gia tri van hoa chinh tri
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn
- Nguồn: baogialai.com.vn

Kể từ ngày bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố đến nay, đất nước ta đã thêm 50 năm phát triển. Chừng ấy thời gian để nhìn lại những giá trị của một bản Di chúc đặc biệt có thể cũng chưa đầy đủ, song đã có đủ cứ liệu để khẳng định rằng, Di chúc chứa đựng những giá trị lâu bền về nhiều phương diện, thể hiện tầm vóc to lớn về trí tuệ, nhân cách cao đẹp của một vĩ nhân, một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa chính trị kiệt xuất

Nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị, lịch sử con người chính trị, chúng ta thấy, trong số các nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa của các dân tộc trên thế giới chỉ có một số ít được tôn vinh, được thừa nhận là lãnh tụ, trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, trở thành danh nhân văn hóa. Và ngay trong số họ, điều đặc biệt là, không phải người nào cũng đồng thời vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là danh nhân văn hóa. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phẩm chất cao quý nhất của con người được hội tụ: Người là anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời là danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Các phẩm chất cao đẹp đó kết tinh ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, chi phối nhận thức, tình cảm và hoạt động của Người. Người trở thành nhà văn hóa chính trị. Người là nhà văn hóa chính trị bởi hành trang của Người trước khi trở thành một lãnh tụ chính trị vĩ đại của dân tộc là hành trang văn hóa. Đó là những giá trị văn hóa được thâu lượm, tích hợp để trở thành một nhân cách lớn qua giáo dục của gia đình, qua tiếp thu truyền thống của quê hương, qua con đường học tập, tự học tập và nhất là qua trải nghiệm trực tiếp của bản thân. Các giá trị văn hóa đó, suy cho cùng, được quy tụ xoay quanh vấn đề con người, quê hương, đất nước mà rộng lớn nhất là nhân loại, hình thành một nhân sinh quan, một thế giới quan vì con người, thôi thúc Người hành động vì con người.

Điều này là thực tế bởi, trong hoàn cảnh, điều kiện của Người, là con quan phó bảng, dù là quan phó bảng thanh liêm vẫn thuận lợi hơn nhiều so với nhiều cá nhân khác cùng thời trong xã hội, song Nguyễn Tất Thành đã không lựa chọn con đường thuần túy vốn là mơ ước của nhiều người, quyết chí ra đi tìm một con đường khác, một mô hình khác để phục vụ đồng bào mình, dù biết rằng con đường đó đầy chông gai. Chính ông Bùi Quang Chiêu, trên chuyến tàu đưa con sang Pháp học, đã hỏi Nguyễn Tất Thành, “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn nghề khác, danh giá hơn”1.

Nguyễn Tất Thành đã đi Pháp, chấp nhận làm chân phụ bếp với tài sản là hai bàn tay với mục tiêu “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”2. Đó là sự khởi đầu cho những bôn ba kéo dài 30 năm và sau đó, người phụ bếp ấy trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Như vậy, hành trang văn hóa mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, là tình yêu thương đồng bào, truyền thống gia đình khi dân tộc bị giày xéo, nô dịch là động lực nâng bước Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước chứ chưa phải là những thôi thúc chính trị của một nhà chính trị. Điều này cũng giải thích vì sao Hồ Chí Minh lại nhanh chóng chấp nhận và đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin như Người đã bộc bạch trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” hay “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, rằng “Lúc đó ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì Tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không hiểu thế nào là Công hội, thế nào là bãi công, thế nào là chính đảng”3.

Với hành trang văn hóa ban đầu ấy, qua thực tiễn hoạt động cách mạng rất phong phú của bản thân, một lần nữa, văn hóa ở Người được phát lộ, nhờ đó Người có thể tích hợp nhiều phẩm chất văn hóa của nhiều cá nhân, nhiều giá trị văn hóa của nhiều dân tộc để hoàn thiện nhân cách văn hóa của chính mình.

Có một sự thật chắc chắn, nhất là sau khi đã trải nghiệm ròng rã mấy chục năm và đã lựa chọn con đường đi cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, để cứu dân, cứu nước, phải tiến hành cách mạng và cách mạng ấy là cách mạng vô sản vì “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Chính Người đã đi đầu trong cuộc cách mạng ấy, mở ra một xu hướng mới cho dân tộc và trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, trở thành một nhà chính trị được tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc.

Điều đặc biệt cần đề cập ở đây là, với một hành trang văn hóa được tích hợp, được làm giàu bởi các giá trị của quê hương, đất nước và nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia hoạt động chính trị và trở thành một nhà văn hóa chính trị. Chính hành trang văn hóa đó đã chi phối nhận thức, tình cảm và cả hành động chính trị của Người. Chúng ta có thể chứng minh điều đó qua vô vàn những sự kiện, vô vàn những suy tư và quyết định chính trị của Người.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là từ động cơ thúc đẩy Người ra đi tìm đường cứu nước. Động cơ ấy chắc chắn không vì mục tiêu “vinh thân phì gia” mà là vì dân, vì nước.

Thứ nữa, trong nhận thức chính trị, nhất là trong các quyết định chính trị, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có dấu ấn sâu đậm của một nhà văn hóa. Chúng ta biết, Người rất yêu chuộng hòa bình và suốt đời phấn đấu vì mục tiêu ấy, vì vậy, lựa chọn con đường đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống các thế lực ngoại xâm là sự lựa chọn cực kỳ khó khăn. Đó là sự lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp hòa bình đã không còn tác dụng. Không những thế, khi lựa chọn công cụ để thực hiện mục tiêu, Người thường lựa chọn giải pháp ít gây hao tổn nhất cho cách mạng, nhất là sinh mạng của đồng bào, đồng chí, thậm chí cả đối với những người thuộc chiến tuyến bên kia.

Ở Người, đức khoan dung - một trong những giá trị trụ cột của văn hóa, được trầm tích, phát lộ không chỉ khi cách mạng thuận lợi mà cả khi cách mạng gặp khó khăn. Vì lẽ đó, chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng khoan thứ với tù binh, với những người một thời chống lại cách mạng. Người phân biệt rạch ròi kẻ chủ mưu và người bị cưỡng bức, phân biệt giữa nhân dân lao động trên toàn thế giới với các thế lực thực dân, đế quốc và chính Người có tình cảm vô cùng chân thành, nồng nàn với những thân phận đau khổ... Người trở thành danh nhân văn hóa kiệt xuất, được nhân loại tôn vinh là nhờ vậy. Bản Di chúc thiêng liêng đã trở thành di sản có giá trị lâu bền cho dân tộc và nhân loại cũng thấm đẫm các giá trị văn hóa, hay có thể nói, các giá trị văn hóa chính trị của một nhà văn hóa chính trị kiệt xuất.

Di chúc - Một tuyệt phẩm văn hóa chính trị

Trải qua 50 năm, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một tuyệt phẩm thu hút được sự quan tâm rộng rãi của giới nghiên cứu, của các nhà hoạt động xã hội trong và ngoài nước. Góc độ tiếp cận có thể khác nhau nhưng điểm thống nhất mà chúng ta nhận thấy được là sự độc đáo của Di chúc không chỉ được ngợi ca trên bình diện văn học, trên bình diện tình cảm thuần túy của một con người trước khi “từ biệt thế giới này để đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Sự ngợi ca không chỉ dừng ở đó và cơ bản không dừng ở đó. Nó vượt xa hơn với phạm vi rộng lớn hơn. Đó là những suy nghĩ, những trăn trở, những đề xuất đạt đến trình độ tư tưởng về kế sách giữ nước và dựng nước có tính lâu bền của một dân tộc, một thể chế chính trị, của một con người có trái tim, tâm hồn mang tính dân tộc và nhân loại sâu sắc, nồng nàn.

Theo lẽ thông thường của một bản di chúc, Di chúc cũng đề cập đến việc riêng của Bác nhưng kỳ lạ thay, nó chỉ vẻn vẹn có 79 chữ và kỳ diệu thay, 79 chữ đó đã vượt qua khuôn khổ của điều mà Bác gọi “là về việc riêng” để trở thành điều suy ngẫm chung, định hướng cho hành động của mọi người với tư cách là con người văn hóa. Rõ ràng, Di chúc chứa đựng nhiều tư tưởng phong phú, đa dạng, có giá trị phổ quát và lâu bền.

Trong bản Di chúc của Bác, ta thấy, đó là một văn bản có tính văn hóa chính trị sâu sắc và mẫu mực, bởi những vấn đề cốt lõi nhất của con người, của cách mạng được đề cập. Các vấn đề ấy được thể hiện trên cơ sở suy nghĩ nghiêm túc, chứa đựng nhiều tư tưởng phong phú, song về phương diện văn hóa chính trị, có thể nêu một số điểm chủ yếu sau đây:

Giá trị văn hóa chính trị thể hiện ngay trong phần đầu của Di chúc. Theo đó, Bác viết rằng, năm nay Người đã ngoài 70 tuổi, “mặc dù vậy, tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt, minh mẫn” song vẫn “để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. Ở đây, giá trị văn hóa chính trị thể hiện ở chỗ, Bác viết Di chúc không chỉ là tâm thư của một con người để dặn dò con cháu trước khi rời xa thế gian mà còn vì để đồng bào cả nước, các đồng chí trong Đảng, bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột. Và đặc biệt là, Người viết Di chúc lúc tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt, minh mẫn. Điều đó cho thấy, sự tâm huyết, trách nhiệm của Bác Hồ về những suy nghĩ của mình, về con người và sự nghiệp cách mạng. Có lẽ, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có đủ tầm vóc, bản lĩnh, đủ trí tuệ, nghị lực và tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ to lớn, cao cả đó.

Sau phần mở đầu, Di chúc đề cập các vấn đề trọng yếu liên quan đến con người đang tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và những vấn đề mà cách mạng cần giải quyết liên quan đến con người. Ngay trong vấn đề đầu tiên, “Trước hết nói về Đảng” cũng thấm đẫm tình cảm đồng chí, tình cảm giữa con người với con người và trách nhiệm của Đảng đối với con người. Bác đề nghị, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu nhau. Như vậy, ngay trong hoạt động chính trị của Đảng, tình cảm giữa con người với nhau cũng trở thành hạt nhân trong nhân sinh quan chính trị của Bác.

Tiếp theo vấn đề về Đảng, Bác đề cập đến các vấn đề về thanh niên, nông dân, phụ nữ, các cháu thiếu niên và nhi đồng… Trong tư tưởng chính trị của Người, kế sách để bảo vệ và phát triển đất nước đều được đề cập trên cơ sở những hạt nhân của chủ nghĩa nhân đạo - vì con người.

Trong bản thảo bổ sung Di chúc được viết vào tháng 5-1968, Người đề nghị, sau khi chiến tranh kết thúc, ngoài việc phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh là công việc chỉnh đốn Đảng “nhằm làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Khía cạnh cần đặc biệt quan tâm ở đây là, mặc dù Bác Hồ đề cập đến vấn đề của đảng chính trị, nhưng nội dung văn hóa là cốt lõi. Nội dung đó, sinh thời là sợi chỉ đỏ xuyên qua các tư tưởng chính trị của Người, biểu hiện thông qua việc lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, tự nguyện trở thành người cộng sản, qua những phẩm chất chính trị, đạo đức mà người theo đuổi và giáo dục cán bộ cách mạng phấn đấu noi theo. Đó là các giá trị tiêu biểu, như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là công bộc của nhân dân… mà chính Người đã có lần bộc bạch: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng mệnh của quốc dân mà ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”4.

Tư tưởng trên đây của Bác Hồ rất đặc biệt và nhất quán. Trong đó, khi nói về việc riêng, thái độ của Người là vô cùng thanh thản. Phải chăng đó là thái độ của một bậc trí túc để có thể dự liệu về những gì sẽ đến phía trước. Về việc riêng, Người đề nghị: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Với việc riêng là vậy, song khi nói về việc chung, việc của con người, Bác lại rất nghiêm cẩn và chi tiết. Bác Hồ luôn quan tâm đến những con người trong các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau đã trực tiếp hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, gợi ý về phương thức, biện pháp nhằm tiếp tục động viên, tổ chức các lực lượng ấy trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Có thể nói, Di chúc là bức tâm thư của một nhà văn hóa chính trị lỗi lạc mà ngôn từ và tư tưởng của nó đã vượt khỏi khuôn khổ của một tư duy chính trị thuần túy, đạt đến tầm phổ quát của chủ nghĩa nhân đạo hiện đại. Đó là sự tích hợp, sự vượt gộp các giá trị văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống vốn được nuôi dưỡng bởi tư tưởng trọng dân, thân dân và các giá trị nhân đạo của nhân loại. Đúng như ông Mô-đa-gát A-mét (Modagat Ahmet), Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của UNESCO tại Hội thảo quốc tế được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3-1990, với chủ đề “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn” đã khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng ra khỏi trái đất này5.

Kể từ ngày bản Di chúc lịch sử của Bác Hồ được công bố, đất nước ta đã có những bước tiến dài trong hành trình phát triển. Theo tâm nguyện của Bác, Đảng ta và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực to lớn, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không chỉ chúng ta đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, thu giang sơn về một mối mà trong sự nghiệp đổi mới còn đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều quan ngại là, đâu đó trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các giá trị văn hóa chính trị của cách mạng, các giá trị văn hóa chính trị trong Di chúc của Bác đã phai nhạt ở một bộ phận. Tư tưởng vì con người, vì dân tộc và nhân loại, tư tưởng vì dân, trọng dân, thương dân, dưỡng dân của Bác có lúc, có chỗ bị lãng quên. Vì vậy, nhớ ơn Bác Hồ một cách thiết thực nhất là tự thanh lọc tâm hồn, nâng cao trí lực và hành động theo tấm gương và nhân cách Hồ Chí Minh./.

Hồ Trọng Hoài
PGS, TS. Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Tâm Trang (st)

------------

1. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1972, tr. 11
2. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 14
3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 30
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 4, tr. 161 - 162
5. UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam: Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr. 22

Bài viết khác: