(III. Rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên)

Trong kho tàng lịch sử tư tưởng của dân tộc Việt Nam, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Quốc bảo”, vô cùng thiêng liêng và cao quý. Trên thế giới, ngay cả những thánh nhân, các bậc quân vương hay các vị hiền triết cũng không thể có một bản di chúc nào lại thấm đậm tình cảm thiết tha, xúc động như những lời trong Di chúc của Bác kính yêu: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng,…”.

 Trong “muôn vàn tình thân yêu” Bác để lại cho chúng ta, điều trước hết là nói về Đảng. Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Với tầm nhìn sâu sắc, chiến lược của một lãnh đạo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên, cán bộ. Không chỉ trong Di chúc, mà ngay từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Người hết sức coi trọng và có nhiều bài nói, bài viết về chủ đề này. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên báo Nhân dân ngày 03-02-1969; trong đó, Người nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, để rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt nhiệm vụ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề đạo đức cách mạng của đảng viên và đặt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo những chuẩn mực xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Đây là vấn đề vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách, vì toàn bộ sức mạnh của Đảng đều được quyết định bởi đội ngũ cán bộ, đảng viên. Với cách thể hiện hết sức dung dị, dễ hiểu và sâu sắc, khi đề cập đến nội dung đạo đức cách mạng, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nhấn mạnh năm điều: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”1; đồng thời khẳng định: “Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Người nhấn mạnh về sự cần thiết của đạo đức cách mạng: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Thấm nhuần Di huấn của Người, Đảng ta luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từng cán bộ, đảng viên, tùy theo vị trí, điều kiện công tác của mình, đều tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng giao phó. Chính vì thế, tuyệt đại bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ngày một trưởng thành; nhân tố quyết định thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc cũng như đưa tới thành công to lớn có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới vừa qua.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nội dung các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, về rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, đảng viên chưa thực sự tích cực, đồng bộ, thường xuyên, có nơi chưa nghiêm túc. Một số nơi, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức, v.v. Chính vì lẽ đó, cộng với việc từng người tự tu dưỡng đạo đức chưa tốt nên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có biểu hiện ngày càng phức tạp. Thực trạng đó, dẫn tới quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trực tiếp làm phân hóa, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.

Nhận rõ tình hình đó, Đảng ta đã và đang thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định 101-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định 47-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định 55-QĐ/TW về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, v.v.

Cùng với việc kiên quyết, kiên trì, thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp tổng thể trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, để góp phần rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng với những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng thiết thực nhất là học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đất nước ta, dân tộc ta vô cùng tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng trong, cao cả về đạo đức cách mạng. Ở Việt Nam ai cũng có Bác Hồ, tự hào về Bác Hồ. Vì vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất dễ thấm đậm vào từng cán bộ, đảng viên và từng người dân. Học tập đạo đức Hồ Chí Minh và làm theo tấm gương đạo đức của Người chính là để mỗi cán bộ, đảng viên có tư tưởng tiến bộ, có lối sống lành mạnh, có nghĩa, có tình, có trước, có sau, nhân hậu, thủy chung, đoàn kết, thương yêu con người, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.

Đạo đức xã hội và đạo đức trong Đảng có ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Việc giữ gìn đạo đức trong Đảng sẽ lan tỏa tới toàn dân và toàn xã hội. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là làm tăng những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, nâng tầm cao mới của đạo đức cách mạng.

Thứ hai, trong giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cần nhận thức rõ những đặc thù của con đường cách mạng nước ta hiện nay. Thực tiễn quá trình cách mạng của chúng ta đang chứa đựng những vấn đề không đơn giản. Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là những nhiệm vụ tất yếu mà chúng ta đang thực hiện. Mặc dù chúng ta luôn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng phát triển kinh tế thị trường càng mạnh thì tính tự phát của khuynh hướng tư bản chủ nghĩa cũng tăng lên. Chúng ta lại đang ở thời kỳ quá độ, trong đó nền kinh tế và đời sống xã hội tồn tại những vấn đề đan xen rất khó rạch ròi. Quá trình mở cửa hội nhập, chủ động làm ăn với các nước tư bản, sử dụng những cách thức phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra nhiều thách thức, tác động đến tư tưởng và hành vi của con người. Những vấn đề trên cần được phân tích, lý giải thấu đáo trong bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng.

Thứ ba, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng theo Di chúc của Bác cần hướng vào việc củng cố niềm tin. Kết quả cũng như thước đo chất lượng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng chính là củng cố được niềm tin, sao cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tin vào sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần xác định rõ đạo đức cách mạng yêu cầu và có tiêu chí cao hơn đạo đức con người nói chung; do đó, cần có tính tự giác cao và tinh thần trách nhiệm cao hơn. Cơ sở để nâng cao đạo đức cách mạng chính là niềm tin sắt đá vào mục tiêu, lý tưởng và tất thắng của sự nghiệp cách mạng. Niềm tin trong mỗi con người là sự chắt lọc từ nhận thức và nằm trong chiều sâu nhận thức, được kết hợp với đạo đức cách mạng, sẽ trở thành một sức mạnh hết sức to lớn, biến ý chí thành hành động, làm cho triệu người đồng lòng, chung sức, tạo thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy xã hội tiến lên. Đạo đức cách mạng và niềm tin của cán bộ, đảng viên chính là sự đoàn kết trong toàn Đảng và gắn kết đặc biệt giữa Đảng với nhân dân, tạo thành động lực to lớn, giúp chúng ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.

Thứ tư, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cần kết hợp với việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, chống suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong thời gian gần đây, khi Đảng và nhân dân ta chủ động đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội, thì các thế lực thù địch lại tăng cường dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xuyên tạc, vu cáo và cản trở công việc của chúng ta. Vì thế, việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch không chỉ làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực lý luận, mà còn góp phần thiết thực vào việc giáo dục tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, học tập những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng; xây dựng, bồi đắp cái tốt, cái cao đẹp trong đời sống xã hội; biểu dương người tốt, việc tốt, lên án cái xấu, cái ác một cách xác thực. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Trong sinh hoạt Đảng, đoàn thể, trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, cần nêu gương và học tập những tấm gương đó.

Thứ sáu, cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Thanh niên nước ta là một lực lượng đông đảo, chiếm trên 1/3 dân số và hơn 1/2 lực lượng lao động xã hội; có vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế chính là góp phần thiết thực để xây dựng thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước “vừa hồng”, “vừa chuyên”. Họ sẽ trở thành đội ngũ cốt cán cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Hồng Nhung (st)

          __________

* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân, từ số 4-2019.
1. Nhân là thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Nghĩa là ngay thẳng, không tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải giấu Đảng. Trí là vì không có việc tư túi làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Liêm là không tham địa vị, không tham đua tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình.
(Số sau: IV. Chăm lo xây dựng đoàn viên, thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc)

Bài viết khác: