Hàng năm, cứ vào ngày 19 tháng 5, đồng bào và chiến sỹ cả nước đều tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta - thời đại độc lập dân tộc gắn với chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19-5-1890 khi đất nước còn nằm dưới chế độ thuộc địa, nửa phong kiến, do thực dân Pháp cai trị. Còn nhỏ, Người có tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành và khi hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

tam nhin 1

Việt Nam là một đất nước đất không rộng, người không đông nhưng lại ở một vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng. Đó là cửa ngõ ra biển Đông, có đường bộ từ phương Bắc xuống các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Biển Đông không chỉ giàu có, phong phú về hải sản, mà còn là tuyến đường biển sầm uất bậc nhất thế giới. Đó là con đường đi từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, trong lịch sử hàng ngàn năm dân tộc ta dường như luôn phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược từ phương Bắc và nhiều cuộc chiến tranh, cạnh tranh giữa các nước nước lớn, phát triển cao về địa chính trị khu vực.

Đầu Công nguyên, đó là các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 sau Công nguyên) chống lại sự thống trị của nhà Hán; cuộc kháng chiến chống nhà Tống xâm lược của Lý Thường Kiệt (1075-1077); cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258-1288) của nhà Trần; khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) đánh đuổi quân Minh của Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ); cuộc khởi nghĩa Quang Trung (1778-1802) đập tan quân xâm lược nhà Thanh và Xiêm, v.v. Tuy nhiên, những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống quân xâm lược trước thế kỳ XIX đầu thế kỷ XX của dân tộc ta chỉ đương đầu với những thế lực xâm lược có cùng một trình độ phát triển nếu xét về hình thái kinh tế - xã hội (cùng ở hình thái kinh tế - xã hội phong kiến). Bước sang thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân tộc ta đã phải đương đầu với những thế lực xâm lược phương Tây, là những nước tư bản chủ nghĩa, có trình độ phát triển cao (xét về hình thái kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ). Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, sau nhiều lần nhượng đất, cuối cùng triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng, chấp nhận sự thống trị của Pháp đối với Việt Nam và 2 nước Lào, Cam-pu-chia. Với truyền thống anh hùng, bất khuất và sức sống mãnh liệt trong suốt giai đoạn bị thực dân Pháp đô hộ (1885-1945), dân tộc ta đã nhiều lần đứng lên tiến hành các cuộc khởi nghĩa hướng đến mục tiêu giành lại độc lập dân tộc. Đó là phong trào Cần Vương ( 1885-1888) do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo; cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do Hoàng Hoa Thám tổ chức, lãnh đạo; cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1927) do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, v.v.

Bước sang thế kỷ XX, đứng trước trào lưu dân chủ tư sản ở Trung Quốc, nhất là Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911) và phong trào Duy Tân của Nhật Bản, được nhiều sỹ phu Việt Nam, tiêu biểu là hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ngưỡng mộ, muốn học hỏi. Cụ Phan Bội Châu đã tổ chức đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập để trở về đánh Pháp giành lại độc lập, nhưng cuối cùng các phong trào yêu nước theo con đường dân chủ tư sản bị thất bại. Trong Hồi ký cuối đời cụ Phan Bộ Châu viết “Than ôi! Cuộc đời của tôi là một trăm thất bại mà không một thành công”.

Với thiên tài trí tuệ và nghị lực phi thường, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy con đường cứu nước mà các vị tiền bối đã đi không thể đánh bại được chủ nghĩa thực dân Pháp, mà phải tìm một con đường khác. Nguyễn Ái Quốc kể lại rằng, khi 13 tuổi, lần đầu tiên Người được nghe những từ nói về tự do, bình đẳng, bác ái bằng tiếng Pháp. Và từ thuở ấy, Người rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Đấy là lý do Người ra nước ngoài, trước hết là những quốc gia phương Tây. Trải qua gần 10 năm (1911- 1920) lao động, nghiên cứu và hoạt động trong các phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân ở nhiều châu lục, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, khi Người tham dự Đại hội Tours thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tháng 12-1920.

Sau khi khảo sát nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, Người đã lựa chọn mô hình Cách mạng Tháng Mười vì đó là cuộc cách mạng đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, 1927, Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền… Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã khắc Tư và Lênin”1.

Với Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và chế độ dân chủ cộng hòa (nay là chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, như Tuyên ngôn độc lập của Cách mạng giành độc lập Mỹ (1776); Cách mạng dân chủ tư sản Pháp (1789); Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917), mà còn vận dụng và phát triển những tư tưởng đó vào cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02-9-1945, Người nói: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và từ tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”, Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý mới có ý nghĩa thời đại, đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”2.

Sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, Người chủ trương tổng tuyển cử lập Chính phủ và thông qua Hiến pháp. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hiến pháp (1946) là một mô hình chế độ xã hội hoàn toàn mới mẻ với cộng đồng quốc tế. Ngày nay đọc lại bản Hiến pháp đó, người ta thấy các quyền con người và quyền công dân đã được quy định đầy đủ phù hợp với khái niệm quyền con người hiện đại.

Trong quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết. Lịch sử đã ghi nhận, sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, ngày 16-02-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho Tổng thống Hoa Kỳ thông báo sự ra đời về sự kiện đó và yêu cầu “Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”3.

Nói đến những tư tưởng vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh người ta còn có thể nói đến quan điểm, luận điểm về dân chủ, về cán bộ, về đảng cầm quyền,… và cả đến những quan điểm của Người về môi trường.

Cũng như Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ là một nguy cơ của chế độ. Trong thư gửi “Các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, làng”, tháng 10-1945, sau khi chỉ ra tình trạng quan liêu, “lên mặt làm quan cách mạng”, Người viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”4.

Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh không thể không nói đến tinh thần nhân đạo, khoan dung. Trước khi Nhà nước ta trở thành thành viên của Liên hợp quốc, năm 1957, Người đã ký đơn gia nhập bốn Công ước Giơ-ne-vơ về luật nhân đạo. Đó là: Công ước về bảo vệ dân thường trong chiến tranh; về đối xử với tù binh trong chiến tranh; về cải thiện tình cảnh của những người bị thương, bị bệnh hoặc bị đắm tầu thuộc các lực lượng vũ trang trên biển; về cải thiện tình cảnh của những người bị thương, bị bệnh thuộc các lực lượng vũ trang trên bộ.

Tầm vóc vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tại khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24 tại Pa-ri (từ 20-10 đến 20-11-1987), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Phát biểu về nghị quyết nói trên, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Modagat Ahmet nói: “Chỉ có rất ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người anh hùng giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà Hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”5.

Lênin từng nói: Cách tốt nhất để kỷ niệm một cuộc cách mạng là tiếp tục những nhiệm vụ mà cuộc cách mạng đó đã mở ra. Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc; đồng thời, tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ.

TS. Cao Đức Thái 
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, 
Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Trần Thanh Huyền (st)

____________

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, 2011, tr 304.
2, 3, 4. Sđd, Tập 4, tr. 1, 204, 64.
5. “Về nghị quyết của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Báo Nhân dân điện tử 18-10-2010.

Bài viết khác: