Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách và sống còn của Đảng. Trong bất kỳ giai đoạn nào, Đảng cũng luôn phải được xây dựng và củng cố vững chắc. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đòi hỏi có sự chung sức, đồng lòng không chỉ của toàn Đảng mà còn là của toàn dân, nhằm phát huy trí tuệ tập thể và loại bỏ những tiêu cực, thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vận dụng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

1. Nội dung tác phẩm Sửa đổi lối làm việc

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn và phức tạp, “thù trong, giặc ngoài”, kinh tế khó khăn, nhân dân lầm than. Đặc biệt, trong nội bộ Đảng, chính quyền đã xuất hiện một số hạn chế, khuyết điểm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Với cái nhìn sâu xa và hết sức thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy trước sự ảnh hưởng của những hạn chế, khuyết điểm đó đến uy tín của Đảng. Vì vậy, Người cho rằng, cần phải “sửa đổi lối làm việc” cho tất cả cán bộ, đảng viên vừa để chỉnh đốn, củng cố Đảng; vừa để nâng cao phẩm chất, năng lực cầm quyền, năng lực lãnh đạo của Đảng và tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc với bút danh XYZ được Người viết xong vào  tháng 10/1947, tập trung vào sáu vấn đề lớn vừa chứa đựng tính lý luận, vừa chứa đựng tinh thần chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về Đảng, công tác xây dựng Đảng: 1) Phê bình và sửa chữa; 2) Mấy điều kinh nghiệm; 3) Tư cách và đạo đức cách mạng; 4) Vấn đề cán bộ; 5) Cách lãnh đạo; 6) Chống thói ba hoa. Qua tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, tổ chức, phong cách, phương pháp công tác. Người xem đây là nhiệm vụ vừa thường xuyên, vừa lâu dài, vừa cấp bách như là một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Người coi các bệnh chủ quan, ích kỷ, hẹp hòi, cá nhân, bản vị, cục bộ…, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Đây là địch bên trong và nó là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, chúng ta phải ra sức ngăn chặn, phải quyết tâm chữa trị hết những căn bệnh nẩy sinh hoặc có mầm mống làm hại đến Đảng. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu sửa đổi lối làm việc là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đạo đức cách mạng một cách tổng quát và toàn diện. Người xác định rõ vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng đối với sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của Đảng, của chế độ và đối với từng cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; luôn coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng, ví đạo đức cách mạng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Như vậy, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, vì nó liên quan trực tiếp tới khả năng và quyết định hiệu quả “gánh vác” công việc của Đảng cầm quyền. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ và trăn trở về nguy cơ có thể xảy ra với một Đảng cầm quyền, đó là sự sai lầm về đường lối chính trị, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước, nếu cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa bản chất con người. Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và đối với dân tộc, luôn phải kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra một cách có hệ thống các quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Người xác định rất rõ: Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Cán bộ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Cán bộ tốt phải có đủ đức và tài, trong đó đức là gốc. Vì vậy, phải quan tâm, chú trọng đến tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ việc huấn luyện cán bộ; lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ đến việc thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là lực lượng to lớn của cách mạng, mục đích cách mạng là phục vụ lợi ích của quần chúng. Do đó, muốn cho sự nghiệp cách mạng thành công, Đảng phải có phương thức lãnh đạo đúng đắn và thích hợp; phải biết dựa vào quần chúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện mục tiêu của cách mạng. Phải có phương pháp tuyên truyền vận động quần chúng phù hợp. Người yêu cầu phải học cách nói của quần chúng, dùng lời lẽ dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng.

Tác phẩm đưa ra sáu vấn đề lớn về công tác xây dựng Đảng, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tập trung tất cả nguồn sức mạnh vật chất và nội lực tinh thần để đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc, đặc biệt, trong bối cảnh Đảng phải khắc phục những nhược điểm, những chứng bệnh mới xuất hiện mà trước đó chưa xuất hiện hoặc chưa có điều kiện bộc lộ rõ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những nguy cơ thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với Đảng cầm quyền, từ đó chỉ rõ nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài là phải sửa đổi lối làm việc để chỉnh đốn lại Đảng. Có thế mới làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò tiên phong và gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vạch ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, trong phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, mà còn tập trung nêu rõ những biện pháp cần thiết để chữa trị những căn bệnh “nan y”. Có thể khẳng định, xuyên suốt và cốt lõi trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung xoay quanh việc phải giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc”, là “đày tớ” thật trung thành của nhân dân.

2. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vào xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Xây dựng Đảng về tổ chức

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người khẳng định: Sửa đổi lối làm việc của Đảng là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng; là nhiệm vụ thường xuyên, vừa lâu dài, vừa cấp bách của một đảng chân chính. Theo Người: Sửa ở đây là sửa chữa, khắc phục. Đổi là đổi mới. Lối là phương pháp, cách thức. Làm việc là hoạt động của Đảng, lãnh đạo của Đảng. Sửa đổi lối làm việc là để nâng cao sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giúp cho mọi tổ chức và cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. 

Kế thừa quan điểm, đường lối xây dựng Đảng về mặt tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về tổ chức, không ngừng chăm lo, xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy của Đảng ở các cấp, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; các cấp ủy đảng và bộ máy các ban của Đảng từng bước được kiện toàn..., góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Nhận thức được những nguy cơ bên trong ảnh hưởng trực tiếp chất lượng cán bộ, đảng viên và hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng đã luôn bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời chỉ đạo để công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc. Tuy vậy, vẫn có những lúc, những nơi, những cán bộ chưa thật sự làm đúng, đủ, chất lượng công tác tự phê bình và phê bình. Nhận định về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các nhóm giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bởi theo Người: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”; “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”. Người đã trù liệu hệ quả khi đảng viên chưa thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới những biến dạng khôn lường. Do đó mà Người luôn kỳ vọng làm sao tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải trở thành chủ đạo, trường tồn cùng với Đảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

  Trong Sửa đổi lối làm việc, nội dung chính xuyên suốt là những chỉ dẫn về giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc về tư tưởng chính trị, tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Các thế lực phản động ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, chúng dùng chiêu bài “phi chính trị hóa”, tuyên truyền với luận điểm: “Chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn dân giàu, nước mạnh”; tách rời và đối lập độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội: “Xưa kia trong chế độ phong kiến làm gì có chủ nghĩa xã hội đâu mà cha ông ta vẫn giữ vững được độc lập dân tộc”. Do vậy, cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị diễn ra quyết liệt trên nhiều lĩnh vực.

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đều nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; vừa phải tập trung sức vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vừa phải đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã nêu các nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình và một số giải pháp về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. 

Cũng trong Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người cán bộ về tính lý luận: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Tức là, mỗi cán bộ, đảng viên cần coi trọng và tự trang bị cho bản thân mình những kiến thức cơ bản về lý luận cũng như thực tiễn để có thể đem lý luận áp dụng vào thực tiễn, thực hiện trong thực tiễn một cách sáng tạo và khoa học, giúp nhân dân đi đúng đường lối. Có như vậy mới tạo được sự thống nhất quan điểm trong toàn Đảng, toàn dân về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn khẳng định công tác chính trị, tư tưởng là một bộ phận trực tiếp xây dựng, củng cố và phát triển Đảng về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và văn hóa. Vai trò ấy càng trở nên đặc biệt quan trọng trong những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử. Vào những thời điểm như vậy cần phải nỗ lực tập trung trí tuệ và lực lượng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, bảo đảm cho Đảng có đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, kiên định mục tiêu, lý tưởng, nền tảng tư tưởng và những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc của người cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì người cán bộ mới được dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó người cán bộ mới có thể lãnh đạo được dân chúng làm cách mạng. Người chỉ ra đối với người cán bộ, đảng viên không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được dân chúng. Người coi đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng vững chắc, là lý tưởng sống của người cách mạng. Nó là động cơ bên trong, tạo ra sự thôi thúc to lớn để người cách mạng thực hiện, tăng thêm sức mạnh bền bỉ giúp người cách mạng có đủ sức mạnh để suốt đời hy sinh phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đạo đức cách mạng còn là nền tảng cho những năng lực, tài năng của người cán bộ, đảng viên phục vụ lợi ích cho cách mạng, Tổ quốc và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”. Người cũng nhấn mạnh, để có được những đức tính tốt người cán bộ, đảng viên cần thực hiện năm điều đó là: Nhân - nghĩa - trí - dũng - liêm. Người cho rằng, người cán bộ, đảng viên mà có đầy đủ những đức tính tốt đẹp ấy, họ sẽ có nền tảng tinh thần vững chắc, giúp họ đủ sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc, nhân dân giao phó.

Theo quan điểm của Đảng, xây dựng Đảng về đạo đức là một yếu tố cấu thành nên nội dung công tác xây dựng Đảng, đồng thời là cơ sở bảo đảm đạo đức cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức là cái cốt của xây dựng Đảng về văn hóa, là nền tảng tinh thần của Đảng. Trong đó đạo đức sẽ được thể hiện trong văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử trong Đảng, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đảng viên với đảng viên, đảng viên với quần chúng nhân dân. Đạo đức cùng với năng lực tạo nên nhân cách của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên. Trong mỗi tổ chức đảng và trong toàn Đảng, nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phản ánh diện mạo đạo đức, nhân cách của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên rằng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là một trong những văn kiện quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tác dụng làm nền tảng tư tưởng trong chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hơn 70 năm từ khi ra đời, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định giá trị khoa học và sức sống của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, về sự cần thiết của công tác giáo dục, huấn luyện lý luận cho cán bộ, đảng viên và công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho quần chúng. Do đó, thực hiện Sửa đổi lối làm việc sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao được trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị để luôn vững vàng trước những yêu cầu và thử thách đặt ra.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hằng
Học viện An ninh nhân dân

Danh mục tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia, 1986.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, 2010.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, 2016.
4. Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng: Một số tác phẩm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017
5. X.Y.Z: Sửa đổi lối làm việc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.

Bài viết khác: