Nói về bản chất nhân dân của Công an Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rất rõ: Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Xa rời nhân dân, thoát ly mục đích phục vụ nhân dân thì không thể là công an nhân dân.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc đến thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, nhân dân, cho tất cả những người yêu nước. Bởi, như Người giải thích: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”1. Sau khi cách mạng thành công, Người đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho Công an nhân dân - lực lượng vũ trang trọng yếu, cùng với quân đội là “hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ”.

Ngày 16/5/1959, đến thăm và nói chuyện với lớp chỉnh huấn khóa II của ngành Công an, Người nhấn mạnh việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy, cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân”2. Để làm được điều đó, Người xem việc “làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ”3 là nhiệm vụ thường xuyên. Theo Người để lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ là phải “dựa vào nhân dân mà làm việc”4 vì “nhân dân ta có hàng chục triệu người, có mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”5. Nhân dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn. Tuy nhiên, dựa vào dân theo Hồ Chí Minh không phải là ỷ lại, trông chờ ở nhân dân mà cần phải chủ động khai thác sức mạnh của nhân dân. Cán bộ, chiến sỹ Công an phải nhận phần khó về mình, tạo thuận lợi cho nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu công an phải gần dân, phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, phải thật sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân. Gần dân cần được hiểu không chỉ là gần về không gian mà quan trọng hơn là phải sâu sát, hiểu tâm tư tình cảm, tức là “hiểu dân”, khi đó nhân dân mới thực sự trở thành tai mắt của công an. Trí tuệ, năng lực của nhân dân là vô địch. Vì vậy, công an nhân dân phải “học dân”. Muốn học dân, theo Người, chiến sĩ công an phải khiêm tốn, phải biết lắng nghe, không tự kiêu, tự đại, cho mình đã biết và giỏi mọi sự, coi thường sự hiểu biết của nhân dân. Cuối cùng, những phong cách trên phải được người công an cách mạng thể hiện bằng tinh thần trách nhiệm với nhân dân, phải thực sự là công bộc của dân, “là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như lời Bác Hồ dạy.

Nói về bản chất nhân dân của Công an Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rất rõ: Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho dân; xem xét, tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến Giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa. Xa rời nhân dân, thoát ly mục đích phục vụ nhân dân thì không thể là công an nhân dân. Khẳng định về bản chất nhân dân của Công an Việt Nam, Hồ Chí Minh còn dùng phương pháp so sánh để nói rõ bản chất của Công an nhân dân khác với công an đế quốc, phong kiến. Người nói: “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp, áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”6. Đặc biệt khi nói đến Công an nhân dân, Hồ Chí Minh còn khẳng định Công an là bạn dân. Là bạn dân có nghĩa là Công an với nhân dân tuy hai là một, luôn luôn có nhau, kề vai sát cánh bên nhau, sống chết vì nhau, cùng chiến đấu hy sinh trên một mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự. Cảm nhận toàn vẹn và sâu sắc tình cảm này mới thấy hết được giá trị nhân văn của hai chữ “bạn dân” mà Hồ Chí Minh đã dành tặng riêng cho Công an nhân dân Việt Nam. Công an phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, suốt đời phấn đấu vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Điều mong muốn này của Người thể hiện rõ nhất trong bút tích của Người khi cho ý kiến vào bản dự thảo “Mấy điều quy định về đồn công an”. Công an không thể hôm nay là người đầy tớ của nhân dân, ngày mai lại trở thành những ông quan cách mạng đứng trên lợi ích của nhân dân. Như đã tiên đoán được và cũng để phòng ngừa bệnh quan liêu, xa rời nhân dân nảy nở trong lực lượng Công an nhân dân, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô, các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa? Chưa. Tuy đã có nhiều người tận tâm, cố gắng nhưng lẻ tẻ vài nơi nhân dân còn chê trách đấy”7.

Muốn khai thác được sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi Công an phải giữ tư cách, đạo đức. Người rút ra “những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng” thông qua sáu mối quan hệ của lực lượng Công an nhân dân. Không những thế, Người còn nêu lên phương thức tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện những yêu cầu trên: “Những điều đó, chẳng những luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người Công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ,…)”8. Điều này cho thấy đạo đức của người Công an cách mệnh không phải là cái gì cao siêu, xa vời mà là những điều dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ thực hiện trong thực tiễn hàng ngày. Đạo đức cách mạng của người công an trước hết phải thể hiện ở lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đây là phẩm chất chính trị, là lập trường quan điểm đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn luôn tu dưỡng để giữ vững phẩm chất ấy, tuyệt đối không được lưng chừng, không được ngả nghiêng dao động. Đạo đức cách mạng của người công an là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ, hoạt động chống đối các thế lực thù địch. Đạo đức cách mạng của người công an là kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, dựa vào lực lượng nhân dân. Nghĩa là công an phải hòa mình với quần chúng lao động, cùng với lực lượng to lớn của nhân dân tạo thành một khối thống nhất. Đạo đức của Công an nhân dân là thước đo lòng trung thành của chiến sĩ công an đối với Đảng, Chính phủ, nhân dân và chế độ dân chủ nhân dân. Nhân dân có thể thông qua tác phong, đạo đức, tư cách người công an mà gửi gắm lòng tin vào Đảng, Chính phủ và con đường tiến lên của đất nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.

Người cán bộ công an có đạo đức là người cán bộ “đi dân nhớ, ở dân thương”, vừa có uy tín đối với nhân dân, vừa có sức mạnh để chiến thắng kẻ thù vì được nhân dân giúp đỡ. Đạo đức cũng là điều kiện để chiến sĩ công an hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”9.

Đạo đức cách mạng của người công an là kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh gọi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù bên trong, vì nó tồn tại bên trong bản thân mỗi người và đó là kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó hơn”10. Vì vậy, mọi người muốn tu dưỡng đạo đức cách mạng đều phải thực hành quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Trong lần nói chuyện tại Trường Công an Trung ương, Người đã định nghĩa chủ nghĩa cá nhân “là so bì đãi ngộ; lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn”11; “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. Thí dụ: Lười biếng, hủ hóa, suy tính tiền đồ, cho rằng ngành công an gian khổ, vất vả nhiều mà ít được ai biết đến, ít được nhận huân chương, đòi hỏi đãi ngộ… không an tâm công tác, ở công an thì muốn sang ngành khác; có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ năm ngón..”12.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thường xuyên đề phòng biểu hiện chủ nghĩa cá nhân vốn ẩn náu sâu kín hoặc biểu hiện muôn hình muôn vẻ trong sinh hoạt đời thường. Người cũng chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là hoàn toàn trái ngược với tinh thần tận tụy đối với công việc của người công an nhân dân, người Công an cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: Sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm. Do tác hại của chủ nghĩa cá nhân nên Người khuyên cán bộ, chiến sĩ công an: “phải kiên quyết quét sạch nó… muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân không phải chống một lần là hết được..”13.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ không kém cuộc đấu tranh chống lại ngoại xâm, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Việc chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính, trong đó có những cán bộ ngành Công an. Người so sánh: “Tư tưởng Cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng Cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”14. Cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, dần dần đi tới xóa sạch chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ở từng người chính là để thật sự trong sạch, vững mạnh. Trong sạch, vững mạnh về chính trị là cơ sở cho hành động cách mạng của mỗi người cán bộ, chiến sĩ công an; đồng thời đó là cơ sở để chống kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân và kẻ địch bên ngoài đang hàng ngày, hàng giờ tìm cách phá hoại sự nghiệp cách mạng, phá hoại phẩm chất cao quý của người chiến sĩ công an.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, nhiệm vụ đặt lên vai lực lượng Công an nhân dân Việt Nam là rất lớn: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân. Để làm được điều đó, lực lượng Công an nhân dân phải không ngừng tự đổi mới, rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt. Tất cả những điều đó đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra và dạy bảo trong suốt quá trình Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện tổ chức Công an cách mạng Việt Nam. Những quan điểm của Người về Công an nhân dân cho đến ngày nay vẫn mang giá trị thời sự sâu sắc, là nền tảng tư tưởng cho đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển lực lượng Công an Việt Nam tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh. Những lời dạy của Bác là ngọn đuốc soi đường cho mọi hành động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, đồng thời là chuẩn mực về đạo đức, nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng phải rèn luyện, phấn đấu, thực hiện.

Bùi Thế Đông
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Đức Lâm (st)

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.5, tr.292.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.221-223.
3,4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.498.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.498.
6,7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.269-270.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.499.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd , t.5, tr.292-293.
10,11. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd , t.11, tr.599.
12,13. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd , t.12, tr.222.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.221-222.

Bài viết khác: