1. Nhận thức

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một trong những nội dung chủ yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, về xây dựng lực lượng cách mạng trong mọi thời kỳ của tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau thuộc về trù tính chiến lược của Người về giải phóng và phát triển, về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó còn là tư tưởng của Người về giáo dục và đào tạo, về đổi mới và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. Đó chính là nguồn nhân lực trẻ.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau còn là nhiệm vụ và trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước và đoàn thể - nói theo ngôn ngữ hiện đại ngày nay, đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Nói tới thế hệ cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới thanh niên và các tổ chức của họ, đó là Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên, Hội sinh viên. Thanh niên chẳng những tự giáo dục và rèn luyện mình mà còn có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, lớp đàn em của mình, lớp măng non của đất nước. Do đó, thanh niên và công tác thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung phong phú và sâu sắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, được thể hiện với những sắc thái khác nhau, từ những phương diện và cấp độ khác nhau. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, nhất là trong Di chúc của Người, chúng ta nhận thấy, Người hiểu biết thấu đáo tâm lý, tư tưởng và tình cảm của họ, thấy rõ ưu điểm thuộc về bản chất và những hạn chế, nhược điểm vốn có của họ. Đây là những hạn chế, nhược điểm dễ nhận thấy ở những người trẻ tuổi đang lớn lên, đang định hình nhân cách, lối sống, tức là đang trưởng thành. Phải làm cho những đặc điểm, những thuộc tính bản chất của thanh niên được bộc lộ và phát huy đồng thời giúp đỡ thanh niên tự nhận thức, tự ý thức được những khiếm khuyết của mình, bằng tác động tinh tế của giáo dục, của văn hóa, nhất là trong ứng xử với thanh niên, làm cho họ tự giác phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, tự tin và tự trọng, có quyết tâm và tín tâm mà hoàn thiện bản thân, đem nhiệt tình, tâm huyết, trí tuệ và tiềm năng sáng tạo của tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Hồ Chí Minh đặt niềm tin và kỳ vọng vào lớp trẻ, bởi Người sớm nhận thấy vai trò của họ trong cuộc sống, trong sản xuất và tranh đấu để thực hành lý tưởng, mục tiêu vĩ đại của cách mạng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Thấu hiểu thanh niên nên Người cũng dành sự thấu cảm chân thành, rất mực thương yêu cho thế hệ trẻ.

Trong “Đường cách mệnh”, Người đặt lên hàng đầu vấn đề đạo đức, tư cách của người cách mệnh. Trong ứng xử “với tự mình”, “với người”, “với việc”, “với tổ chức và đoàn thể”, Người nhấn mạnh các mối quan hệ “với mình phải nghiêm, với người phải rộng lòng khoan thứ”. Sau này, Người còn nói: Phải có lòng độ lượng, độ lượng vĩ đại. Đó là tính khoan dung, sự bao dung thấm nhuần sâu sắc dân chủ và nhân văn - những giá trị đặc sắc trong văn hóa Hồ Chí Minh, trong chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn Hồ Chí Minh.

Người dành những lời đẹp nhất cho thanh niên, “một năm khởi đầu từ mùa Xuân”, “một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Thanh niên là niềm hy vọng của Tổ quốc, là tương lai, triển vọng của dân tộc.

Người nêu cao và tự mình thực hành một triết lý: “Sông sâu bể rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Chỉ sợ mình không có lòng bao dung, nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình”… Người chủ trương đem sức mạnh của giáo dục và tự giáo dục mà cảm hóa, thuyết phục con người, “làm cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa Xuân, cái dở, cái xấu thì mất dần đi”.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và giáo dục thanh niên, cần thấy rõ dụng tâm và công phu của Người trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành một thế hệ cách mạng, trong hiện tại và trong tương lai.

Là một nhà tư tưởng, Người có những luận đề tư tưởng mãi mãi còn giá trị dẫn đường, có ý nghĩa thức tỉnh, khai sáng nhận thức của chúng ta về thanh niên. Sống ở đời, ai cũng một lần trải qua tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng hiểu đúng, đánh giá đúng ý nghĩa tuổi thanh niên, cũng không phải ai cũng đánh giá đúng vị trí, vai trò của họ, càng không phải dễ dàng mà gạt bỏ khỏi mình những định kiến chủ quan trong thái độ và phương pháp ứng xử với thanh niên, thường theo lối áp đặt mà ít để ý đến tâm trạng, nguyện vọng và những đòi hỏi chính đáng của họ, do đó cũng ít có sự cảm thông, chia sẻ, lắng nghe và đối thoại với họ. Một trong những đặc điểm quan trọng của thanh niên là họ rất nhạy cảm với dân chủ, tự do và công bằng trong đối xử và ứng xử. Những hạn chế về dân chủ là những rào cản trong sự hình thành nhân cách của những người trẻ tuổi. Lãnh đạo mà không dân chủ có nguy cơ làm cho những người bị lãnh đạo - ở đây là thanh niên - rơi vào tình trạng “phân thân”, mang một diện mạo không thật, đó là những “giả nhân cách”.

Không tạo ra môi trường xã hội lành mạnh dựa trên sự tôn trọng và tin cậy, bảo đảm cho thanh niên được tự do tư tưởng, nghĩ thật, nói thật, sống thật thì không thể thúc đẩy thanh niên tới những hành động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo. Tự do, theo đúng nghĩa lành mạnh của nó giúp cho thanh niên bộc lộ và phát huy mọi năng lực sáng tạo của mình. Mác - Ăngghen đã nói rất rõ trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848) rằng, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Công bằng là một giá trị xã hội rất cơ bản mà sự nghiệp giải phóng và phát triển con người hướng tới. Đó không chỉ là công bằng trong phân phối lợi ích mà sâu xa là ở chỗ, phải thực hiện công bằng về cơ hội phát triển, nhất là trong đối xử với thanh niên. Hơn ai hết, thế hệ trẻ, con em chúng ta rất nhạy cảm với sự công bằng trong ứng xử. Họ rất dễ bị tổn thương nếu nhận thấy mình không nhận được sự đối xử công bằng, không được tôn trọng và tin cậy. Lòng tự trọng, tự tin, ngay cả tự ái hiểu một cách đúng đắn, lành mạnh là những biểu hiện cần phải có của đạo đức, lương tâm, danh dự mà việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho những người trẻ tuổi phải được hết sức chú trọng. Muốn vậy, những nhà giáo dục, những người lớn phải nêu gương cho lớp trẻ, làm cho họ nảy nở niềm tin và khát vọng trở nên tốt đẹp.

Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà giáo dục kiệt xuất mà Người còn là bậc thầy về phương pháp, đặc biệt là phương pháp giáo dục và phong cách ứng xử văn hóa đối với mọi người, trong đó có thanh niên.

Tự mình nêu gương thực hành về lý luận gắn liền với thực tiễn, về dân chủ, dân vận, về đoàn kết và đại đoàn kết, đặc biệt là thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, cả cuộc đời Người là một tấm gương mẫu mực về những thực hành lớn đó nên Người có sức cảm hóa và thuyết phục rất lớn đối với thanh niên.

Ngay từ buổi đầu của cuộc hành trình tìm đường cứu nước cứu dân, Người đã nhạy cảm biết bao khi chọn thanh niên làm đối tượng đầu tiên để thức tỉnh họ, giác ngộ họ, thúc đẩy họ đến với lý tưởng, tổ chức, giáo dục, huấn luyện họ thành những người cách mạng. Người từng viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, ngươi sẽ chết mất nếu không sớm hồi sinh đám thanh niên chóng già cỗi của ngươi”. Đó là thức tỉnh và cảnh báo vô cùng sâu sắc. Người đã lập ra tổ chức cách mạng đầu tiên là Hội thanh niên cách mạng đồng chí, tổ chức tiền thân của Đảng cách mạng chân chính với một niềm tin “từ những con chim non cộng sản đầu tiên này rồi sẽ nở ra cả một bầy chim cộng sản”.

Bởi tin cậy và thương yêu thanh niên rất mực, với tất cả lòng thành thực mà Người có sức cảm hóa, sức lay động rất sâu vào tâm hồn những người trẻ tuổi. Người từng nói, thành thật là cách tốt nhất để con người đến với nhau, để tin tưởng và hành động. Thanh niên và thế hệ trẻ nói chung, không chỉ ở nước ta, mà tuổi trẻ các dân tộc trên thế giới đều tìm thấy ở Người một kiểu mẫu về lẽ sống, lối sống, một biểu tượng cao quý nhất về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn để ngưỡng mộ, tin theo và noi theo.

Những lời dạy của Người đối với thanh niên mang sức mạnh của chân lý, có sức hút rất sâu từ đạo lý làm người nên được mọi người tiếp nhận và khát khao hành động để thực hiện những lời Người dạy. Một vài ví dụ từ những lời dạy của Người đã trở thành danh ngôn, kim chỉ nam dẫn đường cho tuổi trẻ sống, lao động, học tập, chiến đấu theo tấm gương Hồ Chí Minh.

- Thanh niên không bao giờ đòi hỏi Tổ quốc đem lại cho mình những gì mà phải luôn luôn tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc.

- Tuổi trẻ phải có hoài bão, khát vọng lớn, ý chí lớn, làm những việc lớn ích quốc lợi dân. Tuổi trẻ chớ có ham làm quan to.

- Thanh niên chỉ có một điều ham: Ham học, ham làm, ham tiến bộ. Không ham tiền tài, địa vị, danh vọng, quyền lực.

- Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng.

- Phải yêu nước, thương dân, trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết… Và biết bao những lời đẹp đẽ, cao quý khác, Người dành cho tuổi trẻ.

Kết tinh tất cả những điều đó là ở Di chúc, là những lời căn dặn cuối cùng của Người với Đảng, với Dân, với thế hệ trẻ nước ta. Người đánh giá cao những phẩm chất tốt đẹp của họ và căn dặn Dảng phải ra sức giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo, bồi dưỡng họ thành những người lao động kiểu mới, chủ chốt, vừa hồng vừa chuyên để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và rất cần thiết”. Đó là quy tụ tất cả những lời dạy của Người với thanh niên, với tất cả niềm tin cậy, những lời dặn của Người với dảng ta về việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

2. Hành động

Để thực hiện lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và rất cần thiết”, chúng ta cần tập trung làm tốt những giải pháp chủ yếu sau đây:

- Giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vào lúc này, lời dạy của Bác “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết” càng nổi bật tính thời sự, bức xúc. Chú trọng giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng gắn liền với giáo dục lý tưởng cách mạng, kiên định lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho thanh niên, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với dân, “Trung với Đảng, hiếu với dân” cho các thế hệ chiến sỹ công an và quân đội, cho toàn thể thanh niên để kế tục sự nghiệp vẻ vang của cha anh.

- Ra sức bồi dưỡng tình cảm cách mạng, giữ vững niềm tin với Đảng, với chủ nghĩa xã hội, thực hành đạo đức cần kiệm liêm chính, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, giặc nội xâm nguy hiểm nhất cho cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên. Đó là giáo dục và thực hành lối sống, bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi theo gương Bác.

- Tạo động lực cho thanh niên và thế hệ trẻ nói chung trong học tập, tu dưỡng, phấn đấu, cống hiến tài năng, khởi nghiệp sáng tạo để xây dựng và phát triển đất nước, làm cho nước giàu, dân mạnh.

- Đổi mới thể chế, chính sách và cơ chế để thanh niên phát huy trí tuệ của tuổi trẻ, làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), tạo đột phá phát triển đất nước, xây dựng đội ngũ nhân lực trẻ chất lượng cao, đó là tiềm năng, tiềm lực của quốc gia khởi nghiệp.

- Nêu cao ý thức trách nhiệm của thanh niên với đất nước, xã hội và nhân dân, trước hết là trách nhiệm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nòng cốt trong lao động, sản xuất, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân./.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Bài viết khác: