Trải qua bao mất mát, hy sinh trong hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai hòng đưa dân tộc ta trở về thời kỳ nô lệ.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu.

Tại Điện Biên Phủ, quân Pháp triển khai chiếm lĩnh tất cả các điểm cao của một vùng thung lũng rộng lớn và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm liên hoàn, gồm 49 cứ điểm nằm trong tám cụm cứ điểm thuộc ba phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm. Mỗi cụm cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập, có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực mạnh. Ở đó còn có sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không. Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ được gọi là binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gồm 12 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, hai tiểu đoạn lựu pháo 105 mm (24 khẩu), hai tiểu đoàn súng cối 120 mm (20 khẩu), một đại đội trọng pháo 155mm (bốn khẩu), một đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc) và một phi đội máy bay (17 chiếc). Nava - tướng tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp cùng các tướng lĩnh cao cấp của Pháp và Mỹ đều đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, không một sức mạnh nào có thể công phá được.

          Đối với ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược 1953 - 1954. Chiến dịch này được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, coi đây là chiến dịch quyết chiến chiến lược. Xét trên mọi phương diện, đây là chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quyết định mở màn chiến dịch là do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Kế hoạch tác chiến do Tổng Quân ủy soạn thảo. Chỉ huy chiến dịch là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh. Lực lượng tham gia chiến dịch cũng đông nhất và mạnh nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ tính riêng khối chủ lực, ta đã huy động năm trong số bảy đại đoàn hiện có. Đó là các đại đoàn 308, 312, 316, 304 (thiếu Trung đoàn 66) và một đại đoàn công pháo. Tổng số quân chủ lực của ta lên tới khoảng 55.000 người. Ngoài ra còn có bộ đội địa phương và dân quân du kích Liên khu III, Liên khu IV, Việt Bắc, Tây Bắc và hơn 26 vạn dân công phục vụ chiến đấu.

Như vậy, Điện Biên Phủ là sự tập trung, cố gắng cao nhất của cả hai bên tham chiến, là cuộc đọ sức lớn nhất, quyết liệt nhất, toàn diện nhất giữa ta và địch. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt:

Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bàn Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 01 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pirốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/l954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Tướng Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi Cl ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 06/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chính vì thế, Điện Biên Phủ là thất bại thảm hại nhất của thực dân Pháp, là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa đối với bạo tàn, thắng lợi của ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do. Sau thất bại này, mặc dù lực lượng quân Pháp ở Đông Dương còn đông, nhưng ý chí xâm lược của thực dân Pháp đã hoàn toàn bị sụp đổ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; một nửa đất nước được giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành di sản tinh thần quý báu.

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng to, gió cả đi đến bến bờ vinh quang. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tư lệnh Quân đội, trực tiếp là Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng ta mãi mãi khắc ghi công ơn to lớn của các cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh… đã đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

65 năm đã qua, từ cánh đồng Mường Thanh lịch sử, những bài học của thắng lợi Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Từ Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu non sông về một dải, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên “độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”; dựng xây đất nước, bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn, đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Đó cũng là quá trình phát huy giá trị và vận dụng những bài học kinh nghiệp từ chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những bài học đó cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thời đại mới. Những bài học từ Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là tài sản vô giá của dân tộc chúng ta, mãi đồng hành cùng những người con đất Việt để đưa Tổ quốc đến đài vinh quang./.

                                                             Nguyễn Thanh Huống (tổng hợp)

         

Bài viết khác: