Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất không chỉ là nhà tổ chức, nhà lãnh đạo thiên tài mà Người còn là nhà tư tưởng vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Hệ thống tư tưởng mà Người để lại là: “Di sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta”1. Tư tưởng đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư là những phẩm chất cốt lõi của người chiến sĩ cách mạng, là nền tảng của đời sống mới và là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “với tự mình”. Tháng 6/1949, để tiếp tục quán triệt việc tu dưỡng đạo đức cho cán bộ, đảng viên, với bút danh Lê Quyết Thắng Bác viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo đăng trên báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 01/6 và 02/6 năm 1949 để giải thích rõ nội dung 4 đức tính này. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, Bác viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người”.

Người giải thích cặn kẽ:

Cần: Tức là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai, lao động sáng tạo, có kế hoạch, có năng suất cao… Kiệm: Tức là “tiết kiệm, không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi”, đó là tiết kiệm thời gian, tiền của, tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn… Liêm: Tức là “Trong sạch không tham lam… không ham địa vị, không ham tiền tài, không ham sung sướng… chỉ có một thứ ham đó là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Chính: “Nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn đúng đắn”. Chí công vô tư: Là không nghĩ đến mình trước “phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”, “không kèn cựa về mặt hưởng thụ”, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, “Mình vì mọi người”, phải công tâm trong sáng.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Theo Bác: “Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm làm chừng nào xào chừng ấy… Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được”. Chữ kiệm phải đi đôi với chữ liêm cũng như chữ Liêm phải đi đôi với chữ Cần. Có kiệm mới có liêm được, “vì xa xỉ mà sinh ra tham lam”. “Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của Chính như một cây có gốc, rễ lại cần có cành lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có cần, kiệm, liêm, chính nữa mới hoàn toàn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Cần, kiệm, liêm, chính là đạo đức của một xã hội hưng thịnh: Nếu không có những phẩm chất đó thì xã hội suy vong. Do đó, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, chí công vô tư, một lòng, một dạ vì Đảng vì dân thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính và được nhiều đức tính tốt khác. Kết quả: “Bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ no ấm, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước sẽ mau giàu mạnh, ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới”2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức cách mạng mà chính Người còn là hiện thân của những phẩm chất đó để chúng ta học tập. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù là người phụ bếp, đốt lò, rửa bát hay trên cương vị là đại biểu Quốc tế cộng sản, Chủ tịch nước, Người luôn nêu cao lối sống cần, kiệm, giản dị, không màng danh vọng, không ham của cải, coi khinh sự xa hoa, không chuộng những nghi thức sang trọng3. Và sau này, trên cương vị người đứng đầu đất nước, Bác vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đời sống của nhân dân. Bác nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp nhưng phải cho đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn thiếu thốn mà người nào đó muốn riêng mình hưởng ăn ngon, mặc đẹp là không đạo đức”. Trước nạn đói năm 1945, Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước nhường cơm sẻ áo cho nhau “lúc chúng ta nâng bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Bác đã gương mẫu nhịn ăn vào tối thứ 7, tự tay bỏ gạo vào hũ cứu đói dân nghèo. Chiếc áo lụa đồng bào tặng, Bác cũng đem bán lấy tiền mua áo ấm tặng chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Số tiền tiết Kiệm từ tiền nhuận bút các báo gửi cho Bác, Bác cũng đem mua nước ngọt tặng cho các chiến sĩ trực phòng không trong những ngày hè nóng bức. Những cử chỉ cao đẹp đó không chỉ là tình cảm, tình thương bao la của Bác với đồng bào, chiến sỹ mà còn thể hiện sâu sắc những giá trị đạo đức cách mạng ở Hồ Chí Minh.

Sự tiết kiệm, giản dị và thanh liêm còn được thể hiện đậm nét trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Bác. Ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng không bao giờ Bác đòi hỏi mình phải được hưởng đặc quyền, đặc lợi hơn người. Kháng chiến gian khổ, Bác sống như một người bình thường đã đành, nhưng trong hoà bình, Bác cũng không muốn coi mình là “vua”, xa cách với quần chúng, cán bộ. Bác nói: “Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên”. Bác chi tiêu rất tiết kiệm, cân nhắc từng đồng. Hàng ngày bữa ăn của Người càng bình dị. Ông Đinh Văn Cẩn - người nấu ăn cho Bác từ chiến khu Việt Bắc đến những ngày cuối đời, kể lại: Bác quy định mỗi bữa không quá 3 món: Thức ăn đủ, tránh lãng phí. Đặc biệt Bác rất thích ăn các món dân gian: Dưa cà, mắm tép, cá kho. Khi đi công tác địa phương Bác dặn các đồng chí phục vụ chuẩn bị cơm nắm thức ăn từ nhà hoặc mang nồi cháo đi nấu cho tiết Kiệm, tránh các nơi khi đón tiếp thường tổ chức linh đình tốn phí. Liên hoan chào mừng ngày thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh và đĩa cá. Khi tiếp đãi khách, Bác thường nói: “Chủ yếu là thật lòng với nhau”. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc đã giúp Bác mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng mang về, Bác cũng chỉ “khao” một món canh và hai đĩa thức ăn, có thêm chén rượu gạo, tổng cộng chưa hết một đồng bạc, thế mà vẫn đậm đà tình cảm giữa chủ và khách.

Trong trang phục hàng ngày, Bác chỉ có bộ quần áo dạ màu đen mặc khi đi ra nước ngoài; chiếc mũ cát Bác đội khi đi ra ngoài trời; chiếc áo bông, áo len Bác mặc trong mùa lạnh và một vài bộ quần áo gụ Bác mặc làm việc mùa hè. Nói về sự giản dị trong cách ăn mặc của Bác, có lẽ hình ảnh quen thuộc mà đồng bào ta thường thấy là đôi dép cao su và bộ quần áo ka-ki. Đôi dép cao su được Bác dùng hơn 20 năm đến khi mòn gót phải lấy một miếng cao su khác vá vào, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ. Còn bộ quần áo ka-ki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo. Những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay”.

Về nơi ở, khi Bác mới về nước là một hang đá thuộc Pác Bó, Cao Bằng. Sau này, Bác ở nhà riêng nhưng rất đơn giản. Nhà làm nhỏ, bốn bề với tay được vì tiết kiệm nguyên vật liệu. Đến năm 1954, Chính phủ chuyển về thủ đô Hà Nội, nhiều người đề nghị Bác ở Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, nhưng Bác đã từ chối và chỉ chọn căn phòng nhỏ của người thợ điện đơn sơ bên ao cá để ở. Mãi đến ngày 17/5/1958, Bác mới chuyển về ở ngôi Nhà sàn cho đến tháng 8/1969.

Những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Và việc thực hành cần, kiệm, liêm, chính của Người là tấm gương để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta noi theo. Trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước có nhiều gương tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công cô tư. Họ là những người luôn gương mẫu, đi đầu trong lao động sản xuất, chiến đấu và học tập. Tuy nhiên cũng có một số không ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ có chức, có quyền vẫn chưa làm đúng lời Bác dạy. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước...”. Đây là một trong những nguy cơ gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tác động tiêu cực tới sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy mỗi người chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện tốt những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, mọi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Việc này, từ trước đến nay chúng ta vẫn thực hiện, song trong chừng mực nào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục ở các cấp, các ngành, hệ thống các trường Đảng và trường đào tạo cán bộ còn có những bất cập so với sự phát triển của thực tiễn. Ngay nội dung của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng có lúc được hiểu một cách giáo điều, máy móc và được tuyên truyền theo kiểu “tầm chương, trích cú”. Có thể khẳng định rằng, nội dung đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, nhưng không thể hiểu một cách phi lịch sử, chết cứng, mà cần phải bổ sung vào đó những nội dung, yêu cầu mới, gắn với thực tiễn mới của đất nước. Ngày nay, không thể hiểu Cần chỉ là sự cần cù, chịu khó, tự lực, tự cường, mà còn là trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện; sự năng động, sáng tạo trong xử lý các tình huống nảy sinh của thực tiễn. Kiệm không chỉ là ý thức tiết Kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, tiết kiệm công quỹ của tập thể..., mà còn đòi hỏi sự tỉnh táo, tinh tường, chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội, cạnh tranh có hiệu quả để làm giàu cho đất nước; đồng thời, khắc phục có hiệu quả những thách thức, rủi ro, thất thoát đối với tài sản của Nhà nước, tập thể. Liêm, bên cạnh yêu cầu phải sống trong sạch, không tham tiền của, không nịnh trên, dối dưới, còn phải đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh loại bỏ tệ̣ nạn tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang diễn ra trầm trọng, làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Đảng, tính ưu Việt của chế độ ta. Chính, vừa phải thẳng thắn, chính trực, làm điều thiện, tránh điều ác; hơn nữa, còn phải công tâm, khách quan, dân chủ, gần gũi quần chúng, gần gũi cơ sở, tự phê bình và phê bình chân thực, thẳng thắn. Chí công vô tư đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có tầm nhìn chiến lược về tiền đồ, tương lai của quốc gia, dân tộc, không nhỏ nhen ở những toan tính cá nhân, những mối lợi nhất thời, bộ phận. Như vậy, sức sống của đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ở thực tiễn không ngừng phát triển. Do đó, việc giáo dục, tuyên truyền về đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người chỉ thực sự sinh động, có hiệu quả cao khi bám sát những yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, để việc giáo dục đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thực sự góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về ý thức và hành động, cần khôi phục và đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, thực hiện nói đi đôi với làm. Đây chính là phương pháp giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người dạy: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết Kiệm, mà mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”4. Người còn nhấn mạnh: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước đang đứng trước vô vàn điều mới mẻ mà nhiều người dân còn chưa kịp nhận thức và làm quen; hơn nữa, mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” đang không ngừng gia tăng. Điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta nhất là cán bộ, đảng viên phải thực sự chuẩn mực trong phát ngôn; đồng thời, phải bằng hành động thực tế, chủ động, tích cực biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hiện thực. Tận tâm, tận lực thực hiện thật tốt cương vị, chức trách được giao, đi trước, làm gương cho quần chúng noi theo; không nên chỉ hứa hẹn rồi để đấy theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”; phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, “cả quyết sửa lỗi mình”; làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của dân, của nước, tránh vì lợi ích cá nhân mà vi phạm tư cách, đạo đức, lối sống của người cán bộ cách mạng.

Thứ ba, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống”. Xây dựng ý thức và thói quen hành vi đạo đức cho mỗi người không đơn thuần chỉ là quá trình tuyên truyền, giáo dục về các giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng, mà còn là quá trình đấu tranh, khắc phục, loại bỏ dần thói hư, tật xấu của con người. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi con người ta đều có cái thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”5. Như vậy, xây dựng đạo đức cách mạng phải đi liền với đấu tranh, phê phán những biểu hiện trái với đạo đức cách mạng. Hai mặt này không thể tách rời nhau, bởi lẽ, vun đắp cho những giá trị tốt đẹp cũng đồng thời là quá trình loại bỏ những cái xấu, cái tiêu cực; mặt khác, đấu tranh đẩy lùi thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên cũng đồng thời là quá trình khẳng định những giá trị chân, thiện, mỹ, khẳng định đạo đức cách mạng.

Thứ tư, từng cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời. Hồ Chí Minh dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”6. Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ, đảng viên, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng. Người đã sớm cảnh báo một số người, trong đấu tranh gian khổ thì vững vàng, kiên định, song đến khi có chút quyền lực thì đâm ra kiêu ngạo, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, có tội với cách mạng. Hiện nay, tình trạng đó vẫn diễn ra, mà nguyên nhân chính là những cán bộ, đảng viên đó đã không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi các tổ chức Đảng phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện, kiểm tra cán bộ, đảng viên; song, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào trình độ giác ngộ chính trị - đạo đức, bản lĩnh và tính tự giác của mỗi người.

Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những giá trị đạo đức cao đẹp mà mỗi con người cần phải tu dưỡng rèn luyện để hướng tới. Trải qua thử thách, trước những biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng những phẩm chất đạo đức đó vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ngày nay khi mà những vấn đề về đạo đức con người, những giá trị chân, thiện, mỹ đang có nguy cơ bị xói mòn.

Lê Thị Cẩm Tú
Phòng Hành chính, Tổng hợp
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Tâm Trang (st)

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tập 6, tr.117.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tập 6, tr.175.
3. Kỷ niệm về Bác, NXB. Thông Tấn, Hà Nội, 2005.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H 2011, tập 5, tr.126.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 15, tr.672.
6. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 11, tr.612

Bài viết khác: