Sau khi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào, Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Thủ đô Hà Nội để triển khai một số công việc hết sức quan trọng, nhất là tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ra mắt Chính phủ lâm thời. Thực hiện kế hoạch đó, Thường vụ Trung ương đã cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng về phối hợp với Thành ủy Hà Nội chuẩn bị nơi ăn nghỉ, làm việc và các mặt công tác khác để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Thường vụ Trung ương về Hà Nội.

tieng nguoi vang vong 1
Lực lượng Cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ trên đường đi công tác tại Đèo Khế giáp ranh giữa Thái Nguyên
và Tuyên Quang tháng 10/1947 (đồng chí Hoàng Hữu Kháng sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ, người đội mũ, ngồi bên trái Bác)

Cũng thời gian này, tại Tân Trào, Tuyên Quang, kế hoạch bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Thường vụ Trung ương về Hà Nội được Trung ương chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tổ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm các đồng chí: Nam Long, Ngọc Hà, Trần Đình, Văn Lâm… do đồng chí Trần Đăng Ninh - Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ đạo. Kế hoạch bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về Hà Nội được bố trí thành bốn chặng. Ở mỗi chặng đều có bộ phận tiền trạm đi trước liên hệ với chính quyền địa phương để tổ chức công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình và chuẩn bị nơi ăn, ở dọc đường cho đoàn.

Từ Tân Trào đến Đại Từ (Thái Nguyên), đoàn xuất phát từ sáng sớm ngày 22/8/1945 đi bộ tắt qua rừng khoảng hơn 20km. Đoạn đường này tương đối hiểm trở, phải vượt qua nhiều dốc đèo, qua sông và suối, đồng chí Đoàn Trung Y một cán bộ địa phương được giao nhiệm vụ dẫn đường cho Đoàn. Đến 11 giờ trưa đoàn đã đến địa điểm đúng theo kế hoạch tại nhà bà Hà Thị Quảng ở xã Hà Thượng (Đại Từ), một cơ sở cách mạng của ta.

Sau khi đoàn nghỉ trưa ở nhà bà Quảng, đến đầu giờ chiều, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa xe đến đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thị xã Thái Nguyên. Công tác bảo vệ nơi nghỉ của Người được bố trí chặt chẽ, bên trong do tổ bảo vệ trực tiếp phân công nhau canh gác, vòng ngoài có lực lượng giải phóng quân phối hợp với du kích địa phương bảo vệ.

tieng nguoi vang vong 2
Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I, ngày 02/3/1946
(đồng chí Hoàng Hữu Kháng sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ đi bên trái Bác)

Ngày 23/8/1945, đoàn đi ô tô theo quốc lộ 3 rời thị xã Thái Nguyên về Hà Nội. Đến Phúc Yên, Bác và các đồng chí trong đoàn đi bộ dọc theo đê sông Hồng đến làng Canh và dừng lại ở gần cây cổ thụ đối diện với Bến Gạ (thuộc thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm). Đoàn xuống thuyền vượt sông Hồng đến bãi vùng giữa sông thì dừng lại chờ liên lạc. Bãi giữa sông Hồng lúc đó có cỏ lau mọc um tùm. Khi được tin an toàn, đoàn tiếp tục vượt sông cập bến Gạ. Đoàn được lực lượng trinh sát nội thành đưa về nghỉ ở nhà đồng chí Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc). Đồng chí Kha lúc đó là cán bộ lâm thời của thôn Phú Gia, đây là cơ sở cách mạng của ta do đồng chí Nguyễn Lương Bằng tìm, chọn. Nhà đồng chí Kha cách đê sông Hồng khoảng 200m, nhà 5 gian có 2 gian buồng và 3 gian ngoài.

Tại thôn Phú Gia, tổ cận vệ nhanh chóng triển khai công tác bảo vệ khu vực xung quanh ngôi nhà Người ở. Lực lượng trinh sát nội thành được tăng cường bảo vệ vòng ngoài, phối hợp với du kích xã dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tổ chức tuần tra canh gác với lý do là bảo vệ làng xóm.

Trong thời gian làm việc ở nhà đồng chí Công Ngọc Kha từ chiều ngày 23 đến ngày 25/8/1945, hàng ngày Bác nghe báo cáo tin tức ở các nơi gửi về, đặc biệt là tình hình chính trị, xã hội ở nội thành. Bác quyết định vào nội thành sớm hơn so với kế hoạch. Thực hiện chỉ thị của Người, chiều 25/8/1945 các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra đón Bác về ngôi nhà 48 ở phố Hàng Ngang. Ngôi nhà này thuộc sở hữu của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ông Trịnh Văn Bô là một tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và được trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Bà Hoàng Thị Minh Hồ là chủ một hiệu tơ lụa lớn tại 48 Hàng Ngang, Bác làm việc tại một phòng trên tầng hai, trong khi tầng một vẫn buôn bán bình thường, khách ra vào mua hàng rất đông.

Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để bàn những chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố thành viên của Chính phủ lâm thời. Đặc biệt, Người đã tập trung chuẩn bị bản Tuyên ngôn Độc lập và đề nghị chuẩn bị mít tinh lớn ở Hà Nội vào ngày 2/9 để Chính phủ lâm thời nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và chính thể Dân chủ Cộng hòa với toàn thế giới. Đây là việc rất quan trọng cần làm ngay trước khi quân đội Tưởng vào Đông Dương tước vũ khi của quân đội Nhật.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng tập trung chỉ đạo các ngành có liên quan khẩn trương chuẩn bị ngày hội lớn của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Hữu Đang - Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền được cử làm Trưởng ban tổ chức ngày lễ. Ngay chiều 01/9/1945, kỳ đài được dựng lên tại vườn hoa Ba Đình. Kỳ đài do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trực tiếp thiết kế.

Công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời và quần chúng dự mít tinh được Trung ương giao cho Sở Liêm phóng Bắc Bộ, lực lượng Cảnh sát cùng với lực lượng Quân đội và tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu (Hà Nội) thực hiện. Đồng chí Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tiến hành buổi lễ mít tinh.

Bảo vệ Lễ đài do tổ của đồng chí Hoàng Mai (sau này đồng chí Hoàng Mai là thứ trưởng Bộ Công an) và đồng chí Chu Đức Minh đảm nhiệm. Một số cảnh sát Cứu quốc được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố. Các chiến sĩ cảnh sát được xếp thành hàng rào rải suốt từ vườn hoa Pôn Be (nay là quảng trường Lý Thái Tổ) đến tận trung tâm vườn hoa Ba Đình. Hộ tống xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ có 2 tiểu đội được chọn trong cảnh sát cứu quốc và Thanh niên cứu quốc ưu tú. Trên các phố, đoàn xe đi qua nhân dân đổ ra hai bên đường vỗ tay vẫy chào nồng nhiệt. Đoàn người xếp thành từng khối với trang phục quần áo công nhân, nông dân, trí thức… cùng cờ biểu ngữ đỏ rực cả vườn hoa. Đứng trên lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ tay vẫy chào đồng bào rồi thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tiếng của Người vang vọng khắp non sông. Người hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Cả biển người đồng thành hô vang: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!".

Những ngày sau đó, để bảo đảm tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Thường vụ Trung ương Đảng đã bố trí một số địa điểm ở nội và ngoại thành, như số nhà 112 phố Lò Đúc, biệt thự Cây Liễu (xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm); thôn Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức). Tuyến đường đưa Người đi thường xuyên thay đổi. Nơi ở của Người luôn luôn được nghi binh. Có khi Người đến một địa điểm nào đó nhưng nghỉ đêm lại chuyển đến nơi khác.

Các địa điểm nghỉ và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian di chuyển được đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Thị Tấu (tức đồng chí Lê Thị Lịch) và đồng chí Nguyễn Tấn Phúc liên hệ với các địa phương bố trí tìm chọn. Ngày 03/12/1946, theo sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Thường vụ Trung ương Đảng, tổ bảo vệ đã đưa Người về nghỉ và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (nay là Quận Hà Đông - Hà Nội). Gia đình ông Nguyễn Văn Dương vốn là cơ sở bí mật của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh nhiều năm. Tổ bảo vệ Bác trong thời gian này có đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Lý, Vũ Long Chuẩn, Chu Phương Vương, Trần Đình.

Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc, Người làm việc rất miệt mài. Đêm Người thức rất khuya, có đêm thức trắng. Trong căn gác nhỏ, Bác ngồi trên giường thay ghế, vai khoác áo choàng ngắn bên ngọn đèn dầu nhỏ, chăm chú viết trên chiếc bàn gỗ kê sát giường. Sáng Bác dậy rất sớm tập thể dục. Ngày nào Bác cũng vào nội thành Hà Nội để tiếp khách.

Đêm 17 rạng 18 và đêm 18 rạng 19/02/1946, Thường vụ Trung ương mở rộng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước. Và cũng tại đây, Bác đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!" Lời của Bác vang vọng núi sông, mãi mãi đi vào lịch sử, trở thành lời thề bất tử của dân tộc ta.

Tối 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển đến nơi ở mới. Trước khi đi Bác gặp ông Dương: "Hôm đến vì phải giữ bí mật, chưa nói chuyện với gia đình được, hôm nay tôi phải đi, tôi có lời cảm ơn gia đình đã giúp cơ quan nơi ăn ở, làm việc chu đáo. Gia đình có điều kiện nên tích cực ủng hộ kháng chiến". Sau khi hứa vâng lời Bác dạy, ông Dương mạnh dạn hỏi Bác: "Thưa Bác! Pháp nó mạnh như thế, nó có máy bay, xe tăng, đại bác, ta có đánh được nó không ạ?". Bác nói: "Nhất định đánh được, còn lâu hay chóng là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có máy bay, đại bác mạnh đến mấy cũng phải thua. Ta nhất định thắng!".

Trước tình hình chiến sự căng thẳng, Trung ương Đảng đã chỉ thị lực lượng Cảnh vệ đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh sơ tán đến địa điểm mới. Đúng 18 giờ 45 phút ngày 19/12/1946, tổ bảo vệ đưa Người rời Vạn Phúc về xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Tây bằng xe ô tô do đồng chí Phạm Văn Nền lái. Hai cận vệ là Vũ Long Chuẩn (sau này được Bác đặt tên là Vũ Kỳ) và Nguyễn Văn Lý (sau này được Bác đặt tên là Hoàng Hữu Kháng) đã bảo vệ Người và đồng chí Nguyễn Lương Bằng, còn các đồng chí khác đi xe đạp đến tiền trạm trước chuẩn bị mọi mặt cần thiết để đón Người đến địa điểm mới.

Mặc dù công tác bảo vệ được chuẩn bị khá chu đáo, song mỗi khi di chuyển địa điểm. Bác đều nhắc nhở các chiến sĩ cận vệ phải làm tốt công tác bảo mật phòng gian. Người căn dặn: "Phải chú ý từ việc rất nhỏ như khi hút thuốc hoặc ăn bánh lương khô xong phải nhặt hết các mẩu thuốc và giấy hủy đi. Phải cử người đi sau xóa hết dấu vết, phải chú ý không được xáo trộn từng vạt cỏ cành cây".

Địa điểm chuẩn bị đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc là nhà đồng chí Trúc, xã đội trưởng xã Xuân Dương. Để bảo đảm bí mật, việc bố trí lực lượng bảo vệ vòng ngoài được tổ chức hết sức chu đáo. Công tác tuần tra canh gác ngày đêm được tăng cường với lý do phòng gian giữ làng do du kích địa phương đảm nhiệm. Để giữ bí mật tuyệt đối, hàng ngày Người thường xuyên làm việc trong buồng của ngôi nhà gỗ bốn gian của gia đình anh Trúc. Các đồng chí cận vệ, phục vụ, lái xe thành lập một đội lấy tên là: "Đội thanh niên tuyên truyền xung phong". Đội này được Bác giao nhiệm vụ làm công tác dân vận để nắm tình hình xung quanh nơi ở có liên quan đến công tác bảo vệ.

Tình hình chiến sự ngày càng quyết liệt, thực dân Pháp ngày càng trắng trợn tiến hành các cuộc tấn công và càn quét ra các tỉnh lân cận thủ đô Hà Nội. Ngày 13/1/1947, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho lực lượng Cảnh vệ đưa Người chuyển đến địa điểm mới tại xóm Lai Cài, thôn Đa Phúc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ). Người ở và làm việc ở nhà đồng chí Thủ Bạ - Bí thư kiêm Chủ tịch xã. Ngôi nhà của đồng chí Thủ Bạ gồm chín gian bằng tre, ở trên một quả đồi thấp, xung quanh cây cối mọc um tùm che khuất ngôi nhà, từ xa nhìn vào rất khó phát hiện, do vậy rất thuận tiện cho công tác bảo vệ và giữ bí mật. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở đây, Người đã sửa lại các cuốn sách đã viết và các tài liệu đã soạn thảo để cho in và phát hành rộng rãi như cuốn: "Vấn đề du kích", "Chiến thuật du kích", "Binh pháp Tôn tử", "Chính trị viên" và rất nhiều các loại tài liệu khác.

Trong thời gian ở đây, công tác bảo vệ được triển khai chu đáo và chặt chẽ. Lực lượng phục vụ và bảo vệ vòng trong có 15 người. Bảo vệ vòng ngoài do một trung đội tự vệ quốc dân đảm nhiệm luôn được bố trí canh phòng cẩn mật và tuần tra xung quanh khu vực 24/24 giờ trong ngày.

Tối 2/2/1947, sau một thời gian ở Cần Kiệm, Thạch Thất, trước tình hình địch từ Hà Đông tiếp tục đánh chiếm ra vùng nông thôn đến thị xã Sơn Tây, lực lượng Cảnh vệ xin ý kiến của Trung ương di chuyển nơi ở và làm việc của Bác về địa điểm mới, tại Chùa Một Mái, gần chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Để giữ bí mật Người đã chỉ thị: "Vào các buổi sáng và buổi tối hàng ngày, các đồng chí trong cơ quan cần thỉnh chuông, gõ mõ như thường lệ của nhà chùa để tránh sự tò mò của mọi người xung quanh".

Ở và làm việc tại Chùa Thầy đúng một tháng, ngày 03/3/1947, Bác quyết định di chuyển đến địa điểm mới. Địa điểm mới này là nhà ông Hoàng Văn Nguyên (bố vợ đồng chí Đỗ Văn Mô - Phó Bí thư huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Tam Nông) tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Sáng ngày 04/3/1947, tuy đầu xuân nhưng trời lạnh như cắt da, cắt thịt, theo kế hoạch tổ cận vệ vẫn chuẩn bị công việc cho một ngày mới. Tám anh em cận vệ ngồi quây quần bên Bác quanh đống lửa. Bác nhìn mọi người rồi nói với giọng trầm ấm: "Chiến sự đang ngày một lan rộng, các chú phải quân sự hóa mọi sinh hoạt. Đi ô tô không tiện nữa, ai có xe đạp thì sử dụng. Các chú may cho mỗi người một chiếc ba lô để đựng đồ dùng, may cho Bác một chiếc để Bác đựng máy chữ".

Bác thân mật nói tiếp: "Hôm nay, Bác đặt tên cho các chú theo vòng tròn các chú đang ngồi: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi". Đặt xong tên Bác trìu mến hỏi: "Các chú có biết tại sao Bác đặt tên cho các chú như vậy không?". Anh em cảnh vệ chưa hiểu ý Bác, ngồi yên lặng. Bác giải thích: "Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện nay vừa là trước mắt, vừa lâu dài là cùng toàn đảng, toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đến thắng lợi. Vì vậy, Bác đặt tên cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hàng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình".

Đầu tháng Tư, qua nắm tình hình nghi có việt gian, Người quyết định di chuyển ngay sang Tuyên Quang nơi Bác đã ở, làm việc và trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám.

Sau gần 4 tháng trong điều kiện hết sức khó khăn phức tạp, nhưng được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Đảng, lực lượng Cảnh vệ đã bảo vệ an toàn tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển từ Thủ đô Hà Nội ra các tỉnh lân cận và trở lại chiến khu Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam./.

 Nguyễn Đức Quý (tổng hợp)

Bài viết khác: