“Anh Sáu Nam” là cách gọi thân mật, gần gũi của cán bộ Khu 9 (Quân khu 9 hiện nay) dành cho Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ khi đồng chí còn giữ cương vị Tư lệnh Quân khu 9 (giai đoạn 1969 - 1973 và 1976 - 1978).
Câu chuyện dưới đây được chúng tôi lược ghi theo lời kể của Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9.
Tầm nhìn chiến lược và sáng tạo
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Lê Xã Hội chia sẻ: Về tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của anh Sáu Nam trong chỉ huy chiến trường ở Quân khu 9, nhiều người đã nói, đã viết rồi, tôi không nhắc lại. Với tư cách là người lính, người em, được rèn luyện trưởng thành từ cán bộ tiểu đoàn cho đến cấp quân khu, dưới sự chỉ huy của anh Sáu, tôi chỉ nêu lên vài suy nghĩ nhỏ…
Đại tướng Lê Đức Anh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước,
nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong một lần họp mặt với các đảng ủy viên
Đảng ủy Quân khu 9.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tình hình Khu 9 rất khó khăn. Địch tập trung điên cuồng đánh phá, lực lượng ta chịu nhiều tổn thất, nhiều vùng nông thôn bị mất… Trong bối cảnh đó, anh Sáu Nam được Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh miền điều về làm Tư lệnh quân khu; anh Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ) làm Bí thư Khu ủy.
Nhanh chóng nắm chắc địa bàn, nhận định rõ tình hình địch - ta, anh Sáu Nam đưa ra một quyết định táo bạo, đột phá: Để giành lại thế chủ động chiến trường, nhất định ta phải có cho được nhiều lực lượng tập trung! Anh đề xuất với cấp trên và được chấp thuận, nhờ đó Khu 9 đã củng cố, xây dựng và được tăng cường nhiều đơn vị chủ lực cấp trung đoàn; trong đó nổi bật có các đơn vị: Trung đoàn 1 (U Minh), Trung đoàn 3 (Cửu Long), Trung đoàn 20 (Hương Giang), Trung đoàn 10, Trung đoàn 2 (Lộc Ninh)… Lúc bấy giờ, trong nội bộ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9 cũng có một số ý kiến không tán thành với lập luận Đồng bằng sông Cửu Long không phù hợp cho việc xây dựng lực lượng tập trung cấp trung đoàn. Thực tế diễn ra sau đó cho thấy, quyết định của anh Sáu Nam hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Ta đã từng bước giành được thế chủ động, giữ được đất, mở rộng vùng giải phóng.
Cũng với tầm nhìn chiến lược, anh Sáu Nam đã sớm nhận ra ý đồ “dục hoãn cầu mưu” của địch trong Hiệp định Paris 1973. Từ đó ta đã chủ động tấn công, làm thất bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch trên chiến trường Tây Nam Bộ, mà đỉnh điểm là chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch ở Chương Thiện (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) trong năm 1973.
Thiếu tướng Lê Xã Hội cho biết thêm: Không chỉ là vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược, anh Sáu Nam còn rất giỏi về chiến thuật, sáng tạo nên nhiều cách đánh hiệu quả. Một trong những chiến thuật mà anh Sáu Nam chỉ đạo áp dụng rất thành công ở chiến trường Tây Nam Bộ giai đoạn 1969-1973 là “đặc công hóa” cách đánh cho bộ đội. Nghĩa là ngay cả lực lượng bộ binh cũng được huấn luyện theo lối đánh đặc công, phát triển từ đánh nhỏ lẻ lên đánh lớn, chuyển từ đánh ban đêm sang đánh ban ngày, kết hợp hỏa lực hỗ trợ. “Đặc công hóa là chỉ đạo rất hay, mới mẻ, thể hiện đậm nét dấu ấn của anh Sáu Nam. Đến năm 1972, cục diện chiến trường có bước chuyển biến thấy rõ, nhiều đơn vị cấp trung đoàn của ta đã đánh chiếm, tiêu diệt đến cấp chi khu của địch”, Thiếu tướng Lê Xã Hội tâm đắc.
Nghiêm khắc nhưng hết sức tình cảm
Nhắc lại những kỷ niệm với Đại tướng Lê Đức Anh, nhất là ở giai đoạn 1969-1973, Thiếu tướng Lê Xã Hội xúc động nói: “Với anh em chúng tôi hồi đó, anh Sáu Nam là người chỉ huy nghiêm khắc nhưng hết sức tình cảm”.
Thiếu tướng Lê Xã Hội kể: Đầu năm 1972, đơn vị tôi (Trung đoàn 3) được Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9 giao nhiệm vụ nghiên cứu, đánh tiêu diệt chi khu Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Đây là chi khu mạnh, bố trí vững chắc, đơn vị nhiều lần tổ chức điều nghiên, xâm nhập thực địa nhưng không thành công. Sau đó, chúng tôi chuyển mục tiêu khác là yếu khu Thầy Phó (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Đây cũng là căn cứ quan trọng của địch, có vị trí chiến lược ở chiến trường Vĩnh - Trà (hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh). Chúng tôi nắm chắc phần thắng vì đã nghiên cứu kỹ và xây dựng phương án tác chiến phù hợp. Khi báo cáo lên trên, Bộ chỉ huy tiền phương đồng ý cho đánh, nhưng Bộ Tư lệnh Khu 9 chưa thông qua. Không để mất thời cơ, Ban chỉ huy trung đoàn quyết định đánh, tôi lúc ấy là trung đoàn phó, tham mưu trưởng cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn chịu trách nhiệm chính. Trận đánh diễn ra đúng như dự kiến, hiệu suất chiến đấu cao (theo các tài liệu, tối ngày 06-4-1972, Trung đoàn 3 nổ súng đánh chiếm yếu khu Thầy Phó, diệt hơn 360 tên địch, thu hơn 200 khẩu súng các loại, phá hủy 2 khẩu pháo 105mm của địch).
“Thắng lợi rất lớn, tập thể và một cá nhân của đơn vị được Bộ Tư lệnh Khu 9 khen thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba nhưng đồng thời chúng tôi cũng bị phê bình vì chấp hành mệnh lệnh chưa nghiêm, chưa có sự phê duyệt, đồng ý của quân khu đã tiến hành nổ súng”, Thiếu tướng Lê Xã Hội nhớ lại.
Theo Thiếu tướng Lê Xã Hội, tuy nghiêm khắc là thế, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh luôn hiểu và tin yêu cấp dưới. Ông sẵn sàng đón nhận, lắng nghe cả những ý kiến “nghịch nhĩ”, đôi khi… ngỗ ngược của cán bộ thuộc quyền, bởi ông hiểu rõ đức tính và năng lực của từng người. Nhiều cán bộ có khí chất thời đó đều được ông tạo điều kiện kinh qua thử thách, sau này đều phát triển tốt và được giao giữ nhiều trọng trách ở Quân khu 9.
Đầu những năm 1990, ở cương vị Chủ tịch nước, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh vẫn không quên ghé thăm những cán bộ dưới quyền một thời của mình mỗi khi có dịp thuận lợi, trong đó có không ít các đồng chí đã rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường. “Mấy đứa này hết mình với Tổ quốc - đó là câu mà Đại tướng Lê Đức Anh thường bảo khi gặp lại chúng tôi”, Thiếu tướng Lê Xã Hội nói với chúng tôi như vậy./.
Bài và ảnh: Hồng Hiếu
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)