Năm 1962, trên đường đến trường Văn Lang (Sài Gòn), nữ sinh Nguyễn Thị Châu bị địch bắt giam, tra khảo và đánh đập dã man. Mặc dù bị luân chuyển qua 9 nhà tù, bị giam giữ trong xà lim, hầm tối nhưng cô vẫn một mực trung kiên.

ky vat
Chiếc khăn tay chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Châu gửi tặng Bác Hồ.

Trong tù, khi nghe tin Lê Hồng Tư hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Sài Gòn (người dìu dắt cô từng bước tham gia cách mạng) bị bắt, kết án tử hình và đày ra Côn Đảo, Nguyễn Thị Châu đã khóc ngất và tự nhận mình là vị hôn thê, kiên quyết chung thủy chờ anh.

Để bày tỏ tình cảm của mình, hướng về Bác, hướng về cách mạng và có thêm nghị lực, giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, Nguyễn Thị Châu đã thêu chiếc khăn tay với ý nguyện kính tặng Bác Hồ. Trên góc khăn tay, Châu thêu hai bé gái đang nhảy dây và hai chữ cái "T-C" là tên viết tắt của Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu. Năm 1968, một nhà văn người Ba Lan đến làm việc tại vùng giải phóng, Nguyễn Thị Châu đã nhờ nhà văn chuyển chiếc khăn tay, bức thư và một số kỷ vật của các bạn tù tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ôn lại ký ức, bà Nguyễn Thị Châu kể: Ngày 19-5-1969, lần đầu tiên tôi và Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) được vào Phủ Chủ tịch. Khi xe vừa dừng lại, đồng chí Vũ Kỳ ra đón, thăm hỏi và căn dặn: Bác đang yếu, gặp Bác hai cháu phải kể chuyện vui cho Bác nghe. Khi thấy Bác đi từ phía nhà sàn tới, chúng tôi đã quên lời dặn của đồng chí Vũ Kỳ, liền chạy ùa ra ôm Bác khóc nức nở - những giọt nước mắt cảm động vì sung sướng. Bữa cơm trưa hôm đó, Bác ngồi giữa, ân cần gắp thức ăn cho chúng tôi. Trong bữa cơm, Bác hỏi chúng tôi nhiều chuyện về miền Nam, như: Phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn; phong trào phụ nữ, nông dân, công nhân đô thị, thanh niên ấp chiến lược… Sau khi hỏi thăm sức khỏe của Quyên và gia đình anh Nguyễn Văn Trỗi, quay sang tôi, Bác hỏi gia đình tôi và gia đình anh Lê Hồng Tư: “Cháu có được tin tức của Lê Hồng Tư không?”. Tôi thưa Bác: "Cháu ở trong rừng, anh Lê Hồng Tư ở Côn Đảo, ở chuồng cọp nên chúng cháu không có điều kiện liên lạc với nhau ạ!". Bác bảo luôn: "Cháu viết thư đưa chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) gửi vào để cho Lê Hồng Tư mừng". Rồi Bác bảo đã nhận được những kỷ vật do tôi gửi tặng.

Sau bữa cơm trưa, Nguyễn Thị Châu và Phan Thị Quyên còn được Bác mời ở lại cắt bánh ga tô mừng sinh nhật của Người. Đây là sinh nhật lần cuối cùng trong cuộc đời Bác.

Bài và ảnh: Phí Thị Hồng Vân
Theo Báo 
Quân đội nhân dân điện tử
Hà Minh (st) 

Bài viết khác: