1. Tăng 7,19% lương hưu, trợ cấp cho 08 nhóm đối tượng
Ngày 20/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2019/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng.
Từ 01/7/2019 tăng lương hưu cho 08 nhóm đối tượng. Ảnh minh họa/Internet
Theo đó, Nghị định này điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/7/2019, bao gồm:
1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21//10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.
3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
5. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
8. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Về thời điểm và mức điều chỉnh: Từ ngày 01/7/2019, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với các đối tượng nói trên.
Kinh phí thực hiện như sau:
- Ngân sách nhà nước bảo đảm đối với các đối tượng hưởng chế độ BHXH trước ngày 01/1/1995; hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các đối tượng quy định tại khoản 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 1 Nghị định này; hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 và Nghị định số 23/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ.
- Quỹ BHXH bảo đảm đối với các đối tượng hưởng chế độ BHXH từ ngày 01/10/1995 trở đi, kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
2. Xác định mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) theo lương cơ sở mới từ 01/7/2019
Đây là nội dung quy định tại Công văn số 1602/BHXH-CSYT ngày 16/5/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc áp dụng mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT).
Cụ thể, để thống nhất thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo mức lương cơ sở mới 1.490.000 đồng/tháng (Mức lương cơ sở mới được quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang), kể từ ngày 01/7/2019, các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thực hiện như sau:
- Xác định mức hưởng BHYT theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT:
+ 15% mức lương cơ sở tương đương với 223.500 đồng (Hai trăm hai ba nghìn năm trăm đồng).
+ 6 tháng lương cơ sở tương đương với 8.940.000 đồng (Tám triệu chín trăm bốn mươi nghìn đồng).
- Xác định mức thanh toán trực tiếp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP:
+ 0,15 lần mức lương cơ sở tương đương với 223.500 đồng (Hai trăm hai ba nghìn năm trăm đồng).
+ 0,5 lần mức lương cơ sở tương đương với 745.000 đồng (Bảy trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).
+ 1,0 lần mức lương cơ sở tương đương với 1.490.000 đồng (Một triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng).
+ 2,5 lần mức lương cơ sở tương đương với 3.725.000 đồng (Ba triệu bảy trăm hai mươi lăm nghìn đồng).
Mức thanh toán chi phí vật tư y tế theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT không vượt quá 45 tháng lương cơ sở tương đương với 67.050.000 đồng (Sáu bảy triệu không trăm năm mươi nghìn đồng).
3. Bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp
Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH, chi trả chế độ BHXH, BHTN do BHXH Việt Nam ban hành (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2019) đã bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Đơn cử, đối với việc giải quyết chế độ Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp cơ quan BHXH bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH, các giấy tờ khám và điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Đối với trường hợp tử tuất, Quyết định số 166/QĐ-BHXH cũng quy định bỏ biên bản xác minh về thân nhân hưởng chế độ tuất, biên bản họp của các thân nhân để tạo thuận lợi cho đối tượng hưởng…
Trong Quyết định này đã quy định thủ tục liên quan đến giải quyết một số chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Đối với chế độ ốm đau:
- Trường hợp điều trị nội trú:
+ Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.
+ Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Đối với chế độ thai sản của người đang đóng BHXH:
- Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:
+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.
+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
- Lao động nữ sinh con:
+ Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
+ Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài hồ sơ nêu trên (tại nội dung a tiết 2.2.2 điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Quyết định này) có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
+ Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.
+ Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản Giám định y khoa (GĐYK) của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.
+ Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai; trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai; trường hợp phải GĐYK: Biên bản GĐYK.
+ Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
- Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
- Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
Thu Hiền (tổng hợp)