Trong Di chúc để lại cho nhân dân Việt Nam cách đây 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Thực hiện Di chúc của Người, trong suốt nửa thế kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, đường lối đối ngoại của Việt Nam là “độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế” và đã gặt hái được nhiều thành công lớn.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam đã tiến hành thành công cuộc đàm phán trường kỳ để đi tới Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương (1973). Hiệp định Paris năm 1973 đã làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng, từ đó góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong mùa xuân 1975. Chiến thắng ngày 30-4-1975 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử nước ta, mở ra kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Những năm sau chiến tranh là thời điểm vô cùng khó khăn khi Mỹ siết chặt lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Tháng 8-1988, Bộ Chính trị khóa VI đã đánh giá tình hình quốc tế và khu vực, kiểm điểm với tinh thần thực sự cầu thị hoạt động đối ngoại trong thời gian hơn 10 năm kể từ ngày nước nhà thống nhất, trên cơ sở đó thông qua Nghị quyết 13, nhấn mạnh chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, “kiên quyết và chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu hiện nay sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình”. Nghị quyết 13 cũng xác định, chủ trương của Đảng là đấu tranh thúc đẩy từng bước việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Về phía Mỹ, việc bình thường hóa quan hệ và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam xuất phát từ nhu cầu nội tại của nước Mỹ, nhất là nhu cầu thoát khỏi “Hội chứng Việt Nam” đang chia rẽ xã hội Mỹ lúc bấy giờ.
Do nhu cầu, lợi ích và cả những tính toán của hai bên, ngày 12-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sự kiện này trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển quan hệ hai nước và là một đóng góp đáng kể đối với tiến trình hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam đã phá được thế bị bao vây, cô lập và cấm vận, từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại với bạn bè, đối tác gần xa, tạo ra những nền tảng vững chắc để đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập toàn diện như ngày nay.
“Để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè thế giới. Sau 11 năm ròng rã qua 15 vòng đàm phán, ngày 07-11-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2018, cả nước có 27.353 dự án FDI đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư cam kết 340 tỷ USD. Không những thế, đến nay có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, trong đó có những FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, Việt Nam đang đàm phán thêm ba FTA, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn khu vực ASEAN. Các FTA này đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với các đối tác trên thế giới.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, của Liên hợp quốc (LHQ), tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ của khu vực và trên thế giới. Trong lần đầu tiên tham gia vào công việc của Hội đồng Bảo an (HĐBA) với vai trò Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã góp phần đề cao tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời có những sáng kiến cụ thể, thực chất về nội dung cũng như giúp cải tiến phương thức hoạt động của HĐBA.
Sau khi kết thúc vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của LHQ với việc lần đầu tiên Việt Nam cử sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ ở Nam Sudan vào năm 2014. Với những kiến thức, kinh nghiệm có được từ hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, các sĩ quan GGHB của Việt Nam đã khéo léo kết hợp với những kiến thức chuyên môn về GGHB để áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn các phái bộ. Việt Nam đã cử 29 lượt sĩ quan thực hiện nhiệm vụ tại hai phái bộ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, y sĩ, bác sĩ tại Nam Sudan… Với những đóng góp trên, Việt Nam một lần nữa được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế của mình, đồng thời là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục xây dựng môi trường an ninh ổn định, an toàn trong khu vực và quốc tế, “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như tâm nguyện của Bác Hồ.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt hơn nữa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói nghèo, phát triển mọi mặt đời sống xã hội; tiếp tục đổi mới và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tích cực chủ động hội nhập quốc tế, không ngừng đưa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam đi vào chiều sâu, bền vững; có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Phương Linh
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)