Rất may mắn và vinh dự cho tôi có một cơ duyên khi tôi được gặp ông, nhân dịp ông cùng với Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là ông Hoàng Văn Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Hoang van nam
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Nam phát biểu tại buổi tiếp
Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ấn tượng của tôi về ông là hình ảnh phúc hậu, nhanh nhẹn, đẹp lão của một cựu chiến binh “đã từng vào sinh ra tử”. Cho đến nay, trong lòng người cựu chiến binh ấy vẫn còn vẹn nguyên những ký ức của một thời trai trẻ không thể nào quên.

Ông Hoàng Văn Nam, sinh năm 1948, nguyên trắc thủ cự ly, nguyên sỹ quan điều khiển Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 267, Sư 365, Quân chủng Phòng Không - Không quân; là thương binh 4/4; hiện nay ông ở khối 4, thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Tâm sự với tôi, những ký ức hào hùng của hơn 50 năm về trước được ông bồi hồi nhớ lại: Ngày 08/6/1965, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai xứ Nghệ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ; xa quê hương, xa bạn bè và người thân bước chân vào môi trường Quân đội nhập ngũ tại đơn vị Đại đội 553, Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Nghệ An. Lúc đầu khi mới vào môi trường quân đội thật xa lạ, bỡ ngỡ song được sự quan tâm chia sẻ của cán bộ, chiến sỹ đơn vị phần nào giúp anh lính trẻ yên tâm rèn luyện và vơi đi nỗi nhớ nhà. Là lính mới, song đã xác định cho mình một hướng đi rõ ràng đó là dù có khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải phấn đấu trở thành người chiến sỹ có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng vững vàng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Được sự hướng dẫn, dìu dắt của các đồng chí đi trước, năm 1965, ông cùng với kíp chiến đấu Đại đội 553, Tiểu đoàn 70, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tham gia bảo vệ cầu Gấm, sân bay Vinh, thị xã Cửa Lò, đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Sau đó, ông được cử đi học trắc thủ tên lửa phòng không. Sau khi học xong, ông được về công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 267. Trên cương vị là trắc thủ cự ly, sau là sỹ quan điều khiển tên lửa của kíp chiến đấu Tiểu đoàn 52 tại trận địa Minh Kha, Hải Phòng. Ông đã cùng đồng đội lâp nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 16/11/1967, ông cùng với kíp chiến đấu đã bắn rơi 1 chiếc máy bay A4, ngày 11/12/1967 bắn rơi 1 chiếc máy bay A7, ngày 18/12/1967 bắn rơi 2 chiếc A4 trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ, ngày 25/3/1968 bắn tan xác 1 chiếc A-6A bay thấp khi chúng chưa kịp gây tội ác. Chiến công của ông và kíp chiến đấu Tiểu đoàn 52 tại trận địa Minh Kha đã góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân thành phố Hải Phòng. Trận địa của Tiểu đoàn 52 được nhân dân Hải Phòng đặt tên là “Trận địa thép” và đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm động viên.

Từ tháng 12 năm 1971, ông tham gia chiến đấu tại trận địa Nghi Khánh, Nghi Lộc, Nghệ An với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chiến trường Khu 4; bảo vệ giao thông vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại đây, kíp chiến đấu của ông tham gia đánh tập trung cùng với các kíp chiến đấu của Trung đoàn 267 bắn rơi 5 máy bay địch.

Đặc biệt, trong trận đánh ngày 18/12/1972, tại trận địa Đất Thịt, Nghĩa Đàn, Nghệ An, bằng kinh nghiệm thực tiễn qua các trận chiến đấu và bằng kiến thức đã được học, trên cương vị là sỹ quan điều khiển đã phối hợp nhịp nhàng với các thành phần trong kíp, kiểm tra đánh giá chất lượng sẵn sàng chiến đấu của khí tài, chỉ huy các trắc thủ bám sát và nâng cao hiệu suất mục tiêu, bao quát và tham mưu cho Chỉ huy Tiểu đoàn đánh giá chính xác tình hình diễn biến trên không tiêu diệt 1 máy bay B52 của địch, góp phần cùng quân và dân Hà Nội làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã tham gia chiến đấu trên 70 trận cùng với kíp chiến đấu Tiểu đoàn 52, bắn rơi 29 (trong tổng số 33 máy bay Mỹ mà Tiểu đoàn 52 bắn rơi) máy bay Mỹ trong đó có 1 chiếc B52 vào đêm ngày 18/12/1972.

Ngày 30/9/1967, tại trận địa An Lão, Hải Phòng, trong một trận chiến đấu Tiểu đoàn 52 bị địch bắn phá vào trận địa làm khí tài bị bỏng nặng. Tuy bị thương do mảnh đạn bắn vào người nhưng trước tình thế khí tài tên lửa có nguy cơ bị cháy do bắt lửa từ thùng dầu dẫn đến cháy cả bộ khí tài, ông đã dũng cảm đẩy thùng dầu ra xa khí tài. Ông đã bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu tại trạm xá Trung đoàn 285 xếp hạng thương binh 4/4.

Đến năm 1989, sau khi được giải quyết chế độ nghỉ hưu, trở về quê hương với bao bộn bề cuộc sống, ông vẫn luôn phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ tích cực học hỏi, đổi mới sáng tạo, tích cực nhiệt tình tham gia đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của quê hương trên từng cương vị đảm nhiệm như: Phó Chủ tịch - Trưởng Công an; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Quán Hành, Nghi Lộc, Nghệ An.

Về địa phương, ông cùng vợ và các con, cháu luôn dành nhiều tình cảm, gắn bó thân mật với mọi người trong cộng đồng khu dân cư. Với gia đình ông còn là người chồng, người cha, người ông mẫu mực của gia đình; sống giản dị, nhã nhặn, dành nhiều tình cảm cho con cháu; 4 con của ông đã có gia đình riêng và đều thành đạt. Hàng ngày, ông cũng dành nhiều thời gian chăm lo các cháu đang tuổi ăn, tuổi học; các cháu nội, ngoại của ông đều học tập chăm chỉ, ngoan ngoãn. Ông tâm sự: Mỗi khi về nhà được thả những bước đi thư giãn ngắm nhìn khu vườn, nghe tiếng chim hót ríu ran sao mà cảm thấy gần gũi thân thương, mộc mạc, thanh bình yên ả và càng thấm thía cái giá của hòa bình hôm nay. Lần về Lăng viếng Bác này là lần thứ 2 của ông. Người con của quê Bác đã vâng theo lời Bác lên đường chiến đấu để đất nước hòa bình ngày nay đã và đang chung lòng xây dựng quê hương Nghệ An ngày thêm phát triển.

Ông xứng đáng là người lính Cụ Hồ, được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận với những phần thưởng cao quý được trao tặng: 01 Huân chương Chiến công hạng Ba; 01 Huân chương Chiến công hạng Nhì; 01 Huy chương Cựu chiến binh Việt Nam; 01 Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; 01 Kỷ niệm chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác. Một niềm vinh dự đặc biệt trong cuộc đời ông là ngày 10/8/2015, ông đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi nói chuyện với ông, tôi cảm nhận ở ông luôn toát lên sự rắn rỏi, khỏe khoắn, niềm tự hào, vững tin vào sự nghiệp của cách mạng cả trong thời chiến cũng như trong thời bình; suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều tâm huyết nhất mà ông muốn gửi tới các thế hệ con, cháu mai sau là cần giữ gìn lòng nhiệt huyết, phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, văn minh, giàu đẹp. 

Lòng cảm kích và tự hào về người lính Cụ Hồ, xin chúc ông cùng gia đình thật nhiều sức khỏe để tiếp tục phục vụ nhân dân; xứng đáng là người cựu chiến binh tiêu biểu xuất sắc của thị trấn Quán Hành, Nghi Lộc, Nghệ An, xứng đáng tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay học tập và noi theo./.

Vân Phương

Bài viết khác: