Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô,
ngày 14-02-1961 - Nguồn: congannghean.vn
Trong bối cảnh lực lượng công an nhân dân (CAND) đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh với nền tảng là nguyên tắc dân chủ, quần chúng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách người cán bộ lãnh đạo
Phong cách lãnh đạo là tổng hợp những phương pháp, biện pháp, cách thức riêng, tiêu biểu mà người lãnh đạo sử dụng để thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Phong cách đó, một mặt, được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất, tri thức, điều kiện chính trị và điều kiện sống của người lãnh đạo; mặt khác, được hình thành, rèn luyện và hoàn thiện trong hoạt động thực tiễn. Do vậy, mỗi nhà lãnh đạo cũng có những phong cách khác nhau với những nét độc đáo, riêng biệt. Trong quá trình lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nguyên tắc dân chủ, quần chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “cách làm việc dân chủ” là yêu cầu hàng đầu mà người cán bộ, nhất là người đứng đầu cần phải có. Quán triệt nguyên tắc dân chủ, quá trình lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên sẽ phát huy được tính sáng tạo, tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân; hơn thế, còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó. Gắn bó với quần chúng, phát huy vai trò của nhân dân và hướng tới vì người dân, nguyên tắc làm việc dân chủ, quần chúng phải được thể hiện trong nội dung và phong cách lãnh đạo thực tế của Đảng, của từng cán bộ, đảng viên với nhân dân, chứ không chỉ trong lời nói, bởi: “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”1. Do vậy, trong công tác lãnh đạo, quản lý cần thực hiện nhất quán các nguyên tắc: Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân, tin vào nhân dân. Đưa mọi vấn đề cho nhân dân thảo luận và dựa vào ý kiến của nhân dân để tìm cách giải quyết, sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta2.
Trong lãnh đạo điều hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên hướng về cơ sở, gần gũi với quần chúng, nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; đồng thời, phải tin yêu, tôn trọng quần chúng, “học hỏi quần chúng”. Người cũng nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phê phán và đấu tranh để khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh, mà “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”3.
Đồng thời, Người luôn yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải “từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình. Người phê bình cán bộ lãnh đạo thiếu quan điểm và tác phong quần chúng: “Là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”4.
Đối với lực lượng CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt và trong các bài nói, bài viết của mình, rất nhiều lần Người bàn về phong cách lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy dựa trên nguyên tắc dân chủ, quần chúng.
Trong thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc (tháng 01-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đối với CAND “Lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh”5. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách người lãnh đạo, chỉ huy trong CAND phải đề cao dân chủ rộng rãi và chỉ như vậy mới thu hút được mọi người tham gia đóng góp ý kiến, thông qua đó mới xây dựng được một tập thể đoàn kết, gắn bó và phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của tập thể. Nhưng Người cũng chỉ rõ, dân chủ phải là dân chủ thực sự, chứ không phải dân chủ hình thức. Muốn có dân chủ thực sự, phải có phê bình và tự phê bình. Nói chuyện tại Trường Trung cấp Công an khóa 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về thực hành dân chủ, phê bình và tự phê bình trong nội bộ công an: “Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để soi mói”6.
Trong phong cách làm việc dân chủ của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND, Người cũng chỉ ra rằng, dân chủ phải đi liền với tập trung, tập trung phải trên nền tảng dân chủ. Tập trung và dân chủ được biểu hiện bởi nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện”7. Mặt khác, dân chủ phải chú ý kỷ luật; thưởng, phạt nghiêm minh. Người nhấn mạnh, trong lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng CAND thì “đối với những người có thành tích, phải khen thưởng; đối với những người mắc sai lầm thì phải phê bình, kiểm thảo giúp họ sửa chữa. Khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức”, thậm chí “đối với những người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh”8.
Không chỉ “dân chủ” trong phong cách làm việc, lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ nói chung và người lãnh đạo, chỉ huy CAND nói riêng phải thật gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của nhân dân để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, không có nhân dân thì công an có đông đến mấy cũng là không đủ. Quần chúng có tin và đi theo Đảng, Nhà nước hay không; Đảng và Nhà nước có hiểu dân hay không, có phát huy được sức mạnh của quần chúng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào phong cách lãnh đạo và năng lực của người cán bộ cách mạng. Bởi theo Người, “lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân. Phải đi đúng đường lối quần chúng”9. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND muốn có phong cách làm việc quần chúng cần thể hiện tốt qua các hành động cụ thể sau:
Dựa vào quần chúng để lãnh đạo, quản lý, nhằm phục vụ lợi ích của quần chúng. Đây là đặc trưng cơ bản, thể hiện bản chất của phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, chỉ có dựa vào lực lượng đông đảo và mạnh mẽ của quần chúng thì cách mạng mới thắng lợi được. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công an không thể tách rời nhân dân, nhiệm vụ của công an chỉ khi có sự giúp sức của nhân dân mới có thể giành được thắng lợi. Người chỉ rõ: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”10. Cặn kẽ hơn, Người giải thích 5 vạn công an thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay; công an làm sao phải có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được; muốn như vậy phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Quan điểm dựa vào dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng lý luận có tính định hướng cho lực lượng CAND trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân sau này: “Vấn đề dựa vào dân, công an phải có thiên la địa võng như trong chiến tranh du kích có thiên la địa võng về quân sự” bởi vì “hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân chăng thành những bức “thiên la địa võng” nên lũ mật thám không sao thoát được”11.
Đoàn kết với nhân dân, làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có thể nói, đây là điểm cốt lõi trong phong cách lãnh đạo, chỉ huy của người cán bộ CAND. Để dựa vào dân, người cán bộ công an cần phải đoàn kết với nhân dân. Muốn vậy, lực lượng CAND phải biết đoàn kết nội bộ, sau đó đoàn kết với nhân dân và đoàn kết với các ngành khác. Hơn thế nữa, Người dạy: “Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình”12. Muốn “dân tin, dân yêu, dân ủng hộ” người cán bộ công an phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, sâu sát với quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”; muốn như vậy, người cán bộ lãnh đạo công an phải biết đi “đường lối quần chúng”, nói cách khác là “phải đi sâu, đi sát đến cơ sở, phải thật sự quan tâm đến đời sống của nhân dân... Phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”13. Ngược lại, công an không đi theo “đường lối quần chúng” là “không gần nhân dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu”14.
Xây dựng phong cách người cán bộ lãnh đạo trong CAND
Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, có thể thấy nguyên tắc dân chủ, quần chúng là nét chủ đạo trong phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND, nguyên tắc này cũng là cốt yếu quan trọng cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Hiện nay, quá trình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới cho công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Đảng, Nhà nước và ngành công an đã nhận thức rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với lực lượng CAND. Để vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng phong cách lãnh đạo, chỉ huy của người cán bộ CAND, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa việc học tập phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn ngành công an. Hiện nay, lực lượng CAND đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCA-X11, ngày 26-10-2016, của Bộ trưởng Bộ Công an “Về tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Đảng ủy Công an Trung ương và cấp ủy công an các cấp cần nhận thức rõ việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc của người cán bộ CAND, đặc biệt là người cán bộ lãnh đạo, quản lý là yêu cầu cấp bách, trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ CAND đủ đức, đủ tài, đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới đặt ra; từ đó thường xuyên quan tâm đến xây dựng phong cách người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên CAND cần thường xuyên trau dồi, tự giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực công tác, chiến đấu. Đây là tiêu chuẩn không thể thiếu trong đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ. Đồng thời, người cán bộ, đảng viên CAND phải đặt sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của mình dưới sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người CAND trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế; quan tâm chăm lo, chú trọng công tác dân vận, luôn yêu dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Người lãnh đạo, chỉ huy CAND phải gương mẫu, đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm và luôn là tấm gương sáng về đạo đức, phong cách làm việc, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên học tập, noi theo; có biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự xuống cấp về đạo đức, phong cách, lối sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, lợi ích nhóm, xa rời nhân dân, quan liêu và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị để cán bộ, chiến sĩ nâng cao hơn nữa năng lực công tác trong tình hình mới.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND. Hoàn thiện xây dựng quy chuẩn, tiêu chí của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược trong công tác, chiến đấu. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, chiến sĩ CAND nói chung và người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nói riêng. Đặc biệt, cần chú ý tập huấn, bồi dưỡng tác phong làm việc, kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy, khả năng ứng xử, giao tiếp trong công việc, công tác dân vận, vận động nhân dân cho cán bộ CAND, nhất là cho bộ phận cán bộ thường xuyên tiếp xúc, làm việc với nhân dân.
Bốn là, thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn ngành, các cuộc vận động, cuộc thi tìm hiểu, các phong trào thi đua về thực hiện phong cách người lãnh đạo, chỉ huy trong CAND theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, trong đó trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Thúc đẩy hơn nữa các phong trào thi đua trong mỗi đơn vị, kịp thời biểu dương và có hình thức khen thưởng đối với các tấm gương tiêu biểu, xuất sắc vì nhân dân phục vụ.
Năm là, thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND. Theo đó, mỗi đơn vị cấp cơ sở cần có sự tổng kết, rút kinh nghiệm định kỳ làm căn cứ cho việc đánh giá, xếp loại. Khen thưởng, biểu dương những tấm gương điển hình xuất sắc gắn với việc phê bình, xử lý những cá nhân làm chưa tốt. Đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công tâm để đưa việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND hiện nay đi vào thực chất hơn và trở thành công việc được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, để giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, lực lượng CAND, đặc biệt là người lãnh đạo, chỉ huy trong CAND có vai trò đặc biệt quan trọng. Người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, vì nhân dân phục vụ, thấm nhuần và tiếp tục thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng với vai trò, chức trách được giao, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
TS. Phạm Ngọc Anh
Học viện An ninh nhân dân
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Tâm Trang (st)
-----------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 501 - 502
2. Nguyễn Trọng Phúc: “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nội dung và phương pháp lãnh đạo của Đảng”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8-10-2015
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 126
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 141
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 312
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 270
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 457 - 458
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, , t. 15, tr. 170; t. 7, tr. 270
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 30
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 270
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 141; t. 7, tr. 53
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 223
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 142; 182 - 183
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 249