Giáo dục quốc phòng và an ninh là một nội dung quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; trực tiếp góp phần hun đúc lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, công tác này càng có ý nghĩa quan trọng.

Những năm qua, nhất là từ khi có Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trên cả nước có bước phát triển mới, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được kết quả tích cực. Nổi bật là, cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành đã nhận thức đầy đủ hơn vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng, ban hành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, duy trì nền nếp hoạt động; phát huy tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được triển khai tích cực, chủ động, bằng nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; đối tượng bồi dưỡng được mở rộng, chất lượng được nâng lên.

Day manh cong tac giao duc quoc phong va an ninh dap ung yeu cau bao ve To quoc
Thiếu tướng Ngô Minh Tiến phát biểu kết luận kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng
và an ninh tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn

Từ năm 2013 đến nay, cả nước có gần 2,7 triệu lượt cán bộ thuộc các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định1. Đặc biệt, Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu 2, 4, 5, 7, 9 và thành phố Hà Nội tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 300 chủng sinh thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse Thành phố Hồ Chí Minh và Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ. Cùng với đó, chúng ta cũng tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 120 chức sắc các tôn giáo là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 12 tỉnh, thành phố phía Nam; 320 tăng, ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam và gần 720 chức sắc, nhà tu hành, đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Quân khu 2, 4, 5, 7, 9, đạt kết quả tốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong tín đồ, phật tử.

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên được triển khai đồng bộ từ bậc trung học phổ thông đến đại học và có nhiều đổi mới, chất lượng từng bước được nâng cao. Đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh được coi trọng xây dựng, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được đẩy mạnh, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm địa bàn, dân cư; việc bảo đảm phục vụ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được quan tâm đúng mức. Hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trên cả nước được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, xây dựng ngày càng hoàn thiện, v.v. Những kết quả của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đạt được là rất quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), quân khu và trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ. Chương trình, hướng dẫn môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên có nội dung chưa hợp lý; một số cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện đúng quy định liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh; tiến độ triển khai xây dựng trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh theo Quyết định 161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nơi còn chậm. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, nhất là nơi biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, v.v.

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đứng trước những vận hội, thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn lật đổ, v.v. Bối cảnh đó, đặt ra cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh những nội dung, yêu cầu mới, rất cao. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; trong đó, tập trung làm tốt những nội dung chủ yếu sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là nguyên tắc, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì, chủ chốt các cấp về vị trí, vai trò của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình hiện nay. Về nhận thức, cần thấy rõ giáo dục quốc phòng và an ninh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nội dung quan trọng trong công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương, biện pháp thiết thực góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Các bộ, ngành, địa phương và lực lượng vũ trang tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; trọng tâm là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quy định 07-QĐ/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, v.v. Trên cơ sở đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với công tác quan trọng này. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung và đẩy mạnh thực hiện kế hoạch, chương trình hành động, đề án giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở; lấy kết quả thực hiện công tác này làm tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ chủ trì các cấp. Quá trình tổ chức thực hiện, chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan quân sự, công an trong việc tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, chủ động ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện hình thức, tư tưởng thờ ơ, xem nhẹ hoặc “khoán trắng” công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho cơ quan quân sự, công an, v.v.

2. Thường xuyên quan tâm kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Trước hết, Cục Dân quân tự vệ - Cơ quan Thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương - tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của các bộ, ngành có liên quan tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh theo thẩm quyền. Các cơ quan, tổ chức, địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, đảm bảo cơ cấu, thành phần hợp lý, đúng quy định. Cùng với đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, duy trì nền nếp, hiệu quả hoạt động của hội đồng; phát huy vai trò của cơ quan quân sự - cơ quan thường trực của Hội đồng - phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

3. Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các quân khu, địa phương, cơ quan, tổ chức thường xuyên rà soát, nắm chắc số lượng từng đối tượng cần bồi dưỡng, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Hướng dẫn 175/HD-HĐGDQPAN ngày 24-3-2017 của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ hội đồng nhân dân và nhiệm kỳ cấp ủy có 100% cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Đồng thời, chú trọng mở rộng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng đặc thù. Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học, địa phương nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh đào tạo giáo viên, giảng viên, tiến tới chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường. Mặt khác, tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh theo Quyết định 161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nâng cao hiệu quả hoạt động; phấn đấu đến năm 2020, có 90% sinh viên được học tập tập trung tại các trung tâm. Các địa phương tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, phương pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

4. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cho phù hợp. Nội dung điều chỉnh, bổ sung phải bám sát, cập nhật quan điểm, tư duy, phát triển mới về đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng, nhất là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Luật Quốc phòng sửa đổi năm 2018, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các chiến lược chuyên ngành mới được ban hành; về đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, nhất là việc các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, v.v. Theo đó, các bộ, ngành, trước hết là các bộ: Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo cần chủ động phối hợp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, chương trình, giáo trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tiễn.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương chiến lược của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh, phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa công tác quan trọng này, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Ngô Minh Tiến,
Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,
Phó Trưởng ban Thường trực,
Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Phương Thúy (st)

          __________

1. Đối tượng bồi dưỡng theo Thông tư 38/TT-BQP và Thông tư 24/TT-BQP của Bộ Quốc phòng là hơn 2.678.000 người; theo Thông tư 05/TT-BCA của Bộ Công an là hơn 72.000 người.

Bài viết khác: