Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”1, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn nỗ lực, chủ động, sáng tạo, bằng nhiều biện pháp, cách làm thiết thực, đưa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Qua đó, huy động được nhiều nguồn lực, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần động viên, cải thiện cuộc sống đối với các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, tạo hiệu ứng tốt trong toàn quân và xã hội. Đồng thời, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là thế hệ trẻ trong Quân đội.

Tiep tuc doi moi hinh thuc va thuc hien tot hon nua cong tac Den on dap nghia trong Quan doi 1
Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Đề án 1237 giai đoạn 2016 - 2018 và Đề án 150 giai đoạn 2017 - 2018

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội đã trở thành việc làm thường xuyên, trách nhiệm chính trị của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sỹ, với nhiều hoạt động bổ ích, mang ý nghĩa xã hội cao. Nổi bật là: Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; tuyển dụng, tạo việc làm cho vợ, con liệt sỹ và thương binh, bệnh binh nặng; tặng sổ tiết kiệm; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách; tu sửa, tôn tạo công trình ghi công liệt sỹ. Cùng với đó, các đơn vị đã đỡ đầu, kết nghĩa với các đoàn an dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin (Làng Hữu Nghị); tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm hỏi, tặng quà động viên người có công ở các chiến khu, căn cứ cách mạng, biên giới, biển, đảo2, v.v. Quân đội đã chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện chu đáo chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, ngày 09-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc và Quyết định 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Triển khai thực hiện Nghị định 102/2008/NĐ-CP, ngày 20-7-2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, v.v. Những hoạt động đó không những trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, mà còn mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, thể hiện tinh thần “Hiếu nghĩa bác ái” của dân tộc, tạo sức lan tỏa rộng rãi, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng thuận, đánh giá cao. Đồng thời, tăng cường niềm tin, động lực của đối tượng chính sách và toàn dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội còn hạn chế, vướng mắc cần sớm khắc phục, như: một số nội dung, chương trình chưa có tính đột phá; công tác phối hợp thực hiện giữa một số đơn vị với địa phương chưa chặt chẽ; chưa huy động được nhiều nguồn lực tham gia. Cùng với đó, những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh còn nhiều, đa dạng và phức tạp do quá trình thực hiện tinh giản tổ chức, biên chế của Quân đội, nhiều đơn vị giải thể, sáp nhập, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, bị thất lạc, v.v. Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn quân đạt hiệu quả hơn nữa, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt những nội dung trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đề cao trách nhiệm, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, kế hoạch, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn đất nước, Quân đội, điều kiện, khả năng của cơ quan, đơn vị và nhu cầu, quyền lợi thiết thực của các đối tượng chính sách để chủ động đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện phù hợp, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp phải bảo đảm khoa học, linh hoạt và khả thi. Trong tổ chức hoạt động, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương, đặc biệt là việc xác minh, thẩm định, lập hồ sơ, bảo đảm không để “nhầm” đối tượng được thụ hưởng chính sách, gây mất đoàn kết trong nhân dân và suy giảm niềm tin của các đối tượng chính sách đối với Quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc thu, chi, sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực; kiên quyết xử lý những trường hợp tiêu cực, lợi dụng công tác này để trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa và mục đích tốt đẹp của công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; khắc phục những biểu hiện hình thức, thiếu thực tế, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền của và để lại những dư luận không tốt về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với các đối tượng chính sách, người có công.

Tiep tuc doi moi hinh thuc va thuc hien tot hon nua cong tac Den on dap nghia trong Quan doi 2
Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Việt Nam và
Cam-pu-chia ký kết biên bản kỳ họp lần thứ 16

Hai là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ về ý nghĩa của công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sỹ thấy được sự cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công3,... đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đồng thời, nhận thức đúng đắn, đầy đủ chủ trương, chính sách; sự trân trọng, biết ơn và chăm lo của Đảng, Nhà nước, toàn dân và toàn quân đối với các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Qua đó, làm cho mọi cán bộ, chiến sỹ ý thức rõ trách nhiệm, tình cảm và có động lực mạnh mẽ, tự giác, tự nguyện trong các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Để công tác này được lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào mạnh mẽ, các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động; nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong tổ chức thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngành Chính sách Quân đội tiếp tục thực hiện tốt công tác khai thác, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và các đối tượng chính sách. Để làm được điều đó, cần nhận được sự hỗ trợ, huy động, chung tay, góp sức của cả cộng đồng đối với việc làm có ý nghĩa nhân văn này.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt để cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động những đối tượng chính sách, nhất là thương binh, bệnh binh chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo tham gia những hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu tới giá trị những cống hiến của bản thân thương binh, bệnh binh, mà còn trực tiếp làm giảm sự “tự nguyện” và hiệu quả của công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Mọi hình thức, biện pháp tiến hành công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đều nhằm mục tiêu quan trọng là góp phần bù đắp, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người được thụ hưởng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, phát hiện những vướng mắc, khó khăn; những hình thức không phù hợp, hiệu quả thấp,... để có hướng khắc phục, điều chỉnh. Đồng thời, căn cứ vào thực tế (nguồn lực huy động được, nhu cầu thiết thực của đối tượng chính sách,...) để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, điều kiện ở các cấp; tránh dập khuôn, máy móc trong vận động sự ủng hộ giúp đỡ cũng như trong tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục lãnh đạo tốt việc nhân rộng, những mô hình, cách làm hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn; đồng thời, nghiên cứu các hình thức mới phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội, nhất là với người có công đã cao tuổi, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người đang định cư ở nước ngoài để nhân rộng và phát huy. Đẩy mạnh hơn nữa các hình thức “Đền ơn đáp nghĩa”, như: Chương trình ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công; tặng vốn, giống, công cụ sản xuất, thiết bị nghe nhìn, thiết bị phục vụ sinh hoạt; hỗ trợ gia đình quân nhân bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh; tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ, v.v.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với các cuộc vận động, phong trào thi đua. “Đền ơn đáp nghĩa” là một hình thức của Phong trào Thi đua yêu nước, Thi đua Quyết thắng; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, trong thực hiện, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình cụ thể để kết hợp chặt chẽ công tác “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, lồng ghép với nội dung của các phong trào thi đua, cuộc vận động, thi đua cao điểm, đột kích ở từng cơ quan, đơn vị. Qua đó, làm cho truyền thống, nét đẹp văn hóa “Đền ơn đáp nghĩa” thấm sâu vào suy nghĩ, tình cảm, nhận thức và hoạt động của cán bộ, chiến sỹ; giúp họ quyết tâm, tích cực, tự giác thi đua đóng góp sức người, sức của để chia sẻ, giúp đỡ những đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, làm cho nét đẹp truyền thống dân tộc ngày càng lan tỏa trong đời sống hiện thực.

Năm là, phát huy vai trò của các lực lượng trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chính sách trong Quân đội, ngành Chính sách Quân đội cần thường xuyên bám sát tình hình, nhiệm vụ của đất nước và Quân đội; hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách để nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, đề xuất với Đảng, Nhà nước những nội dung, giải pháp mang tính chiến lược nhằm đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, tập trung giải quyết tốt vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; những vướng mắc về xác nhận thương binh, liệt sỹ; điều tra, xác minh, kết luận những vụ việc kéo dài; xử lý hồ sơ thương binh có sai sót theo kết luận của cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp Quân đội cần phát huy lợi thế của mình, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận vợ, con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng vào làm việc; xây tặng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; tặng sổ tiết kiệm, công cụ sản xuất, hướng dẫn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các gia đình đối tượng chính sách trên địa bàn đóng quân. Ban Chỉ đạo 515 ở các đơn vị tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp chặt chẽ với địa phương tích cực, chủ động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; tổ chức truy điệu và an táng bảo đảm chặt chẽ, trang trọng, chu đáo, đúng quy định và phong tục địa phương, nguyện vọng của gia đình. Các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn,... cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” phù hợp với tính chất, khả năng của từng tổ chức, bảo đảm huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của hội viên, đoàn viên.

“Đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa và đạo lý của dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh, tri ân những người đã cống hiến, hy sinh, xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là tình cảm, trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ”, cần được gìn giữ, nhân rộng và lan tỏa trong toàn xã hội. Đó không chỉ là trách nhiệm chính trị của lãnh đạo, chỉ huy mà còn là phong trào thi đua và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng Đỗ Căn,
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Phương Thúy (st)

_____________

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 135.
2. Từ năm 2015 đến nay, toàn quân đã xây dựng được 4.289 Nhà tình nghĩa (số tiền 302.480.000.000đ); tặng 3.558 sổ tiết kiệm (số tiền 10.237.400.000đ); khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 205.711 người (số tiền 230.200.000.000đ); phụng dưỡng 2.867 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ các trung tâm 56.669.502.000đ; tặng quà các đối tượng chính sách 313.864.782.000đ, v.v.
3. Thông qua các hình thức giáo dục chính trị; tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm sách, phim tài liệu; mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Phát động sưu tầm các kỷ vật về chiến tranh, về các anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; tổ chức sáng tác, trưng bày ảnh, sách, tranh cổ động về đề tài Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng tiêu biểu trong các lĩnh vực, v.v.

Bài viết khác: