Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy bảo ân cần của Người, Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang ta luôn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm nhiều việc tốt để tỏ lòng hiếu nghĩa, quí trọng đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với nước.
Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc các ngành, các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố họp ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn ngày 27-7 hàng năm làm Ngày thương binh toàn quốc (sau đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sỹ). Ngày 27-7-1947 là Ngày Thương binh - Liệt sỹ đầu tiên ở nước ta, trở thành một ngày hội truyền thống tốt đẹp, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, “đền ơn, đáp nghĩa” đối với những người có công với cách mạng.
Trong thư gửi Ban Tổ chức Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”. Bác nói: “Máu đào của các liệt sỹ đã làm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ truyền lại cho chúng ta”.
Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Bác đã để lại bản Di chúc, Người căn dặn: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi một người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh". Người nhắc nhở: "Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta". Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải thường xuyên quan tâm đến cha mẹ, vợ con của thương binh và gia đình liệt sỹ, người có công với nước, nếu họ mất sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, bị rét...
Bác Hồ, Bác Tôn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: TL.
Những lời dạy bảo ân cần của Bác nêu trên đang được Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân ta phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn và chu đáo hơn. Từ Trung ương đến các địa phương đang tích cực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu do Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền đi sát cuộc sống thực tế của nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nước nhằm giảm bớt khó khăn của những người đã nêu cao tinh thần anh dũng vì nước, vì dân, cống hiến tài năng, hy sinh xương máu cho Tổ quốc.
Để phát huy hơn nữa truyền thống đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, rất cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Trong những năm tới, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện tốt các định hướng cơ bản sau:
Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân đẩy mạnh hoạt động xã hội phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Theo đó, cấp ủy đảng các cấp cần lãnh đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với nước. Qua đó, làm cho mọi tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị và nhân dân thấy rõ: Thực hiện tốt công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, là hành động thiết thực nhằm tiếp tục phát huy lòng hiếu nghĩa, bác ái, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” chính là việc làm thiết thực, góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện anh Chu Minh, thương binh là đại biểu Công giáo giáo xứ Chính tòa Bùi Chu trong buổi tiếp đại biểu Công giáo toàn miền Bắc. (Ảnh: TL)
Hai là, thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25-01-2016 và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Theo đó, tập trung tu bổ, sửa chữa nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, các công trình ghi công liệt sỹ, nhất là ở các địa danh lịch sử cách mạng trên tuyến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN. Tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế. Tổ chức thăm hỏi, động viên trao quà tri ân đối tượng người có công tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh và gia đình chính sách tiêu biểu.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa phong trào toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”,“Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai sâu rộng “5 chương trình tình nghĩa” và phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công”. Tạo điều kiện để các phong trào, chương trình “Đền ơn, đáp nghĩa” phát triển đúng theo phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc người có công; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, v.v.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; đồng thời tiếp tục “Học tập và làm việc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Thanh Huyền (st)