bai bac bao 1
Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội. 
Ảnh internet

Không ai có thể quên được ngay từ những ngày đầu đi tìm đường cứu nước cứu dân, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã sớm nghĩ đến việc thức tỉnh thanh niên, khêu gợi cho họ ý thức, trách nhiệm đối với Tổ quốc và nhân dân.

Lời cảnh báo của Người “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, ngươi sẽ chết mất nếu đám thanh niên sớm già cỗi của ngươi không mau chóng hồi sinh”. Từ nỗi dằn vặt đau đớn của Người ta thấy hé mở một điều hệ trọng, số phận và tương lai của dân tộc, của nước nhà tùy thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của thanh niên, vào khả năng tự nhận thức của họ về bổn phận và nghĩa vụ đối với Tổ quốc và nhân dân.

Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, cả dân tộc đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ, đang rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc thực dân, việc thức tỉnh thanh niên phải làm cho họ tự thức tỉnh, làm bừng sáng ở họ lương tâm và danh dự, nuôi dưỡng cho họ khát vọng tự do, thúc đẩy họ tới con đường cách mạng. Với những người trẻ tuổi, việc lựa chọn một lẽ sống, định hình một lý tưởng sống, theo đuổi những giá trị đích thực của cuộc sống - đó không chỉ là thế giới quan mà còn là nhân sinh quan, nó quyết định giá trị và ý nghĩa cuộc sống của họ, xác định phẩm giá và nhân cách của họ trong suốt quá trình trưởng thành, sao cho họ vào đời, lập thân, lập nghiệp để “ở đời” và “làm người” một cách xứng đáng nhất. Với mỗi người trẻ tuổi và cả thế hệ thanh niên nói chung, việc giáo dục lý tưởng - ở đây là lý tưởng cách mạng - đối với họ không chỉ là chính trị mà còn là đạo đức và sâu xa là văn hóa, chung đúc cả tri thức khoa học, tình cảm, niềm tin và hành động, biểu hiện thành lối sống, sự ứng xử trong các mối quan hệ: Với tự mình, với người, với công việc, với đoàn thể, rộng hơn là với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân.

Lời thức tỉnh của Nguyễn Ái Quốc không chỉ đánh thức đám thanh niên đã một thời sai đường, chệch hướng mà còn truyền lửa nóng vào trong xã hội, muốn thay đổi hoàn cảnh, thúc đẩy phong trào và gây dựng lực lượng tranh đấu cho tự do, giải phóng cho dân tộc thì phải đặc biệt chú trọng phát huy vai trò và đề cao trách nhiệm của thanh niên. Những thế hệ cách mạng, những tổ chức cách mạng và cả dân tộc phải tạo ra xung lực thúc đẩy thanh niên với điểm tựa là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà đi tới giác ngộ lý tưởng, nhận đường và vững bước trên con đường cách mạng.

Người thanh niên trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh sau này đã nỗ lực hết mình để trở thành người truyền cảm hứng cho thanh niên, công phu đào tạo, giáo dục, rèn luyện họ thành những chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, những hạt giống đầu tiên của phong trào cách mạng Việt Nam từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng ta - Đảng cách mạng chân chính - vào năm 1930. Nhóm thanh niên cộng sản đầu tiên được Người đích thân lựa chọn để huấn luyện, tìm cách đưa sang Liên Xô - quê hương của Cách mạng Tháng Mười, Tổ quốc của Lênin để đào tạo. Từ hồi ấy, Người đã có một niềm tin sâu xa, một hy vọng và kỳ vọng lớn, từ những con chim non cộng sản này rồi sẽ lớn lên và nở ra cả một bầy chim cộng sản đông đảo, mạnh mẽ.

Người thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng là một trong những minh chứng đầu tiên, là kết quả tốt đẹp đầu tiên cho thấy tư tưởng và đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là đúng dắn, là có tầm chiến lược như thế nào.

Câu nói của Lý Tự Trọng và tấm gương hy sinh oanh liệt vì lý tưởng của anh khi mới 17 tuổi, “thanh niên không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng” - con đường đấu tranh cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản - không chỉ thể hiện sự giác ngộ lý tưởng với niềm tin khoa học mà còn là hành động dũng cảm và lòng trung thành với lý tưởng cách mạng của cả một thế hệ thanh niên cộng sản đầu tiên, làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của thanh niên và tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản ở nước ta do chính người thầy lỗi lạc của cách mạng - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đào tạo và sáng lập. Tầm nhìn chiến lược của Người về thanh niên và công tác giáo dục thanh niên là ở đó, ở ngay trong những trù tính, dự liệu của Người trong việc xây dựng lực lượng cách mạng bắt đầu từ thanh niên và tổ chức thanh niên cách mạng - “Thanh niên cộng sản đoàn”.

Ở tầm vóc một lãnh tụ, Nguyễn Ái Quốc với thiên tài trí tuệ, tư tưởng và tổ chức, với sự nhạy cảm, sắc bén về chính trị và cảm quan chính trị xa rộng, Người đã không chỉ sáng lập ra tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản mà còn là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở thống nhất các nhóm cộng sản trong nước. Sự thống nhất, hợp nhất này diễn ra tốt đẹp để giai cấp công nhân Việt Nam, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam có một chính đảng duy nhất lãnh đạo là nhờ uy tín vả ảnh hưởng to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người còn là tác giả đầu tiên của chính cương, sách lược của Đảng, Người còn trực tiếp soạn thảo Điều lệ Đảng và thư kêu gọi quốc dân đồng bào đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ Đảng nhân sự kiện Đảng ra đời. Trong những Văn kiện quan trọng đầu tiên này, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm Mác xít kiên định, phương pháp cách mạng sáng tạo và tầm nhìn chiến lược, nhìn thấu suốt con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là đi tới chủ nghĩa xã hội bằng cách quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam.

Với thiên tài sáng tạo, với tầm nhìn chiến lược của Người, mà Đảng ta ngay từ khi ra đời đã thể hiện rõ tính đặc thù độc đáo của dân tộc trong sự thống nhất với tính phổ biến của thế giới, của quốc tế và thời đại. Điều đó được thể hiện qua hai phát kiến đặc sắc của Người vừa có tầm tư tưởng lý luận vừa có giá trị và ý nghĩa thực tiễn to lớn.

- Phát kiến thứ nhất, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam lại là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản.

- Phát kiến thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không chỉ là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin (chủ nghĩa xã hội khoa học) với phong trào công nhân (như một tất yếu phổ biến của các Đảng Cộng sản trên thế giới) mà còn có sự kết hợp chặt chẽ với phong trào yêu nước của nhân dân và dân tộc Việt Nam.

Từ hai phát kiến này, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy truyền thống gắn bó mật thiết giữa Đảng và Đoàn, và như Đảng ta trong thời kỳ đổi mới đã nhấn mạnh: Xây dựng tổ chức Đoàn lớn mạnh đi trước một bước để thiết thực xây dựng Đảng, giữa Đảng với nhân dân, giữa giai cấp công nhân với dân tộc. Sức mạnh của sự gắn bó đó là đoàn kết, là vai trò lãnh đạo của Đảng, là vai trò to lớn của dân tộc và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Đảng. Uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong nhân dân, trong xã hội làm cho nhân dân tự hào, tin tưởng gọi Đảng là Đảng của mình.

Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác giáo dục thanh niên còn được thể hiện ở những chỉ dẫn quan trọng, cốt yếu của Người về thanh niên, về giáo dục thanh niên, về tổ chức và phương thức hoạt động của Đoàn, của Hội trong những thời kỳ phát triển của cách mạng nước ta. Có thể cảm nhận sâu sắc điều đó không chỉ từ các trước tác, văn phẩm lý luận mà còn qua hoạt động thực tiễn với sự quan tâm chăm sóc, động viên, khích lệ thanh niên và phong trào thanh niên của Người.

- Người thường xuyên nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu việc rèn luyện đạo đức, “tư cách của người cách mệnh”, đức là gốc, phải ra sức thực thành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, như một nhu cầu nội tại của bản thân mỗi người, thành một thói quen như rửa mặt hàng ngày. Thiếu một đức thì không thành người, có đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn. Tự phê bình mình có thành khẩn, thật thà, triệt để thì phê bình người mới đúng đắn, chân thành. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

- Người nhấn mạnh tới tiềm năng và sức sống của tuổi trẻ “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Tuổi trẻ (thanh niên) là niềm tin và hy vọng của cuộc sống, của xã hội.

- Người cũng đặc biệt đề cao, coi trọng phát huy nhiệt tình, ý chí, sức mạnh sáng tạo của thanh niên “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

- Một trong những điều hệ trọng mà Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, yêu cầu thanh niên là phải khiêm tốn, trung thực, không bao giờ được nản lòng, nhụt chí “thắng không kiêu, bại không nản”, suốt đời phải học tập, có chí tiến thủ, có hoài bão, khát vọng làm việc lớn, ích quốc lợi dân. “Tuổi trẻ chỉ có một điều ham: Ham học, ham làm, ham tiến bộ”, “tuổi trẻ chớ có ham làm quan to”, phải có dũng khí và bản lĩnh đánh bại, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm” ở trong lòng, muốn vậy phải suốt đời trau dồi và thực hành đạo đức cách mạng.

- Người căn dặn thanh niên về lẽ sống: “Thanh niên không bao giờ đòi hỏi Tổ quốc đem lại cho mình những gì mà phải luôn luôn tự hỏi: Mình đã làm gì cho Tổ quốc?”. Lời dạy đó của Người đã đi vào bài ca truyền thống của Đoàn.

Từ khi còn trẻ, thanh niên phải tự ý thức, tự xác định cho mình lẽ sống cao thượng, đứng ngoài vòng danh lợi, tuyệt đối không màng danh lợi, coi phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất, là lựa chọn một lối sống cao thượng nhất. Bản thân Người là một tấm gương sống, mẫu mực về điều này.

- Hồ Chí Minh còn dày công giáo dục thanh niên và thế hệ trẻ nước ta, về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, với Tổ quốc và nhân dân, có tình cảm quốc tế thủy chung, trong sáng, ra sức phấn đấu để thực sự là những người chủ của xã hội, là nòng cốt và chủ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, kế tục xứng đáng sự nghiệp của cha anh.

Quan tâm đặc biệt tới thiếu niên, nhi đồng, Người căn dặn thanh niên, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên, sinh viên phải ra sức chăm sóc các em nhỏ, phụ trách đội thiếu niên, đội nhi đồng và thực sự nêu gương cho các em noi theo.

Nhìn rõ xu hướng, triển vọng phát triển của đất nước trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội, Người đặc biệt lưu ý thanh niên phải ra sức học tập, học văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyên môn, nghiệp vụ, học chính trị, học trong nhà trường, trong sách vở, nhất là trong đời sống thực tiễn, trong lao động, gần gũi nhân dân, kính trọng lễ phép với nhân dân… Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học sẽ là nguồn sức mạnh vô tận và thanh niên phải làm chủ khoa học - công nghệ, trở thành người lao động kiểu mới vừa “hồng” vừa “chuyên”, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Kết tinh những chỉ dẫn có tầm nhìn chiến lược đó về thanh niên và giáo dục thanh niên của Người được thể hiện chân thực và cảm động qua bản văn Di chúc 1000 từ mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, trong đó có thanh niên. Di chúc là những lời căn dặn cuối cùng của Người, thể hiện tầm cao tư tưởng, đạo đức trong áng, mẫu mực, phong cách ứng xử vô cùng tinh tế, thấm đẫm chất nhân văn, tình thương bao la và tâm hồn cao thượng của Người. Di chúc nói về thanh niên và giáo dục thanh niên thật cô đọng, sâu sắc và cảm động. Người tin cậy thanh niên, đánh giá thanh niên trên một tinh thần bao dung, nhân ái. Người căn dặn Đảng ta cần quan tâm giáo dục, bồi dưỡng thanh niên vì tương lai, triển vọng lâu dài của chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”1.

Trong Di chúc, Người nêu bật một tư tưởng lớn, có tầm chiến lược “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”2.

Vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế, kết thúc bản Di chúc, Người còn để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng3 (người viết nhấn mạnh).

Di chúc đã trở thành Quốc bảo, là một trong năm tác phẩm tiêu biểu của Người được xếp hạng Bảo vật Quốc gia. Người đạt tới một sự thống nhất hữu cơ, chỉnh thể giữa tư tưởng với đạo đức và phong cách. Người còn là bậc thầy về phương pháp - phương pháp cách mạng, phương pháp làm việc, hoạt động, lãnh đạo, quản lý và nhất là phương pháp ứng xử với tự mình, với người, với việc, với tổ chức, với nhân dân. Do đó, Di chúc không chỉ là Quốc bảo mà còn là Pháp bảo của Đảng, của dân tộc ta.

Thanh niên nước ta, trong đó có thanh niên quân đội và thanh niên công an, lực lượng vũ trang nòng cốt để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ… vô cùng hạnh phúc và tự hào có được những chỉ dẫn, dạy bảo ân cần của Người, sự cổ vũ, động viên và thúc đẩy của Người để sống, chiến đấu, lao động, học tập theo tấm gương sáng của Người. Đất nước đang ở vào thời kỳ phát triển bước ngoặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, trong dòng thác thông tin mãnh liệt của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Để góp phần tích cực nhất vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch để thật vững mạnh, để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tạo ra khí thế và phong trào khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, thanh niên và thế hệ trẻ Việt Nam sẽ ra sức học tập và làm theo Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là nguồn lực mạnh mẽ, là động lực to lớn để tuổi trẻ Việt Nam phát huy trí tuệ, cống hiến tài năng vì một Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng rạng rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh./.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Chú thích:

1. Di chúc, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, 15 Tập, CTQG, H.2011, Tập 15, tr.622.
2. Di chúc, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, 15 Tập, CTQG, H.2011, Tập 15, tr.622.
3. Di chúc, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, 15 Tập, CTQG, H.2011, Tập 15, tr.624.

Bài viết khác: