/1946 thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên, Người hiểu rõ vấn đề thể dục rất cần thiết để “tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.
Cuối tháng 3/1946 tự tay Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Lời kêu gọi này lần đầu tiên được đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 27/3/1946. Đó là cội nguồn khởi phát của phong trào "khoẻ vì nước" được Nha thể dục Trung ương phát động sôi nổi khắp đất nước ta trong năm 1946. Trong lời kêu gọi, Bác Hồ căn dặn chúng ta: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe… Tự tôi, ngày nào cũng tập”.
Thời kỳ ở Việt Bắc, mỗi lần thay đổi địa điểm, trong hoàn cảnh nào Bác đều yêu cầu mọi người chọn cho được nơi làm sân bóng chuyền và gần suối. Bác Hồ rất thích tập bơi và đánh bóng chuyền. Chiều chiều sau giờ làm việc, Bác lại cùng các đồng chí đi tăng gia sản xuất hoặc đánh bóng chuyền, “Bác chơi bóng rất hoạt bát, nên hôm nào có Bác thì cả sân bóng sôi nổi, vui hẳn lên. Bác rất thích bơi, Bác thường bơi kiểu nghiêng người, sải tay, đập chân”. “Đi công tác qua những suối lớn không lội được, mọi người chuẩn bị mảng cho Bác qua, nhưng Bác không chịu đi mảng, Bác cởi quần áo ngoài để lên mảng và bơi qua sông, qua suối. Thế là tự nhiên giữa rừng vắng có một cuộc vượt sông rất thú vị”. Trên bàn làm việc của Bác bao giờ cũng có hai hòn đá cuội nằm vừa gọn trong tay. Khi đọc sách, Bác thường bóp hòn đá đó để luyện gân tay. Chính vì thế mà dù tuổi đã cao, râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ Bác rất hồng hào và phong thái vẫn hoạt bát. Bác đi bộ, leo núi rất nhanh, nhiều khi các đồng chí cận vệ cứ phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp. Năm 1958, Người dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ sang thăm Ấn Độ. Khi Bác đi thăm tháp Cutatnina, một di tích lịch sử nổi tiếng cao hàng trăm bậc, nhiều người cùng đi với Bác đều đứng dưới, có lẽ vì ngại tháp cao, còn Bác thì ung dung bước thẳng một mạch lên tới đỉnh tháp rồi quay lại tươi cười vẫy tay chào mọi người. Mọi người đều thầm kính phục trước sự kiên trì rèn luyện của Bác, còn các đồng chí cận vệ thì biết Bác còn dư sức để leo một cái tháp cao hơn nữa.
Ngày 19/12/1966, khi tiếp các đoàn vận động viên, đoàn thể thao Việt Nam tham dự GANEFO Châu Á thắng lợi trở về (có các danh thủ Trần Oanh - bắn súng, Trần Hữu Chỉ - điền kinh, Vũ Thị Sen - bơi lội…), Bác đã căn dặn: “Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích, cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những vận dộng viên của dân tộc anh hùng”.
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một nền thể thao Việt Nam mang tính hiện đại, khoa học, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc, đồng thời thành quả ấy đã tạo nên vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Những năm sau, Bác Hồ tuổi càng cao, sức yếu dần đi. Nhưng sáng sáng Bác vẫn tập đều. Bác rất chú ý tập đi bộ. Có khi chân bị tê thấp, rất yếu, Bác vẫn tập đi từng bước, từng bước, hoặc ngồi tĩnh tại luyện khí công. Vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng bào miền Nam mà Bác Hồ luôn luôn cố gắng tập luyện để quyết thắng bệnh tật.
Bác Hồ là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực và sáng tạo để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc tập luyện thể dục, thể thao của Bác luôn là tấm gương mẫu mực cho chúng ta hôm nay và các thế hệ con cháu học tập. Đặc biệt trong giai đoạn hiện đại hóa, tự động hóa, nhất là thời đại công nghệ 4.0, máy móc dần thay thế các hoạt động chân tay, con người ngày càng ít có cơ hội rèn luyện thân thể, trẻ em thường mê các trò chơi công nghệ, ham mê điện thoại, máy tính hơn các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao. Vì thế, việc đẩy mạnh học tập rèn luyện theo tấm gương của Bác càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong thời gian qua, các phong trào rèn luyện thể dục thể thao cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là cuộc vận động: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và đã đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Trên quê hương Bác, cuộc vận động này đã thực sự đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới đông đảo nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất cho nhân dân. Việc chơi thể thao sau giờ làm việc đã trở thành phong trào phổ biến, lan rộng khắp các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, các phường, xã, lối xóm. Và phong trào này cần được đẩy mạnh, lan rộng nhiều hơn nữa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, bởi đó không chỉ là quyền lợi mà “Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”, là nhiệm vụ của mỗi một công dân.
Phạm Oanh
Phòng Tuyên truyền giáo dục
Theo Khu Di tích Kim Liên
Tâm Trang (st)