Nửa thế kỷ đã trôi qua, Đảng và nhân dân ta tiếp tục phấn đấu thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời thề với Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành,…”. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ trí tuệ, truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cùng với thời gian, Đảng và nhân dân ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc mà Người để lại cho các thế hệ người Việt Nam.

50 nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử. Người căn dặn: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”1. Để giữ vững và phát huy truyền thống đó, “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”2. Theo Người, đoàn kết trong Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Như vậy, đoàn kết thống nhất trong Đảng là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo cách mạng của Đảng, là nhân tố để phát huy cao độ trí tuệ và khả năng sáng tạo của những người làm cách mạng. Đoàn kết trong Đảng còn là cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; đoàn kết dân tộc và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù để đi tới thắng lợi.

Đoàn kết thống nhất trong Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính nguyên tắc, tính tổ chức, kỷ luật của Đảng với tình thương yêu đồng chí, đồng bào mang đậm nét văn hóa phương Đông; giữa truyền thống dân tộc với phẩm chất tiên tiến của giai cấp công nhân. Đó là sự đoàn kết thống nhất dựa trên sự tự giác, hy sinh, cùng phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu; không phải là đoàn kết theo kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”, “dĩ hòa vi quý”, “đoàn kết một chiều”... để mưu cầu cho mục đích cá nhân, cục bộ. Đối với Người, đoàn kết thống nhất trong Đảng phải được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và vai trò, chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên; đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên không chỉ bằng lời nói mà phải thể hiện ở thực tiễn kết quả công tác, trong giải quyết các mối quan hệ, tự phê bình và phê bình. Với Người, đoàn kết thống nhất trong Đảng là vấn đề sống còn, trực tiếp quyết định tới vai trò, sứ mệnh của Đảng đối với dân tộc và nhân dân; càng trong những lúc khó khăn, Đảng càng phải giữ vững và tăng cường sự đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Để giữ vững sự đoàn kết thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Theo Người, “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”3. Bác khuyên cán bộ, đảng viên của Đảng phải thương yêu, giúp đỡ nhau, giữ gìn đạo đức, lối sống, gắn bó với tập thể, với nhân dân; chống các căn bệnh công thần, địa vị, hẹp hòi, cục bộ, kèn cựa... Bác yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố phát triển sự đoàn kết thống nhất... Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”4. Đó cũng chính là những vấn đề cơ bản thuộc về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quy luật phát triển của Đảng và là yêu cầu rèn luyện của cán bộ, đảng viên trong suốt tiến trình cách mạng.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 50 năm qua, Đảng ta luôn tập trung vào việc củng cố, giữ vững và phát huy sự đoàn kết thống nhất, coi đó là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của Đảng. Đi liền với nâng cao giác ngộ về lý tưởng cách mạng, xây dựng tình cảm đồng chí cho mỗi cán bộ, đảng viên, Đảng ta hết sức chú trọng xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lấy đó làm nền tảng để củng cố, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bởi vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là trong những lúc khó khăn, trước những bước ngoặt của cách mạng, Đảng ta luôn đoàn kết thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, xứng đáng là người đại diện cho quyền lợi của giai cấp, của dân tộc, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, ủng hộ, giúp đỡ. Điều đó đã làm cho Đảng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, uy tín và sức mạnh để lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc và của Đảng.

Hiện nay, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình trong nước, khu vực và thế giới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta càng phải thấm nhuần và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tăng cường sự đoàn kết thống nhất hơn nữa. Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) nêu rõ: “Tăng cường xây dựng chính đốn Đảng hiện nay ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”5; “Tình trạng trong Đảng hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về một số vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến sự thống nhất tư tưởng và hành động của Đảng. Đáng chú ý là, hiện tượng đoàn kết xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý” trong sinh hoạt Đảng còn diễn ra ở một số nơi; tình trạng thiếu thông cảm và hiểu biết lẫn nhau trong cuộc sống đời thường và quan hệ công tác giữa một bộ phận cán bộ; chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, lo vun vén quyền lợi cho bản thân, gia đình, dòng tộc; việc đấu tranh tự phê bình và phê bình như đánh giá của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị cũng còn biểu hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn ra phức tạp chưa được loại trừ... Yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng đặt ra rất cao, nhưng nhận thức về chính trị, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa theo kịp sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ; một số tổ chức cơ sở đảng chưa thực sự mở rộng dân chủ trong sinh hoạt; nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ... Nguyên nhân sâu xa, bao trùm nhất của tình trạng đó là việc coi nhẹ tự tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên (trong đó có cả cán bộ cao cấp, cán bộ quản lý của Đảng, chính quyền các cấp), cộng với việc thiếu hiệu quả trong giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng... đã làm cho căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, với nhiều biểu hiện: cơ hội, thực dụng, độc đoán, chuyên quyền,... nảy sinh và gây mất đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Di chúc để lại cho Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: (1). Trước hết là vấn đề đoàn kết nội bộ. (2). Việc cần làm trước là chỉnh đốn Đảng. Đây là công việc phải làm trước. Vì đó là nhiệm vụ sống còn, một yếu tố cực kỳ quan trọng để “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”6. Người quan niệm rằng, đoàn kết trong Đảng phải thể hiện ở tư tưởng và hành động, tư tưởng và hành động phải thống nhất. Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trước hết phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, quan điểm của Đảng. Về sự đoàn kết quốc tế, Bác viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em. Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”7. Và Người đã kết thúc bản Di chúc bằng điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”8.

Nửa thế kỷ nhìn lại việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng, từ những thắng lợi và khó khăn, chúng ta càng khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Di chúc của Người và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Chỉ có như vậy, Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng mới xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Đại tá, PGS, TS KHQS. Trần Nam Chuân
Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng/Bộ Quốc phòng
Theo Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh, Báo điện tử Đảng Cộng sản
Đức Lâm (st)

-------------------

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12. NXB CTQG-Hà Nội -1996, tr. 511-512.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12. NXB CTQG-Hà Nội -1996, tr. 511-512.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội 2001. tr.510.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 498.
5. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 12. NXB CTQG Hà Nội -1996, tr. 512-518.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 12. NXB CTQG-Hà Nội -1996, tr. 511-512-518.
8. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12. NXB CTQG-Hà Nội -1996, tr. 511-512-518.

Bài viết khác: