Chính ủy, chính trị viên không chỉ giữ vai trò chủ trì về chính trị, mà còn là người chỉ huy trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các mặt công tác của đơn vị. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đòi hỏi họ không chỉ có phẩm chất, kiến thức, năng lực chính trị - quân sự mà còn phải thường xuyên học tập, rèn luyện theo phong cách làm việc mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Chính trị viên lãnh đạo bằng lời nói chưa đủ, phải lãnh đạo bằng hành động nữa…”1 và “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”2. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhất là từ khi quán triệt, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội không ngừng rèn luyện phương pháp, tác phong công tác, đảm bảo luôn nêu cao tính đảng, giữ vững tính nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng kỷ luật, đề cao trách nhiệm cá nhân; luôn gần gũi, gắn bó với cán bộ, chiến sỹ, là hạt nhân của trung tâm đoàn kết, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội. Tuy nhiên, một bộ phận chính ủy, chính trị viên chưa thực sự tự giác và đề cao trách nhiệm trong tự học, tự rèn, tự đổi mới phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thiếu sâu sát với bộ đội, không nhất quán giữa lời nói và việc làm; trong xử lý công việc còn rập khuôn máy móc, thụ động và thiếu quyết đoán; giải quyết mối quan hệ với người chỉ huy có việc chưa đúng chức trách, quyền hạn, v.v. Những hạn chế trên đã trở thành lực cản không nhỏ, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người chính ủy, chính trị viên và đơn vị.
Để đưa việc học tập phong cách của Bác vào thực tiễn công tác của chính ủy, chính trị viên, trước hết cần thống nhất nhận thức về đổi mới phong cách làm việc của chính ủy, chính trị viên. Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị mới chỉ quan tâm nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức mà chưa chú trọng đổi mới phong cách làm việc của chính ủy, chính trị viên, dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. Vì vậy, tạo sự thống nhất nhận thức về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm đúng đắn của các tổ chức, lực lượng trong đổi mới phương pháp, tác phong làm việc của chính ủy, chính trị viên. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và từng chính ủy, chính trị viên cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng liên quan đến phong cách làm việc của cán bộ, nhất là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII); Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, v.v. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các biện pháp nâng cao nhận thức, kết hợp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục để các tổ chức, các lực lượng, trực tiếp là chính ủy, chính trị viên thấy rõ sự cần thiết phải đổi mới phong cách làm việc theo tấm gương của Bác Hồ. Qua đó, không ngừng nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, hiệu quả. Để đạt hiệu quả, mỗi chính ủy, chính trị viên cần phải thấy rằng, sửa đổi phong cách làm việc là một đòi hỏi khách quan, thường xuyên, liên tục, suốt đời và là nội dung quan trọng trong học tập và làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ, căn cứ vào các tiêu chí đã xác định, mỗi người phải “tự soi”, “tự sửa”, phấn đấu học tập, làm theo phong cách làm việc của Bác.
Cùng với đó, cần thường xuyên bổ sung, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực về phong cách làm việc của chính ủy, chính trị viên. Đây là “hệ quy chiếu” điều chỉnh và là cơ sở để đánh giá, giám sát phương pháp, tác phong, lề lối làm việc của chính ủy, chính trị viên. Căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ của chính ủy, chính trị viên, đặc thù nhiệm vụ đơn vị, kết hợp với việc lượng hóa và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Quân đội, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực về phong cách làm việc của chính ủy, chính trị viên. Qua việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh hệ thống chuẩn mực bảo đảm linh hoạt, khoa học và phù hợp; trong đó, cần phát huy dân chủ và nâng cao hiệu quả vai trò giám sát, phản biện của tập thể quân nhân. Các đơn vị cần tạo môi trường dân chủ để quân nhân tham gia giám sát, phản biện, góp ý chân thành, thẳng thắn, chính xác về những điểm mạnh, điểm yếu trong phương pháp, tác phong, lề lối làm việc của chính ủy, chính trị viên. Ngược lại, chính ủy, chính trị viên cần cầu thị lắng nghe và tiếp thu những đóng góp hợp lý, kịp thời điều chỉnh phong cách làm việc cho phù hợp; đồng thời, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời đã nói, việc đã làm để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm; phải hoan nghênh người khác phê bình mình, kiên quyết loại trừ bệnh “hữu danh, vô thực”. Từ đó, xây dựng tác phong làm việc thực tế, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương và chống lại tác phong ba hoa sáo rỗng, đại khái chung chung, quan liêu bàn giấy, lề mề, vô trách nhiệm.
Chính ủy, chính trị viên cần tích cực, chủ động tự học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực toàn diện kết hợp với đổi mới phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tiễn quá trình xây dựng Quân đội cho thấy, chính ủy, chính trị viên có phong cách làm việc khoa học, chuẩn mực thì hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ sẽ cao, các mối quan hệ công tác được giải quyết hài hòa, uy tín trong tổ chức được củng cố, trở thành trung tâm quy tụ và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn đơn vị. Ngược lại, ở đâu, nơi nào mà chính ủy, chính trị viên thiếu sâu sát, kém năng động, quan liêu, xa rời hoạt động thực tiễn của đơn vị, sẽ dẫn đến lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị kém hiệu quả; đánh mất vị thế, vai trò của mình trong tổ chức và trong mỗi cán bộ, chiến sỹ. Vì thế, mỗi chính ủy, chính trị viên cần nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm, chức trách, nhiệm vụ của mình để xây dựng động cơ đúng đắn, tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc khoa học, quần chúng, sâu sát cơ sở.
Học tập phong cách Hồ Chí Minh, người chính ủy, chính trị viên phải luôn gần gũi, thương yêu bộ đội, hết lòng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Họ không chỉ là người lãnh đạo, mà còn phải là người đồng chí, người anh, người chị, người bạn của cán bộ, chiến sỹ, nơi gửi gắm và nuôi dưỡng niềm tin yêu của bộ đội. Trong quan hệ công tác cũng như trong sinh hoạt, chính ủy, chính trị viên phải luôn bình đẳng, tránh áp đặt, ép buộc cấp dưới; biết tôn trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, chiến sỹ để có phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, chính ủy, chính trị viên phải không ngừng rèn luyện tác phong “miệng nói tay làm”, “nói đi đôi với làm”; sâu sát, cụ thể, mực thước; luôn thể hiện thái độ khiêm tốn, giản dị và chân thành trong cuộc sống và giải quyết các mối quan hệ. Biết vận động, giáo dục, thuyết phục làm cho bộ đội thấm nhuần đường lối của Đảng, có giác ngộ sâu sắc về hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Đồng thời, trong công việc và sinh hoạt, người chính ủy, chính trị viên phải luôn thể hiện sự mẫu mực về: Trang phục, tư thế tác phong, ngôn từ, cử chỉ và hành động, nhất là tác phong chính quy như lời huấn thị của Bác: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”3, thực sự là tấm gương để cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị noi theo.
Học tập và làm theo phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, đòi hỏi người chính ủy, chính trị viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tận tâm, tận lực với công việc. Có như thế, mỗi chính ủy, chính trị viên mới ngày càng hoàn thiện tác phong làm việc khoa học và có hiệu quả, để thực sự là hạt nhân đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo đơn vị, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Lê Gia Đồng,
Trường Sĩ quan Chính trị
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Phương Thúy (st)
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 159.
2 - Sđd, tr. 170.
3 - Sđd, Tập 5, tr. 108