Năm 1966, hưởng ứng Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thủ đô, hơn 30.000 thanh niên Hà Nội tình nguyện lên đường nhập ngũ, bổ sung cho nhiều đơn vị trên chiến trường miền Nam. Trong chiến đấu, họ là những người lính hào hoa, thông minh và cũng rất mực quả cảm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng kế tục truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính Thủ đô năm ấy, dù có thể mang trên mình vết thương chiến tranh khiến cơ thể không còn nguyên vẹn nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu cuộc sống, nhất là tấm lòng với đồng chí, đồng đội... Họ là Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội (QTC).

mot thoi hao hoa 1
Chiến sỹ Phạm Văn Thảo (bên phải) trong đội hình Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 210 tham gia đánh trận ở Tây Ninh, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu
.

Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường

Năm 1965, Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam với hơn 50 vạn quân Mỹ và quân chư hầu trực tiếp tham chiến. Ở miền Bắc, Mỹ dùng không quân đánh phá rất ác liệt vào các thành phố, các nhà máy, xí nghiệp và các tuyến giao thông huyết mạch, hòng cắt đứt khả năng chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước vào ngày 17-7-1966 với khẳng định: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...”. Lời hiệu triệu ấy khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của toàn dân. Tại Hà Nội, ngày 1-8-1967, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô: Ngoài chỉ tiêu tuyển quân, giao quân định kỳ hằng năm cho các binh đoàn chủ lực, ở miền Bắc còn phải trực tiếp tuyển, tổ chức huấn luyện, giao quân tăng cường bổ sung cho các đơn vị tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường.

Lúc bấy giờ, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân, cùng các đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố; Đại tá Lê Nam Thắng, Tư lệnh BTL Thủ đô và lãnh đạo của thành phố đã chỉ đạo, động viên đồng bào Thủ đô và các tầng lớp thanh niên lên đường nhập ngũ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhiều thanh niên Thủ đô đã dùng máu của mình viết đơn tình nguyện nhập ngũ, có đồng chí không đủ tiêu chuẩn sức khỏe vẫn tìm mọi cách để được ra mặt trận. Từ năm 1967 - 1974 có tổng cộng 42 tiểu đoàn QTC, lấy phiên hiệu đơn vị theo số chẵn từ Tiểu đoàn 2 đến Tiểu đoàn 84 được huấn luyện bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

 Năm 1967 bắt đầu tuyển quân đợt 1, gồm 3 tiểu đoàn đầu tiên huấn luyện tại huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm (Hà Nội), sau chuyển lên huyện Yên Thủy (Hòa Bình). Cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Thảo, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 38 QTC, cho biết: “Năm đó, tôi 18 tuổi và xung phong lên đường nhập ngũ với tâm thế rất hồ hởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ”.

Do yêu cầu cấp bách về lực lượng trên chiến trường nên sang năm 1968, thời gian huấn luyện chung rút xuống còn 3 tháng. Nơi huấn luyện được mở rộng lên cả Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình). Nhớ lại những ngày đó, khi đang làm Trưởng phòng Tài vụ kiêm Bí thư đoàn Xí nghiệp Dược phẩm TP Hà Nội ông Đinh Xuân Hương vẫn xung phong nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Đồng Bèn - Hà Sơn Bình, ông gia nhập Binh trạm 34, BTL 559, làm công tác tài vụ cho đơn vị. Ông Hương nhớ lại: “Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ có một mục tiêu là được ra trận và chiến đấu vì Tổ quốc dù có phải hy sinh mạng sống của mình”.

Từ năm 1970 đến 1974, đã có 26 tiểu đoàn QTC, phần lớn là sinh viên các trường đại học và cán bộ công nhân viên kỹ thuật được huấn luyện và hành quân tới nhiều chiến trường nóng bỏng như: Đường 9 - Nam Lào, Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ… và đã lập những chiến công vang dội.

Viết nên những chiến công

Theo chân các đồng chí trong Ban liên lạc Hội Cựu QTC chúng tôi có dịp được gặp lại các nhân chứng một thời lập nhiều chiến công. Giờ đây tuy tuổi đã cao, có đồng chí đã mắt mờ, chân chậm nhưng ký ức một thời ra trận lập công vẫn còn nguyên trong tim họ.

mot thoi hao hoa 2
Chiến sỹ Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội trong đội hình Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh, cùng toàn bộ nội các chính phủ Việt Nam cộng hòa. Ảnh tư liệu

Vốn là thầy giáo, sẵn có kiến thức văn hóa, tiếp thu nhanh, chiến sỹ Nguyễn Tiến Lộc, Tiểu đoàn 34, vào chiến trường được bổ sung cho Sư đoàn 324. Chỉ sau hơn 4 giờ huấn luyện sử dụng súng B40 mà ngay trận đầu, với 6 quả đạn, ông đã tiêu diệt 5 hỏa điểm của địch. Còn chiến sỹ Nguyễn Hữu Mãi, Tiểu đoàn 2, được bổ sung vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, từ chiến sỹ bộ binh chuyển sang đơn vị hỏa lực cối 82mm, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với hàng trăm trận, lập nhiều chiến công và được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Hay đồng chí Nguyễn Thọ Quyết, chiến sỹ Tiểu đoàn 2, được bổ sung cho Sư đoàn 320, trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã cùng đồng đội bắt sống tên đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ trưởng lữ đoàn dù 3 quân lực Việt Nam cộng hòa (đồng chí Quyết hy sinh năm 1972 tại chiến trường Tây Nguyên). Trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, Đại đội 45, Tiểu đoàn 24 được bổ sung cho Tiểu đoàn 668 bộ đội xăng dầu Trường Sơn, đã kiên cường bám trụ, bảo đảm tuyến đường ống dẫn dầu cho chiến trường đánh lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Trong Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế, ngày 26-3-1975, chiến sỹ Nguyễn Quang Thái thuộc Tiểu đoàn 48 được bổ sung cho Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên. Chiến sỹ Quang Thái đã thu được chiếc xe Jeep của địch, lái xe đưa tiểu đoàn trưởng cùng các chiến sỹ hỏa lực B40, B41, trung liên vượt nhanh lên phía trước đánh địch lập chiến công xuất sắc. Điều rất đáng tự hào, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975), 3 chiến sỹ là Nguyễn Khắc Nhu, Tiểu đoàn 4; Bàng Nguyên Thất và Nguyễn Huy Hoàng, chiến sỹ Tiểu đoàn 68, trong đội hình của Quân đoàn 2, cùng đồng chí Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 tiến công vào Dinh Độc lập, bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh, cùng toàn bộ nội các chính phủ Việt Nam cộng hòa. Sau ngày 30-4-1975, QTC ở Tiểu đoàn 76 bổ sung cho Lữ đoàn 101 hải quân đánh bộ tiếp tục chiến đấu ở Campuchia, chiến sỹ Tiểu đoàn 78 tham gia chiến đấu giành lại Trường Sa.

Là người tiếp nhận và trực tiếp chiến đấu cùng QTC, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết: “Tôi có một vinh dự, đó là tham gia chiến đấu trên chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị và chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, được trực tiếp tiếp nhận, chiến đấu cùng các chiến sỹ QTC. Đó là những đồng chí dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt trong chiến đấu và hòa đồng rất nhanh. Đặc biệt, do có học vấn và nhận thức nhanh nên tiếp thu và sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật rất tốt”. Còn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, khi nhắc đến QTC đã không ngăn nổi xúc động: “Tôi biết, hơn 3 vạn QTC vào chiến trường, nhưng có tới gần 1 vạn liệt sỹ - những người ra đi mãi mãi tuổi hai mươi. Đến nay sau chiến tranh vẫn còn rất nhiều đồng chí mang thương tích trên người, hay chịu đựng hậu quả nặng nề của chất độc hóa học - di họa đối với bản thân, gia đình và con cháu. Đó là sự hy sinh rất lớn. Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước không bao giờ được quên ơn những người lính QTC”.

(còn nữa)

Phạm Kiên - Thu Thủy
Theo Báo Quân đội nhân dân
Khánh An (st)

 

Bài viết khác: