Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, trong đó phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân, vì vậy để xây dựng chủ nghĩa xã hội phải thật sự giải phóng phụ nữ, tôn trọng quyền lợi của phụ nữ, và ngược lại, tất cả chị em phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước.

Trong muôn vàn tình thương yêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho chúng ta có tình cảm trìu mến ấm áp đối với các thế hệ phụ nữ Việt Nam, một nửa xã hội đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng nước nhà, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”1. Những câu chuyện về sự tin tưởng, quan tâm, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ Việt Nam cách đây nhiều năm khi nhắc lại vẫn còn thấm đượm bao ân tình, khơi gợi bao niềm xúc động như vừa mới hôm qua.

Trong diễn ca Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những câu thơ trân trọng ca ngợi truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời”. Kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952, Người gửi thư cho phụ nữ khẳng định: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến.

Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược”2. Kế thừa truyền thống, lại được tôi luyện trong phong trào cách mạng sôi nổi, các thế hệ phụ nữ Việt Nam “đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý “vui lòng thấy rằng trong mọi ngành hoạt động, các cháu nữ thanh niên đều xung phong, đều có thành tích khá”3, “Mấy phen tranh đấu xông pha/ Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?”. Trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người yêu cầu Đảng, Chính phủ quan tâm, chăm lo để phụ nữ tiếp tục góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng nước nhà. Người quan niệm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải của cá nhân anh hùng nào, trong đó “phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân”, vì vậy “để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”4. Người nhắc nhở: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”5.

Thấu rõ phụ nữ bị áp bức nhiều, chịu đau khổ nhiều dưới chế độ cũ nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ ngay từ trong gia đình, phải làm sao để phụ nữ được đối xử bình đẳng với nam giới và xóa bỏ hết những tàn dư của xã hội phong kiến thực dân với phụ nữ. Tháng 01/1963, trong phiên họp của Bộ Chính trị, Người đã đọc thư của một nữ cán bộ ở Vĩnh Phúc bị chồng đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền đoàn thể can thiệp, cán bộ đảng viên thì lẩn tránh. Người xem đó là tội ác, là tàn dư còn lại tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu cuộc họp ưu tiên giải quyết trường hợp này trước. Về xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Người hỏi: “Ở đây có bao nhiêu phụ nữ tham gia công việc chính quyền”, “Ở đây còn tệ đánh vợ, có đúng không?”. Nghe báo cáo là vẫn còn, Người nói giọng nghiêm nghị: “Đánh vợ là tệ rất xấu, chúng ta làm cách mạng để tranh lấy bình quyền, bình đẳng, gái trai ngang quyền với nhau. Đàn ông phải quý trọng phụ nữ. Có người còn đánh chửi vợ, đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế còn gì là tình nghĩa vợ chồng. Như thế là phạm pháp, là dã man. Việc này Hiến pháp đã quy định. Đảng phải nghiêm khắc”6.

Để có kế hoạch cụ thể bồi dưỡng, giúp đỡ phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ, chú ý lắng nghe tiếng nói của Hội. Người cũng dành thời gian dự tổng kết, động viên các phong trào, các Đại hội phụ nữ, kịp thời khen thưởng những cá nhân có thành tích tốt. Đối với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, khi mới thành lập trong những ngày toàn dân gian khổ chiến đấu chống thực dân Pháp đã nhận sự quan tâm ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Hoàng Thị Ái, nguyên Trưởng ban Tiểu ban Phụ vận Trung ương kể lại: Bác dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tháng 3/1950, lắng nghe các đại biểu phát biểu ý kiến. Lúc nghỉ, Bác ân cần hỏi han từng người. Bác dành hẳn một buổi giải đáp các câu hỏi của đại biểu. Bác trả lời rất sáng rõ và thân thiết. Bác biểu dương phụ nữ các dân tộc đã làm được nhiều việc, góp phần quan trọng cho cuộc kháng chiến. Muốn cho cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi và thắng lợi to lớn hơn, chị em phải sản xuất giỏi. Bác khuyên chị em làm tốt công tác phụ nữ, vận động chị em các dân tộc thi đua tốt. Bác chúc các cô ra về mạnh khỏe. Về địa phương những chị em nào có thành tích, nhớ gửi báo cáo lên Bác. Chiều ngày 02/12/1965, thăm Đại hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô Hà Nội, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen phụ nữ Thủ đô đã đạt được những kết quả tốt trên các mặt sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu trong phong trào thi đua “Ba đảm đang”. Người tự tay trao huy hiệu cho bảy chị em có thành tích xuất sắc. Người kể cho Đại hội nghe những gương chị em phụ nữ hoạt động đầy hy sinh, gian khổ trong thời kỳ bí mật và một vài nét về thành tích rạng rỡ của phụ nữ miền Nam đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng Khu giải phóng. Người phát biểu: “Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi đâu phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta”7.

Để ghi nhận thành tích của phụ nữ Việt Nam, thay mặt Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam những danh hiệu cao quý. Ngày 08/3/1965, Người tặng phụ nữ miền Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Hơn một năm sau, nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 20/10/1966, phụ nữ Việt Nam tiếp tục được Người khen tặng “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Ngoài ra, Người còn viết nhiều thư khen, thơ khen, gửi phần thưởng tặng những đồng chí lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng Tổ quốc.

Trong cuộc sống đời thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấu hiểu, cảm thông, khuyến khích, động viên phụ nữ và vui mừng trước những thành tích của chị em trên mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Đảng và Chính phủ có trách nhiệm bồi dưỡng để phụ nữ tiến bộ nhưng ngược lại, Người cũng nhấn mạnh bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên, phải tự mình phấn đấu. Người quan tâm, động viên Hội phụ nữ nỗ lực trong công tác cách mạng và học hành. Đồng chí Nông Thị Trưng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng kể những ngày là cán bộ mới thoát ly vinh dự được gặp chú Thu, được chú Thu đặt tên là Trưng và nhận là cháu. “Có lẽ chú muốn nhắc nhủ trong lòng tôi noi gương Bà Trưng, Bà Triệu là những phụ nữ anh hùng của dân tộc ta. Chú giảng cho tôi nhiều và rất kỹ về vấn đề giải phóng phụ nữ... Học lý thuyết đến đâu, chú Thu lại giao việc cho tôi thực hành ngay đến đấy. Khi báo cáo kết quả, có ưu điểm chú biểu dương, khuyến khích phát huy, có khuyết điểm, chú giúp đỡ sửa chữa”8. Ở bên Bác Hồ, mỗi cuộc đời đã trưởng thành hơn, ánh sáng Bác Hồ tỏa chiếu thấm đượm, chan hòa, ánh sáng ấy có sức mạnh mang một bình minh đang đến. Nguyên Trưởng ban Tiểu ban Phụ vận Trung ương Hoàng Thị Ái, kể: “Có lần, đến thăm cơ quan Hội phụ nữ, khi ra về, Bác còn quay lại bảo: Bác quên nhắc các cô phải bớt ra một người mà dạy cô Ái học văn hóa. Cô ấy viết còn nguệch ngoạc lắm và sai nhiều quá. Bác nhắc lại cả một số chữ tôi viết sai”9. Còn với nhà văn Bích Thuận, buổi ban đầu vào nghề, những bài viết ngắn gửi lên Người đều được gửi lại kèm theo góp ý cụ thể và mỗi lần tới thăm đại hội nhà báo, Người đều gọi các cháu gái viết báo lên ngồi hàng ghế đầu.

Như người ông, người cha lo lắng cho con gái, cháu gái nhỏ của mình nên từ những việc như chăm lo sức khỏe, nơi ăn ở, cách vá may hay chuyện hạnh phúc riêng của các cháu Người cũng nghĩ rất sâu xa. Cuộc sống trong rừng âm thầm, lạnh ngắt nhưng luôn có hơi ấm tình thương của Người. Từ chiến trường Tây Bắc về, Người có quà cho chị em hội phụ nữ là mấy hộp dầu cao. Người bảo mùa rét sắp tới, cho các cô dùng cho khỏi cảm lạnh. Đến dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, Người đi thăm chỗ ở, chỗ cấp dưỡng, suối nước và nơi vệ sinh. Đầu hè năm 1952, các cơ quan chuyển về châu Tự do nhưng Hội phụ nữ chưa chuyển được. Người hỏi đồng chí Hoàng Quốc Việt, biết nhân công ở căn cứ địa thiếu, chưa kịp làm nhà. Người liền cử các đồng chí bác sĩ, bảo vệ xem giúp đất, tìm chỗ vừa kín vừa thoáng rồi làm nhà, đào hầm. Thấy vườn rau mọc quá lơ thơ, Người bảo: Chỗ Bác có nhiều rau giống. Bác còn thả cải xoong ở suối tốt lắm. Các cô cố gắng trồng thật nhiều rau và cố nuôi gà lấy trứng ăn cho khỏe. Người dành nhiều sự quan tâm, lo lắng cho các cháu gái dũng cảm trong chiến đấu. Anh hùng LLVT Trần Thị Lý khi ra Bắc chữa bệnh đã vinh dự được gặp Bác nhiều lần: “Bác dắt tôi đi dạo trong vườn Phủ Chủ tịch. Bác không đưa tôi đi trên những con đường sỏi vì Bác biết chân tôi dẫm lên sỏi thì ảnh hưởng đến vết thương trên đầu. Bác chỉ cho tôi những cây dừa, cây bưởi, cây cam Bác trồng... Tình thương bao la của Bác sưởi ấm lòng tôi. Tôi thấy như thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật... Có lần bác sĩ thấy bệnh tình tôi kéo dài do vết thương ở bụng vẫn thường rỉ máu và cho biết nếu mổ dạ con thì đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi cũng muốn mổ cho đỡ khổ nhưng nghe vậy Bác không đồng ý. Bác nghĩ đến hạnh phúc của đời tôi10. Bác khuyên đồng chí Hiền Đức nên đi học nước ngoài rồi Bác cho chị chiếc hộp Người vẫn thường cất thuốc lá “để đựng kim chỉ, ngoài giờ học thêu thùa vá may. Con gái phải biết làm những việc đó”. Một lần đến thăm nhà máy thấy cô công nhân đang chạy máy để tóc dài, Bác ra hiệu dừng máy để ân cần nhắc: “Cháu là gái, khi lao động nhớ vấn tóc lên và đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn, “bộ tóc là góc con gái”11. Mỗi cuộc đời gần Bác đều thấm nhuần sự chăm lo, suy nghĩ của Người và từ sự chăm lo ấy gợi lên bao tình cảm mến thương, bao niềm tin yêu, hy vọng.

Trong tình cảm và niềm thương nhớ, biết ơn của nhiều nữ đồng chí vinh dự được gặp Bác, những lời căn dặn, quan tâm, động viên của Người rất thiết thực, cụ thể và ấm áp. “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” nên tất cả những ai vinh dự được gặp đều thấm thía sức cảm hóa đầy ân tình ở Bác. Theo tiếng gọi của Bác Hồ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã thiết tha đi sâu vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, thiết tha cống hiến cho đất nước, như với thạc sĩ toán học Hoàng Xuân Sính, nữ sinh Thủ đô năm 1946: “Lời dạy chân tình của Bác mở ra trước mắt tôi một chân trời mới huy hoàng, góp phần nuôi dưỡng những giấc mơ khoa học đẹp đẽ mà tôi hằng ôm ấp, khơi sâu thêm cho tôi một nguồn sức mạnh mới vượt qua bao nhiêu thử thách trong cuộc sống. Sau khi nhận bằng thạc sĩ toán học, lòng thanh thản, tôi bước chân lên máy bay từ giã nước Pháp trở về theo tiếng gọi của Tổ quốc, tiếng gọi của Bác Hồ”12. Trong tình thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được trao truyền thêm sức mạnh để tiếp tục dệt thêu những trang sử hào hùng cho non sông gấm vóc Việt Nam thêm tốt đẹp, rạng rỡ.

Nguyễn Thị Thu Hằng
Phòng Hành chính, Tổng hợp
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Tâm Trang (st)

Chú thích:

(*) Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961
1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tập 7, 340, 339
3, 6, 7, 8, 9, 11, 12. Nguyễn Văn Dương, Chuyện kể Bác Hồ với phụ nữ, NXB. Hồng Bàng, tr.7, 188, 114, 18-19, 16, 179, 55.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, H.2000, tập 10, tr225
5. Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, H.2000, tập 12, tr504.
10. Những mẩu chuyện cảm động về Bác Hồ, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tr.181.

Bài viết khác: