Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chúng đã biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Chúng dùng mọi thủ đoạn thâm độc khai thác tài nguyên và bóc lột dã man của cải và sức lao động của nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc. Trước tình cảnh ấy, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời, nhân dân ta đã đứng dậy tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai giành độc lập, tự do nhưng đều thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã xuất dương tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm ra một con đường mang lại hiệu quả đích thực. Trước thực tế ấy, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, người con xứ Nghệ, mới 21 tuổi, đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, bởi trong anh đang nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu1.

anh tau la tut so
Ngày 05-6-1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Latouche Tréville,
người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh tư liệu

Nguyễn Tất Thành thuở nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Thời thơ ấu, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương của ông bà ngoại và cha mẹ. Qua những lời ru ngọt ngào, những câu hát phường vải hay những câu chuyện cổ tích mà bà ngoại và mẹ thường hát ru hay kể lại để đưa cậu vào giấc ngủ, đã thắp sáng trong tâm hồn thơ ngây của cậu ngọn lửa yêu quê hương, đất nước. Tình yêu quê hương, đất nước ấy ở Nguyễn Tất Thành tiếp tục được bồi đắp do ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng và nhân cách của người cha. Đi đâu ông cũng thường cho Nguyễn Tất Thành đi cùng, nhờ vậy mọi việc làm, lời nói, cử chỉ hằng ngày của ông đều tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới cậu. Đặc biệt là những cuộc đàm luận với các sĩ phu yêu nước đã có ảnh hưởng lớn tới tình cảm yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Cậu thường được cha cho đứng bên cạnh trong những lần ông tiếp khách. Những lúc ấy, Thành được nghe những câu chuyện về thời cuộc xã hội Việt Nam hồi đó và những việc làm cứu nước của các ông. Nhờ đó mà nhận thức về xã hội và lòng yêu nước của cậu cũng đã được nhen nhóm lên từ đây. Nhưng có lẽ tư tưởng thương dân của ông Nguyễn Sinh Sắc mới ảnh hưởng sâu sắc nhất, quyết định nhất đối với sự hình thành chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành. Lòng thương dân đó có gốc rễ sâu xa từ trong cuộc đời nghèo khổ mà đi lên, chịu ơn sâu nặng của dân. Ông Nguyễn Sinh Sắc là con người đôn hậu, vốn xuất thân nghèo khổ, sống gần dân nên dễ xúc cảm và thương người. Khi làm quan, ông đứng về phía dân nghèo, trừng trị bọn cường hào, tổng lý… hay ức hiếp dân nghèo. Tư tưởng tiến bộ và nhân cách cao thượng của phụ thân đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Tất Thành, làm sớm nảy nở tình yêu nước, thương dân ở Người. 


bac ho tai tua
Nguyễn Ái Quốc tại
Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở Thành phố Tours
(tháng 12-1920).
Ảnh tư liệu

Sau một thời gian tìm hiểu, nhờ người giới thiệu, Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba xin làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Amiral Latouche Tréville, một tàu vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Năm Sao đang vào Cảng Sài Gòn chuẩn bị đi Mácxây (Pháp). Ngày 05-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước. Mục đích của chuyến đi này, hơn 10 năm sau, năm 1923, Người đã trả lời nhà thơ, nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtan: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy...”2.

Một lần khác, trả lời nhà văn Mỹ Aana Luy Xơtơrông, Người nói:  "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Nhật, người kia thì nghĩ là Anh, có người thì nghĩ là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi". Thế là Nguyễn Tất Thành đã bước vào con đường lao động đầy vất vả với bao công việc khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống và học tập, để thâm nhập vào phong trào công nhân và lao động các nước, từ tàu buôn Pháp, qua tàu buôn Mỹ, cạo tuyết thuê cho một trường học rồi phục vụ trong một khách sạn ở Anh. Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Pháp, anh đã phát hiện ra rằng: Ở đây có nhiều người Pháp nghèo khổ. Tại sao người Pháp không "khai hóa" đồng bào của họ trước khi "khai hóa chúng ta". Còn trên đất Mỹ khi anh tranh thủ đến thăm tượng thần Tự do anh đã ghi cảm tưởng: "Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người đấu tranh da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới"?.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Bắt đầu từ đây, anh có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà văn hóa, trí thức, tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi.

Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp, khi được hỏi vì sao vào Đảng, anh trả lời: "Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Ngày 18-6-1919, thay mặt “Hội những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Vécxây Bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp thừa nhận quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Dưới Bản yêu sách Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên danh xưng Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".

Từ ngày 25 đến ngày 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội tại thành phố Tua (Pháp) với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. Tại Đại hội này, cùng những người cách mạng chân chính của nước pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III - Quốc tế cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời sống cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta. Nếu như cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Vécxây năm 1919 mới là phát pháo hiệu thức tỉnh nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đã đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin. 40 năm sau, nhìn lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sỹ xã hội chủ nghĩa". Cũng từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

hcm tai phap2
Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống ở Montreau,
Pari, Cộng hòa Pháp. Ảnh: Duy Hưng

Sự lựa chọn và hành động của Nguyễn Ái Quốc là phù hợp với trào lưu tiến hóa của lịch sử, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, đã kéo theo cả một lớp người Việt Nam yêu nước chân chính đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam từ đây có một phương hướng mới, một bước ngoặt mới.

Sau 30 năm tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành lại chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và dân chủ. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hôm nay, nhìn lại ngày đầu tiên của hành trình cứu nước 108 năm về trước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta càng khâm phục về ý chí, nghị lực và khắc ghi sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn đối với những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đó là dấu mốc lịch sử quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đang bước vào thời đại mới, một kỷ nguyên mới, đang khoác trên mình diện mạo mới, hội nhập và ngày càng phát triển, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nguyện vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Người!

Trần Duy Hưng (tổng hợp)

       

 

 

Bài viết khác: