Cách đây nửa thế kỷ, trước khi “đi xa mãi mãi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc lịch sử. Đó là tài sản tinh thần vô giá - Quốc bảo của dân tộc Việt Nam. Những giá trị trường tồn của Di chúc đang nhắc nhở và thúc giục chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ để xứng tầm với Quốc bảo.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo phát biểu tại hội thảo khoa học: “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”.
Ảnh: TTXVN
1. Nỗ lực thấu hiểu và thấu cảm những lời dặn cuối cùng của Người trong Di chúc
Vào dịp sinh nhật, tháng Năm, năm 1965, đúng 75 tuổi, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc mà Người khiêm nhường chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa. Đó là những lời dặn cuối cùng của Bác đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, được Người chuẩn bị hết sức công phu, tỉ mỉ và chu đáo, kết tinh tư tưởng - đạo đức - phong cách của Người. Di chúc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Người được xếp hạng Bảo vật Quốc gia, là Quốc bảo của Việt Nam thời hiện đại1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn vẹn, toàn vẹn cuộc đời mình tranh đấu, dâng hiến và hy sinh cho Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, nên Người không một chút riêng tư, không màng danh lợi, quyết ở ngoài vòng danh lợi để tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều Người nói: “Tình thương yêu của tôi với đồng bào trong nước, với nhân dân các dân tộc bị áp bức mãi mãi không bao giờ thay đổi”, đã được chứng thực đầy cảm động từ cuộc đời của Người, từ tấm lòng nhân hậu, vị tha và bao dung của một con người mà nhân dân thương mến, bạn bè muôn nơi ngưỡng mộ, cho đến kẻ thù cũng phải nể trọng, kính phục. Con người ấy là Hồ Chí Minh, “tinh hoa và khí phách của dân tộc”2, con người Việt Nam đẹp nhất, con người lý tưởng, chân - thiện - mỹ mà thế giới nhân loại đã tìm thấy ở Người, ở Việt Nam - Tổ quốc và dân tộc của Người, thời đại mang tên Người. Con người ấy, cho đến phút cuối cùng, lúc lâm chung vẫn chỉ nghĩ về dân, hướng tới dân. Người viết trong bức thư để lại, cả cuộc đời làm cách mạng, nay dù phải từ biệt thế giới này, Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng, không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là niềm tiếc nuối cao thượng, lấy phục vụ nhân dân làm lẽ sống, lấy hạnh phúc của dân làm mục đích sống của đời mình.
Di chúc của Bác Hồ, từ bản viết đầu tiên, tháng 5-1965, đến các bản sửa chữa, bổ sung những năm tiếp theo, cho đến lần sửa chữa cuối cùng vào tháng 5-1969 hợp thành một chỉnh thể toàn vẹn nội dung những lời căn dặn của Người. Tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh kết tinh trong bản văn 1.000 từ này nổi bật ở năm vấn đề.
Thứ nhất, khẳng định niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người nhấn mạnh, đó là một điều chắc chắn.
Thứ hai, căn dặn việc phải làm đầu tiên ngay sau khi cách mạng toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam là tập trung chỉnh đốn lại Đảng. Trong Đảng, trước hết phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Phải xứng đáng là một Đảng cầm quyền. Người nhấn mạnh bốn lần chữ “thật” trong một đoạn văn ngắn về Đảng cầm quyền mà cốt lõi là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Thứ ba, đầu tiên là công việc với con người. Đây là một phác thảo toàn bộ chương trình, kế hoạch xây dựng đất nước sau chiến tranh mà trung tâm là chăm lo cuộc sống cho nhân dân, từ “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ, những gia đình có công với nước; giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề và quản lý xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người đặc biệt quan tâm tới thanh niên và phụ nữ. Đảng phải chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và cần thiết. Đào tạo họ về học vấn và kỹ thuật, chính trị và văn hóa, thành lớp người chủ chốt xây dựng đất nước, “vừa hồng, vừa chuyên”. Quan tâm tới sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ và bản thân phụ nữ phải chủ động vươn lên giành lấy quyền bình đẳng. Cuộc cách mạng bình quyền này phải có sự chủ động tham gia của phụ nữ. Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải thường xuyên quan tâm tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, quan tâm tới đồng bào miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Giúp đỡ đồng bào, các tầng lớp xã hội trong chế độ cũ bằng các biện pháp giáo dục và hành chính để tăng cường đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận xã hội với tất cả tấm lòng bao dung, đầy tính nhân đạo.
Phác thảo ấy là tất cả những trù tính, định liệu, lo toan của Người, trước mắt cũng như lâu dài, hiện tại và tương lai, tất cả vì quyền sống, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người hình dung đây là những công việc to lớn, nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang trong tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đó thực sự là một cuộc chiến đấu chống lại những cái cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời, hư hỏng để xây dựng những cái tiến bộ, mới mẻ, tốt tươi. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, phải dựa vào dân, gây dựng phong trào và lực lượng trong dân để dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giá trị to lớn và ý nghĩa sâu xa từ những trù tính chiến lược này của Người là ở chỗ, Người đề cập tới đổi mới, đưa ra một quan niệm về đổi mới như một cuộc cách mạng, kiến tạo phát triển trong tương lai vô cùng tinh tế, sâu sắc. Cũng như vậy, tâm nguyện của Người, điều mong muốn cuối cùng của Người lại chính là quan niệm về chủ nghĩa xã hội Việt Nam mà ngày nay, kế thừa tư tưởng của Người, Đảng ta xác định thành hệ mục tiêu của đổi mới, là đặc trưng tổng quát về xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tính mới, tính hiện đại trong tư tưởng của Người làm nên giá trị trường tồn, sức sống và ý nghĩa của Di chúc.
Thứ tư, Di chúc còn đề cập tới tư tưởng và tình cảm của Người đối với phong trào cộng sản quốc tế, với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên thế giới, trong bối cảnh diễn biến phức tạp bởi những bất đồng về quan điểm và những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ giữa các Đảng, các nước. Đây cũng là những lời căn dặn hệ trọng và xúc động của Người đối với Đảng ta. Người tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cách mạng thế giới bao nhiêu thì Người càng đau lòng bấy nhiêu trước những bất đồng đó. Người căn dặn Đảng ta phải ra sức góp phần củng cố tình đoàn kết quốc tế. Người cũng tin chắc rằng, các Đảng, các nước anh em rồi nhất định sẽ phải đoàn kết lại. Người là hiện thân của tình cảm quốc tế trong sáng, người chiến sĩ cách mạng trung thành với chủ nghĩa quốc tế chân chính xã hội chủ nghĩa và nỗi đau của Người không chỉ là nỗi đau nhân thế ở đời mà còn là nỗi đau đời, sự dằn vặt của trí tuệ và lương tâm thời đại. Đó cũng là sự tỏa sáng tâm hồn cao thượng của Người với tầm vóc vĩ nhân.
Thứ năm, về việc riêng, và đây chính là nỗi niềm của Người, đến phút cuối cùng, trước lúc ra đi vẫn nặng lòng với dân với nước. Người nói rõ, sau khi Người qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Người yêu cầu thi hài Người được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”, sau này, khi đã có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn, nên trở thành phổ biến, như thế đã tốt vì hợp vệ sinh cho người đang sống lại đỡ tốn đất, ruộng của nông dân. Cảm động và cao quý ở đức hy sinh, dấn thân của Người khi sống và tranh đấu cho độc lập tự do, nay, đến lúc ra đi, về cõi vĩnh hằng, lại muốn nằm trong lòng đất Mẹ, về với tự nhiên, hóa thân vào dân tộc, nhân dân, đất nước, ở cả ba miền. Người linh cảm tới việc không chờ được ngày toàn thắng, không gặp được đồng bào miền Nam - miền Nam luôn ở trong trái tim Người. Với Người, mọi miền đất nước đều là quê hương nên Người dặn, tro thì bỏ vào ba hộp sành, cho mỗi miền một hộp, đồng bào mỗi miền tìm một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mộ không cần bia đá tượng đồng, chỉ cần xây một cái nhà đơn giản, thoáng đãng để đồng bào đến thăm thì có chỗ nghỉ ngơi. Người còn dặn trồng cây xung quanh, lâu dần cây tốt thành rừng, vừa đẹp cho phong cảnh vừa lợi cho nông nghiệp.
Đó không chỉ là tư tưởng của Người về môi trường mà còn là nét đẹp tinh tế trong triết lý nhân sinh, trong văn hóa ở đời và làm người mà Người thể hiện qua những lời cảm động, thấm đẫm tình người. Khi sống đã một đời không màng danh lợi, ở ngoài vòng danh lợi, nay dù phải từ biệt thế giới này, Người cũng thanh thản về với thiên nhiên, cây cỏ, đem tất cả tình thương mến cho dân ở mọi miền. Thương dân suốt dặm dài đất nước, Người không muốn dân vất vả trong mỗi lần thăm viếng. Quả thật là, đoạn văn nói về việc riêng, thêm một lần nữa ta cảm nhận sâu xa tình cảm và tâm hồn Hồ Chí Minh - con người với trái tim nhân hậu, với tình thương bao la, nơi có chỗ cho tất cả mọi người, con người của mọi người, con người vì mọi người, cảm thông, chia sẻ với mọi cảnh đời và số phận.
Như thế, bản văn 1.000 từ trong suốt bốn năm Người suy nghĩ, viết và sửa, bổ sung và hoàn thiện đã kết tinh tất cả trí tuệ và tình cảm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đó không chỉ là Quốc bảo mà còn là Pháp bảo của muôn đời.
2. Đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ để xứng tầm với Quốc bảo
Nhớ lại nửa thế kỷ trước đây, trong giờ phút đau thương vĩnh biệt Người, Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đọc 5 lời thề thiêng liêng trước anh linh Người. Nội dung 5 lời thề thiêng liêng đó bao quát những điều cốt yếu nhất trong bản Di chúc 1.000 từ của Bác.
Năm mươi năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã giữ trọn lời thề, ra sức thực hiện Di chúc của Người. Miền Nam đã được giải phóng, Tổ quốc đã thống nhất. Độc lập chủ quyền được giữ vững. Đất nước đã thay da đổi thịt trong xây dựng, tái thiết sau chiến tranh. Đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế vừa qua. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong 10 năm trở lại đây, theo chỉ dẫn của Người, làm cho Đảng thật trong sạch để thật vững mạnh, là một Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là một Đảng lãnh đạo và cầm quyền đã đạt được những chuyển biến tích cực, những kết quả quan trọng. Niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ được giữ vững và phát huy. Uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong xã hội và trong đời sống quốc tế được nâng cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã định hình thành một nhu cầu văn hóa trong Đảng, trong dân, kể cả trong cộng đồng người Việt Nam lao động, sinh sống ở nước ngoài. Qua đó, đã xuất hiện ngày một nhiều những điển hình tiêu biểu, cả tập thể và cá nhân. Sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội rộng lớn từ việc học tập và làm theo Bác đã đem lại sức mạnh, niềm tin mới trong Đảng, trong dân, tạo nên động lực tinh thần mạnh mẽ để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong đổi mới và hội nhập, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, để thỏa lòng mong ước của Người. “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa”3. Đó là tâm nguyện, là hành động của mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, được thúc đẩy và dẫn dắt từ tình thương yêu vô hạn và nguồn sáng vô tận của Người dành cho chúng ta, từ tình cảm và niềm tin của mọi thế hệ người Việt Nam đối với Người.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ để xứng tầm Quốc bảo trong hoàn cảnh, điều kiện mới hiện nay, trước hết, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về giá trị trường tồn và ý nghĩa to lớn của Di chúc cũng như các tác phẩm của Người đã trở thành bảo vật Quốc gia để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức và niềm tin cho mọi thế hệ người Việt Nam. Hơn nữa, chúng ta đang ra sức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì việc tích cực tuyên truyền, giáo dục từ các bảo vật Quốc gia của Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa lâu dài ở tầm chiến lược, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh theo chỉ dẫn của Người. Cần làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc và những cống hiến vô giá của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, trong đó có những cống hiến lý luận đặc sắc của Người vào việc làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin, phương pháp khoa học sáng tạo và bản lĩnh chính trị của Người trong việc bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Để làm rõ điều đó, cần có nhận thức đúng và đầy đủ về di sản Hồ Chí Minh - đó là toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác, là thời đại Hồ Chí Minh như đánh giá của Đảng ta trong điếu văn vĩnh biệt Người. Cũng cần làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có trong các tác phẩm, văn phẩm của Người, mà còn thể hiện và thấm nhuần trong hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú, đa dạng của Người trong hơn sáu thập kỷ, từ lúc đi tìm đường cứu nước tới khi về với thế giới “người hiền”. Có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc di sản và tư tưởng của Người mới có thể “giữ chủ nghĩa cho vững”, “ít lòng tham muốn vật chất”, “ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” như Người đã chỉ dẫn. Cũng từ đó mới có sức mạnh và niềm tin khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng như Đảng ta đã nhấn mạnh.
Di chúc là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Di chúc cũng kết tinh những giá trị cao quý trong các bảo vật Quốc gia của Người, không chỉ là Quốc bảo dẫn đường mà còn là Pháp bảo hành động. Bởi thế, việc giáo dục, tuyên truyền về Di chúc Bác Hồ cần được quan tâm thường xuyên, có những tìm tòi về hình thức, phương pháp sao cho hiệu quả, có tác dụng tốt nhất, gây niềm xúc động lớn lao nhất trong tình cảm, tâm hồn của mỗi chúng ta, trong cán bộ, đảng viên, trong thế hệ trẻ và trong các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, một cách thiết thực nhất mà cũng là quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những chỉ dẫn cụ thể của Người trong Di chúc, sao cho Đảng thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, cầm quyền, thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự là người đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của nhân dân. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Mỗi người hãy ghi nhớ lời Bác dạy: gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất. Một tấm gương sống còn có ý nghĩa hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Ra sức thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng để tạo động lực phát huy dân chủ trong xã hội, để tôn trọng nhân dân và phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, luật pháp của Nhà nước và điều lệ của Đảng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương là không có ngoại lệ, không có vùng cấm; công khai, minh bạch và xử lý nghiêm khắc các vụ án tham nhũng theo pháp luật và phải thu hồi bằng được các tài sản do tham nhũng chiếm đoạt để bảo vệ lợi ích của dân, của xã hội. Từng đồng tiền đóng thuế của dân, từng công sức lao động với mồ hôi nước mắt của dân phải được quản lý chặt chẽ và đem vào phục vụ dân sinh. Làm được như vậy là cách thiết thực nhất để lấy lại niềm tin của dân vốn bị suy giảm bởi sự hoành hành của tham nhũng từ những kẻ thoái hóa biến chất. Đó cũng là cách thiết thực nhất trong thực hiện lời Bác “Trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng ở cương vị nào”.
Thứ ba, quan tâm tới đời sống của nhân dân, nhất là những người nghèo khổ, những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và không ngừng chăm sóc những người có công với nước. Đó là các gia đình và thân nhân các thương binh, liệt sĩ, chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng, tạo môi trường và điều kiện cho thanh niên phát huy tài năng, khởi nghiệp sáng tạo vì sự phồn vinh của Tổ quốc. Đó là những việc làm cụ thể, thiết thực theo lời Bác trong Di chúc “đầu tiên là công việc với con người”.
Thứ tư, 50 năm thực hiện Di chúc của Bác cũng đồng thời kỷ niệm 70 năm Bác viết tác phẩm “Dân vận” rất nổi tiếng (1949 - 2019). Đó thực sự là Cương lĩnh vận động quần chúng làm cách mạng do chính Người khởi thảo. Quan hệ giữa Đảng với dân là một quan hệ máu thịt. Lòng dân là thành trì của cách mạng. Chữ “Dân” là điều tâm niệm, ấp ủ trong suốt cuộc đời của Người, cũng là tư tưởng, tình cảm nổi bật của Người trong Di chúc: tin dân, thương dân và vì dân, nên Người suốt đời gắn bó với dân như sự sống, lẽ sống của Người. Vì vậy, tiếp tục thực hiện Di chúc sao cho xứng tầm Quốc bảo, cần phải ra sức làm tốt công tác dân vận theo đúng phương châm của Người “thật thà nhúng tay vào việc”, “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm” để dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ, dân bảo vệ. Đó là bí quyết của thành công.
Thứ năm, điểm then chốt, mấu chốt của vấn đề là chất lượng cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Thực hiện Di chúc Bác Hồ sao cho xứng tầm Quốc bảo, hãy làm theo lời Bác, coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là công việc gốc của Đảng. Ở thời điểm hệ trọng hiện nay, khi Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, cần phải ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ sao cho những người được chọn lọc vào bộ máy, nhất là ở các cơ quan lãnh đạo phải là những người ưu tú, tinh hoa nhất, những hiền tài, thực đức, thực tài, xứng đáng với niềm tin cậy và sự ủy thác của nhân dân. Đã dựa vào dân để xây dựng Đảng thì càng phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân để chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên. Có như vậy mới có được đội ngũ cán bộ thật sự trung thành, tận tụy, hy sinh vì dân, vì nước, vì Đảng, vì cách mạng.
“Nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, mỗi chúng ta lòng dặn lòng “hãy xứng đáng với Bác hơn nữa”, ra sức thực hiện “điều mong muốn cuối cùng của Người”. Đó là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”4. Tâm nguyện ấy của Người thể hiện những mục tiêu và kết tinh những giá trị của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó cũng là chung đúc tầm cao tư tưởng, đạo đức trong sáng, tâm hồn cao thượng và phong cách giản dị - lão thực - hiền minh5 của bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh. Đó là những việc cần làm, và làm thật tốt hơn nữa để xứng đáng với Bác, góp phần làm cho Di chúc của Người xứng đáng là Quốc bảo.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đức Lâm (st)
1. Năm bảo vật Quốc gia của Hồ Chí Minh, gồm: Đường Kách mệnh; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946); Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ (17-7-1966); Nhật ký trong tù và Di chúc.
2. Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch, Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 93.
3. Sđd, tr. 49.
4. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 624.
5. Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch, Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb CTQG, H.2009, tr. 25, 49, 93.