Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các tổ chức quốc tế và các nước lớn trên thế giới có ý nghĩa chiến lược đối với vận mệnh của dân tộc, nhất là trong tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”.

thiet lap quan he voi My va LHQ
Ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến chính sách ngoại giao. Ảnh: Thegioidisan.vn

Điều này càng quan trọng trong bối cảnh cách mạng Việt Nam mới giành được chính quyền từ tay phátxít Nhật nhưng lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước tình thế cách mạng vô cùng khó khăn, như “trứng để đầu gậy”, việc thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ bên ngoài là đòi hỏi cấp thiết. Đảng chỉ rõ: “Sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập”1. Quán triệt quan điểm này, cùng với phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để bảo vệ thành quả cách mạng, thì Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chủ động đề ra chủ trương nhằm tìm kiếm cơ hội thiết lập quan hệ đối ngoại với các lực lượng dân chủ và các nước lớn trên thế giới, được thể hiện rõ nét trên một số hoạt động cụ thể sau.

Thứ nhất, chủ động và tích cực tìm giải pháp nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Mỹ

Nhận thức đúng vai trò, ảnh hưởng của Mỹ đối với những biến chuyển của tình hình thế giới và khu vực, nhất là ảnh hưởng đối với quân Tưởng ở thời điểm này, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sớm tìm cách giao thiệp với lực lượng Mỹ đang đồn trú ở Trung Quốc. Vào tháng 02-1945, với lý do đưa Trung úy phi công William Shaw sang trao trả cho Bộ Tư lệnh Không quân số 14 của Mỹ đang đồn trú ở Vân Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gặp, trao đổi với tướng Chenault, Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc và thiết lập được mối quan hệ giữa Việt Minh với các lực lượng Đồng minh để chống Nhật ở Việt Nam. Sau các cuộc tiếp xúc, phía Mỹ đã nhất trí thông qua Cơ quan tình báo chiến lược OSS và đội Con Nai để giúp đỡ Việt Minh về điện đài, thuốc men và vũ khí nhẹ… Tuy đây chỉ là sự giao thiệp và giúp đỡ ban đầu, nhưng ghi nhận sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng dân chủ thế giới đối với cách mạng Việt Nam và mở ra triển vọng cho việc đưa quan hệ giữa hai bên đi vào thực chất hơn trong thời gian sau đó.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, việc tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ được đặt ra bức thiết, Đảng xác định: “Đối với Mỹ, việc ngoại giao mới có đôi phần kết quả còn cần phải tiến tới để Mỹ chóng chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và giao hòa với chúng ta”2. Vì vậy, cùng với phát huy những tiền đề ban đầu, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với một số nhân cốt có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của nhà cầm quyền Mỹ. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, khi mới về Thủ đô Hà Nội, mặc dù bận rất nhiều công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian tiếp, trao đổi với các sỹ quan Mỹ ở Hà Nội như Thiếu tá Tômát, thiếu tá Patti… để chuyển thành ý của Chính phủ và nhân dân ta đến Tổng thống cũng như các quan chức ngoại giao Mỹ, với mong muốn tìm kiếm thêm sự ủng hộ đối với Việt Nam.

Trong Chính sách ngoại giao do Chính phủ công bố ngày 03-10-1945, có ghi: Đối với các nước lớn, các nước Đồng minh, hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài. Chủ trương này là phương châm hành động của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong quan hệ đối ngoại với các nước Đồng minh, trong đó có Mỹ. Thể hiện quyết tâm đóng góp của Việt Nam vào nền hòa bình chung và đề nghị các nước trên thế giới cũng có thái độ tích cực trong việc ủng hộ nền hòa bình, độc lập của Việt Nam. Trong một lần trả lời các phóng viên quốc tế về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trumam ngày 26-10-1945 nhân dịp “Ngày Hải quân Mỹ”; trong đó, Tổng thống Trumam có nêu ra 12 điểm về chính sách đối ngoại của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đề cao những nội dung phù hợp với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và mong muốn tuyên bố của Tổng thống Mỹ phải được thực hiện trên thực tế”3. Đây là một ứng xử ngoại giao rất khéo léo, tài tình của Hồ Chí Minh khi nhắc nhở Tổng thống Trumam hãy thực thi những điều mà chính mình đã mạnh mẽ tuyên bố với cả thế giới trước đó.

Đáng chú ý, trong thư gửi ngoại trưởng Mỹ là Giêm Biếcnơ ngày 01-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam bày tỏ nguyện vọng được “gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”4. Người đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam thể hiện nguyện vọng chính đáng và hợp xu thế trong quan hệ giữa hai nước; đồng thời, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của Người khi đề xuất thiết lập quan hệ giữa hai nước bắt đầu từ đối ngoại nhân dân, từ nền tảng văn hóa, giáo dục.

Tiếp đó, trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ ngày 16-02-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cũng như Philippin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”5. Người đã sử dụng lập luận về các quyền cơ bản của dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập, rằng: Dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập như bất kỳ một dân tộc nào khác trên thế giới để soi chiếu vào những tuyên bố và hành động của Mỹ đối với Philippin, yêu cầu Mỹ hãy đối xử với Việt Nam như đã dành cho đồng minh Philippin. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, để cùng góp phần làm cho thế giới thực sự “có lợi” hơn.

Trong 474 ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân “tám lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, giới thiệu tình hình Đông Dương, đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam, góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương”6. Đây là một cố gắng không mệt mỏi của người đứng đầu Chính phủ, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam.

Thứ hai, sớm đưa ra đề nghị Liên hợp quốc ủng hộ và công nhận nền độc lập của dân tộc Việt Nam

Khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện vào ngày 15-8-1945, diễn biến của tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển nhanh chóng; thời cơ giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam đã hội tụ. Tuy nhiên, đây là thời điểm rất cần có sự giúp đỡ to lớn của các lực lượng dân chủ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong và sức mạnh bên ngoài. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải sớm thiết lập quan hệ với tổ chức Liên Hợp quốc.

Mặc dù mới được thành lập (24-10-1945), nhưng Liên hợp quốc (lúc đó là Hội Quốc liên) đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới; đóng vai trò là một tổ chức quốc tế có uy tín, ủng hộ mạnh mẽ nền độc lập dân tộc của nhiều quốc gia. Với vai trò của mình, Liên Hợp quốc đề ra các nguyên tắc hoạt động chủ yếu là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; tôn trọng các nghĩa vụ và luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Liên hợp quốc ủng hộ nền độc lập của Việt Nam sẽ là điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập của dân tộc. Vì vậy, ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn7, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Đến ngày 15-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức điện tới đại diện của Mỹ ở Côn Minh - Trung Quốc, nhờ chuyển yêu cầu của nhân dân Việt Nam tới Liên Hợp quốc, mong muốn tổ chức quốc tế này thực hiện lời hứa của mình về việc sẽ bảo đảm cho các dân tộc được hoàn toàn độc lập. Khi được tin Liên Hợp quốc họp tại London, tại cuộc họp này có lập một tiểu ban xét đơn của các nước nhược tiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho ông Hăngri Xpác, Chủ tịch Hội đồng Liên Hợp quốc, Người viết: “Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên Hợp quốc”8. Đây là một đòi hỏi chính đáng và phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp quốc; tuy chưa được chấp nhận ngay vào thời điểm đó, nhưng khát vọng độc lập, tự do và cuộc chiến đấu kiên cường của Việt Nam đã được nhiều nước biết đến nhiều hơn.

Không chỉ dừng lại ở việc gửi thư yêu cầu Liên Hợp quốc mà Người còn tranh thủ sự ảnh hưởng của Mỹ đối với tổ chức này, ngày 22-10-1945, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhằm tranh thủ ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với tổ chức đa phương này, Người nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý. Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên Hợp quốc công nhận. Đây là nhu nhu cầu chính đáng và là diễn tiến hợp logic khi các nước lớn đã công nhận độc lập cho một số quốc gia trên thế giới có bối cảnh tương đồng với Việt Nam.

Với vai trò là một quốc gia độc lập, Việt Nam sẵn sàng thực thi trách nhiệm của mình với cộng đồng thế giới; đồng thời, mong muốn các nước dân chủ hợp tác công bằng, bình đẳng với Việt Nam thông qua vai trò của Liên Hợp quốc. Đây là xu thế mới của thế giới và là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho mối quan hệ giữa các dân tộc được bền vững. Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”9. Đây cũng chính là quan điểm nhất quán của Đảng, Chính phủ về quan hệ quốc tế của Việt Nam trong điều kiện mới.

Sau rất nhiều cố gắng để vãn hồi một cuộc đối đầu giữa hai dân tộc, nhưng thực dân Pháp vẫn ngoan cố, tái xâm lược Việt Nam. Trước những hành động leo thang chiến tranh ở Đông Dương, đầu tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục gửi thư cho Liên Hợp quốc, trong thư viết: “Chính phủ chúng tôi trình bày với Hội đồng bảo an về cuộc xung đột hiện nay và đề nghị Hội đồng vui lòng chấp nhận những điều mà chúng tôi đã nói ở trên để vãn hồi hòa bình trong một phần thế giới này, để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng và để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ”10.

Trong những ngày độc lập ngắn ngủi, Đảng và Hồ Chí Minh đã tìm mọi biện pháp, cách thức khác nhau để liên hệ và kêu gọi Liên hợp quốc ủng hộ, có biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ nền độc lập của Việt Nam. Trong các thư gửi cho Liên hợp quốc, Đảng và Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ sự tôn trọng của Việt Nam đối với Hiến chương và bày tỏ được tham gia vào tổ chức Liên hợp quốc.

Mặc dù các yếu tố chính trị và lịch sử chưa cho phép Việt Nam có thể sớm gia nhập Liên hợp quốc, nhưng cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh hùng của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đã tạo cho Việt Nam có được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi trên toàn cầu.

Trên thực tế, phải đến phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20-9-1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Nhưng thành ý của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là rõ ràng, sự cố gắng là bền bỉ, nhằm mở rộng quan hệ với các nước, xác định địa vị pháp lý của Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia trong Liên Hợp quốc, nhưng vẫn không được đáp lại xứng đáng do các nước đều có toan tính trên cơ sở lợi ích riêng của họ, khiến cho các bên phải trả những cái giá rất đắt để đi đến hòa bình. Đây cũng là bài học quan trọng làm thức tỉnh lương tri vì một nền hòa bình, hợp tác và hữu nghị lâu dài, bền vững trên thế giới./.

TS. Nguyễn Văn Trường
Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Hà Minh (st)

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: (2003), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2003, tr. 290, 6.
3, 6. Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009, tr. 227, 153
4, 5, 8, 9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 91, 204, 180, 523, 523.
7. Thành phố San Francisco (Mỹ), nơi tổ chức Hội nghị thông qua Hiến chương Liên hợp quốc ngày 26/6/1945.

Bài viết khác: