Trong Bản Di chúc bất hủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần (từ năm 1965 đến 1969), Người vẫn hằng suy nghĩ, căn dặn: “Trước hết nói về Đảng” và “đầu tiên là công việc với con người”.
Thấu hiểu vai trò của dân, sức đóng góp to lớn và sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nên khi nói về “đầu tiên là công việc với con người”, Người đặc biệt quan tâm tới việc đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước. Giải quyết các vấn đề xã hội trong quản lý xã hội sau chiến tranh ở trong chiều sâu tư duy quản lý xã hội của Hồ Chí Minh. Người căn dặn bao điều cụ thể, thiết thực, thấm đượm tinh thần nhân ái và nhân văn cao cả của Người. Trong Di chúc, Người viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh”.
Người còn chỉ dẫn, đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Người đồng thời nhắc nhở chính quyền địa phương, chính quyền cùng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn giúp đỡ cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, để họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét… Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất trong những chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu… cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Người tin rằng, đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Người rất mực quan tâm tới phụ nữ và nông dân, căn dặn Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Người cũng động viên phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước phải vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Trù tính những công việc phải làm sau khi đã hoàn toàn thắng lợi, Người nói tới kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng, chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc…
Hết lòng quan tâm và tin cậy ở thế hệ trẻ, Người nêu trong Di chúc một vấn đề có tầm chiến lược: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) vừa “hồng” vừa “chuyên”. Nói tóm lại, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt, để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Vậy là, bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu đối tượng con người phải quan tâm đều được Người nói đến, nhắc đến. Trong trái tim của Người đều có chỗ dành cho mọi người, mọi cảnh đời và số phận. Trong suy nghĩ, lo toan, định liệu của Người từ việc hôm nay và mai sau, từ chiến tranh đang còn tiếp diễn đến sau ngày thắng lợi khi đã có hòa bình và thống nhất, từ hiện tại bộn bề gian khó đến tương lai với triển vọng tốt đẹp, tươi sáng… Hồ Chí Minh đã dành tất cả trí tuệ, tâm hồn, sức lực và thời gian để chăm lo cho đời sống của nhân dân.
Tư tưởng phong phú, sâu sắc của Người trong Di chúc còn thể hiện ở quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam, về đổi mới để phát triển đất nước ta sau chiến tranh. Đó là những chỉ dẫn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta hiện nay và mai sau. Từ tâm nguyện, điều mong muốn cuối cùng ghi trong Di chúc ta nhận ra quan niệm của Người về CNXH Việt Nam và xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Người viết những dòng cuối cùng khép lại bản văn hơn 1.000 từ, cô đúc tất cả những suy nghĩ, cân nhắc suốt 4-5 năm liền. “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Câu hỏi lớn: CNXH là gì ở Việt Nam đã được Người trả lời sáng tỏ. Đó là hướng đích mục tiêu, là giá trị, là tất cả mong muốn của Người với sự kết tinh hoài bão, khát vọng cả cuộc đời Người theo đuổi, phấn đấu đến cùng.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy, tại lễ ra mắt hoạt động công khai của Đảng sau Đại hội II, năm 1951, Người đã nói: Toàn bộ đường lối chính sách của Đảng chỉ đúc vào một câu thôi: Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và phú cường. Gần hai thập niên sau, trong Di chúc 1969, câu này được nhắc lại hoàn toàn, Người chỉ thay “phú cường” bằng “giàu mạnh” cho đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ.
Trong Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng ta đã thể hiện trọn vẹn định hướng mục tiêu của Người thành mục tiêu của đổi mới, đồng thời cũng là đặc trưng tổng quát của CNXH Việt Nam - một CNXH đậm tính chất nhân dân và dân tộc, gắn liền với bản chất giai cấp công nhân và tinh thần thời đại: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong Di chúc, Người đề cập tới “đổi mới” một cách sâu sắc mà bình dị.
Theo bản văn Người viết năm 1968, đổi mới như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân để xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn sau chiến tranh.
Người hình dung, công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất là vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Ba lần, từ “toàn dân” được Người nhắc lại, một thể hiện sinh động nguyên lý cách mạng là sự nghiệp của quần chúng qua hành động thực tiễn đầy tính năng động, sáng tạo của nhân dân. Họ thực sự là chủ và thực sự làm chủ, tự mình xây đắp cuộc sống hạnh phúc của mình. Đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đường lối của Đảng mang tầm vóc một cuộc cách mạng, là một tiến trình lịch sử lâu dài với những cải biến cách mạng sâu sắc và triệt để trên “Đường cách mệnh”. Định nghĩa dung dị mà sâu sắc của Người, dù độ lùi của thời gian đã hơn chín thập niên, cho đến nay vẫn mang tầm một định nghĩa kinh điển: “Cách mệnh là phá cái cũ, đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”.
Là một nhà biện chứng thực hành xuất sắc, Người còn nhận thức và xử lý rất nhuần nhuyễn, thành công mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới thường gặp trong đổi mới. Khẳng định cái mới tiến bộ, tích cực và phủ định cái cũ lạc hậu, lỗi thời, theo Người là cả một cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, cần phải đề cao tính sáng tạo, ra sức thực hành sáng tạo trong thực tiễn.
Di chúc của Bác Hồ, ở tầm cao tư tưởng, thực sự là một đại tổng kết lý luận - thực tiễn về con đường cách mạng Việt Nam.
Tầm tư tưởng ấy thể hiện trong tinh thần và lời văn của bản Di chúc cho thấy nổi bật giá trị lý luận, ý nghĩa thời đại.
Toàn bộ tư tưởng và di sản của Người để lại trong Di chúc cũng như trong sự nghiệp của Người đều toát lên những đặc tính, những phẩm chất khoa học - cách mạng và nhân văn. Đó cũng là những giá trị đích thực và bền vững của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà Người theo đuổi đến cùng với một tấm lòng thủy chung son sắt, với bản lĩnh sáng tạo của nhà tư tưởng Mác xít kiên định. Người trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, với lý tưởng mục tiêu cộng sản chủ nghĩa, nhưng đó là trung thành một cách sáng tạo, xa lạ với bệnh giáo điều, biệt phái và chủ quan duy ý chí.
Chủ nghĩa Mác - Lênin qua trí tuệ khoa học và tầm nhìn văn hóa của Hồ Chí Minh đã trở nên sống động, thiết thực và hiệu quả trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam, bởi Người đã nhận thức và thực hành, đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, đã “Việt hóa” những tư tưởng Mác xít và những tinh hoa trí tuệ, văn hóa nhân loại và thời đại vào thực tiễn Việt Nam.
Bản Di chúc với hơn 1.000 từ ở tầm cao tư tưởng của Người đã trở thành Bảo vật Quốc gia cùng với những tác phẩm lý luận cũng như văn chương đặc sắc khác của Người. Di chúc là sự kết tinh nổi bật nhất tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)