Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những nội dung cơ bản, quan điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Bản Di chúc tuy ngắn gọn nhưng thực sự là bản tổng kết lịch sử, định hướng tương lai. Trong nội dung Di chúc được viết vào tháng 5-1968, Người huấn thị điều đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Trong bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung và hoàn chỉnh tháng 5-1969, lời đầu tiên Bác căn dặn: "Trước hết nói về Đảng". Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng...”.

Những lời căn dặn của Bác là sự chỉ dẫn quý báu, mãi soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc nói chung, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng, đồng thời, Người chỉ rõ những vấn đề, nội dung cốt yếu nhất của nhiệm vụ xây dựng Đảng - điều mà khi sinh thời Người luôn trăn trở, quan tâm và dành nhiều tâm sức.

Không chỉ trong Di chúc mà hai năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong tác phẩm “Sửa đối lối làm việc” (năm 1947), Người đã khẳng định: “Còn ở trong Đảng, khi khai hội, các đảng viên nghe những người lãnh đạo báo cáo công việc, các đảng viên phê bình những khuyết điểm, cử hoặc không cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo. Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để”.

Để đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải tăng cường nhiệm vụ củng cố chính quyền, chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy, sửa đổi cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong bài nói chuyện tại buổi bế mạc Hội nghị Cán bộ của Đảng ngày 18-01-1949, Người khẳng định khâu quyết định để hoàn thành 5 nhiệm vụ trọng tâm của năm 1949, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Đây là nhiệm vụ thứ 5 nhưng lại là nhiệm vụ quyết định, bởi theo Người: “Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng". Và Người yêu cầu: “Muốn lãnh đạo vững thì trước hết cán bộ và đảng viên phải có tư tưởng và lập trường vững chắc để lãnh đạo, để xung phong làm gương mẫu. Vì vậy, chỉnh Đảng là việc chính mà chúng ta phải làm ngay”. Người dẫn lý do sâu xa nhất đó là: “Do chỉnh Đảng mà Đảng rèn luyện chỉnh đốn và tăng cường đội ngũ của mình, để giữ vững trường kỳ kháng chiến đến thành công. Đó là ý nghĩa của việc chỉnh Đảng”.

Về cách thức tiến hành, Người yêu cầu phải lựa chọn khâu quyết định, có trọng tâm, trọng điểm với nguyên tắc phải bắt đầu từ chỉnh đốn tư tưởng, rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Theo Người phải: “Chỉnh Đảng phải làm từng bước, phải có trọng tâm:

- Chỉnh huấn cán bộ trước rồi mới chỉnh đốn chi bộ.

- Chỉnh đốn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức.

- Chỉnh huấn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng...”.

Để chỉnh huấn tổ chức của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ điều kiện tiên quyết là: “Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức. Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng…”. Người chỉ ra khâu mấu chốt để chỉnh đốn tổ chức đảng phải bắt đầu và đặt trọng tâm vào chỉnh đốn chi bộ.

  Sự nhất quán đó trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng tiếp tục được nhấn mạnh trong bản Di chúc viết năm 1968. Tháng 5-1968, sau khi xem xét lại những điều đã viết trong bản thảo Di chúc của Người từ tháng 5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy “cần phải viết thêm mấy điểm”. Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Từ sự luận giải trên cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc chỉnh đốn Đảng không phải khi trong Đảng có đột biến hay “có vấn đề nổi cộm” mới cần đến một giải pháp tình thế. Theo Người, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên để Đảng cầm quyền hoàn thành vai trò tiên phong trước giai cấp, dân tộc và nhân dân. Trong bản Di chúc năm 1969, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại, thấm nhuần và thực hiện tốt những lời căn dặn tâm huyết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong bản Di chúc bất hủ, đặc biệt trong lời căn dặn của Người: "Trước hết nói về Đảng". Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc và những lời huấn thị của Người, cần đẩy mạnh học tập, thấm nhuần và thực hiện tốt những nội dung cơ bản trong Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, ý nghĩa của công tác chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ thị, nghị quyết, quy định… của Đảng trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với từng cấp, từng ngành, đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi tổ chức đảng, đối với từng cán bộ, đảng viên và trong toàn Đảng.

Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, tuyên truyền, xây dựng ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ và trong công tác chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Gắn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và tổ chức quần chúng đối với việc tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp.

TS. Hà Sơn Thái
Theo Báo Quân đội nhân dân
Đức Lâm (st) 

Bài viết khác: