Những phát triển sáng tạo về lý luận Đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về Đảng Cộng sản - Đảng cách mạng chân chính theo học thuyết Đảng kiểu mới của Lênin và Đảng Cộng sản cầm quyền có một vị trí nổi bật, có vai trò đặc biệt quan trọng. Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Mười năm đầu trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, vào năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, là người đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Lúc đó, Người mới 30 tuổi.
Mười năm sau, năm 1930, ở tuổi 40, Người sáng lập Đảng ta với tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam, đã trực tiếp soạn thảo chính cương, sách lược của Đảng, Điều lệ Đảng và thư gửi quốc dân đồng bào nhân sự kiện Đảng ra đời, kêu gọi đồng bào đoàn kết xung quanh Đảng, đi theo con đường cách mạng mà Đảng vạch ra.
Tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người viết tác phẩm “Đường Cách mệnh” vào năm 1927, đặt nền móng tư tưởng lý luận, đồng thời chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho Đảng ra đời. Tác phẩm quan trọng này được viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga 10 năm, Người đã là một người Mácxít, đã giác ngộ chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu chân lý của thời đại mới dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, năm 1917 và từ thực tiễn xây dựng nước Nga Xô Viết trong buổi đầu áp dụng “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của Lênin. Có mặt ở nước Nga từ năm 1923, được cảm nhận trực tiếp sự hồi sinh của nước Nga nhờ “Chính sách kinh tế mới” nên Nguyễn Ái Quốc ngay từ hồi đó đã trù tính, sau này giành được độc lập, đi vào kiến thiết chế độ mới, nhất định chúng ta phải áp dụng “Tân Kinh tế chính sách” của Lênin. Trước đó, vào năm 1920, lần đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc tác phẩm của Lênin về “Quyền tự quyết của các dân tộc” qua bản tiếng Pháp. Sự kiện này tạo nên bước ngoặt nhận thức trong cuộc hành trình tư tưởng của Người. Sau này, khi hồi tưởng lại, Người đã từng đánh giá, tư tưởng Lênin đã rọi sáng cho Người, giúp Người nhận ra, “đây là cái cẩm nang thần kỳ, là con đường giải phóng cho chúng ta, là con đường cứu sống chúng ta”. Đủ thấy, Lênin có ảnh hưởng lớn lao, sâu sắc như thế nào trong việc định hình tư tưởng cách mạng, đường lối và phương pháp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh sau này. Người đã khẳng định trong “Đường Cách mệnh”, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”1.
Người nhận rõ, “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi (tức là triệt để)… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất (người viết nhấn mạnh). Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư (Mác) và Lênin”2.
Do đó, khi xác định “tư cách của một người cách mệnh”, Người đặc biệt nhấn mạnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và phải “ít lòng tham muốn về vật chất”3. Từ đây, ta có thể nhận rõ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng Mácxít kiên định, suốt đời theo đuổi lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa, suốt đời trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Song Người là một nhà Mác xít sáng tạo chứ không giáo điều. Người trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo, không chỉ vận dụng mà còn phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thực tiễn cách mạng thế giới. Vốn sống và kinh nghiệm mà Người tích lũy được trong 30 năm tìm đường cứu nước (1911 - 1941) với hoạt động thực tiễn phong phú của Người trong phong trào công nhân và lao động ở Châu Âu và phương Tây, cũng như thực tiễn gần 30 năm Nggười trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kể từ khi Người về nước cho đến khi Người qua đời (1941 - 1969)… đã thực sự là trường học vĩ đại - trường học của cuộc sống lao động - học tập và tranh đấu rèn đúc nên cốt cách và bản lĩnh của một nhà cách mạng chân chính, nhà Mác xít hiện đại Hồ Chí Minh.
Cốt cách của Người là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, giữa truyền thống với hiện đại, thấm nhuần sâu sắc tinh thần và yêu cầu của thời đại mà vẫn không xa rời truyền thống, vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc và bản sắc dân tộc Việt Nam. Thế giới và trong nước đều thừa nhận Người là nhà tư tưởng Mác xít hiện đại, mang cốt cách của bậc hiền triết Á Đông và đậm bản sắc Việt Nam.
Bản lĩnh của Người là Mác xít mà không giáo điều, hơn nữa còn là Mác xít mà không biệt phái, bởi Người luôn tìm chân lý từ trong thực tiễn, dùng thực tiễn để kiểm chứng lý luận, từ tổng kết thực tiễn mà phát hiện lý luận mới, xa lạ với thứ lý luận suông, chủ quan và tư biện, cũng đồng thời xa lạ với những thực tiễn phiêu lưu, mù quáng do không có lý luận khoa học dẫn đường lại bị ràng buộc bởi chủ nghĩa kinh nghiệm và mắc chứng bệnh “coi khinh lý luận” của không ít người4.
Người chủ động tiếp thu có chọn lọc, có đầu óc phê phán những tinh hoa văn hóa bên ngoài - cả phương Đông lẫn phương Tây để làm giàu vốn tri thức và văn hóa của mình, nhìn nhận một cách khoa học và biện chứng những nhân tố hợp lý từ những kiến giải ngoài Mác xít để làm phong phú và sâu sắc thêm những tư tưởng Mácxít mà Người đã thâu thái, từ đó làm sống động lý luận Mácxít trong thực tiễn Việt Nam. Năng lực sáng tạo này của Người là một năng lực văn hóa, tiếp biến văn hóa để phát triển trên tinh thần khoan dung văn hóa, nhìn nhận văn hóa là sự thống nhất trong đa dạng, thừa nhận và tôn trọng những khác biệt trong đa dạng và thống nhất. Đó cũng là cốt lõi của dân chủ trong thảo luận, tranh luận để đi tới chân lý, không áp đặt tư tưởng, không độc quyền chân lý. Trên phương diện này, Hồ Chí Minh thực sự mang một bản lĩnh văn hóa, ở tầm vĩ nhân và danh nhân văn hóa.
Để nhận rõ những phát triển sáng tạo về lý luận Đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh phải dựa trên quan niệm như vậy.
Có thể tóm tắt sự phát triển sáng tạo về lý luận Đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh trên những điểm chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, khẳng định sự cần thiết tất yếu của Đảng trong sự nghiệp cách mạng. Đó là Đảng Cộng sản, Đảng cách mạng chân chính (hay Đảng chân chính cách mạng), theo học thuyết Đảng kiểu mới của Lênin. Nếu Đảng là điều kiện tiên quyết của cách mạng thì điều kiện (hay tiền đề) tiên quyết đối với Đảng là phải có lý luận khoa học và cách mạng soi đường. Người dẫn lời Lênin làm đề từ cho tác phẩm “Đường Cách mệnh”: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào được vũ trang bởi lý luận tiên phong thì mới làm tròn được sứ mệnh của Đảng tiên phong.
Người nhấn mạnh, cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”5.
Thứ hai, vạch rõ tính đặc thù của quy luật ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một cách tất yếu, phổ biến, các Đảng Cộng sản trên thế giới ra đời với tư cách là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Với Việt Nam, đây mới chỉ là điều cần mà chưa đủ. Cùng với tính phổ biến, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời còn có tính đặc thù. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam chính là cơ sở lịch sử - xã hội, là yếu tố đặc thù kết hợp với tính phổ biến dẫn tới sự ra đời của Đảng ta. Người đánh giá rằng, việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng, giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Trong tính quy luật đặc thù này, ta thấy rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ mang bản chất giai cấp công nhân, không chỉ có nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin mà Đảng, từ trong bản chất của mình còn thể hiện mối liên hệ mật thiết, không tách rời với dân tộc và nhân dân. Chủ nghĩa yêu nước là giá trị đặc sắc của dân tộc, là sức mạnh, sức sống mãnh liệt của dân tộc. Đó là một trong những cội nguồn không thể thiếu đối với sự ra đời của Đảng và cũng là bảo đảm bền vững cho sức sống của Đảng.
Thứ ba, nêu rõ bản chất và mục đích của Đảng. Đảng ta là một Đảng cách mạng. Đảng ta là một Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu.
Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no, sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ tư, chú trọng đặc biệt nhiệm vụ xây dựng Đảng chân chính cách mạng, nhất là khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền.
Đây là đóng góp quan trọng nổi bật của Hồ Chí Minh vào lý luận Đảng cầm quyền. Theo Hồ Chí Minh, Đảng phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đảng phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Người đòi hỏi Đảng và từng tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên phải nêu cao tính tiền phong và gương mẫu để thực sự là những tấm gương sáng cho quần chúng tin tưởng và noi theo. Muốn vậy Đảng phải nêu cao tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, có sức chiến đấu. Đảng phải tỏ rõ bản lĩnh của một Đảng cách mạng, Đảng chiến đấu, Đảng hành động. Nguyên tắc cốt tử của Đảng là tập trung dân chủ và Người cũng thường nhấn mạnh dân chủ tập trung, bảo đảm lãnh đạo tập thể gắn liền với cá nhân phụ trách. Kỷ luật của Đảng phải thật nghiêm minh, là “một thứ kỷ luật sắt”, thống nhất ý chí và hành động, dựa trên sự tự giác của mỗi đảng viên, nhất là của cán bộ lãnh đạo và tập thể cơ quan lãnh đạo (các cấp ủy và từng cấp ủy viên, từ chi bộ tới Trung ương). Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố sức mạnh của Đảng, sức sống và sức chiến đấu của Đảng. Đây là vấn đề hệ trọng, được Người thường xuyên nhấn mạnh với tính nhất quán triệt để, đến Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân thì thực sự là một sự kết tinh tất cả những gì mà Người hằng quan tâm, đã từng trải nghiệm, tìm tòi lý luận và tổng kết thực tiễn từ hoạt động của Đảng, nhất là từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền.
Một trong những luận điểm quan trọng của Người về Đảng chân chính cách mạng là nói về thái độ và hành động của Đảng trước những khuyết điểm, sai lầm mà Đảng và cán bộ đảng viên có thể mắc phải. Đó là Đảng phải tỏ rõ thái độ dũng cảm và tính phê phán nghiêm túc, trung thực mà sâu xa là trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, đối với cuộc sống của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, một Đảng mà che dấu khuyết điểm sai lầm, không dũng cảm thừa nhận sai lầm, không quyết tâm sửa chữa những sai lầm mắc phải thì sẽ là một Đảng hỏng. Một Đảng biết thừa nhận khuyết điểm, sai lầm, bình tĩnh và sáng suốt phân tích nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh đã dẫn tới những sai lầm, khuyết điểm ấy, kiên quyết sửa chữa khắc phục cho bằng được thì sẽ là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"6. Đây là điển hình cho nguyên tắc và lập trường tính Đảng Cộng sản của Người. Tư tưởng đó của Người mãi mãi còn giá trị và luôn có tính thời sự đối với Đảng ta trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Thứ năm, một phát kiến lý luận đặc sắc của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền là chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là đạo đức cách mạng. Là một nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo đầy bản lĩnh, là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh thực sự có những đóng góp ở tầm phát kiến về lý luận xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền, làm sâu sắc và phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chỉ riêng “12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính” mà Người nêu ra trong “Sửa đổi lối làm việc” từ năm 1947 đã là sự tiếp nối, sự phát triển hợp lô gích những tư tưởng của Người về Đảng trong “Đường Cách mệnh”, năm 1927. Các tác phẩm Người viết cách đây 70 năm như “Đảng ta”, “Cần kiệm liêm chính” và “Dân vận” năm 1949, đủ cho thấy Người đã nhạy cảm và sâu sắc như thế nào khi bàn tới nội dung xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức. Cho đến “Di chúc” (1965 - 1969) và tác phẩm lý luận cuối cùng của Người, được công bố đúng vào dịp sinh nhật Đảng lần thứ 39 (ngày 03/02/1969) “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” thì sự quan tâm của Người về đạo đức trong Đảng càng nổi bật.
Trong hàng ngũ các lãnh tụ cộng sản, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh là người quan tâm nổi bật nhất và có những kiến giải hệ thống nhất về xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền, cũng là người nhấn mạnh nhiều nhất tới vấn đề đạo đức cách mạng của Đảng, của cán bộ đảng viên và xây dựng Đảng về đạo đức, từ đó đề cập tới văn hóa của Đảng, nhất là của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Đến Di chúc mà Người đã công phu sửa chữa, hoàn thiện suốt bốn năm cuối đời (1965 - 1969), Người đã để lại cho Đảng ta cả một hệ thống quan điểm lý luận và phương pháp quý giá về xây dựng Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng, kết tinh cả tư tưởng - đạo đức và phong cách của Người. Có thể nhấn mạnh vào những điểm nổi bật:
Một, phải dựa vào dân mà xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dựa vào dân mà xem xét các Nghị quyết của Đảng, các chủ trương chính sách của Nhà nước, sao cho phù hợp nhất với ý nguyện của dân, thuận lòng dân. Cũng luôn luôn phải dựa vào dân để chấn chỉnh tổ chức, bộ máy, giáo dục và kiểm soát cán bộ.
Hai, phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Ba, tự phê bình và phê bình để củng cố và phát triển sức chiến đấu, sức mạnh của Đảng, có lý, có tình, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Bốn, Đảng là đạo đức, là văn minh. Muốn vậy, phải thật sự tiêu biểu cho đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, thật sự chí công vô tư, kiên quyết đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Năm, suốt đời gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao đức hy sinh, sự gương mẫu, một tấm gương sống còn có giá trị, ý nghĩa hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Đó là những điểm đặc sắc, những đóng góp nổi bật của Hồ Chí Minh về lý luận xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền.
Vận dụng những tư tưởng quý báu đó của Người vào thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, chúng ta cần bảo đảm sự thống nhất hữu cơ, chỉnh thể trong nhận thức và hành động để gắn liền tư tưởng với đạo đức và phong cách, giữa lý luận với thực tiễn và đặc biệt chú trọng thực hành.
Từ đó, phải quán triệt và thể hiện sáng tạo những chỉ dẫn của Người trong công tác lãnh đạo của Đảng: Lãnh đạo một cách khoa học, trên cơ sở khoa học và trình độ khoa học cao. Đảng phải đặc biệt tỏ rõ vai trò tiên phong về lý luận. Lãnh đạo bằng sự gương mẫu, nêu gương. Đây là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp với ý nguyện, lòng dân nhất, có tác dụng thúc đẩy tốt nhất đối với quần chúng. Đó là lãnh đạo bằng sức mạnh của đạo đức cách mạng, đủ sức đẩy lùi, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân để toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng lãnh đạo và cầm quyền một cách dân chủ, nêu cao tính chiến đấu, trên tinh thần tôn trọng pháp luật của nhà nước pháp quyền và Điều lệ Đảng. Chỉ như vậy mới đảm bảo hiệu quả lãnh đạo và uy tín ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong xã hội.
Mấu chốt của vấn đề là cán bộ và tổ chức, đặc biệt là chất lượng thực sự của đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ cấp chiến lược, thực đức, thực tài, thực sự tiêu biểu cho tinh hoa của Đảng và của dân tộc.
Sự hài lòng của người dân, niềm tin của người dân với Đảng, với chế độ là thước đo quan trọng nhất mà Đảng và mọi cán bọo đảng viên trong toàn Đảng vào lúc này phải tự ý thức, phải phấn đấu đạt được trong mỗi việc làm cụ thể, trong công tác và lối sống./.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 Tập, CTQG, H.2011, Tập 2, tr.289.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 2, tr.304.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 2, tr.280.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr.274.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 2, tr.289
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 Tập, CTQG, H.2011, Tập 5, tr.301.